Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/11/2024

Kênh đào Funan Techo : nói thì dễ làm mới thấy khó

Nhiều nguồn tin

Siêu dự án kênh đào Phù Nam Techo 'không nhúc nhích', Trung Quốc kém mặn mà

BBC, 22/11/2024

Cách đây hơn ba tháng, lễ động thổ siêu dự án kênh đào Phù Nam Techo đã diễn ra với không khí tưng bừng tại tỉnh Kandal. Siêu dự án của Campuchia giờ ra sao ?

funan1

Thủ tướng Hun Manet muốn hun đúc tinh thần dân tộc từ siêu dự án Phù Nam Techo

Phát biểu tại lễ động thổ dự án lịch sử vào ngày 5/8 trong hào khí dân tộc dâng cao, Thủ tướng Campuchia Hun Manet nói Trung Quốc sẽ đóng góp 49% vào nguồn vốn đầu tư cho con kênh đào nối sông Mekong với Vịnh Thái Lan.

Phù Nam Techo là một dự án đầy tham vọng của Campuchia nhằm giảm sự phụ thuộc giao thông thông qua các cảng của Việt Nam, giúp quốc gia này "thở bằng mũi của mình".

"Có thể nói rằng tầm quan trọng của kênh đào Funan Techo đối với Campuchia tương đương với tầm quan trọng của kênh Suez đối với Ai Cập, kênh đào Panama đối với Panama và Đại Vận Hà Bắc Kinh-Hàng Châu đối với Trung Quốc", tác giả Leap Chanthavy viết trên báo Khmer Times vào ngày 14/10.

Thế nhưng, một nguồn tin nắm vấn đề của BBC News tiếng Việt từ Campuchia cho biết sau lễ khởi công vào ngày 5/8, công trình kênh đào Phù Nam Techo không có tiến triển nào tính tới hiện nay.

Hơn ba tháng sau, vẫn chưa có thông tin rõ ràng về khoản đầu tư của Trung Quốc.

'Hoài nghi'

Tại lễ động thổ vào ngày 5/8, Thủ tướng Hun Manet gọi tuyến kênh đào dài 180 km, với kinh phí ước tính 1,7 tỷ đô la Mỹ, là một dự án "lịch sử" và cam kết "hoàn thành bằng mọi giá".

Ông Hun Manet kêu gọi người dân "đừng nên lo lắng rằng con kênh đào sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự".

Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol nhấn mạnh kênh đào sẽ củng cố "tính độc lập chính trị trong vận tải đường thủy" cho xứ sở chùa tháp.

Phát biểu trước hàng chục ngàn người tham dự, lần đầu tiên ông Hun Manet cho biết tập đoàn đầu tư OCIC tham gia dự án này, bên cạnh các công ty khác.

OCIC là một tập đoàn lớn tại Campuchia, hoạt động đa lĩnh vực, đầu tư vào các dự án có quy mô hàng đầu như đảo Kim Cương ở Phnom Penh, sân bay quốc tế Techo, cầu Russey Keo… Chủ tịch OCIC là ông Pung Kheav Se, một nhà tài phiệt gốc Hoa và là chủ tịch Hiệp hội người Hoa Khmer tại Campuchia.

Tuy nhiên, về tình hình thi công, bốn người trực tiếp tham gia vào các kế hoạch đầu tư hoặc được tiếp cận thông tin nói với Reuters rằng Bắc Kinh đã bày tỏ sự hoài nghi về dự án và không đưa ra cam kết chắc chắn về tiền đầu tư.

Phản hồi trước câu hỏi của Reuters về dự án này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết như sau :

"Chuyện các công ty Trung Quốc hỗ trợ Campuchia trong việc xem xét xây dựng các dự án bảo tồn nguồn nước mang tính toàn diện, tuân thủ theo các nguyên tắc thị trường, là hình thức kinh doanh bình thường".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời câu hỏi trực tiếp về nguồn tiền đầu tư nhưng khẳng định hai quốc gia là "những người bạn sắt son".

