Áp phe nào đã được ‘ghi nhớ’ trong chuyến công du Hà Nội của Tổng thống Hoa Kỳ ?
Nguyễn Huỳnh, VNTB, 13/09/2023
Công khai trên truyền thông nhà nước Việt Nam, dường như chỉ có bản ghi nhớ về việc Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam sẽ mua 50 máy bay Boeing 737 MAX với trị giá 10 tỷ USD.
Hãng Amkor Technology có trụ sở tại Arizona có kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 1,6 tỷ đô la ở tỉnh Bắc Ninh.
Khá bất ngờ là trong ngày còn lại ở Hà Nội, phái đoàn của Tổng thống Hoa Kỳ chỉ ký một hợp đồng ghi nhớ việc chào bán 50 máy bay Boeing 737 MAX cho Vietnam Airlines. Điều này là khác biệt đáng kể so với con số 2 bản ghi nhớ mà Tổng thống Biden đã loan báo tại Hội nghị bàn tròn với các CEO ở Hà Nội hôm 11-9-2023.
Tin tức về các hoạt động song phương Mỹ – Việt trong ngày cuối này của chuyến công du cho thấy hầu hết là những nghi thức gặp gỡ ngoại giao và không có một hợp đồng cụ thể nào được ký kết.
Về lý thuyết, Bản ghi nhớ (tiếng Anh : Memorandum of Understanding, viết tắt tiếng Anh : MoU) là một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều người không có cam kết pháp lý. Đôi khi, hai hoặc nhiều người không thể đồng ý về loại thỏa thuận mà họ muốn, vì vậy họ tạo ra một MoU.
MoU có thể trở thành văn bản pháp lý nếu đáp ứng các điều kiện cụ thể sau : Các bên tham gia giao ước cần rõ ràng ; Mục đích và nội dung của bản cam kết cần được công nhận ; Các điều khoản của giao ước được xác nhận bởi các bên liên quan ; Có đầy đủ chữ ký của các bên liên quan.
MoU là một tài liệu đưa ra các kỳ vọng đã được thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều người hoặc tổ chức. Đó không phải là một thỏa thuận ràng buộc, bởi vì không bên nào muốn gặp bất kỳ rắc rối pháp lý nào nếu mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch và nó không liên quan đến việc trao đổi tiền.
Một cách diễn giải khác lạc quan hơn, MoU là một thỏa thuận giữa hai công ty không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng có thể dẫn đến một hợp đồng trong tương lai. Đây là một tài liệu không chính thức đặt nền tảng cho một thỏa thuận có thể có trong tương lai.
Bước tiếp theo sau MoU là hai bên cố gắng đạt được thỏa thuận để có thể cùng nhau đạt được mục tiêu. Thỏa thuận này sẽ giải thích những gì mỗi bên mong đợi từ bên kia, và cũng sẽ đặt ra các quy tắc cơ bản cho mối quan hệ công việc.
Sau khi thỏa thuận được hoàn tất, cả hai bên có thể ký hợp đồng nêu chi tiết các chi tiết cụ thể của thỏa thuận. Nếu có bất kỳ thay đổi nào đối với thỏa thuận, cả hai bên cần phải đồng ý trước khi chúng có hiệu lực. Nếu có bất kỳ tranh chấp nào về các thay đổi, chúng có thể được giải quyết trong một hợp đồng nêu chi tiết các thay đổi.
Về nguyên tắc chung trong làm ăn, thỏa thuận sẽ ràng buộc về mặt pháp lý và nếu có tranh chấp, luật pháp sẽ quyết định phải làm gì. Và điều này còn được giải thích là nếu ai đó liên quan đến tranh chấp không muốn ra tòa, họ có thể ký một "bản ghi nhớ" (MoU). Đây chỉ là một cách để làm cho các bên cảm thấy thoải mái hơn trong việc tiếp tục các hợp đồng sau này.
Trong cụ thể bản ghi nhớ giữa Vietnam Airlines và Boeing cho thấy đó chỉ là phản ánh sự hiểu biết ngoại giao và tư duy sáng tạo của các bên liên quan.
Có một thông tin mà diễn văn của Tổng thống Biden trong gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị bàn tròn với các CEO, đã nêu về MoU trong lãnh vực chất bán dẫn, song gần như không thấy tin tức này loan trên truyền thông của nhà nước Việt Nam.
Một thông tin từ Tòa Bạch Ốc cho biết, Mou về lãnh vực bán dẫn nêu trên đó là kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 1,6 tỷ đô la ở tỉnh Bắc Ninh của hãng Amkor Technology có trụ sở tại Arizona.
