Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/09/2024

Biển Đông thật sự dậy sóng : Bắc Kinh mất ưu thế lấy thịt đè người

Nhiều tác giả

65 tàu Trung Quốc hiện diện tại vùng bãi cạn Sa Bin, nơi có tranh chấp với Philippines

Trọng Thành, RFI, 18/09/2024

Trung Quốc đã rút khoảng một phần tư tàu thuyền ra khỏi các khu vực tranh chấp với Manila tại Biển Đông, nhưng vẫn duy trì hơn sáu chục tàu ở khu vực bãi Sa Bin, điểm đối đầu căng thẳng nhất hiện nay.

biendong1

Tàu hải cảnh Trung Quốc (bên trái) va chạm với tàu BRP Teresa Magbanua của Philippines gần bãi cạn Sa Bin ngày 31/08/2024. AFP - Handout

Trả lời báo giới hôm qua 17/09/2024, người phát ngôn của Hải quân Philippines, chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad, cho biết Trung Quốc duy trì tổng cộng 65 tàu tại khu vực bãi Sa Bin.

Theo số liệu của Hải quân Philippines, được báo chí nước này dẫn lại hôm qua, số tàu thuyền của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp với Philippines ở Biển Đông (như đảo Thị Tứ, bãi cạn Scarbourgough, bãi cạn Ayungin, tức bãi Cỏ Mây…) trong tuần qua là 157, giảm khoảng một phần tư so với mức cao kỷ lục 207 tàu thuyền trong tuần lễ trước đó. 

Mặc dù số tàu thuyền Trung Quốc (bao gồm tàu Hải quân, tàu Hải cảnh và tàu dân quân biển) giảm, nhưng số lượng tàu Hải cảnh ngược lại tăng từ 18 lên 26 và tập trung tại ba khu vực, bãi Sa Bin với 9 tàu, bãi Cỏ Mây 10 tàu và bãi cạn Scarbourgough, với 6 tàu.

Về bãi Sa Bin, người phát ngôn của Hải quân Philippines nhấn mạnh: bất chấp lực lượng đông đảo, phía Trung Quốc chưa thể kiểm soát được khu vực này, và các lực lượng Philippines vẫn đang tiếp tục thực thi phận sự, ngăn chặn "sự hiện diện bất hợp pháp" của Trung Quốc. Chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad, nói rõ là Manila "đã chuẩn bị và có các kế hoạch dự phòng", nếu Trung Quốc có hành động lấn lướt nhằm kiểm soát Bãi Sa Bin, như điều đã xảy ra với bãi cạn Scarbourgough hồi 2012.

Trang mạng Hồng Kông South China Morning Post hôm qua, 17/09/2024, dẫn lời Sherwin Ona, giáo sư chính trị học tại Đại học De ​​La Salle, theo đó, Philippines có thể chấp nhận đề nghị của Mỹ, về việc yêu cầu lực lượng Mỹ hộ tống các đoàn tiếp tế của Philippines tiếp tế cho các tàu thuyền ở những khu vực "tiền đồn" tại Biển Đông.

Hồi cuối tuần trước, Philippines đã triệu tàu BRP Teresa Magbanua khỏi bãi Sa Bin, với lý do thời tiết xấu, nguồn cung cạn kiệt và nhân viên cần được chăm sóc y tế. Tàu BRP Teresa Magbanua, dài 97 mét, một trong những tàu lớn nhất của Tuần duyên Philippines, được điều động đến khu vực này từ tháng 4/2024, để ngăn chặn tham vọng kiểm soát bãi Sa Bin của Trung Quốc.

