Bước ngoặt trong quan hệ quốc phòng song phương ?
Mỹ sẽ tặng Việt Nam tàu tuần duyên thứ ba từ nay đến cuối năm 2024. Washington được cho là đang đàm phán bán máy bay vận tải C-130J cho Hà Nội. Bộ trưởng quốc phòng Việt Năm thăm Mỹ đúng kỉ niệm một năm hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên mức cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện. "Sự gia tăng hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong suốt năm qua" đã được bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin nhấn mạnh khi tiếp đồng nhiệm Phan Văn Giang ngày 09/09.
Máy bay vận tải C130-J của nhà sản xuất Mỹ Loockheed Martin. Hoa Kỳ được cho là đang bàn với Việt Nam về khả năng mua bán loại máy bay này. © Lockheed Martin
Tất cả những sự kiện này đánh dấu "giai đoạn mới trong hợp tác hữu nghị" giữa hai nước, cho đến nay "vẫn suôn sẻ và đi theo hướng mà cả hai nước đều mong muốn". Để hiểu hơn về những chuyển biến mới trong quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt, đặc biệt là mức độ tin cậy nhau, RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, Canberra, Úc.
******************
RFI : Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam vừa kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ. Có thể hiểu đây là một dấu hiệu mới cho việc thắt chặt quan hệ quốc phòng và an ninh song phương ?
Nguyễn Thế Phương : Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang thăm Mỹ đợt này hơi đặc biệt tại vì chuyến thăm này khá dài, tầm 4-5 ngày, cho nên lịch trình sẽ dầy và tập trung nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở thời điểm hiện tại, chưa rõ cụ thể chương trình nghị sự của bộ trưởng Giang nhưng chuyến thăm này đánh dấu bước đi tiếp theo cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, bởi vì tháng 9 này kỉ niệm đúng một năm hai nước nâng cấp quan hệ.
Ở đây cần nhấn mạnh đến một số điểm. Thứ nhất, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ ở thời điểm hiện tại thường vẫn được nhấn mạnh đến quan hệ kinh tế và thương mại, còn quan hệ an ninh và quốc phòng thường được đặt bên dưới. Chuyến thăm Mỹ lần này của bộ trưởng Giang phần nào đó sẽ giúp cho Việt Nam hiểu được Mỹ sẽ muốn gì trong mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai bên trong tương lai. Và cũng để cho phía Mỹ hiểu rõ hơn là Việt Nam thực sự muốn gì ở Mỹ, đặc biệt trong vấn đề giúp Việt Nam cải thiện một số năng lực, nhất là năng lực hàng hải, hoặc những chuyển động quốc phòng sâu sắc hơn trong tương lai cho xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đây là điểm mấu chốt trong chuyến thăm của bộ trưởng Giang.
Ngoài ra, có thể đây là chuyến thăm mở đường cho chuyến thăm của tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm sắp tới. Đây cũng là chuyến thăm để Việt Nam dò chính sách của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh chỉ còn hai tháng nữa là bầu cử tổng thống.
RFI : Năm 2023 từng có thông tin Việt Nam và Mỹ bàn khả năng mua sắm chiến đấu cơ F-16 nhưng đàm phán bị dừng lại. Hiện tại có thông tin Mỹ đang thảo luận với Việt Nam về việc bán máy bay vận tải quân sự Lockheed Martin C-130J Hercules cho Hà Nội. Tại sao lại có sự thay đổi này ? Liệu việc mua máy bay, dù là máy bay vận tải, sẽ là một bước ngoặt cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ?
Nguyễn Thế Phương : Thông tin Việt Nam đàm phán với Mỹ về việc mua các loại vũ khí, khí tài của Mỹ, đặc biệt là F-16, đã xuất hiện từ cách đây 2, 3 năm chứ không phải là một vấn đề mới. Nhìn chung, nếu như Việt Nam mua vũ khí, khí tài của Mỹ thì đây cũng sẽ là một bước ngoặt. Đó sẽ là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai bên được nâng lên một tầm mức mới, bởi vì để Việt Nam mua vũ khí của Mỹ thì mức độ lòng tin chiến lược trong an ninh quốc phòng giữa hai bên, đặc biệt là từ phía Việt Nam đối với Mỹ, đã được nâng lên một tầm mức nào đó rồi.
