Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/10/2024

Việt Nam – Trung Quốc nhìn Biển Đông khác nhau Featured

Phạm Trần

Trong vòng hai tháng, Việt Nam và Trung Quốc đã có hai chuyến thăm cao cấp lẫn nhau, nhưng không nhìn chung về tình hình Biển Đông.

lycuong1

Sau khi đến Hà Nội, tối 12/10/2024, Thủ tướng Lý Cường đến chào và hội kiến Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm tại Trụ sở Trung ương Đảng.

Trước hết, sau khi được bầu giữ chức Tổng bí thư thay ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đã thăm Trung Quốc từ ngày 18 đến ngày 20/8/2024.

Chuyến thăm được Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình mô tả : "Có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao và ưu tiên hàng đầu của hai Đảng, hai nước đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc" (theo báo Chính phủ Việt Nam).

Họ Tập cho rằng : "Đây là thời điểm quan trọng để hai nước đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi phương diện".

Theo phía Việt Nam, họ Tập khẳng định : "Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc ; ủng hộ Việt Nam kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội".

Về phần mình, ông Tô Lâm khẳng định : "Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc ; khẳng định mong muốn cùng Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc kế thừa và phát huy tốt truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai Đảng, hai nước, định hướng quan hệ Việt - Trung bước vào giai đoạn mới phát triển ngày càng ổn định, bền vững lâu dài".

Tuy nhiên hai bên "đã không thảo luận về tình hình Biển Đông", là nơi hai nước đã có hai cuộc chiến về chủ quyền biển đảo, và hiện vẫn còn xung khắc.

Chiếm đóng ở Trường Sa

Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Quân đội Việt Nam Cộng hòa ngày 19/01/1974. Sau đó, vào ngày 14/03/1988, quân Trung Quốc lại chiếm 7 vị trí chiến lược ở Trường Sa gồm : Bãi Châu Viên, Đá Chữ Thập, Cụm đá Ga Ven, Đá Gạc Ma, Đá Tư Nghĩa, Đá Vành Khăn Đá Xu Bi.

Việt Nam tố cáo Trung Quốc đã tân tạo một số vị trí thành căn cứ quân sự có quân đồn trú, bến cảng và sân bay.

Ngược lại Trung Quốc cũng cáo buộc Viễt Nam tân tạo một số, trong số 21 vị trí thành căn cứ quân sự.

Việt Nam kiểm soát 21 vị trí

Theo Bách khoa Toàn thư mở (Wikipedia), hiện Việt Nam kiểm soát 21 vị trí ở Biển Đông gồm : Đảo An Bang, Đảo Nam Yết, Đảo Sinh Tồn, Đảo Sinh Tồn Đông, Đảo Sơn Ca, Đảo Trường Sa (biệt danh Trường Sa Lớn), Đảo Song Tử Tây, Đá Cô Lin, Đá Đông, Đá Lát, Đá Len Đao, Đá Lớn, Đá Nam, Đá Núi Thi, Đá Núi Le, Đảo Phan Vinh, Đá Tây, Đá/Bãi Thuyền Chài, Đá Tiên Nữ, Đá Tốc Tan và Đảo Trường Sa Đông.

lycuong2

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chụp ảnh chung trước hội đàm. Ảnh : Dương Giang/TTXVN

Lý Cường thăm Việt Nam

Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18 đến ngày 20/8/2024, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã thăm Việt Nam từ ngày 12 đến 14/10/2024.

Theo Tuyên bố chung, việc đầu tiên là hai nước đã cam kết "kiên định con đường xã hội chủ nghĩa" và tiếp tục hành động theo phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Hai bên cũng cam kết : "Chống ly khai, phòng chống "cách mạng màu" ; tăng cường trao đổi và thúc đẩy thiết lập Đường dây nóng giữa Bộ Công an hai nước, cùng bảo vệ an ninh chính quyền và an ninh chế độ".

Liên kết đường sắt

Hai bên cũng : "Nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" với Sáng kiến "Vành đai và Con đường" ; đẩy nhanh thúc đẩy kết nối hạ tầng giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu ; đẩy nhanh xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc), tăng cường giao lưu hợp tác về kỹ thuật đường bộ ; nâng cấp "kết nối mềm" về hải quan thông minh. Hai bên sẽ phát huy vai trò của Nhóm công tác hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc ; đẩy nhanh công tác nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và lập Quy hoạch 02 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng ; đẩy nhanh công tác kết nối ray khổ tiêu chuẩn từ Lào Cai (Việt Nam) đến Hà Khẩu (Trung Quốc) ; thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước về xây dựng 03 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn nêu trên và hai bên sẽ tiếp tục trao đổi về các công việc hợp tác cụ thể liên quan".

Nên biết, Trung Quốc không có đường biển tốt và vị trí chiến lược quốc phòng như Việt Nam, vì vậy chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường là nhẳm "hiện thực hóa" các cam kết hợp tác nối liền giao thông đường sắt với Việt Nam. Thỏa thuận này sẽ giúp xuất-nhập cảng hàng hóa của Trung Quốc qua bến cảng Việt Nam, đặc biệt là cảng Hải Phòng.

Do đó, Tuyên bố chung đã phản ánh ý muốn của Trung Quốc : "Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, duy trì thương mại biên giới thông suốt, triển khai xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh, tăng cường kết nối giữa Khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" với Sáng kiến Vành đai và Con đường".

Hời hợt Biển Đông

Cuối cùng, như thường lệ, hai bên đã nói đến Biển Đông là nơi hai nước vẫn có những bất đồng ý kiến. Tuyên bố chung viết : "Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực ; nhất trí tuân thủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, kiểm soát thỏa đáng bất đồng, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982".

Hai bên cũng cam kết : "Không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, cùng duy trì ổn định trên biển. Thúc đẩy bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển và bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ sớm đạt tiến triển thực chất, tích cực triển khai hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, tăng cường hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển. Tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất sớm đạt được Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982".

Nên biết Trung Quốc đã tìm mọi cách không ký bộ "Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC, Code of Conduct)" với ASEAN (The Association of South East Asian Nations/Hiệp hội các nước Đông Nam Á) vì không muốn bị bó tay trong hành động đơn phương lấn chiếm biển đảo ở Biển Đông, đặc biệt đối với Việt Nam.

Ngược lại, Bắc Kinh "chỉ muốn ký riêng với nước nào có tranh chấp với họ". Trung Quốc từng nói "không có tranh chấp Biển Đông" với khối ASEAN.

Lý Cường hứa gì ?

Trong các cuộc thảo luận, theo báo Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh : "Trung Quốc sẽ tăng cường mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam, ủng hộ Việt Nam mở các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc".

Tuy nhiên, Lý Cường đã không hứa chấm dứt các vụ tầu chấp pháp Trung Quốc vẫn thường xuyên tân công và đánh đập ngư dân Việt Nam hành nghề ở Biển Đông, quanh Hoàng Sa và vùng bắc Trường Sa.

Vụ xẩy ra gần nhất vào ngày 29/09/2024 khi tầu Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) "trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam".

Báo chí Việt Nam có đưa tin về vụ tấn công nhưng "đã không nêu rõ "tàu nước ngoài" hay "tàu lạ" là tàu Trung Quốc, dù những ngư dân gặp nạn kể rằng những chiếc tàu tấn công họ có treo quốc kỳ Trung Quốc và họ bị đánh bởi những người nói tiếng Trung" (BBC tiếng Việt).

Việc loan tin này, một lần nữa chứng minh : Không có tự do Báo chí ở Việt Nam.

Phạm Trần

(16/10/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 71 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)