Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

13/02/2024

Biển Đông : Trung Quốc ăn hiếp, Nhật Bản bênh vực

Tổng hợp

Biển Đông : Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ lâu dài các nước Đông Nam Á về an ninh hàng hải

Anh Vũ, RFI, 13/02/2024

Nhật Bản đang chuẩn bị kế hoạch lâu dài để hỗ trợ về an ninh hàng hải cho các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia trước sự bành trướng của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong vùng Biển Đông.

biendong1

Tầu Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản Akitsushima (PLH-32) trong một cuộc thao dợt chung với tuần duyên Mỹ và Philippines ở Biển Đông, ngày 06/06/2023. AP - Aaron Favila

Theo hãng tin Nhật NHK ngày 13/02/2024, Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA) đang soạn thảo một kế hoạch 10 năm hỗ trợ cho các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia trong lĩnh vực hàng hải. Kế hoạch này là một ưu tiên tuyệt đối của Tokyo trong lĩnh vực an ninh, theo hãng tin Nhật.

Tháng trước phía Nhật đã tiến hành điều tra thực địa tại Philippines và Indonesia. Trong khoảng tháng Tư, các công việc này dự kiến được làm với Việt Nam và Indonesia.

Kế hoạch này chủ yếu liên quan đến việc trong bị cho bốn quốc gia Đông Nam Á nói trên các loại drones, hệ thống radar và tàu tuần tra cùng với việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho an ninh hàng hàng hải. Dự kiến, từ nay đến tháng 3/2025 kế hoạch sẽ được lên chi tiết.

Trong thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục thể hiện quan điểm kiên quyết về vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh việc triển khai hoạt động trong vùng biển có tuyến đường hàng hải quốc tế trọng yếu.

Cho đến nay, Nhật Bản có nhiều nỗ lực đẩy mạnh hợp tác an ninh, quốc phòng với nhiều nước ASEAN qua các hoạt động tập trận chung, ký kết các thỏa thuận cung cấp trang thiết bị cho lực lượng tuần duyên.

Anh Vũ

***********************

Tàu Trung Quốc truy đuổi tàu tuần tra của Philippines ở Biển Đông

RFA, 12/02/2024

Tuần duyên Philippines hôm 11/2 tố cáo các tàu Trung Quốc đã có hành động nguy hiểm đối với tàu của Philippines ở bãi cạn Scarbrough Shoal. Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo  của Đảng cộng sản Trung Quốc có bài viết rằng tàu hải cảnh Trung Quốc đã xua đuổi một tàu tuần duyên Philippines khỏi bãi cạn này nhiều lần trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến 9/2.

biendong2

Hình do tuần duyên Philippines cung cấp được chụp vào ngày 8/2/2024 cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc có số hiệu 3105 chặn đường tàu tuần duyên Philippines có tên BRP Teresa Magbanua ở gần bãi cạn Scarborough - Philippine Coast Guard (PCG) / AFP

Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông đã từng do Philippines kiểm soát toàn bộ cho đến năm 2012 khi Trung Quốc điều tàu đến và chiếm kiếm kiểm soát bãi cạn này từ Philippines, ngăn cản các ngư dân Philippines đến đánh bắt ở ngư trường truyền thống này.

Tuần duyên Philippines cho biết nhiều tàu của Trung Quốc đã nhiều lần thực hiện các hành động nguy hiểm ở khu vực bãi cạn. Tuần duyên Philippines trong tháng này đã điều tàu đến tuần tra vùng nước này để bảo vệ các ngư dân của Philippines.

Theo tuần duyên Philippines, khi tàu của nước này thực hiện nhiệm vụ tuần tra, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã bốn lần có các hành động nguy hiểm, cắt ngang đường đi của tàu Philippines hai lần. Ngoài ra, một tàu của Philippines đã bị nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc truy đuổi hơn 40 lần.

Vào hồi cuối tháng trước, phía Philippines đã báo động về tình trạng một đoàn hơn 200 tàu Trung Quốc có mặt ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.

