Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/11/2024

Sau Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, căng thẳng trên Biển Đông

Nhiều tác giả

Biển Đông : Hoa Kỳ lần đầu tiên thừa nhận triển khai lực lượng đặc nhiệm đến Bãi Cỏ Mây

Chi Phương, RFI, 22/11/2024

Lần đầu tiên Hoa Kỳ công khai thừa nhận sự hiện diện của một lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), khu vực tranh chấp với Trung Quốc, ở Biển Đông, sau chuyến thăm đến Philippines của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi đầu tuần này. Động thái này được cho là để khẳng định hợp tác giữa hai nước, trong bối cảnh chuyển giao quyền lực ở Washington.

addm1

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin và đồng nhiệm Philippines Gilberto C. Teodoro, Jr. trao đổi văn kiện hợp tác, tại tổng hành dinh Aguinaldo, Thành phố Quezon, Philippines, ngày 18/11/2024. AP - Aaron Favila

Trong bài đăng trên mạng xã hội X, hôm 19/11, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết : "Tôi đã đến thăm trung tâm chỉ huy và kiểm soát hợp nhất ở Palawan. Tôi cũng đã gặp một số quân nhân Mỹ được triển khai vào Lực lượng đặc nhiệm của Hoa Kỳ tại Ayungin (Tên gọi khác của Bãi Cỏ Mây trong tiếng Philippines). Thay mặt cho nhân dân Mỹ và liên minh đối tác giữa hai nước trong khu vực, tôi cảm ơn họ đã làm việc rất tích cực".

Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ lần đầu thừa nhận sự tồn tại của lực lượng đặc nhiệm

Dường như đây là lần đầu tiên sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm của Hoa Kỳ ở khu vực này được đề cập tới. Hôm qua, Kanishka Gangopadhyay, phát ngôn viên của sứ quán Hoa Kỳ tại Manila, được Bloomberg trích dẫn, giải thích rằng "lực lượng đặc nhiệm Ayungin tăng cường sự phối hợp và khả năng tương tác giữa Hoa Kỳ và Philippines... ở Biển Đông".

Theo trang Inquirer, quân đội Philippines hôm qua nêu rõ là lực lượng Hoa Kỳ cung cấp các hỗ trợ về kỹ thuật, "là nhiệm vụ quan trọng, hỗ trợ lập kế hoạch và thực hiện các chương trình, hoạt động nhằm bảo vệ lợi ích" của Manila tại biển Tây Philippines (tức Biển Đông).

Dù không có nhiều thông tin cụ thể về thành phần của lực lượng đặc nhiệm này, nhưng Hoa Kỳ và Philippines đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác quốc phòng, trong đó có Thỏa thuận Edca 2014, cho phép lực lượng Hoa Kỳ tổ chức huấn luyện, bố trí vũ khí và các thiết bị tại một số căn cứ quân sự ở Philippines.

Gordian Knot, chuyên gia về an ninh quốc gia tại đại học Stanford, Hoa Kỳ, trả lời trang Inquirer, cho rằng việc Hoa Kỳ công khai thừa nhận sự tồn tại của lực lượng này trong bối cảnh hiện nay, có thể là vì muốn "gửi đi một tín hiệu là liên minh Hoa Kỳ - Philippines đang hoạt động tích cực".

Còn theo chuyên gia Trần Tương Miểu (Chen Xiangmiao), thuộc Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc, trả lời Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times), động thái này có thể khuyến khích Philippines có hành động táo bạo hơn, làm gia tăng căng thẳng. Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc, lý do khiến Hoa Kỳ công khai thông tin này, không chỉ để tăng cường quan hệ song phương, mà còn nhằm giảm tác động trước sự thay đổi chính quyền Hoa Kỳ sắp tới.

Tuy nhiên, theo ông Trần Tương Miểu, khả năng lực lượng Hoa Kỳ tham gia vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc là không cao vì có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và trở nên quá tốn kém đối với Hoa Kỳ.

