Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tập đoàn năng lượng Úc Woodside rút khỏi Miến Điện

Thanh Phương, RFI, 27/01/2022

Tiếp theo sau nhiều tập đoàn quốc tế khác như Total và Chevron, ngày 26/01/2022, tập đoàn năng lượng Woodside của Úc thông báo rút khỏi Miến Điện, gần một năm sau cuộc đảo chính quân sự 01/02/2021.

myanmar1

Tập doàn dầu khí Úc Woodside thăm dò dầu khí ở Miến Điện -  Woodside/AFP

Theo hãng tin AFP, trong thông cáo gửi đến các cổ đông, tập đoàn Woodside, có mặt ở Miến Điện từ 9 năm nay, cho biết một trong những lý do khiến họ rút đi đó là tình hình nhân quyền tại nước này ngày càng tồi tệ. Cụ thể, Woodside sẽ không tham gia vào dự án khí đốt mang tên A-6, cũng như sẽ không tham gia các hoạt động khác ở Miến Điện. 

Woodside, một trong những nhà sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, đang tham gia khai thác nhiều địa điểm thăm dò và khoan khí đốt ở Miến Điện. Quyết định chấm dứt hoạt động ở nước này sẽ khiến Woodside bị thiệt hại ít nhất 200 triệu đôla.

Như vậy là Woodside theo chân tập đoàn Pháp Total và tập đoàn Mỹ Chevron vào tuần trước cũng vừa thông báo rút khỏi Miến Điện, nơi mà họ là những đối tác tại mỏ khí đốt Yadana.

Riêng về việc Total rút khỏi Miến Điện, trong khi các nhà hoạt động hoan nghênh quyết định này, thì phản ứng của chính phủ Miến Điện lưu vong lại dè dặt, cho rằng có sự tính toán của tập đoàn Pháp, theo tường trình từ Bangkok của thông tín viên RFI trong khu vực Carol Isoux :

"Tuyên bố đó đã được cả thế giới hoan nghênh. Tập đoàn dầu khí Total, từng bị cựu lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi tố cáo là "một trong những nguồn tài chính cho các tướng lãnh Miến Điện", vừa thông báo sẽ rút khỏi nước này trong vòng 6 tháng tới.

Đây dĩ nhiên là một tin vui. Chính phủ Miến Điện lưu vong đánh giá cao việc tập đoàn Total trong thông cáo đã nhấn mạnh đến tính không chính đáng của tập đoàn quân sự và những vi phạm nhân quyền tại nước này. Nhưng ông Maw Htun Aung, bộ trưởng đặc trách Tài nguyên thiên nhiên của chính phủ lưu vong, lại cho rằng đừng có ảo tưởng là tập đoàn dầu khí Pháp bị thiệt hại tài chính nặng nề.

Ông nói : Dĩ nhiên đó là một tin vui, nhưng chúng tôi tiếp nhận một cách thận trọng, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng Total che dấu một ý đồ gì đó. Nên biết rằng những đầu tư của họ đã thu lợi ngay từ năm 2003 và từ đó họ đã có được khoản thu nhập khổng lồ và đã phân chia các thu nhập đó cho tập đoàn quân sự trong thời gian 10 tháng qua.

Mặt khác, các báo cáo mật cho thấy là sản xuất khí đang bắt đầu giảm bớt. Total muốn tránh những thủ tục và những chi phí nếu họ rút đi mà phải lãnh phần trách nhiệm. Rõ ràng có một sự tính toán tài chính trong quyết định của họ.

Các lãnh đạo chính trị và các nhà hoạt động lo ngại về việc tập đoàn quân sự tiếp tục hưởng các khoản thu nhập trong 6 tháng nữa, trong lúc nhiều vùng của đất nước đang lún sâu vào xung đột vũ trang đẫm máu.

Hôm qua, Hoa Kỳ đã khuyến cáo các công ty Mỹ còn hiện diện ở Miến Điện nên rất cẩn trọng và đặc biệt tránh làm ăn với các công ty nhà nước Miến Điện, vì có nguy cơ các công ty này có liên hệ với chính quyền quân sự.

