Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

29/01/2024

Manila bác bỏ "dàn xếp" của Bắc Kinh trên Bãi cỏ Mây

Tổng hợp

Philippines bác bỏ ‘những dàn xếp đặc biệt" với Trung Quốc để tiếp tế cho binh sĩ ở Bãi Cỏ Mây

RFA, 29/01/2024

Philippines vào ngày 29/1 bác bỏ việc Bắc Kinh nói "đã có những dàn xếp đặc biệt tạm thời" với Manila để cho phép tiếp tế cho các binh sĩ Philippines đồn trú tại Bãi Cỏ Mây.

comay1

Bức ảnh này chụp vào ngày 10/11/2023 cho thấy nhân viên Hải quân Philippines trên một chiếc thuyền bơm hơi cứng (phải) chặn một chiếc thuyền vỏ nhôm của Cảnh sát biển Trung Quốc tại Bãi cạn Second Thomas ở Biển Đông đang tranh chấp. (HMH) - AFP

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines Jonathan Malaya được Reuters dẫn lời về bác bỏ vừa nêu, gọi đó là "sự tưởng tượng" không có thực.

Phía Trung Quốc vào ngày 27/1 cho biết lực lượng Tuần duyên Hoa Lục đã thực hiện "những sắp xếp đặc biệt tạm thời" để cho phép phía Philippines tiếp tế cho các binh sĩ đồn trú trên chiến hạm BRP Sierra Madre thời Thế chiến Thứ hai được cho mắc cạn làm tiền tiêu tại khu vực Bải Cỏ Mây tranh chấp.

Theo Reuters, thông cáo của Tuần duyên Trung Quốc được đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Lực lượng này Trung Quốc. Theo đó, vào ngày 21/1 một máy bay nhỏ của Philippines đã thả vật phẩm tiếp tế xuống chiếc chiến hạm mà theo Trung Quốc là " cho mắc cạn bất hợp pháp’ tại khu vực Bãi Cỏ Mây. Lực lượng Trung Quốc đã cho phép diễn ra hoạt động tiếp tế cần thiết đó ; tuy nhiên cương quyết bảo vệ chủ quyền, quyền hàng hải và quyền lợi của Hoa Lục tại khu vực Bải Cỏ Mây.

Thông cáo nêu tiếp rằng Tuần duyên Trung Quốc đã theo dõi, giám sát tình hình thực tế, kiểm soát, hành xử theo luật pháp và qui định, và thực hiện những sắp xếp đặc biệt tạm thời để phía Philippines tiếp tế những vật phẩm cần thiết thường nhật. 

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines không xác nhận hay bác bỏ hoạt động máy bay phía Philippines thả hàng tiếp tế xuống cho binh sĩ ở Bãi Cỏ Mây ; mà chỉ nói hoạt động tiếp tế cho binh sĩ là quyền của nước mình. 

Phát ngôn nhân Jonathan Malaya nói rõ "Chúng tôi không cần xin phép bất cứ ai, kể cả Tuần duyên Trung Quốc, khi tiếp té cho binh sĩ bằng bất cứ phương tiện gì- đường thủy hay đường hàng không". 

Trước đây, Tuần duyên Trung Quốc đã bố trí tàu để ngăn chặn những chuyến tiếp tế cho binh sĩ đồn trú trên chiếc chiến hạm trở thành tiền đồn quân sự của Philippines tại Bãi Cỏ Mây, cách Palawan 190 km về phía Tây. 

Trung Quốc thường xuyên yêu cầu Philippines kéo chiến chiến hạm đi trên cơ sở lời hứa mà Manila đưa ra ; tuy nhiên Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. từ chối thực hiện yêu cầu đó của Bắc Kinh. 

Vào tháng 8/2023, Philippines tố cáo Tuần duyên Trung Quốc ngăn chặn và phun vòi rồng vào tàu của Philippines theo định kỳ vận chuyển đồ tiếp tế đến cho binh sĩ tại Bải Cỏ Mây. Manila gọi đó là hành động quá đáng và gây hấn, phớt lờ sự an toàn của những người trên tàu và vi phạm luật pháp quốc tế.

Nguồn : RFA, 29/01/2024

****************************

Trung Quốc nói 'cho phép' Philippines tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây

BBC, 29/01/2024

Hải cảnh Trung Quốc cho biết họ đã thực hiện "những sự sắp xếp đặc biệt tạm thời" cho phép Philippines tiếp tế cho quân đội đang đồn trú trên một con tàu từ thời Thế chiến II bị mắc cạn tại một rạn san hô đang tranh chấp, theo Reuters .

comay2

Tàu BRP Sierra Madre của Hải quân Philippines mắc cạn từ năm 1999 và đã trở thành một điểm đồn trú quân sự trên Bãi Cỏ Mây đang tranh chấp tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ảnh chụp ngày 29/03/2014.

Hải cảnh Trung Quốc trước đó đã điều tàu ra ngăn cản Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho số quân đang đóng trên tàu vận tải vốn đã trở thành tiền đồn quân sự tại Second Thomas Shoal (bãi cạn mà Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây còn Trung Quốc gọi là Rạn Nhân Ái) thuộc quần đảo Trường Sa, cách đảo Palawan của Philippines 190 km.

Trong một tuyên bố trên tài khoản WeChat chính thức của mình vào cuối ngày thứ Bảy, Hải cảnh Trung Quốc cho biết họ đã cho phép tiếp tế nhu yếu phẩm nhưng vẫn kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích biển đảo của Trung Quốc tại bãi cạn này và các vùng biển lân cận.

Tuyên bố trên WeChat nêu rõ : "Vào ngày 21 tháng 1, một máy bay nhỏ từ Philippines đã thả hàng tiếp tế cho chiếc tàu chiến đang mắc cạn phi pháp".

"Hải cảnh Trung Quốc đã theo dõi và giám sát tình hình bằng thời gian thực, kiểm soát và xử lý theo luật pháp và quy định, đồng thời có những thỏa thuận đặc biệt tạm thời để Philippines tiếp tế nhu yếu phẩm hàng ngày", thông báo nêu.

Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, đưa ra đường chín đoạn cắt vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.

Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi Philippines kéo con tàu đi dựa trên lời hứa mà Manila đã đưa ra, nhưng Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã bác bỏ.

Thông điệp trên WeChat hôm thứ Bảy viết rằng "các bên liên quan" ở Philippines đã cố tình đánh lừa dư luận quốc tế và phớt lờ sự thật, và rằng điều đó không có lợi cho việc giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông.

Nguồn : BBC, 29/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA, BBC
Read 206 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)