Trọng Thành

****************************

Ấn Độ-Thái Bình Dương : Chiến lược vũ khí chống hạm "nhiều và rẻ" của Mỹ để đối phó với Trung Quốc

Anh Vũ, RFI, 18/09/2024

Reuters hôm 17/09/2024 cho biết Hoa Kỳ đang xây dựng một kho vũ khí chống hạm dồi dào và dễ chế tạo trong nỗ lực tăng cường sức mạnh cho lực lượng nhằm ngăn chặn Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

biendong2

Chiến đấu cơ F-35 của Hải quân

Mỹ tham gia cuộc tập trận Annualex 23 xuất phát từ hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ngoài khơi Nhật Bản, ngày 11/11/2023. AP - Mari Yamaguchi

Hãng tin Anh dẫn nguồn từ một chủ tịch - tổng giám đốc của một tập đoàn công nghiệp chế tạo tên lửa cho biết, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã thúc đẩy Hoa Kỳ phải có một triết lý mới về vấn đề vũ khí là phải nhiều và giá thành hợp lý, hay nói một cách khác là rẻ.

Sách lược mới này của Hoa Kỳ đã thu hút sự chú ý của được giới phân tích quân sự. Euan Graham, nhà phân tích cao cấp của Viện Chính sách Chiến lược Úc, được Reuters trích dẫn nhận định sự thay đổi của Mỹ là "phản ứng tự nhiên đối với những gì Trung Quốc đã và đang làm", ý muốn nói đến kho vũ khí trên biển và tên lửa đạn đạo thông thường mà Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa không ngừng.

Thực tế, thời gian gần đây, Hoa Kỳ đã đẩy mạnh các thử nghiệm loại vũ khí có tên gọi Quicksink, một loại bom tự dẫn đường có thể bám theo các mục tiêu di động, và đặc biệt là giá thành sản xuất hạ. Tháng trước, trong vịnh Mexico, quân đội Mỹ đã sử dụng oanh tạc cơ chiến lược tàng hình B-2 để thử nghiệm loại bom Quicksink tấn công mục tiêu là các tàu chiến.

Theo giới chuyên gia quân sự, Trung Quốc vẫn luôn chiếm ưu thế đáng kể về số lượng tên lửa chống hạm, đặt trên tàu chiến cũng như trong đất liền. Nhưng với việc Mỹ tăng nhanh sản xuất Quicksink, khoảng cách ưu thế này sẽ được rút ngắn lại đáng kể.

Bom Quicksink đang được triển khai và do tập đoàn Boeing chế tạo. Bộ chỉ huy lực lượng Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ muốn có hàng nghìn vũ khí này, theo một lãnh đạo của tập toàn chế tạo, vì lý do bảo mật không đưa ra con số cụ thể. Quan chức điều hành này khẳng định, nếu quân đội Mỹ có đủ vũ khí "giá rẻ", hệ thống phòng thủ của tàu chiến Trung Quốc sẽ bị áp đảo.

Trong một kịch bản như vậy, quân đội Mỹ có thể sử dụng các loại tên lửa chống hạm tầm xa (LRASSM) hay tên lửa SM-6 để làm hư hại tàu chiến và hệ thống radar của Trung Quốc, sau đó sẽ sử dụng bom "rẻ tiền" Quicksink oanh tạc.

Theo giới quân sự, Hoa Kỳ đã tích lũy một số lượng đa dạng các vũ khí chống hạm ở Châu Á. Hồi tháng 4 năm nay, quân đội Mỹ đã triển khai tại Philippines, trong một cuộc tập trận, các dàn phóng tên lửa cơ động Typhon, cũng là loại giá rẻ, chế tạo từ những thiết bị đã có sẵn, có thể dùng để phóng các loại tên lửa SM-6 và Tomahawk vào các mục tiêu trên biển.

Điều quan trọng là các loại vũ khí này tương đối dễ sản xuất và có thể giúp Hoa Kỳ cùng các đồng minh nhanh chóng bắt kịp cuộc chạy đua tên lửa tại Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Trung Quốc đang dẫn trước.

