Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/02/2024

Biển Đông : Việt Nam cần một chiến lược dài hạn

Hoàng Việt - RFA tiếng Việt

Biển Đông sẽ còn nóng hơn trong năm 2024 : Việt Nam cần một chiến lược dài hạn

Hoàng Việt, RFA, 23/02/2024

2023 là năm cả Philippines và Việt Nam đều chịu áp lực căng thẳng trên Biển Đông từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, Philippines bị áp lực lớn hơn và công bố trên truyền thông rộng rãi hơn. Việt Nam gánh áp lực nhẹ hơn và không phổ biến rộng rãi các hành vi của Trung Quốc. Tuy nhiên, sang đầu năm 2024, Việt Nam lại chịu áp lực nhiều hơn từ Trung Quốc. Việt Nam vẫn chọn cách giảm nhẹ tiếng nói trên truyền thông. Vậy với những diễn biến xung quanh khu vực như kết quả bầu cử Đài Loan, Philippines muốn giành lại bãi cạn Scarcobough, xây đảo trên bãi Cỏ Mây, liệu Biển Đông năm 2024 sẽ ra sao ? RFA phỏng vấn nhà nghiên cứu Hoàng Việt về vấn đề này. 

bd1

Một thuyền kiểm tra nhỏ của Lực lượng Cảnh sát biển Hoa Kỳ Stratton (WMSL 752) triển khai bên cạnh tàu Cảnh sát biển Philippines Melchora Aquino trong cuộc diễn tập giữa Cảnh sát biển Philippines, Hoa Kỳ và Nhật Bản ngoài khơi vùng biển ở tỉnh Bataan, Philippines, ngày 6/6/2023, nhằm thực thi pháp luật hàng hải và an ninh hàng hải. (Ảnh AP/Aaron Favila)

RFA : Dư luận trong nước có ý kiến nói Việt Nam quản lý xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông tốt hơn Philippines. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này ?

Hoàng Việt : Đối với câu hỏi Việt Nam và Phillipines ai quản lý xung đột với Trung Quốc tốt hơn thì cho đến nay thì chưa thể nói được. Vâng nếu mà chỉ tính trong năm 2023 thì chưa thể nói được về quản lý xung đột. Xét lâu dài hơn thì rõ ràng Philipines đã bộc lộ một số thiếu sót. Đối với bãi cạn Scaborough, trong khi Philippines đang kiểm soát ở trên thực tế thì năm 2012, Trung Quốc đã thay thế Philippines giành được quyền kiểm soát này thì đó là một thất bại của Philippines. Điều này không thể chối cãi được. Thứ hai là với con tàu trên bãi Cỏ Mây thì Philippines đã cắm nó trên đó từ năm 1999 mà không tìm cách để xây dựng một chỗ đứng bền vững thì đó cũng là một cái thất bại. Để đến bây giờ, Philippines muốn làm thì khó khăn hơn nhiều so với nếu nước này làm từ khoảng 20 năm trước. Tóm lại nếu xét lâu dài thì rõ ràng Philippines có nhiều hạn chế. 

Nếu chỉ đánh giá trong năm 2023 thì nó chưa đầy đủ, chưa thể nói được là Việt Nam hay là Philippines đã giành được ưu thế hơn. Vì sao ? Vì chúng ta sẽ thấy rằng là Phillipines và Việt Nam mỗi quốc gia có một cái phương cách khác nhau. 

Phillipines thì sẽ dựa vào đồng minh của mình và Hoa Kỳ. Còn với Việt Nam thì khác. Thứ nhất là Việt Nam không phải là đồng minh của Hoa Kỳ. Và Việt Nam cũng không phải là đồng minh quân sự của Hoa Kỳ. Việt Nam có chính sách bốn không trong quốc phòng cho nên Việt Nam không thể liên minh được với Hoa Kỳ. Và vì thế Việt Nam cũng không trông cậy được vào đồng minh Hoa Kỳ. Và Việt Nam chọn cái cách là balance, tức là cấn bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm 2023 chúng ta còn nhớ là tháng 9 thì tổng thống Biden đã sang Việt Nam và hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Nhưng mà tháng 12 thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sang thăm Việt Nam và hai bên cũng nâng cấp mức độ quan hệ cao hơn. Đấy là cách của Việt Nam làm là cân bằng giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ.