Cũng theo Reuters, chính phủ Campuchia đã từ chối đề nghị phỏng vấn và trong những tuần gần đây, người phụ trách báo chí đã không phản hồi những câu hỏi về kinh phí cho kênh đào Phù Nam Techo.

funan2

Thủ tướng Hun Manet gọi tuyến kênh đào dài 180 km này là một dự án "lịch sử" và cam kết "hoàn thành bằng mọi giá".

Theo Reuters, các chuyên gia, quan chức và nhà ngoại giao nói rằng việc Trung Quốc thiếu cam kết rõ ràng có thể đẩy toàn bộ dự án vào tình trạng nguy ngập, đặc biệt là trong bối cảnh có sự không chắc chắn về chi phí, tác động môi trường và triển vọng tài chính.

Điều này cũng cho thấy cách mà Bắc Kinh đang cắt giảm đáng kể các khoản đầu tư ra nước ngoài, kể cả tại những quốc gia mà họ xem là đối tác chiến lược như Campuchia, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp khó khăn.

Từng là một điển hình nổi bật trong mô hình "kiến thiết quốc gia" được phương Tây hậu thuẫn sau cuộc nội chiến kéo dài, gần đây Campuchia bị các nhà ngoại giao và chuyên gia chính sách đối ngoại xem là quốc gia lệ thuộc của Trung Quốc, khi nợ từ Trung Quốc chiếm hơn 1/3 tổng nợ công của nước này.

Hồi tháng 7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Campuchia Aun Pornmoniroth cho biết nợ công của nước này (11,09 tỷ đô la) ở mức "bền vững" và "có rủi ro thấp" tính đến quý thứ hai của năm 2024. Campuchia vay nợ nhiều nhất là từ Trung Quốc (3,99 tỷ đôla), chiếm 36%.

'Cạn dần'

funan3

Thủ tướng Campuchia Hun Manet (phải) và Đại sứ Trung Quốc Uông Văn Bân chụp hình cùng các giáo viên và học sinh trong sự kiện hôm 26/10

Hồi tháng 8, ba ngày sau lễ động thổ dự án lịch sử, cựu Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen nói "những người bạn Trung Quốc đã đáp ứng nhu cầu của Campuchia mà không ai khác làm được".

Vào ngày 21/8, ông Hun Manet tuyên bố Campuchia cần thêm nguồn đầu tư của Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, y tế, nông nghiệp, công nghiệp, tài chính.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia.

Trả lời Tân Hoa Xã hồi tháng 8/2024, ông Neak Chandarith, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của Campuchia, nói rằng các doanh nghiệp do Trung Quốc đầu tư đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của Campuchia và cải thiện đời sống người dân địa phương.

"Các dự án lớn do Trung Quốc đầu tư theo khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) như Đặc khu kinh tế Sihanoukville, các nhà máy thủy điện, cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville, sân bay quốc tế Siem Reap Angkor, cầu đường cùng nhiều dự án khác đã và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế của vương quốc Campuchia", ông Neak Chandarith nói.

Ông cho biết các dự án thuộc BRI tại Campuchia sẽ giúp xứ sở chùa tháp đạt được các mục tiêu đầy tham vọng là trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.

Thế nhưng, theo Reuters, đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia Đông Nam Á này hiện đang lao dốc, sau một loạt các dự án cơ sở hạ tầng không thành công, trong bối cảnh xuất hiện các mối lo ngại về những băng nhóm tội phạm nhắm vào công dân Trung Quốc và lượng du khách đến Campuchia sụt giảm.

Dù đầu tư Trung Quốc cho các dự án ở nước ngoài cũng đang sụt giảm ở những nơi khác, nhưng tại Campuchia, tác động "có thể rất rõ rệt", bà Grace Stanhope, nhà nghiên cứu từ Viện Lowy (Úc), nói với Reuters.

Trung Quốc vẫn đang xây dựng đường sá và các công trình hạ tầng khác nhưng đã rút khỏi dự án xây dựng sân bay Phnom Penh mới, công trình mà ban đầu Trung Quốc đã cam kết đầu tư 1,1 tỷ đô la.