Chi Phương

*******************************

ASEAN - ADMM : Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc từ chối gặp đồng cấp Mỹ

Thu Hằng, RFI, 21/11/2024

Mỹ và Trung Quốc cùng tham dự Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN - ADMM lần thứ 18 diễn ra tại Lào nhưng Bắc Kinh đã từ chối lời đề nghị gặp riêng với bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Ngày 20/11/2024, Lloyd Austin "lấy làm tiếc" về quyết định của đồng nhiệm Đổng Quân (Dong Jun) và coi đây "là một bước thụt lùi cho toàn bộ khu vực". Phía Trung Quốc chưa bình luận về quyết định trên.

addm2

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Vientiane, Lào, ngày 21/11/2024. AP - Anupam Nath

Phát biểu sau cuộc họp với Úc và nhiều đối tác trong vùng ngày 20/11, bộ trưởng Lloyd Austin cho rằng quyết định của Trung Quốc "tác động đến khu vực bởi vì toàn bộ khu vực muốn thấy chúng tôi - hai cường quốc, hai tác nhân quan trọng - đối thoại với nhau. Việc này trấn an khu vực". Những nước này cam kết ủng hộ ASEAN và bày tỏ "quan ngại về những hành động gây bất ổn ở biển Hoa Đông và Biển Đông, kể cả hành vi nguy hiểm của nước CHND Trung Hoa đối với tàu của Philippines và của các quốc gia ven biển khác".

Ngày 21/11, trong khuôn khổ ADMM mở rộng, bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN đã họp với Mỹ, Trung Quốc và các đối tác khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Úc và New Zealand). Theo AP, ông Đổng Quân và ông Lloyd Astin đã họp kín với các đồng nhiệm ASEAN trong cùng một căn phòng. Hai cường quốc đang nỗ lực cải thiện liên lạc quân sự hiện bị trục trặc.

Ngoài xung đột hàng hải, các nhà lãnh đạo quốc phòng cũng đề cập đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên, chiến tranh Nga-Ukraine và các cuộc chiến ở Trung Đông.

Về nội bộ ASEAN, các bộ trưởng quốc phòng nhất trí cố gắng đúc kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC từ nay đến năm 2026 trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng xác quyết chủ quyền. Nhưng trên thực tế, các cuộc đàm phán diễn ra chậm chạp và bị cản trở vì nhiều vấn đề, trong đó có bất đồng về tính chất bắt buộc của văn bản.

Hội nghị ADMM mở rộng diễn ra vào lúc Nhà Trắng đổi chủ trong khi các cuộc xung đột hàng hải với Trung Quốc ngày càng gia tăng. Dưới thời tổng thống Joe Biden, Mỹ kiên quyết bảo vệ chính sách về "một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Nhưng hiện giờ, không ai biết chính sách về Biển Đông của chính quyền tổng thống Donald Trump.

Thu Hằng

****************************

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN vào lúc căng thẳng với Trung Quốc gia tăng ở Biển Đông

Thanh Hà, RFI, 20/11/2024

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-ADMM lần thứ 18 và ADMM mở rộng, khai mạc sáng 20/11/2024 tại Vientiane, Lào. Các bên tập trung vào vế an ninh trong bối cảnh gia tăng tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông và trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Hoa Kỳ, điểm tựa của một số quốc gia trong khu vực để làm đối trọng với Trung Quốc, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.

addm3

Các bộ trưởng quốc phòng của khối ASEAN họp tại Vientiane, Lào, ngày 20/11/2024. AP - Anupam Nath

Hãng tin Mỹ AP cho biết bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin, trên nguyên tắc sẽ đến Vientiane dự cuộc họp ADMM mở rộng, tương tự như các đồng cấp Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc.