Thanh Phương

***********************

Áp lực gia tăng đối với tập đoàn quân sự khi các tập đoàn lớn rút khỏi Miến Điện

Thanh Phương, RFI, 27/01/2022

Quyết định của tập đoàn năng lượng Woodside của Úc rút khỏi Miến Điện tiếp theo sau các tập đoàn quốc tế khác như Total và Chevron đang làm dấy lên những lời kêu gọi các ngân hàng quốc tế nên ngưng làm ăn với Miến Điện và các chính phủ nên ban hành thêm các trừng phạt nhằm ngăn chận nguồn tài chính cho tập đoàn quân sự.

myanmar2

Nhân viên của tập đoàn năng lượng Total thảo luận về việc đo lường đường ống dẫn khí đốt tại Miến Điện, ngày 28/11/2003  Pascale Trouillaud AFP/File

Trước việc quân đội Miến Điện gia tăng đàn áp phong trào phản đối đảo chính quân sự cách đây gần đúng một năm, khiến tổng cộng khoảng 1.400 thường dân thiệt mạng, các tổ chức phi chính phủ vẫn duy trì áp lực lên các tập đoàn quốc tế để buộc họ ngưng các hoạt động ở nước này. 

Cho tới khi có thông báo của Total ngày 21/01, rất ít tập đoàn rút ra khỏi Miến Điện. Công ty viễn thông Telenor của Na Uy là một trong số hiếm hoi các tập đoàn quốc tế đã quyết định ngay từ tháng 7 bán chi nhánh đang làm ăn rất khấm khá của họ ở Miến Điện cho một công ty Liban bị nghi là có liên hệ với chính quyền quân sự. Nhưng cho tới nay việc mua bán này chưa hoàn tất.

Vào giữa tháng 2, Telenor cũng vừa thông báo sẽ nhượng lại cho đối tác Singapore các hoạt động trong lĩnh vực chi trả bằng điện thoại di động Wave Money. 

Sau đó, ngày 21/01, đến lượt tập đoàn dầu khí Total của Pháp và Chevron của Mỹ, rồi hôm nay là Woodside của Úc thông báo rút khỏi Miến Điện, cả ba đều là đối tác khai thác mỏ khí đốt Yadana ngoài khơi Miến Điện, để cung cấp điện cho nhu cầu sử dụng trong nước và cung cấp điện cho nước láng giềng Thái Lan. 

Ngày 21/01, khi thông báo rút khỏi dự án khí đốt Yadana, ngoài lý do tình hình nhân quyền ở Miến Điện ngày càng tồi tệ, tập đoàn Total nêu thêm lý do là vì họ không thể ngăn chận việc những món tiền mà họ trả chạy vào tài khoản của Công ty Dầu khí Miến Điện (MOGE), một công ty do nhà nước sở hữu. Quân đội Miến Điện vẫn được hưởng thu nhập từ mỏ khí Yadana thông qua cổ phần của MOGE. 

Trong thông báo nói trên, tập đoàn Total cũng cho biết họ đã yêu cầu chính phủ Pháp ban hành các trừng phạt chuyên biệt để làm sao những khoản tiền mà họ trả thông qua đối tác Thái Lan được đặt vào tài khoản do một bên thứ ba tạm thời nắm giữ (escrow account). Nhưng họ đã không tìm được cách nào để làm điều đó. 

Những người chống đảo chính ở Miến Điện dầu sao cảm thấy phấn khởi vì có vẻ như Total ủng hộ các trừng phạt nhắm vào MOGE, điều mà họ yêu cầu từ lâu, vì đây là cách để ngăn chận nguồn cung cấp tài chính cho tập đoàn quân sự. 

Họ cũng yêu cầu các tập đoàn dầu khí khác như của Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản ngưng mọi chi trả cho chính quyền quân sự bằng bất cứ hình thức nào. 

Trong một tuyên bố về việc các tập đoàn dầu khí quốc tế rút khỏi Miến Điện, ông Paul Donowitz, một lãnh đạo của tổ chức Myanmar for Global Witness, kêu gọi Hoa Kỳ, Pháp và các nước khác nên nghe theo những tiếng nói của xã hội dân sự ở Miến Điện và chấm dứt việc chi trả các khoản tiền lớn từ việc khai thác khí đốt cho tập đoàn quân sự "tàn ác". 

