Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nga phô trương sức mạnh quân sự vào lúc căng thẳng với phương Tây tăng cao

Nhân Ngày Chiến Thắng hôm 09/05/2021, như thông lệ, chính quyền Nga tổ chức một lễ diễu binh rầm rộ trên Quảng Trường Đỏ ở thủ đô Moskva. Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang rất căng thẳng, đây là dịp để tổng thống Vladimir Putin phô trương sức mạnh quân sự của Nga.

nga1

Lễ diễu binh rầm rộ trên Quảng Trường Đỏ, Moskva, ngày 09/05/2021, nhân kỷ niệm 76 năm ngày Liên Xô đánh bại Đức Quốc Xã trong Đệ Nhị Thế Chiến.  Kirill KUDRYAVTSEV AFP

Theo kế hoạch dự kiến, buổi diễu binh tại Moskva kỷ niệm 76 năm ngày Liên Xô đánh bại Đức Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ II được chính tổng thống Nga chủ trì, huy động 12.000 sĩ quan và binh sĩ, gần 200 loại khí tài quân sự, trong đó có các bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cũng như các loại phi cơ và trực thăng.

Theo hãng tin Anh Reuters, buổi lễ duyệt binh năm nay - diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Nga-phương Tây leo thang trên một loạt hồ sơ từ Ukraina cho đến Navalny - sẽ cho phép tổng thống Putin phô trương sức mạnh quân sự của Moskva, kích động tinh thần dân tộc và lòng yêu nước, một điều có lợi chủ nhân điện Kremlin trong bối cảnh nước Nga chuẩn bị bầu lại Quốc Hội vào tháng 9/2021.

Về mặt đối ngoại, hành động phô trương uy lực quân sự hôm nay còn là một tín hiệu mạnh gởi đến các nước phương Tây, ít lâu sau một chiến dịch triển khai hơn 100.000 quân gần khu vực giáp giới với Ukraina, cũng như ở vùng Crimée mà Nga đã chiếm của Ukraina vào năm 2014.Việc Moskva triển khai lực lượng quân sự kể trên đã khiến phương Tây lo ngại, và sau đó Nga đã cho triệt thoái phần lớn lực lượng, chỉ để lại một số thiết bị quân sự và tiếp tục tập trận trên Biển Đen.

Ngoài lễ diễu binh rầm rộ ở Moskva, nhiều cuộc diều binh nhỏ hơn cũng diễn ra tại một số thành phố trên nước Nga, ở vùng Crimée và tại căn cứ Không Quân Nga Hmeymim ở Syria. Ngay từ hôm qua, 08/05, ông Putin đã gửi lời chúc mừng tới các thành viên Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập về vai trò của họ trong chiến thắng của Đồng Minh trước Đức Quốc Xã thời Thế Chiến Thứ II và kêu gọi phát huy "tình hữu nghị anh em và sự giúp đỡ lẫn nhau".

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author Trọng Nghĩa
Published in Quốc tế

Trung Quốc trỗi dậy dựa trên vũ lực

Đại dịch virus corona tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, dịu xuống ở một vài nơi, nhưng vẫn hoành hành lây lan ở nơi khác, đặc biệt là Châu Mỹ. Nhiều vùng tưởng như đã kiểm soát được dịch giờ phải quay trở lại phong tỏa bởi làn sóng lây nhiễm mới. Nước Pháp chưa thoát ra được khỏi khủng hoảng y tế đang loay hoay với những cải cách, khôi phục kinh tế. Đó là những chủ đề chính của các báo Pháp ra ngày 10/07/2020.

vuluc1

Bức ảnh được chụp vào ngày 02/01/2017 cho thấy các máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc được phóng từ tàu sân bay Liêu Ninh trong các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông. STR / AFP

Nhưng trước tiên liên quan đến chính trị quốc tế, Le Monde có bài bình luận nhà báo Pháp Alain Franchon mang tiêu đề đáng chú ý : "Cường quốc Trung Quốc và sức mạnh".

Mở đầu bài bình luận tác giả nhắc lại : "Lâu nay, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn nói với chúng ta rằng " các bạn hãy ngủ ngon". Sự trỗi dậy thành cường quốc của nước họ sẽ diễn ra một cách hòa bình". Nhưng sự thật có là như vậy ? Tác giả cho biết cụm từ "trỗi dậy thành cường quốc hòa bình" đã được nhà lý luận, lãnh đạo Trường đảng của Trung Quốc, Trịnh Tất Kiên (Zheng Bijian) đưa ra từ cách đây gần hai chục năm (2003), giờ là một phần trong học thuyết chính thức của chế độ Bắc Kinh.

Theo nhà báo Alain Franchon, đã không biết bao nhiêu lần các nhà ngoại giao Trung Quốc cố gắng giải thích với thế giới rằng Trung Quốc lớn mạnh thành một đại cường sẽ không ứng xử như các "đế chế" khác, "không phải như chủ nghĩa thực dân Châu Âu, chủ nghĩa đế quốc Mỹ hay bành trướng kiểu Liên Xô. Trung Quốc sẽ phát triển trong sự tôn trọng tuyệt đối chủ quyền của các nước khác".

