Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/02/2024

Tình trạng "phong bì" trong bệnh viện công đã tinh vi hơn ?

Diễm Thi

"Hồi xưa, hồi chưa có camera an ninh trong bệnh viện thì việc đó diễn ra công khai. Còn bây giờ có camera rồi thì nó diễn ra tinh vi hơn. Nó không diễn ra ở khu vực có camera giám sát mà nó diễn ra ở khu vực khác. Tôi từng là bệnh nhân và cũng từng nuôi bệnh trong bệnh viện thì tôi khẳng định, tệ nạn "phong bì" chưa chấm dứt. Nó như một loại hình "văn hóa" trong bệnh viện vậy. Đó là một thực tế.

phongbi1

Bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Báo SGGP

Nếu mình không đưa thì cũng chẳng ai ép, chẳng ai nói gì, nhưng cái cách bệnh nhân nhìn bệnh nhân, hay cái cách bác sĩ nhìn bệnh nhân nó cũng lạnh nhạt hơn. Đó là sự thật. Còn về chính sách nhà nước thì họ cấm, nhưng ở dưới có thực hiện không lại là chuyện khác. Ngay một ông đầu ngành như ông Nguyễn Thanh Long mà còn vi phạm dù biết rất rõ chính sách ra sao".

Đó là phát biểu của ông Thái, một người dân ở Quảng Nam nói với RFA.

Vào bệnh viện phải thủ sẵn phong bì để đút túi cho bác sĩ, y tá và cả điều dưỡng viên, là chuyện được coi là bình thường ở Việt Nam từ rất nhiều năm, mà báo chí nhà nước từng lên tiếng nhiều lần. Tuy Bộ Y tế đã nhiều lần chấn chỉnh nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại, và được coi là nạn nhũng nhiễu trong ngành y.

Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mới đây bị tuyên án 18 năm tù do nhận hối lộ số tiền lên đến 2,25 triệu đô la trong vụ án liên quan Công ty CP công nghệ Việt Á.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, chuyện lãnh đạo một Bộ Y tế ăn hối lộ để chỉ đạo các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giúp Công ty Việt Á từ khâu cấp phép lưu hành đến duyệt giá kit xét nghiệm là chuyện không lạ, bởi họ coi ngành y tế là một nơi để kiếm tiền. Ông nói về tệ nạn "đồng tiền đi trước" trong các bệnh viện công :

"Các bệnh viện công ở Việt Nam hiện nay là những bệnh viện lớn không hà. Họ được quản lý theo mô hình là một cơ quan công quyền chứ không phải là một cái bệnh viện. Họ không đặt nặng vấn đề chuyên môn, mà họ đặt nặng vấn đề phải làm đúng luật. Bây giờ phải giải quyết chuyện quản trị bệnh viện khác với một cơ quan công quyền.

Cái thứ hai, để giải quyết nạn "đồng tiền đi trước" thì phải làm cho người dân khi tới bệnh viện không phải là tới một cơ quan công quyền mang tính ban phát, xin-cho. Đặt trong bối cảnh hiện nay luôn luôn quá tải tại các bệnh viện công, cung cao hơn cầu thì nó sẽ phát sinh vô số tệ nạn".

Theo ông Nguyễn Ngọc Già, hiện nay nhà nước có đầu tư cho bệnh viện. Nhưng những bệnh viện đang xây mới lại dở dang hoặc bỏ hoang không đưa vào sử dụng, tốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Ông kết luận :

"Đó là một cái lãng phí ghê gớm trong khi người bệnh rất đông. Đó là một cái gọi là thất trách của nhà nước đối với người dân chúng tôi hiện nay".

Tuy hầu hết các bệnh viện lớn của nhà nước đều nằm trong tình trạng quá tải, nhưng có không ít bệnh viện xây xong lại bỏ hoang, như Bệnh viện chuyên khoa Tâm thần tại tỉnh Bình Dương với quy mô 300 giường, tổng vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng, hoàn thành từ năm 2018 nhưng bị bỏ hoang không sử dụng cho đến nay.

Hai bệnh viện ở Hà Nội là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, cùng có quy mô 1.000 giường với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng cho mỗi bệnh viện, được xây xong từ năm 2018, đến nay bỏ hoang không sử dụng, cỏ dại mọc cao ngút.

Chuyện bệnh nhân đưa phong bì cho bác sĩ, y tá được coi là một thứ "luật bất thành văn". Lãnh đạo Bộ Y tế từng thừa nhận dẹp nạn phong bì trong ngành y là cuộc chiến lâu dài bởi nó đã thành một thứ bệnh nan y lâu năm trong bối cảnh nhiều bệnh viện quá tải, lương nhân viên y tế còn thấp.

Đầu năm 2020, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đưa vào quy chế xử lý nghiêm nhân viên y tế nhận phong bì. Trao đổi với báo chí nhà nước, giám đốc bệnh viện này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh cho rằng, chuyện nhân viên y tế nhận phong bì là văn hóa của người Việt muốn cảm ơn bác sĩ, nhưng họ không hiểu được mặt trái của chuyện phong bì. Lãnh đạo bệnh viện này khẳng định, bệnh viện có đủ nguồn kinh phí để nhân viên sống được bằng nghề.

Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng, tất cả là do nhận thức của người bệnh, chứ bây giờ không cần phải phong bì nữa. Ông nói :

"Nói chung là không cần đút lót gì đâu. Nói chung là tâm lý người dân thôi. Người nọ nói người kia và họ làm vậy để yên tâm thôi. Bây giờ bảo hiểm y tế nó thông tuyến rồi. Bây giờ không có chuyện bệnh nhân phải đến đúng nơi ban đầu rồi họ chuyển tuyến khác. Họ không thích đi bệnh viện này thì họ đi bệnh viện khác. Bảo hiểm y tế nó thanh toán cho bệnh viện theo số lượng bệnh nhân ; theo chất lượng điều trị. Họ kiểm soát hết. Thí dụ một tháng điều trị bao nhiêu bệnh nhân, kê đơn bao nhiêu… họ thanh toán trên cơ sở thực tế. Nên nếu không có bệnh nhân thì đói. Dần dần nó hội nhập mà".

Pháp luật Việt Nam cũng có quy định về việc xử lý bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân khi khám, chữa bệnh. Theo Khoản 4b Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP thì hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Bà Thuần ở Sài Gòn nói về "cò dịch vụ" trong các bệnh viện công mà bà từng sử dụng, dù biết là vô hình chung tiếp tay cho dịch vụ này tồn tại một cách bất hợp pháp :

"Khi người dân phải vào bệnh viện thì không nhận được sự công bằng, vì bệnh nhân luôn quá tải. Nếu mình có quen bác sĩ thì mới đặt được phòng. Còn không thì phải nằm hành lang hoặc hai người một giường. Mà vấn đề đó tới bây giờ vẫn còn. Không thể chấm dứt vì bệnh nhân quá đông. Chính vì vậy nó có "cò dịch vụ".

Họ là những người quen một ê kíp bác sĩ trong bệnh viện. Mình đưa cho họ 200 ngàn họ sẽ ghi tên cho mình, dẫn mình vô khám trước, rồi chụp hình, lấy thuốc… Đó là thực trạng xảy ra ở các bệnh viện công ở Việt Nam. Nó không công bằng. Người nghèo vẫn là người khổ".

Theo bà Thuần, nếu không có tiền thuê lực lượng cò mồi này thì có khi xếp hàng mấy ngày mới lấy được số vào khám.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 26/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 263 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)