Các tài liệu do tổ chức Justice for Myanmar công bố tháng 12 vừa qua cho thấy là các khoản tiền từ mỏ khí đốt Yetagun, do tập đoàn Malasyia Petronas khai thác, được trả cho tập đoàn quân sự qua một tài khoản của ngân hàng nhà nước Foreign Trade Bank của Miến Điện đặt tại chi nhánh Singapore của ngân hàng Malaysian CIMB. Cho nên tổ chức Justice for Myanmar kêu gọi các ngân hàng quốc tế ngưng chi trả cho chính quyền quân sự Miến Điện, đồng thời kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ ban hàng trừng phạt nhắm vào cả các ngân hàng nhà nước của Miến Điện, trong đó có Foreign Trade Bank.

Thanh Phương

*************************

Mời lãnh đạo Miến Điện tham dự ASEAN, nếu đạt tiến bộ về thỏa thuận 5 điểm

Trọng Thành, RFI, 26/01/2022

Hôm 25/01/2022, thủ tướng Cam Bốt thông báo mời tướng Min Aung Hliang tham gia thượng đỉnh ASEAN, nếu chính quyền quân sự "đạt tiến bộ" trong việc thực thi thỏa thuận 5 điểm của ASEAN tìm lối thoát cho khủng hoảng Miến Điện. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo Indonesia và Singapore cho rằng chính quyền quân sự Miến Điện "chưa có tiến bộ đáng kể nào" trong việc thực thi Thỏa thuận 5 điểm.

myanmar3

Thủ tướng Hun Sen công du Miến Điện và hội đàm với lãnh đạo Miến Điện tướng Min Aung Hlaing tại Naypyitaw, Miến Điện, ngày 07/01/2022.  AP

Trang mạng Facebook của chính phủ Cam Bốt cho biết thủ tướng Hun Sen với tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2022 tuyên bố "đã mời ông Min Aung Hlaing tham gia thượng đỉnh ASEAN nếu có những tiến bộ trong việc thực hiện thỏa thuận 5 điểm". Thông báo của chính quyền Cam Bốt được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa thủ tướng Cam Bốt và đồng nhiệm Malaysia Ismail Sabri Yaakob. Theo thủ tướng Cam Bốt, nếu không đạt được tiến bộ, tập đoàn quân sự Miến Điện "sẽ phải cử một đại diện phi chính trị tới các cuộc họp của ASEAN".

Theo Reuters, thoạt tiên thủ tướng Cam Bốt đã muốn mời tướng Min Aung Hliang tham gia thượng đỉnh, nhưng ý định của ông Hun Sen đã bị nhiều lãnh đạo ASEAN, trong đó có Malaysia, Indonesia và Singapore phản bác.

Bộ Ngoại giao Malaysia ra thông báo cho biết thủ tướng Malaysia Ismail Sabri đã nói với đồng nhiệm Hun Sen là phải giảm "leo thang căng thẳng" tại Miến Điện, trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và tất cả các tù nhân chính trị.

Indonesia và Singapore : chủ tịch ASEAN phải tạo điều kiện thực thi Thỏa thuận 5 điểm

Theo truyền thông Indonesia, hôm qua, tổng thống Indonesia Joko Widodo và thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã có cuộc họp báo tại Bintan, Indonesia, sau cuộc họp của chính phủ hai bên, với Miến Điện là chủ đề trọng tâm. Trong cuộc họp báo, thủ tướng Singapore nhấn mạnh quan điểm của Singapore và Indonesia là tình hình Miến Điện "vẫn còn nghiêm trọng". Singapore và Indonesia cam kết giúp "Miến Điện đạt được một giải pháp hòa bình bền vững vì lợi ích của người dân, nhưng điều cần thiết là chủ tịch ASEAN (tức Cam Bốt) và đặc phái viên của chủ tịch ASEAN về Miến Điện phải thu hút được sự tham gia của tất cả các bên liên quan".