Philippines trong nhiệm kỳ của tổng thống Marcus đang chọn cách dựa vào đồng minh Hoa Kỳ nhiều hơn. Nhưng cho đến nay thì cũng chưa nói được là Việt Nam và Philippines, rồi đây bên nào sẽ sẽ có ưu thế hơn. 

Chúng ta phải đợi tiếp xem là liệu Philippines có rất là dành lại được quyền kiểm soát trên bãi cạn Scaborough hay không, có xây dựng được đảo trên bãi Cỏ Mây hay không. Nếu làm được thì Philippines thành công. 

Rõ ràng là Việt Nam sử dụng chính sách âm thầm hành động đúng thời điểm, ví dụ như xây dựng đảo và tăng cường lực lượng ở Trường Sa, rồi dùng chính sách cân bằng thì khiến cho Trung Quốc cũng không có những thay đổi quá căng thẳng với Việt Nam. Mặc dù không phải là Việt Nam không có căng thẳng. Ví dụ như năm 2023, khi Trung Quốc tăng cường sức ép với Việt Nam, trong suốt một thời gian đầu, báo chí Việt Nam không hề nói tới. Nhưng nếu một lúc mà phía Việt Nam chịu không nổi thì Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã phải nâng tiếng yêu cầu là tàu thăm dò của Trung Quốc phải rời khỏi cái vùng đặc quyền kinh tế của mình. Đến tháng 6, sau 28 ngày thì cái tàu này của Trung Quốc mới rời khỏi khu vực. 

Nói chung, chưa thể nói được là quốc gia nào sẽ thành công hơn quốc gia nào. Chúng ta phải chờ đợi, phải xem các bên có đạt được mục đích của mình hay không. Bên nào đạt được mục đích thì bên đó thành công. Mà có sự thành công thì mới so sánh được bên nào đúng. 

RFA : Có ý kiến cho rằng việc ông Lại Thanh Đức, một người có xu hướng độc lập với Trung Quốc, đắc cử tổng thống Đài Loan có thể khiến tình hình eo biển Đài Loan căng thẳng hơn trong năm 2024. Theo ông, nếu eo biển Đài Loan căng thẳng hơn thì Biển Đông sẽ dịu bớt hay căng thẳng hơn ? Tại sao Trung Quốc lại tăng cường áp lực lên Philippines năm 2023 trên Biển Đông ? Hai điểm nóng này có gì khác nhau không ?

Hoàng Việt : Theo tôi thì trong năm 2024 cả eo biển Đài Loan và Biển Đông đều căng thẳng. Rõ ràng việc ông Lại Thanh Đức, vốn là phó tổng thống của bà Thái Văn Anh lên làm tổng thống thì đó là điều Trung Quốc không mong muốn. Các chuyên gia đều dự báo tình hình eo biển Đài Loan sẽ tiếp tục căng thẳng. 

Câu chuyện căng thẳng trên eo biển Đài Loan thì nó có liên quan gì đến Biển Đông hay không thì chúng ta biết là cả Đài Loan và Biển Đông đều là nằm trong khu vực cạnh tranh quyết liệt của hai cường quốc, Mỹ và Trung Quốc. Nếu không có Mỹ thì Đài Loan khó tồn tại trước sức đe dọa của Trung Quốc. Đối với câu chuyện của Biển Đông thì đặc biệt là căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc sẽ tiếp tục trong năm 2024 khi mà Philippines tìm cách giành lại quyền kiểm soát đối với bãi cạn Scaborough và xây đảo trên bãi Cỏ Mây. Philippines dựa vào đồng minh Hoa Kỳ cho nên là đây cũng là một chiến trường cho cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, trong năm 2024, cả khu vực Biển Đông và Đài Loan sẽ tiếp tục căng thẳng. 

Còn trong năm 2023, quan hệ Philippines và Trung Quốc trở nên rất căng thẳng trên biển Đông và cho đến nay vẫn chưa chấm dứt, đặc biệt là khu vực bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough. Đó là hai địa điểm căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc. 