Mặc dù quân đội Hoa Kỳ đã từ chối tiết lộ số lượng tên lửa sẽ được triển khai ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng hơn 800 tên lửa SM-6 dự kiến ​​sẽ được mua trong năm năm tới, theo các tài liệu của chính phủ về giao dịch mua sắm quân sự. Các tài liệu cũng cho thấy, hàng nghìn tên lửa Tomahawk và hàng trăm nghìn tên lửa JDAM đã có trong kho vũ khí của Hoa Kỳ. Việc bố trí vũ khí chống hạm ở những nơi như Philippines là nhằm đặt vùng Biển Đông vào tầm ngắm. Đó cũng là nơi Trung Quốc ngày càng lấn lướt đòi gần hết chủ quyền, bất chấp các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đài Loan phản đối.

Theo Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, thực chất thì đây là cuộc đua về số lượng, trong đó Mỹ đang nỗ lực san bằng sân chơi trước Trung Quốc. Chuyên gia này dẫn ví dụ lực lượng Houthi, đồng minh của Iran, sử dụng vũ khí chống hạm công nghệ thấp để bắn vào các tàu vận tải dân sự ở Hồng Hải, buộc Hoa Kỳ và các nước khác phải triển khai vũ khí tốn kém để phòng thủ chống lại và ông nhận định : "Ngay cả khi anh có một kho vũ khí nhỏ hơn gồm các hệ thống tên lửa tấn công như vậy, anh vẫn có thể tạo ra một số khả năng răn đe".

Anh Vũ

*****************************

Vũ khí chống hạm của Mỹ chống lại Trung Quốc : chết chóc, dồi dào, cơ động

BBC, 18/09/2024

Mỹ đang tích trữ một kho vũ khí chống hạm dồi dào và dễ chế tạo như một phần trong nỗ lực của họ nhằm đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như nhằm tăng cường lực lượng của mình tại đó.

biendong3

Bom Quicksink được đặt trên máy bay tiêm kích F-15E Strike Eagle - Bộ Quốc phòng Mỹ

Việc Nga xâm lược Ukraine đã khiến Mỹ thay đổi tư duy. Họ đã có một triết lý quân sự mới, đó là "số lượng lớn với giá cả phải chăng", theo lời một giám đốc điều hành giấu tên trong ngành công nghiệp tên lửa. Người này ngụ ý rằng Mỹ đang có sẵn lượng vũ khí giá rẻ dồi dào.

"Đó là một phản ứng bình thường đối với những gì Trung Quốc đang làm", theo Euan Graham, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc. Ông Graham ám chỉ đến kho vũ khí tàu chiến và tên lửa đạn đạo thông thường của Trung Quốc, bao gồm cả những tên lửa dùng để tấn công tàu thuyền.

Lầu Năm góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã không lập tức phản hồi các yêu cầu bình luận của Reuters.

Mỹ đã tăng cường thử nghiệm Quicksink - một loại bom có giá thành phải chăng, có thể sản xuất hàng loạt và được trang bị bộ dẫn đường GPS giá rẻ và một đầu dò có thể theo dõi các vật thể chuyển động.

Không quân Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 trong một cuộc thử nghiệm vào tháng 8/2024 ở Vịnh Mexico để tấn công một tàu mục tiêu bằng Quicksink.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc vẫn sẽ có lợi thế lớn về số lượng tên lửa chống hạm và có thể đặt chúng trên lãnh thổ của mình.

Nhưng việc Mỹ tăng cường sản xuất Quicksink sẽ thu hẹp khoảng cách đó bằng cách khiến khoảng 370 tàu chiến của Trung Quốc gặp nhiều rủi ro hơn trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai so với từ trước tới nay, tính từ khi Bắc Kinh chuyển sang hiện đại hóa quân đội vào những năm 1990.

Quicksink - vẫn đang trong quá trình phát triển - do Boeing sản xuất và đầu dò của quả bom này đến từ công ty BAE Systems.