Theo Thỏa thuận 5 điểm của ASEAN về Miến Điện, được thông qua hồi cuối tháng 4 năm ngoái, trong nhiệm kỳ Indonesia làm chủ tịch, đặc phái viên về ASEAN phải được phép gặp tất cả các bên liên quan trong khủng hoảng Miến Điện. Điều đó có nghĩa là không được phép loại trừ cựu lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện Aung San Suu Kyi, hiện đang bị tập đoàn quân sự giam giữ.

Trọng Thành

***********************

Miến Điện : Chế độ quân sự tuyên án tử hình một dân biểu thuộc đảng của bà Aung San Suu Kyi

Trọng Nghĩa, RFI, 23/01/2022

Một tòa án quân sự ở Miến Điện đã kết án tử hình một thành viên trong đảng bị lật đổ của bà Aung San Suu Kyi cùng với một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng. Cả hai đều bị khép vào tội khủng bố. 

myanmar5

Ông Phyo Zayar Thaw (người cầm loa) vận động người dân Miến Điện phản đối đảo chính, tháng 03/2021.  © CC / Maung Sun

Theo hãng tin Anh Reuters, trong một thông cáo công bố hôm 21/01/2022, Quân Đội Miến Điện cho biết là ông Phyo Zayar Thaw, một thành viên của đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi, bị bắt vào tháng 11/2021, đã bị kết án tử hình theo luật chống khủng bố. Một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Kyaw Min Yu - còn được gọi là "Jimmy" - cũng đã nhận mức án tương tự từ tòa án quân sự. 

Bản thông cáo đã kèm theo ảnh của hai người, và bản án cũng được đọc trên bản tin buổi tối của các phương tiện truyền thông nhà nước. 

Cho đến nay, chính quyền quân sự đã kết án tử hình hàng chục nhà hoạt động chống đảo chính trong chiến dịch trấn áp những người bất đồng chính kiến, ​​nhưng Miến Đin đã không thc hin các v hành quyết trong nhiu thp k.

Theo quân đội Miến Điện, ông Phyo Zayar Thaw - tên thật là Maung Kyaw - đã bị bắt tại một căn hộ ở Rangoon nhờ "sự giúp đỡ và hợp tác từ những công dân tử tế". Vào thời điểm đó, dân biểu này sở hữu hai khẩu súng lục, đạn dược và một khẩu súng trường M-16. 

Ông từng bị cáo buộc đã dàn dựng một số cuộc tấn công vào các lực lượng của chế độ, bao gồm một vụ nổ súng trên một chuyến tàu ở Rangoon vào tháng 08/2021 khiến năm cảnh sát thiệt mạng. 

Là người tiên phong trong lĩnh vực hip-hop ở Miến Điện, với những giai điệu mang tính lật đổ khiến chính quyền trước đó khó chịu, ông đã bị bỏ tù vào năm 2008 vì là thành viên của một tổ chức bất hợp pháp và sở hữu ngoại tệ. Ông đã được bầu vào Quốc Hội trong danh sách ửng viên của đảng của bà Suu Kyi trong cuộc bầu cử năm 2015. 

Còn ông Kyaw Min Yu, người nổi lên trong cuộc nổi dậy của sinh viên Miến Điện năm 1988 chống lại chính quyền quân sự trước đây, đã bị bắt trong một cuộc đột kích vào tháng 10/2021. Chính quyền đã cáo buộc ông kích động tình trạng bất ổn bằng các bài đăng trên mạng xã hội.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Myanmar Witness : Quân đội Miến Điện đàn áp ngày càng "tàn bạo hơn"

Trọng Thành, RFI, 02/01/2022

Trong những ngày cuối cùng của năm 2021, thế giới chấn động với vụ hơn 30 thường dân Miến Điện và nhà hoạt động nhân đạo quốc tế bị thiêu sống tại bang Kayah gần biên giới Thái Lan. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã phải ra thông cáo ngày 29/12/2021 lên án vụ thảm sát. Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền Miến Điện, vụ thảm sát nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

miendien1

Cuộc gặp giữa ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và t ổng tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing tại thủ đô Miến Điện, ngày 12/1/2021, ba tuần trước cuộc đảo chính. © AP - Equipo de prensa del ejército birmano