Nguyên do thứ nhất là Philippines đã đặt một con tàu cũ trên bãi Cỏ Mây từ năm 1999. Con tàu này càng ngày càng cũ đi, có khả năng sụp đổ bất cứ lúc nào. Vì vậy, Philippines một mặt vừa muốn tiếp tế cho những binh sĩ ở trên con tàu đó và mặt khác muốn gia cố lại nó. Thậm chí Philippines tuyên bố là sẽ tìm cách xây đảo ở trên bãi Cỏ May này. Điều này thì chắc chắn là Trung Quốc sẽ không muốn. 

Năm 2012, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scaborough từ tay của Philippines. Còn bãi Cỏ Mây là một thực thể lúc nổi lúc chìm. Cho nên là phía Philippines năm 1999 đã cho một tàu cũ đậu ở đó, tên là BRP Sierra Madre. Con tàu này trên đó có một số binh sĩ của Philippines đồn trú. 

Con tàu càng ngày càng xuống cấp và nó có thể bị sụp được bất cứ lúc nào cho nên Philippines một mặt là muốn cung cấp những nguồn thực phẩm và nước uống cho các binh sĩ đồn trú, giữ quyền kiểm soát ở trên khu vực này. Trung Quốc cũng biết được điều đó cho nên họ ngăn cản cung cấp hậu cần cho các binh sĩ. 

Trung Quốc muốn để cho con tàu này sụp đổ để họ kiểm soát bãi Cỏ Mây như năm 2012 với bãi Scaborough. Đó là nguyên do thứ nhất khiến cho hai bên Phillipines và Trung Quốc căng thẳng. 

Nguyên do thứ hai là sau khi Tổng thống Philippines Duterte đã xoay trục sang Trung Quốc, hướng về Trung Quốc nhưng mà không thành công, Tổng thống Marcus cũng vậy. Chúng ta nhớ là năm 2023 Phillipines trao thêm cho Hoa Kỳ quyền kiểm soát 4 căn cứ quân sự, tổng cộng là 9 cái. Một số nguồn tin Trung Quốc cho rằng có tới 10 quân sự tại Phillipines cho quân đội Mỹ có thể sử dụng. Điều này khiến cho Trung Quốc cảm thấy bất bình và họ đã phải tìm cách để phải trừng phạt Phillipines. 

Thậm chí Philippines gần đây còn chơi mạnh tay hơn, tuyên bố là muốn xây dựng đảo trên bãi Cỏ Mây. Philippines muốn là dựa vào sức mạnh của Mỹ để dành lại bãi cạn Scaborough. 

Thế cho nên là đấy là 3 cái lý do lớn để khiến cho Phillipines và Trung Quốc đã căng thẳng trên Biển Đông suốt thời gian vừa qua.

RFA : Philippines đang muốn cùng Việt Nam và một số nước khác xây dựng bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông riêng mà không cần có Trung Quốc. Điều này có khiến cho Biển Đông căng thẳng hơn hay dịu lại trong năm 2024 ? Liệu ý tưởng của Philippines có thành hiện thực ?

Hoàng Việt : Theo tôi thì cái mục tiêu này nó chưa khả thi đâu. Thứ nhất là phía Philippines là quốc gia rất mạnh mẽ trong việc đưa ra sáng kiến. Từ những năm 1990, đặc biệt sau năm 1995, khi mà Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi Vành Khăn từ tay Quân đội Philippines, thì nước này đã luôn đưa ra ý tưởng là sẽ có một Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. 

Sau này thì phía Philippines cũng là bên rất năng nổ trong việc đưa ra những sáng kiến và ý tưởng mới. Nhưng Philppines có vấn đề là quốc gia đa đảng. Tổng thống mới có thể xoay chiều 180 độ so với tổng thống trước. Nếu như cựu Tổng thống Benigno "Noynoy" Aquino là người đã khởi kiện Trung Quốc năm 2016 thì ông Duterte sau đó đảo ngược chính sách. Sau đó ông Marcus lên tổng thống, ban đầu định vẫn tiếp tục chính sách xoay trục sang Trung Quốc nhưng thấy không ổn nên lại xoay trục sang Mỹ. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đều thấy sự thiếu ổn định, thiếu nhất quán trong chính sách của Philippines. Hơn nữa Philippines lại làm quá ồn ào. Nếu cứ tuyên bố công khai như vậy thì Trung Quốc sẽ tìm cách phá. Và họ đã phá rồi. Các bài báo trên Hoàn cầu Thời báo đã đe dọa Việt Nam và Philippines. Ngoài ra Trung Quốc cũng sẽ sử dụng những cái biện pháp như áp lực về kinh tế đối với Việt Nam và Philippines cũng như là với các quốc gia khác như Malaysia để ngăn chặn các quốc gia này có thể sẽ tạo thành mặt trận đoàn kết để có một bộ quy tắc ứng xử mới.