Theo quan sát của phóng viên Reuters và xác nhận từ các quan chức Campuchia, đường cao tốc do Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) xây nối Phnom Penh với thành phố ven biển Sihanoukville vẫn chưa được các tài xế Campuchia sử dụng nhiều, thay vào đó họ chạy trên các con đường cũ để không phải trả phí.

Siem Reap-Angkor, một sân bay khác do Trung Quốc đầu tư mới hoàn thành gần đây tại thành phố Siem Reap để phục vụ du khách đến tham quan di sản thế giới Angkor Wat, "rất vắng vẻ", Ou Virak, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu Future Forum của Campuchia chia sẻ với Reuters.

Ông nói thêm rằng các nhà đầu tư có thể phải gánh lỗ.

funan4

Nhiều tòa nhà bị bỏ hoang trong các dự án dang dở của Trung Quốc ở tỉnh Sihanoukville của Campuchia, ảnh vào ngày 2/7/2024.

Đầu tư trong lĩnh vực tư nhân của Trung Quốc ở Campuchia vẫn ở mức cao, nhưng trả lời Reuters, nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia tài chính ở thủ đô Phnom Penh chỉ ra rằng dòng tiền Trung Quốc đổ vào sòng bài và bất động sản một thời rất dồi dào hiện đang cạn dần.

Nguồn du khách từ Trung Quốc, thu nhập chính trong lĩnh vực du lịch của Campuchia, đang phục hồi chậm chạp sau đại dịch Covid.

Tình hình đìu hiu này trùng với chiến dịch dài hơi của Trung Quốc cảnh báo du khách về những rủi ro liên quan đến lừa đảo trực tuyến tại Campuchia.

Trong bối cảnh Trung Quốc và Campuchia ngày càng tăng cường quan hệ, số phận cùng tính bền vững của siêu dự án kênh đào Phù Nam Techo vẫn còn là một câu hỏi lớn.

"Với quá nhiều ẩn số, tôi không lấy gì làm ngạc nhiên khi các nhà đầu tư đang chùn bước trước dự án này và vẫn chưa xuất hiện với túi tiền trong tay", ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson, trả lời Reuters.

Nguồn : BBC, 22/11/2024

*************************

Kênh đào Phù Nam của Campuchia gặp rắc rối vì thiếu vốn từ Trung Quốc

RFA, 22/11/2024

Kênh đào Funan Techo (Phù Nam) được kỳ vọng của chính phủ Campuchia vừa mới khởi công hồi đầu tháng 8 vừa qua giờ đây dường như đang gặp khó khăn vì thiếu vốn từ Trung Quốc.

funan5

Người dự lễ động thổ kênh đào Phù Nam ở tỉnh Kandal, Campuchia hôm 5/8/2024. Tang Chhin Sothy / AFP$

Kênh đào có độ dài 180 km kết nối từ sông Mekông vào Vịnh Thái Lan và được trông đợi là sẽ giảm sự lệ thuộc của Campuchia vào tuyến đường vận chuyển qua Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng mong muốn Campuchia chia sẻ thông tin về dự án trong khi một số nhà khoa học lo ngại kênh đào này sẽ gây ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long.

Chính phủ Campuchia ước tính dự án kênh đào có vốn đầu tư lên đến 1,7 tỷ đô la (chiếm gần 4% GDP của quốc gia). Thủ tướng Campuchia Hun Manet trong lễ động thổ kênh đào năm nay cho biết Trung Quốc sẽ đóng góp 49% vốn đầu tư vào kênh đào này.

Reuters dẫn bốn nguồn tin giấu tên, có liên quan trực tiếp đến kế hoạch đầu tư của dự án, cho biết Bắc Kinh đã bày tỏ những nghi ngại về việc thực hiện dự án này và chưa đưa ra bất cứ cam kết nào về vốn cho dự án.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong thư trả lời Reuters về thông tin mới cho biết việc các công ty Trung Quốc giúp đỡ Campuchia trong việc khai thác xây dựng các dự án bảo tồn nước toàn diện theo nguyên tắc thị trường là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời câu hỏi về khoản đầu tư vào dự án mà chỉ nói là hai quốc gia là "những người bạn sắt đá".