Việt Nam cũng đã chuẩn bị từ trước cho những quyết định mua sắm đó. Thứ nhất, Việt Nam gửi một số sĩ quan không quân, những đội hậu cần qua Mỹ để huấn luyện và học tập từ cách đây 2, 3 năm. Thứ hai, Việt Nam vừa mới khai trương một sân bay ở Phan Thiết. Người ta cho rằng sân bay này được dành cho việc triển khai một số loại máy bay huấn luyện sẽ mua của Mỹ trong tương lai. Có thể thấy Việt Nam đã chuẩn bị hết về nhân lực, cơ sở hạ tầng cho vấn đề mua sắm trang thiết bị vũ khí mà ở đây là các loại máy bay Mỹ.
Thông tin Việt Nam mua máy bay F-16 của Mỹ bị dừng lại cũng không phải là điều quá bất ngờ : Thứ nhất, F-16 là một loại vũ khí mang tính tấn công mà ở thời điểm hiện tại, nếu Việt Nam mua của Mỹ thì sẽ rất nhạy cảm, đặc biệt là đặt trong mối quan hệ với Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố khác, mang tính kỹ thuật. Liệu hai bên có sẽ trao đổi vấn đề mang tính kỹ thuật về vũ khí, về bảo dưỡng, bảo trì không ? Đây cũng là điểm "nhạy cảm". Việc Mỹ có cho phép mua vũ khí đi kèm hay không cũng là một chuyện cần bàn thảo sâu hơn trong tương lai. Hiện tại, những vấn đề đó dường như vẫn là những khúc mắc mà hai bên chưa giải quyết được.
Trong khi đó C-130 chỉ là một loại máy bay vận tải phi tác chiến. Cho nên việc Việt Nam có khả năng mua C-130 cũng có thể được giải thích theo hướng là sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng lực phòng thủ, năng lực không vận, vốn là năng lực mà Việt Nam vẫn còn yếu. C-130 mang tính phòng thủ, không mang tính tấn công, bớt tính nhạy cảm và một phần nào đó cũng giúp cải thiện quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh thâm hụt thương mại hiện nay nghiêng về Việt Nam quá lớn. Cho nên, mua sắm thêm vũ khí cũng là cách để Việt Nam gửi thông điệp rằng "chúng tôi muốn mở rộng hơn nữa hợp tác, đặc biệt là về thương mại". Và trao đổi thương mại quốc phòng là một điểm mà Việt Nam đã và đang cân nhắc.
RFI : Việc Nga, nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam, bị cấm vận và phải dồn toàn bộ nguồn lực quốc phòng cho chiến tranh ở Ukraine buộc Hà Nội phải tăng tốc đa dạng hóa nguồn cung, trong số này có vũ khí hệ phương Tây. Tuy nhiên, những nước này có cơ chế kiểm soát chặt chẽ vũ khí được bán. Vấn đề này sẽ tác động đến quá trình hợp tác với Việt Nam như thế nào ? Yếu tố "hoa hồng", vẫn được các chuyên gia, nhà quan sát về quân sự Việt Nam nêu lên, có phải là một trở ngại khác ?
Nguyễn Thế Phương : Có hai yếu tố gây trở ngại chính. Thứ nhất là yếu tố mang tính hệ thống vì toàn bộ chu trình ra quyết định mua vũ khí nào và quy trình huấn luyện, bảo dưỡng bảo trì thì từ trước đến này, hệ thống, cấu trúc của Việt Nam luôn hướng về phía Nga. Cho nên hiện giờ, muốn đổi sang một hệ phương Tây khác thì toàn bộ quy trình đó phải được điều chỉnh và thay đổi. Và quá trình này tốn rất nhiều thời gian.
Thứ hai là vấn đề mang tính chính trị bởi vì tư duy quốc phòng, an ninh của Việt Nam hiện tại vẫn có một yếu tố nghi ngại phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng, cũng như các đồng minh của Mỹ. Đây là điểm có khả năng làm chậm lại quá trình tương tác giữa Việt Nam và các quốc gia phương Tây, đặc biệt là liên quan đến mua sắm vũ khí quốc phòng.