Thứ hai nữa là nhìn từ kinh nghiệm quá khứ, ta thấy 10 quốc gia Đông Nam Á đã từng thông qua một dự thảo về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông do Indonesia khởi thảo. Khi đó cả 10 quốc gia đã đồng ý rồi, nhưng khi mời Trung Quốc tham gia, thì Trung Quốc đã từ chối cho nên phải bàn thảo lại, tức bắt đầu lại từ đầu. 

Từ những kinh nghiệm đó, tôi cho rằng ý tưởng đó không khả thi. 

RFA : Mới đây, báo chí trong nước đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đề nghị Trung Quốc tôn trọng lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển Đông, nhân dịp hai nước họp "Ủy ban Chỉ đạo song phương về quan hệ Việt Trung". Báo chí Việt Nam chỉ tường thuật yêu cầu của phía Việt Nam đối với Trung Quốc mà không cho biết Trung Quốc phản hồi ra sao. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này ?

Hoàng Việt : Cái bạn vừa nói chính là câu trả lời. Anh cho biết là báo chí Việt Nam tường thuật là Việt Nam yêu cầu tôn trọng chủ quyền của mình nhưng không thấy câu trả lời từ phía Trung Quốc.

Theo tôi biết nhiều lần Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền thì ngược lại Trung Quốc cũng yêu cầu Việt Nam tôn trọng chủ quyền của họ. Họ nhiều lần nói chủ quyền của họ đối với Biển Đông là bất khả tranh nghị. 

Điều đó cho thấy là phía Việt Nam đương nhiên vẫn phải đưa ra quan điểm của mình một cách rõ ràng là Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Nhưng Trung Quốc có chấp nhận điều đó hay không là việc khác. Bởi vì nếu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền Việt Nam thì tình hình Biển Đông đã không căng thẳng như cả mười mấy năm qua. 

Kể những lần trước đó thì mỗi lần giới chức cao cấp của Việt Nam gặp Trung Quốc thì luôn yêu cầu điều nhưng Trung Quốc có bao giờ làm đâu.

Với chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc thì họ không bao giờ im tiếng trong chuyện đó. Với câu anh nhắc tới thì tôi có thể suy luận là khi phía Việt Nam đề nghị thì phía Trung Quốc không chấp thuận. Cho nên báo chí Việt Nam mới không thông tin là Trung Quốc chấp thuận hay không. 

Theo tôi thì Trung Quốc sẽ không chấp thuận vì tham vọng của họ với biển Đông là rõ ràng và không thể lay chuyển. Liệu trong năm 2024 này thì quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc tại Biển Đông có gì căng thẳng không ? Theo tôi thì sẽ có. Trung Quốc không thôi giấc mộng Trung Hoa của họ độc chiếm biển Đông nên không sớm thì muộn Trung Quốc sẽ vi phạm các quyền của Việt Nam trên biển theo Công ước Quốc tế về Luật biển. Vì thế tôi dự đoán là trong năm 2024 thì căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam sẽ không giảm xuống so với trước đây.

RFA : Theo ông, Việt Nam thành công những gì và thất bại những gì trong chính sách Biển Đông trong năm qua ? Việt Nam có cần một chiến lược mới cho Biển Đông không ?

Hoàng Việt : Rất nhiều khen ngợi Việt Nam thành công. Cũng đúng vì Việt Nam vẫn duy trì được 21 thực thể trên Biển Đông. Thứ hai là bảo toàn được vùng đặc quyền kinh tế của mình. Nhưng rõ ràng là Việt Nam cần có một chiến lược lâu dài cho mình. Nhưng không rõ là Việt Nam có một chiến lược lâu dài hay không. Có vẻ như Việt Nam chỉ có các chiến thuật đối phó thụ động trước Trung Quốc. Trung Quốc làm gì thì mình sẽ phản ứng ra sao. Còn có chính sách trường kỳ, có tính dự báo trước thì có lẽ chưa có. Cá nhân tôi cho rằng Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, cụ thể đối với Trung Quốc trên Biển Đông. 