Chính phủ Campuchia hiện cũng từ chối trả lời phỏng vấn, người phụ trách báo chí của chính phủ không trả lời câu hỏi về dự án.

Reuters dẫn ý kiến các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc không có cam kết rõ ràng với dự án có thể làm hỏng toàn bộ kế hoạch vào khi kênh đào đã có những vấn đề về chi phí, ảnh hưởng đến môi trường.

Điều này cũng cho thấy Bắc Kinh đang giảm mạnh đầu tư ở nước ngoài vào khi nền kinh tế nội địa đang có khó khăn.

Theo Reuters, các khoản đầu tư của Trung Quốc và Campuchia hiện cũng đang giảm mạnh sau một số các dự án hạ tầng cơ sở không thành công, trong khi có những quan ngại về các nhóm tội phạm đang nhắm đến công dân Trung Quốc, và sự sụt giảm của khách du lịch Trung Quốc.

Số liệu của Chính phủ Campuchia cho thấy giải ngân vốn đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia được dự báo sẽ giảm xuống còn 35 triệu đô la vào năm 2026 từ mức hơn 420 triệu đô la vào năm 2021. Hiện không có khoản vốn vay của Trung Quốc nào trong nửa đầu năm nay. Vốn vay từ Trung Quốc của Campuchia giảm từ 567 triệu đô la năm 2022 xuống 302 triệu đô la vào năm ngoái.

Hiện Trung Quốc vẫn xây dựng các con đường và cơ sở hạ tầng khác ở xứ Chùa Tháp nhưng đã rút ra khỏi công trình xây dựng sân bay Phnom Penh mới, nơi Bắc Kinh trước đó cam kết 1,1 tỷ đô la.

Các chuyên gia cho biết đầu tư tư nhân từ Trung Quốc vào Campuchia hiện vẫn cao nhưng chủ yếu vào bất động sản và đánh bạc.

Nguồn : RFA, 22/11/2024

**************************

Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia gặp khó vì Trung Quốc không cam kết vốn

Reuters, VOA, 21/11/2024

Tại một buổi lễ hồi tháng Tám, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã quỳ xuống để được các nhà sư ban phước trong lúc pháo hoa và bóng bay báo hiệu việc động thổ cho con kênh mà ông hy vọng sẽ thay đổi vận mệnh kinh tế của đất nước.

funan6

Thủ tướng Campuchia Hun Manet phát biểu trong lễ khởi công kênh đào Funan Techo ở tỉnh Kandal hôm 5/8 năm 2024

Phát biểu trước hàng trăm người vẫy quốc kỳ Campuchia, ông Hun Manet cho biết Trung Quốc sẽ góp 49% ngân quỹ xây dựng kênh đào Funan Techo kết nối sông Mekong với Vịnh Thái Lan và giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào Việt Nam trong vận chuyển hàng hóa.

Chính phủ Campuchia ước tính dự án cơ sở hạ tầng chiến lược nhưng gây tranh cãi này sẽ tiêu tốn 1,7 tỷ đô la Mỹ, tức gần 4% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Campuchia.

Nhưng nhiều tháng sau, số tiền đóng góp Trung Quốc vẫn bị nghi ngờ.

Bốn người tham gia trực tiếp vào kế hoạch đầu tư hoặc được thông báo về kế hoạch này nói với Reuters rằng Bắc Kinh đã bày tỏ sự hoài nghi về dự án và chưa đưa ra cam kết dứt khoát về tài trợ.

"Hỗ trợ Campuchia thăm dò xây dựng các dự án thủy lợi toàn diện theo các nguyên tắc thị trường là tập quán kinh doanh bình thường của các công ty Trung Quốc", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong email gửi cho Reuters khi được hỏi về kênh đào này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời câu hỏi thẳng về khoản tài trợ nhưng nói rằng hai nước là ‘bạn bè kiên định’, phát biểu vốn cũng được chính ông Hun Manet nhấn mạnh hồi cuối tháng 10.