"Chúng tôi – chúng tôi đang củng cố chuỗi cung ứng của mình, bao gồm cả thông qua một bản ghi nhớ hợp tác bán dẫn mới mà chúng tôi đã ký ngày hôm nay. Chúng tôi đang tăng cường hợp tác về các công nghệ quan trọng như điện toán đám mây, viễn thông và trí tuệ nhân tạo – những lĩnh vực mà chúng tôi nên theo dõi thật cẩn thận, tôi có thể nói thêm một lần nữa.
Và cùng nhau, chúng tôi đang nâng cao năng lực con người của mình để biến những điều này thành hiện thực, bao gồm triển khai các chương trình mới giúp Việt Nam hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học, tăng cường lực lượng lao động STEM và nắm bắt nền kinh tế kỹ thuật số" – trích diễn văn được chuyển ngữ của Tổng thống Biden tại Hội nghị bàn tròn với các CEO ở Hà Nội hôm 11-9-2023.
Nguyễn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 13/09/2023
***************************
Những ai bị thiệt hại khi Việt-Mỹ nâng cấp quan hệ ?
VOA, 13/09/2023
Hoa Kỳ và Việt Nam hôm 10/9 đã đồng ý nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện trong một bước đi lịch sử giữa hai nước cựu thù, mở đường cho các thỏa thuận kinh doanh và đầu tư mới. Nhưng có kẻ được thì cũng phải có người mất.
Hãng sản xuất máy bay Boeing là một trong những bên được hưởng lợi khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ
Các quốc gia, công ty và tổ chức dưới đây dường như không được hưởng lợi từ mối quan hệ gần gũi hơn giữa Washington và Hà Nội :
Trung Quốc
Việt Nam cẩn thận nhấn mạnh rằng mối quan hệ được nâng cấp với Washington sẽ không ảnh hưởng quan hệ của họ với Bắc Kinh, vì sợ hậu quả từ phía Trung Quốc. Nhưng việc đưa Washington lên thành đối tác ngang hàng với Bắc Kinh trong thang bậc ngoại giao của Việt Nam chắc chắn sẽ có tác động đến Trung Quốc.
Bắc Kinh có thể mất các thỏa thuận làm ăn, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn, vì Washington đã cam kết thúc đẩy ngành bán dẫn của Việt Nam với mục tiêu rõ ràng là giảm các rủi ro dính đến Trung Quốc.
"Trung Quốc tin rằng sự phát triển quan hệ song phương giữa các nước không thể nhằm vào nước thứ ba", bà Mao Ninh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hôm 11/9 và kêu gọi Mỹ ‘từ bỏ bá quyền và tư duy Chiến tranh Lạnh’.
Airbus
Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đã thỏa thuận bán 50 máy bay 737 MAX cho hãng hàng không quốc gia Việt Nam là Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines hiện đang vận hành máy bay chở khách thân hẹp của Airbus, đối thủ trực tiếp của Boeing.
Thỏa thuận này trong ngành hàng không dân dụng được xem là ‘lật kèo’ – nghĩa là khi Boeing hay Airbus giành được khách hàng từ phía đối phương, nhất là trong phân khúc máy bay thân hẹp cực kỳ cạnh tranh.
Những vụ lật kèo như vậy là tương đối hiếm vì chi phí cao trong việc đào tạo lại cho phi công và mua phụ tùng thay thế, cũng như sự phức tạp của việc chuyển sang đội bay mới.
"Chúng tôi không bình luận về quyết định không liên quan đến Airbus", phát ngôn nhân của Airbus cho biết. "Tuy nhiên, Vietnam Airlines là khách hàng quan trọng và chúng tôi mong muốn xây dựng hơn nữa mối quan hệ đối tác lâu dài giữa chúng tôi với họ".
Nhân quyền
Thông tin được Nhà Trắng công bố trong chuyến thăm của ông Biden có hơn 2.600 từ. Nội dung về nhân quyền chỉ có 112 từ, bao gồm tiêu đề phụ.
"Chính quyền Biden rõ ràng đang gạt qua vấn đề nhân quyền để thúc đẩy quan hệ đối tác với các chính phủ mà họ coi là quan trọng về mặt chiến lược", Carolyn Nash, giám đốc Châu Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết Việt Nam đang giam giữ ít nhất 159 tù nhân chính trị và ít nhất 22 người khác đang bị giam giữ chờ ngày xét xử ở tòa án do Đảng Cộng sản kiểm soát.