RFA : RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã giành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 

Nguồn : RFA, 23/02/2024

 ****************************

Mục đích các tàu khảo sát của Trung Quốc : vẽ chữ "Trung" trên vùng biển Việt Nam

RFA, 23/02/2024

Như ở bài trước đã chỉ ra, trong năm 2023,Việt Nam và Philippines áp dụng hai chiến thuật khác nhau đối với áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông : Việt Nam im lặng trên truyền thông còn Philippines công khai các hành vi của Trung Quốc ra toàn thế giới. Hai cách thức ứng xử này liệu có dẫn đến hai kết quả khác nhau trong năm 2024 và dài hạn ? 

biendong1

Đường di chuyển của tàu khảo sát Trung Quốc trong hai tháng 5 và 6, 2023 theo mô hình chữ "Trung" ( "") ngoài khơi b bin Vit Nam. Raymond Powell / Sealight Project

RFA đặt câu hỏi với ông Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Standford, về lý do các tàu khảo sát của Trung Quốc khi xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đường đi theo hình ngang và dọc đều đặn như hình bàn cờ. 

Ông Powell cho biết mô hình di chuyển như vậy không có ý nghĩa nhiều về mặt kỹ thuật như để vẽ bản đồ đáy biển cho tàu ngầm hay để khảo sát địa chất. Ông cho rằng có thông điệp chính trị nhiều hơn :

"Nhìn vào mô hình đường đi khảo sát của các tàu khảo sát trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ trước tới nay, chúng ta ngạc nhiên về đường đi kì lạ của nó. 

Theo tôi, lời giải thích hợp lý duy nhất là Trung Quốc thực sự muốn vẽ một ký tự trong chữ Trung Quốc, chữ "Trung" , nghĩa là "Trung Quốc". 

Về cơ bản nó gửi một thông điệp tới Việt Nam rằng Trung Quốc coi các mỏ dầu ở Bãi Tư Chính là thuộc về Trung Quốc. 

Đó là một hành động rất táo bạo và quyết đoán. Tôi nghĩ nó báo hiệu rằng các mục tiêu dài hạn của Trung Quốc vẫn được giữ nguyên". 

Lập luận như vậy, ông Powell cho rằng mặc dù Việt Nam cố gắng giữ mức độ căng thẳng ở mức thấp, và tất nhiên điều đó giúp Việt Nam dễ thở hơn, nhưng không ai dám chắc năm 2024 và các năm tới, tàu Hải cảnh Trung Quốc sẽ giảm xâm nhập và tuần tra trong EEZ của Việt Nam.

Theo ông Powell, kiểm soát truyền thông về các hoạt động cưỡng bách của Trung Quốc trên Biển Đông gần như là chiến lược điển hình của Việt Nam đối với đại cường phía bắc trong nhiều năm qua, trừ một số ngoại lệ. Ông nói :

"Tôi đã ở Hà Nội vào năm 2014 trong cuộc khủng hoảng giàn khoan HD 981. Lúc đó Việt Nam thực hiện chiến lược ngược lại. Việt Nam đã tung ra các video về tất cả cảnh đâm tàu và bắn vòi rồng của Trung Quốc xung quanh giàn khoan dầu. Tôi nghĩ vào thời điểm đó, tình hình căng thẳng với Trung Quốc đã leo thang. Nó gây ra một số vấn đề trong nội bộ Việt Nam khi một số cuộc biểu tình vượt quá tầm kiểm soát. Nhưng tôi nghĩ vào thời điểm đó, điều đó cũng khiến Trung Quốc ngạc nhiên. Tôi nghĩ nó đã mang lại cho Việt Nam một số đòn bẩy. Tôi tin rằng Trung Quốc đã rút giàn khoan sớm hơn dự định. 

Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam rất coi trọng sự ổn định nội bộ bởi vì đó là một chế độ cộng sản. Đối với họ, duy trì sự ổn định nội bộ, để người dân không trở nên quá đỗi giận dữ là điều rất quan trọng.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng muốn có thể quản lý xung đột với Trung Quốc một cách cẩn thận. Và một lần nữa, như bạn đã đề cập, tôi nghĩ họ tin rằng giọng điệu nhẹ nhàng sẽ mang lại cho họ thành công".

Tuy vậy, ông Powell cho rằng, về lâu dài, ông không tin chiến thuật im lặng trên truyền thông của Việt Nam sẽ có hiệu quả trong việc ngăn cản Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tuần tra ngày càng nhiều hơn trong vùng đặc quyền kinh tế, khảo sát thềm lục địa và các mỏ dầu khí ở vùng Nam Côn Sơn và Tư Chính Vũng Mây ngoài khơi bờ biển phía nam của mình.

RFA đặt câu hỏi với ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, rằng nếu Việt Nam im lặng trên truyền thông về các hành vi xâm lấn của Trung Quốc, liệu hai nước này có một cơ chế nào khác để giải quyết xung đột trên Biển Đông ? Ông Greg Poling nhận xét :

"Trung Quốc và Việt Nam không có cơ chế giải quyết xung đột. Họ đã có một số nỗ lực giải quyết xung đột và những nỗ lực đó có nhiều thành công khác nhau. Họ có các cuộc tuần tra chung hàng năm của Cảnh sát biển ở Vịnh Bắc Bộ mà cả hai bên đã công bố rộng rãi. Nhưng tất nhiên những điều đó chẳng làm được gì cả. Họ thậm chí chưa giải quyết được vấn đề chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ". 

Theo ông Greg Poling, niềm tin nhất quán của Việt Nam là nước này gần gũi hơn với Trung Quốc. Nước này có lịch sử xung đột lâu dài hơn với Trung Quốc. Họ vẫn xảy ra nhiều vụ đụng độ bạo lực thường xuyên hơn ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đặc biệt liên quan đến ngư dân Việt Nam. Họ tin rằng tranh chấp không thể giải quyết được trong ngắn hạn và trung hạn".

Vì vậy, ông Poling cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình, tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa nhiều hơn bất kỳ bên tranh chấp nào khác để ngăn chặn Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng cố gắng giải quyết căng thẳng bằng ngoại giao để không lan sang một cuộc xung đột mà cuối cùng sẽ không có ích gì cho lợi ích quốc gia của mình. 

Ông Poling chỉ ra rằng Việt Nam tiếp tục phát triển mỏ dầu khí ở Bãi Tư Chính bất chấp tàu hải cảnh Trung Quốc có mặt ở đó hàng ngày, bất chấp Trung Quốc tung các tàu nghiên cứu để khảo sát thềm lục địa và EEZ của Việt Nam. Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc vẫn đang neo đậu 270 ngày một năm ở Trường Sa mà không làm gì cả. 

Mặc dù chính quyền Việt Nam im lặng trên truyền thông, ông Poling cho rằng những hành vi cưỡng bách của Trung Quốc vẫn khiến nước này ngày càng ít được ưa chuộng trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng và giới thượng lưu trong toàn khu vực Đông Nam Á. Các hành vi đó của Trung Quốc cũng thúc đẩy một mạng lưới quan hệ an ninh và ngoại giao mới nhằm cân bằng một Trung Quốc hung hãn hơn. Ông nói tiếp :

"Chúng ta có thể cảm ơn Trung Quốc một phần, bởi vì mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đã không hình thành nếu không có một Trung Quốc hung hãn. 

Chúng ta có thể cảm ơn Trung Quốc vì đã tái sinh một Liên minh Hoa Kỳ - Philippines. Chúng ta có thể cảm ơn Trung Quốc vì nhờ họ mà xuất hiện ý tưởng về bộ quy tắc ứng xử mới của Philippines với việc hợp tác Cảnh sát biển giữa một số nước trong khu vực. 

Tất cả điều này đã xảy ra vì Trung Quốc. Rõ ràng, Trung Quốc đang làm suy yếu lợi ích của chính mình và nước này không còn giành thêm được bất kỳ vị trí nào ở Biển Đông trong ít nhất hai năm qua".

Nguồn : RFA, 23/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Việt, RFA tiếng Việt
Read 307 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)