Quicksink có thể được tích hợp vào hàng trăm ngàn bộ đuôi của bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) - hệ thống có thể được thả từ máy bay chiến đấu của Mỹ hoặc đồng minh và biến những quả "bom ngu" nặng 2.000 pound (khoảng 900 kg) thành vũ khí dẫn đường với chi phí thấp.

Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ muốn sở hữu hàng ngàn quả Quicksink và đã muốn như thế trong nhiều năm, theo một giám đốc điều hành giấu tên làm việc trong ngành công nghiệp vũ khí.

Người này nhận định rằng khả năng phòng thủ của tàu Trung Quốc sẽ bị "lượng lớn vũ khí giá phải chăng" áp đảo.

Trong những viễn cảnh giao tranh, quân đội Mỹ có thể sẽ sử dụng Tên lửa Chống hạm Tầm xa (LRASM) hoặc tên lửa SM-6 để gây hư hại cho tàu chiến Trung Quốc và radar trước, sau đó sẽ bắn phá tàu bằng vũ khí rẻ hơn như Quicksink.

Đa dạng vũ khí

biendong4

Bom Quicksink được chuyển lên chiến đấu cơ - Bộ Quốc phòng Mỹ

Mỹ đã tích trữ nhiều loại vũ khí chống hạm ở châu Á. Vào tháng 4/2024, Lục quân Mỹ đã triển khai các dàn phóng tên lửa di động Typhon mới tới Philippines. Vũ khí này được phát triển với chi phí phải chăng từ các thành phần hiện có và có thể bắn tên lửa SM-6 và Tomahawk đến các mục tiêu trên biển.

Những vũ khí như vậy tương đối dễ sản xuất - nhờ các kho dự trữ lớn và những thiết kế đã tồn tại trên một thập kỷ - có thể giúp Mỹ và đồng minh nhanh chóng bắt kịp trong cuộc đua tên lửa ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Trung Quốc đang dẫn đầu.

Mặc dù quân đội Mỹ đã từ chối tiết lộ số lượng tên lửa sẽ được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng theo các tài liệu giao dịch quân sự của chính phủ, hơn 800 tên lửa SM-6 dự kiến ​​sẽ được mua trong năm năm tới.

Các tài liệu này cũng cho thấy đã có hàng ngàn tên lửa Tomahawk và hàng trăm ngàn tên lửa JDAM trong kho vũ khí Mỹ.

"Mục đích của Trung Quốc là hạn chế sự di chuyển của Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và Chuỗi đảo thứ nhất", nhà phân tích Euan Graham nói, đề cập đến các quần đảo lớn gần nhất tính từ ​​bờ biển Đông Á.

"Động thái của Mỹ là để nhằm gây khó khăn cho Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLAN)".

Việc đặt các vũ khí chống hạm ở các địa điểm như Philippines sẽ khiến phần lớn Biển Đông nằm trong tầm bắn của các vũ khí này. Trung Quốc tuyên bố 90% Biển Đông là lãnh thổ chủ quyền của mình nhưng bị năm quốc gia Đông Nam Á và Đài Loan phản đối.

Ông Collin Koh, một học giả tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, bình luận:

"Theo một cách nào đó, điều này giống như việc cân bằng cuộc chơi".

Ông Koh lấy ví dụ về lực lượng Houthi liên minh với Iran trong việc sử dụng vũ khí công nghệ thấp chống hạm để cản trở giao thông dân sự ở Biển Đỏ, buộc Mỹ và các nước khác phải triển khai vũ khí đắt tiền để phòng thủ.

"Nếu nhìn vào trường hợp ở Biển Đỏ, rõ ràng bên phòng thủ phải trả nhiều tiền hơn bên tấn công. Kể cả khi Mỹ có kho vũ khí nhỏ hơn, nhưng với những hệ thống tên lửa tấn công như vậy, họ vẫn có thể tạo ra sự răn đe nhất định", ông Koh nói.

Nguồn : BBC, 18/09/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Anh Vũ, BBC tiếng Việt
Read 316 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)