Người phát ngôn của Hải cảnh Trung Quốc, Gan Yu, được Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời cho biết tàu tuần duyên Philippines số hiệu 9701 đã xâm nhập trái phép vào vùng nước ở bãi Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Huangyan nhiều lần trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến 9/2 bất chấp những cảnh báo từ Trung Quốc. Hải cảnh Trung Quốc vì vậy phải có biện pháp kiểm soát tình hình và đuổi tàu Philippines ra khỏi vùng nước theo cách chuyên nghiệp và theo thông lệ.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc tố cáo Philippines đã cố tình gây hấn với với phía Trung Quốc ngày đầu năm mới và nhận định rằng hành động này sẽ không mang lại lợi ích gì, làm xói mòn lòng tin đôi bên và gây ảnh hưởng đến môi trường chính trị.

Nguồn : RFA, 12/02/2024

*****************************

Biển Đông : tàu Trung Quốc ‘vờn’ tàu Philippines

BBC, 12/02/2024

Tuần duyên Philippines tố cáo tàu Trung Quốc đã nhiều lần vờn tàu tuần tra Philippines tại vùng bãi cạn Scarborough, một điểm nóng ở Biển Đông.

biendong3

Một tàu của Hải cảnh Trung Quốc (hình chụp từ tàu tuần duyên BRP Sindangan của Philippines vào ngày 10/11/2023)

Tuần duyên Philippines (PCG) đã cáo buộc tàu Trung Quốc thực hiện các hành động "nguy hiểm và chặn đầu" khi tàu của Philippines đang tuần tra gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông trong tháng này, theo Reuters.

Trong một thông cáo hôm Chủ nhật, Tuần duyên Philippines cho biết trong thời gian tàu BRP Teresa Magbanua đang thực hiện chuyến tuần tra chín ngày gần bãi cạn nói trên, bốn tàu của Hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện việc theo dõi hơn 40 lần.

Bốn tàu dân quân biển Trung Quốc cũng có mặt gần bãi cạn Scarborough, theo PCG.

Tàu BRP Teresa Magbanua là một tàu tuần tra có chiều dài 97 mét do Tập đoàn đóng tàu Mitsubishi của Nhật Bản đóng. Tàu được bàn giao cho Tuần duyên Philippines vào đầu năm 2022.

Nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, bãi cạn Scarborough cũng được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền , khiến nơi đây trở thành một trong những thực thể trên biển có tranh chấp căng thẳng nhất ở Châu Á và là một điểm nóng dễ xảy ra xung đột.

PCG cho biết tàu của họ đang ở khu vực này để giúp ngư dân "không bị quấy rối thêm" trên ngư trường truyền thống.

"Các tàu của Hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện các hành động nguy hiểm và chặn đầu trên biển đối với tàu BRP Teresa Magbanua bốn lần, trong đó các tàu Trung Quốc cắt ngang mũi tàu PCG hai lần", Tuần duyên Philippine thông báo và cho biết thêm rằng các tàu Trung Quốc đã ngang ngược bất chấp các luật lệ quốc tế về ngăn chặn va chạm trên biển.

Trung Quốc có yêu sách đối với gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến hàng hải nhộn nhịp với lưu lượng hàng hóa lưu thông trị giá khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm. Yêu sách của Trung Quốc chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm Chủ nhật tuyên bố rằng Scarborough thuộc chủ quyền của Bắc Kinh và các hoạt động của Hải cảnh Trung Quốc trong khu vực này là hợp pháp.

"Trung Quốc yêu cầu Philippines tôn trọng quyền chủ quyền, các quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc, đồng thời chấm dứt các hoạt động xâm phạm trên biển. Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền, các quyền và lợi ích trên biển theo đúng luật pháp", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu trong phản hồi trước yêu cầu bình luận từ Reuters.

biendong4

Trong chuyến thăm Hà Nội mới đây của Tổng thống Marcos Jr, Philippines và Việt Nam đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước

Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye đã ra phán quyết rằng các yêu sách của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý ; Bắc Kinh bác bỏ phán quyết trên.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã không ngừng đưa ra các yêu sách về chủ quyền cũng như thực hiện các hoạt động thực địa gây căng thẳng trên Biển Đông.

Việt Nam và Philippines là hai quốc gia chịu tác động lớn nhất từ các động thái của Trung Quốc.

Gần đây, trong chuyến thăm tới Hà Nội của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, Việt Nam và Philippines đã có một số thỏa thuận về hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển của hai nước . Bước đi này được Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.

Nguồn : BBC, 12/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, RFI, RFA, BBC
Read 286 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)