Trả lời chương trình Fréquence Asie của RFI, ngày 02/01/2021, đại diện của tổ chức phi chính phủ Myanmar Witness cho biết tổ chức này đã tập hợp được hàng nghìn tài liệu cho thấy các đàn áp của tập đoàn quân sự Miến Điện là ngày càng nhiều hơn, càng tàn bạo hơn. Lãnh đạo nhóm điều tra của tổ chức phi chính phủ Myanmar Witness, ông Ben Strick, cho biết cụ thể : 

"Chúng tôi đã tập hợp được trong hiện tại hơn 3.900 tài liệu, trong đó có các video cho thấy những gì diễn ra trên thực địa. Từ vụ đảo chính đến nay, chúng tôi ghi nhận ngày càng nhiều hành động bạo lực. Nếu như trong tháng 2, và tháng 3 năm 2021 các vụ tấn công bằng hơi cay, và đôi khi bằng đạn thật chống lại người biểu tình, thì hiện tại, có vô số các cuộc tấn công vào toàn bộ nhiều ngôi làng, rất nhiều nhà bị thiêu rụi hoàn toàn. Hay những vụ người bị tra tấn, bị đốt thành than. Hiện nay, chúng tôi có 270 bằng chứng về việc các vụ hỏa hoạn là do phía chính quyền cố tình gây ra, trên cả nước. Riêng con số này đã gây lo ngại !".

Tổ chức phi chính phủ Myanmar Witness Hpruso là một trong những tổ chức đầu tiên thông báo cụ thể về vụ hơn 30 thường dân bị chết thiêu tại huyện Hpruso, bang Kayah.

Lãnh đạo nhóm điều tra của tổ chức phi chính phủ Myanmar Witness cho biết thêm về tình trạng chiến sự diễn ra dữ dội tại bang Karen, tập đoàn quân sự tấn công thẳng vào các khu dân cư, buộc người dân phải tháo chạy ồ ạt sang Thái Lan.

"Mức độ di tản của các cộng đồng dân cư bắt đầu được ghi nhận ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi đã chứng kiến ​​nhng cuộc tị nạn lớn, bao gồm cả những người vượt qua biên giới bang Karen để đến Thái Lan. Chúng tôi đã chứng kiến ​​rt nhiu cuc giao tranh nổ ra trong khu vực này giữa quân đội Miến Điện (Tatmadaw) và lực lượng Quân Giải phóng Karen. Chúng tôi đã thấy việc sử dụng pháo hạng nặng và gần đây chúng tôi đã chứng kiến ​​các cuc không kích. Chúng tôi có bng chng rng đạn pháo rơi sát gn khu vc dân cư. Hàng ngàn người đang cố gắng chạy trốn khỏi vùng chiến sự và có khả năng con số này sẽ tăng lên… Chúng tôi đã thấy nhiều người tị nạn băng qua những con sông chảy siết sang đất Thái Lan, cõng trên lưng những người lớn tuổi, không hề mang theo hành lý gì, chỉ với mỗi bộ quần áo họ đang mặc. Điều này cho thấy mức độ tuyệt vọng của họ về những gì đang diễn ra ở Miến Điện".

Sau Hoa Kỳ, đến lượt Liên Hiệp Châu Âu ngày 30/12/2021 thông báo ủng hộ việc áp đặt lệnh cấm vận quốc tế về vũ khí đối với Miến Điện và sẵn sàng bổ sung các biện pháp trừng phạt nhắm vào tập đoàn quân sự Miến Điện.

Cuối tháng 12/2021, theo báo mạng đối lập Miến Điện The Irrawaddy, Trung Quốc bàn giao cho Hải quân của tập đoàn quân sự Miến Điện một tàu ngầm tấn công thứ hai, theo một thỏa thuận bí mật được ký kết hồi năm ngoái.