Hai nước đã nhất trí ‘đẩy mạnh cam kết đối thoại có ý nghĩa’.
Malaysia và Ấn Độ
Washington đã đồng ý hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành công nghiệp chip và trí tuệ nhân tạo của Việt Nam, công bố các khoản đầu tư mới từ các công ty Mỹ, bao gồm một nhà máy sản xuất chất bán dẫn trị giá 1,6 tỷ đô la do Amkor xây, và quan hệ đối tác giữa hãng trí tuệ nhân tạo khổng lồ của Mỹ là Nvidia với Microsoft và các công ty Việt Nam.
Điều đó có thể ảnh hưởng đến Malaysia và Ấn Độ, hai đối thủ hàng đầu của Việt Nam trong số các quốc gia Châu Á mới nổi về chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
AES và Siemens
Trong số các thỏa thuận được Nhà Trắng công bố có sự hợp tác giữa công ty năng lượng mặt trời AMI và tập đoàn Honeywell của Mỹ để ra mắt ‘hệ thống lưu trữ năng lượng pin đầu tiên của Việt Nam’.
Điều đó có thể làm Fluence không vui. Đây là công ty niêm yết trên thị trường Nasdaq có công ty mẹ là tập đoàn năng lượng AES của Mỹ và Siemens của Đức vốn đang sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng pin tại Việt Nam thông qua một nhà cung cấp để xuất khẩu.
Nguồn : VOA, 13/09/2023
************************
"Đầu tư và Đổi mới sáng tạo" trong tình hình mới
Hàn Lam, VNTB, 12/09/22
Hội nghị cấp cao Việt Nam – Mỹ về Đầu tư và Đổi mới sáng tạo được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động trong chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến 11/9 của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Định hướng của Việt Nam trong giai đoạn tới là thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Theo thông cáo báo chí, định hướng của Việt Nam trong giai đoạn tới là thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Theo đó, ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng, hoạt động nghiên cứu và phát triển,… Đây cũng là những lĩnh vực mà Mỹ có tiềm năng và thế mạnh. Hợp tác giữa hai nước trong những lĩnh vực này có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau để hai bên cùng phát triển.
Xem ra trong cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của tác giả Nguyễn Phú Trọng nếu có lần tái bản thì cần tu chỉnh các kiến thức mang tính hàn lâm mà tác giả đã ‘sáng tạo’.
Bàn về nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, theo tác giả Nguyễn Phú Trọng thì hai giải pháp đầu tiên mà ông đề cập trong cuốn sách là : (i) đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức ; và (ii) phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các nhà lý luận Đảng đã khen ngợi hai giải pháp đầu tiên này của tác giả, đại khái rằng, "Việc khẳng định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, thêm một lần nữa chúng ta tuyên ngôn với thế giới về một mô hình kinh tế thị trường được tiếp thu, kế thừa các giá trị của các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới, tôn trọng những quy luật và nguyên tắc chung của kinh tế thị trường nhưng mang bản sắc Việt, phù hợp với lịch sử phát triển cũng như hiện trạng nền kinh tế, phù hợp với con đường mà dân tộc Việt Nam đã lựa chọn để hướng tới…".
Những sáo ngữ tụng ca đầy khó hiểu trong ngợi ca – kiểu như, "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là một phiên bản "không đầy đủ" của kinh tế thị trường, mà hơn thế, là một kiểu kinh tế thị trường mới, là một mô hình tiến bộ, thể hiện rõ ở mục tiêu hướng tới, là "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", nếu đặt trong nội dung của Hội nghị cấp cao Việt Nam – Mỹ về Đầu tư và Đổi mới sáng tạo được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động trong chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến 11/9 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, sẽ thành… lạc lõng vì tính phi hiện thực.
Dài dòng với những viện dẫn cụ thể như trên cho thấy nếu đặt trong nội dung "Đầu tư và Đổi mới sáng tạo" kèm việc đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường với Việt Nam xem ra các lý thuyết trong cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" giờ đây chỉ còn ý nghĩa của tài liệu tham khảo cho một thời kiên trì đeo đuổi "định hướng xã hội chủ nghĩa" với nền kinh tế.
"Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là "nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo ; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", tác giả Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy trong cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" đang được làm tài liệu học tập ở hệ thống trường chính trị.
Có lẽ nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chuẩn bị sang một chương ‘lý thuyết’ mới kể từ sau ngày 11-9-2023.
Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 12/09/2023