Trước khi rời khỏi Lầu Năm Góc vào tháng 01/2025 ông Lloyd Austin vừa kết thúc một cuộc họp với đồng cấp Úc và Nhật Bản tại Canberra. Hoa Kỳ và hai đồng minh thân thiết này cam kết "mạnh mẽ yểm trợ" ASEAN trước những quan ngại sâu sắc của khối này về những hành vi của Trung Quốc gây bất ổn trong các vùng Biển Đông và Hoa Đông.

Khai mạc hội nghị ADMM lần thứ 18 sáng nay, trong cương vị chủ nhà, bộ trưởng Quốc phòng Lào, Chansamone Chanyalath, mong mỏi đây là cơ hội để 10 nước thành viên ASEAN "tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ trong khu vực cũng như chuẩn bị đối phó và giải quyết những mối đe dọa hiện tại và trong tương lai đối với an ninh trong vùng Đông Nam Á". Về nội bộ ASEAN, bộ trưởng quốc phòng khối này sẽ thảo luận về khủng hoảng nhân đạo tại Miến Điện.

AP chưa thể xác định là bộ trưởng quốc phòng Mỹ có dự trù một cuộc trao đổi song phương với đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân tại Vientiane lần này hay không. Riêng Nhật Bản, đài truyền hình NHK cho biết, ông Gen Nakatani sẽ thảo luận với đối tác Trung Quốc về những "quan ngại liên quan đến những hoạt động quân sự của Bắc Kinh" trong thời gian gần đây. Tháng 8/2024 chiến đấu cơ Trung Quốc đã thâm nhập không phận Nhật Bản. Tokyo phản đối hàng không mẫu hạm và hai tàu khu trục của Trung Quốc đã xâm nhập các vùng biển của Nhật Bản.

Hội nghị ADMM và ADMM mở rộng lần này cũng nhằm thảo luận về những căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên, chiến tranh Ukraine và các cuộc xung đột ở Cận Đông. Các bên cũng sẽ tập trung vào các vế chống khủng bố, hợp tác vì an ninh mạng và khắc phục hậu quả thiên tai.

Thanh Hà

************************

Manila tố cáo Trung Quốc ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm vùng biển Philippines

Thu Hằng, RFI, 20/11/2024

"Rất nhiều" tàu chiến của Trung Quốc được ngụy trang thành tàu cá hoặc tàu hải cảnh để xâm chiếm các vùng biển của Philippines. Ngày 19/11/2024, bộ trưởng quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro nhấn mạnh thực tế này khi cùng đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin đến thăm một căn cứ ở đảo Palawan, trên tuyến đầu trong cuộc xung đột lãnh hải với Bắc Kinh.

addm4

Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin họp báo với đồng nhiệm Philippines Gilberto Teodoro tại Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines (WESCOM) ở Palawan, Philippines, ngày 19/11/2024. AP

Hai bộ trưởng đến thăm trụ sở Bộ Tư lệnh Miền Tây (Western Command) ở Puerto Princesa, trên đảo Palawan. Trong cuộc họp báo, bộ trưởng Gilberto Teodoro nhấn mạnh các tàu của Trung Quốc "ngày càng hung hăng hơn" khi "dàn cả một số lượng lớn tàu quân sự được cải trang thành tàu của lực lượng Hải cảnh và tàu dân quân biển, ngăn tàu Philippines vào các vùng biển phía tây của Philippines". Chiến thuật này được Trung Quốc sử dụng rộng rãi và được gọi là "chiến thuật vùng xám".

Ông Lloyd Austin "hoàn toàn đồng tình" với đánh giá của đồng nhiệm Teodoro, đồng thời lên án "thái độ (của Trung Quốc) ngày càng đáng quan ngại… Họ sử dụng nhiều biện pháp nguy hiểm và leo thang để khẳng định các yêu sách lãnh hải ở Biển Đông".

Theo trang Philstar, tuyên bố "thẳng thắn" của hai bộ trưởng quốc phòng được đưa ra vào lúc hai nước đồng minh công bố nhiều dự án hợp tác quân sự mới, trong đó có việc Washington giao cho Manila drone hải chiến trong chương trình hỗ trợ an ninh trị giá 500 triệu đô la để giúp Philippines tăng cường năng lực hàng hải "để bảo vệ quyền và chủ quyền trong các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines", theo bộ trưởng Lloyd Austin.