Điểm thứ ba, rất cốt lõi, liên quan đến tài chính. Nguồn lực của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là tài chính trong quá trình hiện đại hóa, rõ ràng là không lớn cho nên cũng phải "liệu cơm gắp mắm". Tất cả những yếu tố đó, khi Việt Nam muốn xác định mua sắm, đều phải đặt lên bàn cân để xem mua của ai, được lợi gì và bất lợi gì, đặc biệt là với Mỹ. Như chị đề cập tới quy trình và đặc trưng của quy trình mua sắm vũ khí, khí tài, thì "văn hóa" giữa hai bên Mỹ-Việt Nam và Việt Nam với phương Tây là khác nhau. Thực ra, sự khác nhau này là có thể điều chỉnh được.
Nhưng như tôi đã đề cập, quá trình điều chỉnh văn hóa mua sắm và chính sách như này cần phải có nhiều thời gian và dựa trên niềm tin chính trị giữa hai bên, nhu cầu của Việt Nam và chính sách, cũng như chiến lược quốc phòng của Việt Nam hiện tại, chứ không hẳn là vũ khí phương Tây là tốt và cũng không hẳn là ở thời điểm hiện tại, Nga đang gặp khó khăn và Việt Nam không mua của Nga.
RFI : Phát biểu tại một sự kiện của Canergie, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius từ năm 2014-2017 cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam "thực tế", "có rất nhiều điều có thể thực hiện một cách thực dụng giúp tăng cường quan hệ đối tác" Việt-Mỹ, kể cả trong lĩnh vực an ninh, dù không cần liên minh hay căn cứ. Hai nước sẽ tính đến những hướng phát triển nào ? Liệu Washington cần tiếp tục kiên trì vì Hà Nội cần thời gian nếu nhìn vào sự cân bằng với Trung Quốc ?
Nguyễn Thế Phương : Trong chính sách đối ngoại và chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam dù sao cũng đóng một vai trò tương đối quan trọng trong tầm nhìn của Mỹ ở khu vực. Cho nên Mỹ sẽ cần phải có một mức độ kiên trì nhất định khi tương tác với các lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là các lãnh đạo bên quân đội.
Đối với Việt Nam, niềm tin chiến lược hiện tại giữa hai bên đã được cải thiện, nhưng không đi quá nhanh. Nhìn vào Sách Trắng Quốc phòng của Việt Nam, vấn đề mang tính diễn biến hòa bình, những vấn đề mang tính lật đổ hoặc đảm bảo nguyên chế độ vẫn là vấn đề an ninh hàng đầu. Khi nói đến những vấn đề đó, phương Tây và Mỹ là những "đối tượng rất lớn", theo đúng cách dùng của ngôn ngữ chiến lược Việt Nam. Cho nên, để có mối quan hệ song phương bền vững và lâu dài với Việt Nam, Mỹ cần có sự kiên trì nhất định khi làm việc với Việt Nam, đặc biệt là trong những vấn đề mang tính nhạy cảm như an ninh và quốc phòng.
Ngoài ra, theo lời đại sứ Ted Osius, về vấn đề liên quan đến "thực tế", các nhà lãnh đạo Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã "thực tế" và "thực dụng" hơn rất nhiều so với các đây 20-30 năm, đặc biệt là trong giai đoạn trước và sau khi Liên Xô sụp đổ. Đó là giai đoạn vẫn còn nghi kị rất nhiều. Hiện tại, do sự chuyển dịch tư duy về chiến lược đặt phát triển kinh tế lên hàng đầu, để phát triển kinh tế, các nhà lãnh đạo phải "thực dụng" hơn nhưng không có nghĩa là họ không nghi ngờ, không phòng thủ trước những mối quan hệ với Mỹ và phương Tây. Phòng thủ ở đây không chỉ về mặt khác biệt và quan điểm chính trị, mà còn là sự đề phòng trong mối cân bằng ngoại giao với Trung Quốc. Đó là sự cân bằng giữa các nước lớn.
Cho nên, nói theo đại sứ Ted Osius cũng đúng, nhưng phải đặt trong toàn bộ bối cảnh tư duy chiến lược của Việt Nam hiện tại : Có sự cân bằng giữa các nước láng giềng, có yếu tố về mặt chính trị, một chút ý thức hệ và cũng có yếu tố thực dụng trong việc tăng cường quan hệ với Mỹ thì sẽ mở rộng hơn nữa khả năng của Việt Nam về mặt thương mại, tài chính và công nghệ. Đó là những lĩnh vực Việt Nam đang muốn đầu tư cho việc duy trì khả năng phát triển kinh tế trong tương lai.
RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn anh Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, tại Canberra, Úc.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 16/09/2024