Việc Trung Quốc thiếu cam kết rõ ràng có thể tạo ra nguy cơ cho toàn bộ kế hoạch, do sự không chắc chắn về chi phí của dự án, tác động môi trường và tính khả thi về tài chính, các chuyên gia, các quan chức và nhà ngoại giao nói.

Nó cũng cho thấy Bắc Kinh đang giảm mạnh các khoản đầu tư ở nước ngoài khi họ gặp khó khăn kinh tế ở trong nước, ngay cả ở các quốc gia mà họ coi là đối tác chiến lược, chẳng hạn như Campuchia.

Từng là một ví dụ điển hình trong việc ‘xây dựng đất nước’ do phương Tây hậu thuẫn sau cuộc nội chiến kéo dài sau dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Khmer Đỏ, Campuchia trong thời gian gần đây đã được đông đảo các nhà ngoại giao và chuyên gia chính sách đối ngoại coi là một nước chư hầu của Trung Quốc, do Bắc Kinh chiếm hơn 1/3 tổng nợ công của Campuchia.

Nhưng đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia Đông Nam Á này hiện đang lao dốc, sau một loạt các dự án cơ sở hạ tầng không thành công, trong bối cảnh có lo ngại về các băng đảng tội phạm nhắm vào công dân Trung Quốc và số lượng du khách giảm bớt.

Kênh đào dài 180 km này sẽ mở rộng đáng kể tuyến đường thủy hiện có và dẫn nước từ đồng bằng sông Mekong, vùng canh tác lúa nhạy cảm, đến Vịnh Thái Lan, cắt giảm việc vận chuyển của Campuchia qua ngõ Việt Nam.

Trong những tháng sau khi chính phủ Campuchia ký ‘thỏa thuận đầu tư khung’ vào tháng 10 năm 2023 với Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC), một công ty xây dựng nhà nước, các quan chức Campuchia đã công khai về sự tham gia của Trung Quốc về tài chính. Văn bản của thỏa thuận không được công khai.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hồi tháng Năm, Bộ trưởng phụ trách dự án, Phó Thủ tướng Sun Chanthol, cho biết CRBC sẽ xây dựng kênh đào và trang trải chi phí ‘hoàn toàn’ để đổi lại quyền khai thác nó trong nhiều thập kỷ.

Nhưng tại buổi lễ khởi công hồi tháng Tám, Thủ tướng Hun Manet đã cho biết cổ phần của CRBC trong dự án ở mức 49%, phần còn lại do các công ty Campuchia trang trải.

Cùng ngày, thân phụ ông cũng là nhà lãnh đạo Campuchia hàng chục năm, cựu Thủ tướng Hun Sen, đã lên Facebook kêu gọi Nhật Bản đầu tư vào kênh đào.

Tân Hoa Xã đã không đả động gì đến sự tham gia của Trung Quốc trong bản tin của họ về lễ động thổ kênh đào.

Một người trực tiếp tham gia vào kế hoạch đầu tư nói với Reuters hồi đầu tháng 11 rằng vào lúc đó dự án không có vốn đầu tư của Trung Quốc, xác nhận thông tin của một quan chức Campuchia khác.

Một nguồn tin từ một trong những nhà đầu tư Campuchia cho biết sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc không đầu tư vào kênh đào.

Một quan chức thứ tư được báo cáo về dự án này cho biết hồi đầu năm nay Trung Quốc đã chỉ trích riêng tư các quan chức Campuchia vì đã loan báo việc Trung Quốc tài trợ cho dự án chưa được chốt.

Hơn ba tháng sau lễ khởi công, địa điểm tổ chức buổi lễ bên bờ sông Mekong đã bị bỏ hoang, phóng viên Reuters quan sát thấy.

Nguồn : VOA, 21/11/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC, RFA , Reuters, VOA
Read 119 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)