Đây là lần thứ tư, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến thăm Philippines và cũng là chuyến cuối cùng trước khi bàn giao lại cho chính quyền của tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông bày tỏ "tin tưởng rằng Philippines sẽ luôn là một đất nước quan trọng cho Hoa Kỳ trong nhiều năm tới". Dưới thời bộ trưởng Lloyd Austin, Philippines đã mở cửa thêm bốn căn cứ cho lực lược Mỹ trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường năm 2023. Ba căn cứ nằm trên đảo Luzon, đối diện với Đài Loan và một căn cứ trên đảo Palawan.

Thu Hằng

*************************

Mỹ và Phillipines ký thỏa thuận tăng cường trao đổi thông tin tình báo quân sự

Trọng Thành, RFI, 18/11/2024

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Philippines ký kết hôm nay, 18/11/2024, một thỏa thuận về trao đổi thông tin tình báo quân sự nhân chuyến công du Manila của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Văn bản có mục tiêu tăng cường bảo mật cho các thông tin tình báo quân sự cấp cao mà Hoa Kỳ chuyển giao cho Philippines.

addm5

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (tiếp bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, tại điện Malacanang, Manila, Philippines, ngày 18/11/2024 via Reuters - Gerard Carreon

Hiện tại, Mỹ và Philippines không cung cấp thông tin chi tiết hoặc bản sao của thỏa thuận vừa được ký. Trả lời AP, hai quan chức an ninh Philippines, xin ẩn danh, khẳng định văn bản này tương tự như các thỏa thuận mà Washington đã ký với một số đồng minh khác, cung cấp "các thông tin tình báo cấp cao hơn" và vũ khí tối tân hơn.
Cụ thể là quân đội Philippines được uyền tiếp cận các hệ thống giám sát vệ tinh và drone của Mỹ, với điều kiện tin tức tình báo và thông tin chi tiết về các vũ khí tối tân phải được bảo mật cao. Đồng thời Philippines được tiếp cận được các phương tiện tân tiến hơn của Mỹ , bao gồm cả hệ thống tên lửa.

Thỏa thuận tăng cường trao đổi thông tin tình báo quân sự nói trên được ký kết vào thời điểm Mỹ, Philippines cùng các đồng minh đang tăng cường các hoạt động quốc phòng, bao gồm các cuộc tập trận tác chiến chung quy mô lớn, chủ yếu là để ứng phó với các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Châu Á.

Theo AP, trong quá khứ, những nỗ lực của Philippines nhằm có được các vũ khí tối tân từ quân đội Mỹ đã bị cản trở do việc thiếu một thỏa thuận tình báo như vậy, ngay cả khi quân đội Philippines đang phải vật lộn chống lại cuộc vây hãm của các lực lượng nổi loạn, liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, ở thành phố Marawi, hồi 2017. Quân đội Philippines, được drone của Mỹ và Úc hỗ trợ, đã dập tắt cuộc nổi loạn kéo dài 5 tháng.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và đồng nhiệm Philippine, Gilberto Teodoro, đã dự lễ khởi công xây dựng một "trung tâm phối hợp" nằm trong khu vực tổng hành dinh của Quân đội Philippines ở Manila, nơi "trao đổi thông tin theo thời gian thực" và "góp phần tăng cường khả năng phối hợp (giữa quân đội hai nước) trong nhiều năm", theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ngày mai, bộ trưởng quốc phòng Mỹ có kế hoạch viếng thăm đảo lớn Palawan, tây Philippines, để gặp gỡ chỉ huy các đơn vị tuần tiễu, và làm nhiệm vụ bảo vệ các vị trí tiền tiêu của Philippines tại Biển Đông.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương, Thu Hằng, Thanh Hà, Trọng Thành
Read 78 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)