Trọng Thành

************************

Liên Âu sẵn sàng tăng cường trừng phạt và cấm vận vũ khí đối với Miến Điện

Thùy Dương, RFI, 31/12/2021

Sau Hoa Kỳ, đến lượt Liên Hiệp Châu Âu ngày 30/12/2021 thông báo ủng hộ việc áp đặt lệnh cấm vận quốc tế về vũ khí đối với Miến Điện và sẵn sàng bổ sung các biện pháp trừng phạt nhắm vào tập đoàn quân sự Miến Điện.

miendien2

Cảnh tàn phá tại thị trấn Hpruso, bang Kayah (Miến Điện) ngày 24/12/2021. Ảnh do Lực Lượng Phòng Vệ Quốc Gia Karen (KNDF) cung cấp. Quân đội chính phủ Miến Điện bị cáo buộc tấn công sát hại 35 thường dân.  © AP

Châu Âu tỏ ra có lập trường cứng rắn bởi vì chín quyền quân sự Miến Điện, ngày 24/12 đã gây ra thảm sát, thiêu sống ít nhất 35 thường dân, trong đó có nhiều trẻ em, phụ nữ và 2 thành viên của tổ chức phi chính phủ Save The Children.

Trong một thông cáo báo chí, lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell tuyên bố : "Đối mặt với bạo lực leo thang ở Miến Điện, cần có các hành động phòng ngừa bổ sung ở cấp quốc tế, kể cả lệnh cấm vận vũ khí" có thể do Liên Hiệp Quốc công bố.

Bruxelles đã ngăn chặn việc bán vũ khí và các thiết bị mà tập đoàn quân sự Miến Điện có thể sử dụng phục vụ cho các cuộc trấn áp trong nước. Liên Âu cũng cấm xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng dành cho quân đội và lực lượng cảnh sát biên phòng Miến Điện.

Lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu hôm qua còn nhấn mạnh : "Nhắm vào thường dân và những người hoạt động trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo là điều không thể chấp nhận được, đó rõ ràng là sự vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế (...). Liên Hiệp Châu Âu sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung chống chế độ quân sự" Miến Điện.

AFP nhắc lại : Sau vụ đảo chính hôm 01/02/2021 và các vụ đàn áp thường dân đã đẩy Miến Điện vào cảnh hỗn loạn, Bruxelles đã đưa khoảng 30 người và 6 thực thể vào một "danh sách đen", cấm nhập cảnh vào Liên Âu và phong tỏa tài sản của những cá nhân và thực thể có liên quan. Liên Âu cũng đã quyết định tiếp tục phong tỏa các khoản tài trợ trực tiếp cho chính phủ Miến Điện và ngưng hoàn toàn các hoạt động trợ giúp có thể góp phần hợp thức hóa chính quyền Naypyidaw.

Sau khi thông tin về vụ thảm sát được loan báo, Hoa Kỳ, quốc gia từ lâu nay đã hạn chế bán vũ khí cho tập đoàn quân sự Naypyidaw, hôm thứ Ba 28/12 lại tiếp tục kêu gọi quốc tế thông qua lệnh cấm vận vũ khí đối với Miến Điện.

Thùy Dương

*************************

Hội đồng Bảo an lên án quân đội Miến Điện thảm sát thường dân

Thùy Dương, RFI, 30/12/2021

Hội đồng Bảo an hôm 29/12/2021 đã lên án vụ thảm sát do quân đội Miến Điện gây ra cách nay vài ngày ở miền đông nước này, khiến ít nhất 35 người thiệt mạng vì bị thiêu sống trong xe hơi, trong đó có 2 nhân viên của tổ chức phi chính phủ Save the Children.

miendien3

Xe cộ bốc cháy dữ dội ở thị trấn Hpruso, bang Kayah, Miến Điện. Ảnh chụp ngày 24/12/2021.  AP

Theo Hội đồng Bảo an, trong số các nạn nhân có 4 em nhỏ. Trong một thông cáo, Hội đồng Bảo an nhấn mạnh rằng những người gây ra những hành vi nói trên cần phải trả giá. Các thành viên Hội đồng Bảo an cũng yêu cầu tập đoàn quân sự cầm quyền chấm dứt ngay lập tức các hành vi bạo lực và nhắc lại "tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền và đảm bảo an ninh cho thường dân"

Tổ chức phi chính phủ Save the Children hôm 28/12 đã xác nhận hai nhân viên của họ đã thiệt mạng vào ngày 24/12 trong vụ tấn công "do quân đội Miến Điện thực hiện ở bang Kayah", miền đông nước này. Còn theo Đài quan sát Myanmar Witness, "35 người, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ, đã bị quân đội thiêu sống và giết chết vào ngày 24/12 tại thị trấn Hpruso".

Ngay hôm thứ Bảy 25/12, một phát ngôn viên quân đội Miến Điện thừa nhận các vụ đụng độ đã nổ ra ở khu vực này vào thứ Sáu, các binh lính đã hạ sát một số người, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Sau vụ thảm sát kinh hoàng này, Hoa Kỳ hôm 28/12 lại kêu gọi ban hành lệnh cấm vận vũ khí đối với Miến Điện.

Kể từ khi đảo chính nổ ra hồi tháng 02/2021, Miến Điện vẫn chìm trong khủng hoảng nghiêm trọng và cho đến nay đã có hơn 1.300 người thiệt mạng trong các vụ đàn áp của quân đội.

Hai cộng sự thân cận của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi bị kết án tù

Theo AFP, tập đoàn quân sự hôm nay tuyên án 2 năm tù vì tội gây rối đối với hai cộng sự viên thân cận của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, bị lật đổ trong vụ đảo chính. Bản án nói trên là đòn mới nhất của quân đội trong chiến dịch chống Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND), đảng của bà Aung San Suu Kyi.

Liên quan tới những người Hồi giáo thiểu số Rohingya phải trốn khỏi nước để tránh bị bách hại, Indonesia hôm qua 29/12 cuối cùng đã thông báo cho phép những người tị nạn Rohingya đang lênh đênh trên biển được cập bờ, sau khi xua đuổi một chiếc tàu gỗ đã hỏng hóc chở hàng trăm người Rohingya sang hải phận Malaysia, một hành động đã bị dân chúng cũng như cộng đồng quốc tế phản đối gay gắt.

Thùy Dương

*************************

Hoa Kỳ kêu gọi cấm vận vũ khí Miến Điện sau vụ thảm sát thường dân

Phan Minh, RFI, 29/12/2021

Hai nhân viên của tổ chức phi chính phủ Save The Children đã được xác nhận danh tính trong số 35 thi thể cháy đen được phát hiện vào ngày 24/12/2021 ở miền đông Miến Điện. Các cuộc điều tra gần đây cho thấy họ là nạn nhân của vụ thảm sát do quân đội Miến Điện gây ra. Hoa Kỳ kêu gọi cấm vận vũ khí đối với nước này.

miendien4

Tướng Min Aung Hlaing, đứng đầu tập đoàn quân sự Miến Điện tiến hành đảo chính ngày 01/02/2021, tại lễ diễu binh ngày 27/03/2021 ở thủ đô Naypyitaw, Miến Điện.  © Reuters - Stringer

Save the Children tuyên bố, 2 nhân viên bị giết đều là "những người vừa mới được làm cha và đang làm nhiệm vụ giáo dục trẻ em". Inger Ashing, chủ tịch của Save the Children, cho biết : "Do cuộc tấn công này, chúng tôi quyết định tạm ngừng hoạt động ở vùng Kayah, nhưng chúng tôi hoàn toàn cam kết giúp đỡ những trẻ em gặp khó khăn trong bối cảnh xung đột và khủng hoảng này".

Còn tại Hoa Kỳ, Washington tuyên bố "thực sự bàng hoàng trước sự tàn bạo của chế độ quân sự" tại Miến Điện. Hôm qua, 28/12/2021, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã yêu cầu áp dụng lệnh cấm vận vũ khí đối với quân đội Miến Điện, ngoài các lệnh trừng phạt đã được áp dụng. Ông Blinken nói : "Không thể chấp nhận được việc những người vô tội và nhân viên cứu trợ trở thành mục tiêu của quân đội, và những hành động tàn bạo thường xuyên của họ đối với người dân Miến Điện cho thấy sự cấp thiết của việc buộc họ phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình".

Hôm 27/12, đặc phái viên mới tại Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Noeleen Heyzer cho biết, bà "quan ngại sâu sắc" trước sự leo thang bạo lực ở nước này và kêu gọi ngừng bắn giữa quân đội chính phủ và phe đối lập trước thềm năm mới. Miến Điện đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02.

Phan Minh

Published in Châu Á