Tác giả bài viết khẳng định, thực tế chỉ cần nhìn vào những hành động mà Trung Quốc mới làm vài tuần gần đây sẽ thấy ngay sự xuất hiện người khổng lồ Trung Quốc không diễn ra một cách hòa bình. "Sự lớn mạnh của Trung Quốc diễn ra cùng những đối đầu, xung đột, đe dọa nước khác và sự khoa trương quân sự".

Bài viết điểm lại một loạt các sự kiện mới nhất liên quan đến Trung Quốc : Từ vụ đụng độ chết người ở biên giới với Ấn Độ, đến việc chính phủ Canberra tố cáo Trung Quốc tấn công tin tặc ồ ạt vào các cơ sở của nước Úc. Rồi đến sự kiện Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia với Hồng Kông, bóp nghẹt các quyền tự do ở vùng thuộc địa cũ của Anh đã được trả về Trung Quốc với cam kết tôn trọng quy chế "một quốc gia, hai chế độ". Hay như cuối tháng Sáu, Trung Quốc phô trương rầm rộ sức mạnh quân sự uy hiếp đảo Đài Loan. Tác giả bình luận : "Hồng Kông và Đài Loan, với Bắc Kinh, toàn bộ dân Trung Quốc không có sự lựa chọn số phận nào khác là nằm dưới ách cai trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc".

Bài viết tiếp đó dẫn ra sự việc những ngày qua Biển Đông đang nóng lên, nơi Trung Quốc đang áp đặt yêu sách lãnh thổ của mình bằng sức mạnh. Biển Hoa Đông thì đưa tàu chiến các loại hoạt động trong khu vực quanh các đảo đang tranh chấp với Nhật Bản. Các hành động của Trung Quốc trên các vùng biển này khiến giới quan sát lo ngại "nguy cơ xảy ra sự cố quân sự tăng lên từng ngày".

Tác giả bình luận : "Sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc rất xa vời với những lý luận mà Trường Đảng của Bắc Kinh rêu rao. Chúng ta đang chứng kiến trường hợp vươn lên thành cường quốc dựa trên sức mạnh".

Vẫn theo Alain Frachon, đến giờ Bắc Kinh lại lý luận rằng những việc Trung Quốc tiến hành như vậy thuần túy mang tính phòng thủ. Hồng Kông hay Đài Loan là thuộc "công việc nội bộ" của họ. Hoa Kỳ không có gì để làm trong khu vực Tây - Thái Bình Dương.

Tác giả nhấn mạnh : "Vấn đề với Bắc Kinh là rất đông các láng giềng của Trung Quốc không đồng ý. Họ đang phải chứng kiến những đòi hỏi lãnh thổ ngang ngược cũng như thái độ hung hăng của Trung Quốc. Sự lệ thuộc kinh tế của các nước này vào Trung Quốc càng lớn, họ lại càng phải cầu cạnh Mỹ ở lại trong vùng, như một đối trọng làm yên tâm".

Để đối phó với Trung Quốc, các nước láng giềng đang tập hợp liên kết với nhau vì đến giờ mọi người đã hiểu không có chữ hòa bình trong việc Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc.

Đại dịch virus corona mối đe dọa dai dẳng

Nhật báo Le Monde chạy tựa chính trang nhất : "Hành tinh vẫn còn bị Covid đe dọa dữ dội". Tờ báo dành 5 trang cho các bài viết để cho thấy tình hình nghiêm trọng và phức tạp của trận đại dịch kéo dài đến nay là hơn nửa năm trên khắp thế giới. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa mới đưa ra cảnh báo đầy lo ngại : "Dịch đang tăng tốc, đại dịch vẫn chưa đạt đỉnh".

Le Monde đặc biệt chú ý tới hai nước lớn là Mỹ và Ấn Độ. Tại Mỹ, những ngày qua ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 bùng lên dữ dội. Thế nhưng bất chấp nguy hiểm, cảnh báo, một bộ phận dân Mỹ vẫn từ chối tuân thủ các biện pháp phòng dịch, hạn chế giãn cách xã hội. Thậm chí có nơi như Texas người dân còn biểu tình phản đối lệnh bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng.

Có nhiều ý kiến của người dân Mỹ được Le Monde trích dẫn như : "Tôi là người Mỹ và tôi thấy tôi phải được làm những gì mình muốn. Tôi đóng thuế, tôi sống tự do, tôi muốn được tự do" hay "đây là quyền hiến định của chúng tôi. Chính phủ không thể chỉ định được tôi phải mang cái gì trên người".

Hệ quả của những thái độ kỳ lạ đó là : "Năm tháng sau xuất hiện đại dịch, nước Mỹ ghi nhận trên 133 nghìn người chết, xếp hàng đầu thế giới về số nạn nhân. Hơn 3 triệu người nhiễm bệnh. Những ngày qua, 2/3 số bang của nước Mỹ trong tình trạng dịch lây lan dữ dội. Ở nhiều bang giàu có như Florida hay Texas các bệnh viện cũng rơi vào tình trạng quá tải, thiếu thốn phương tiện. Chính quyền các bang thì dường như bất lực trước đòi hỏi quyền tự do cá nhân của công dân đành chạy theo sau dập dịch".

Còn về phần chính quyền trung ương, Le Monde nhận thấy : "Sau khi cố kiểm soát con virus bất trị bằng những buổi họp báo hàng ngày kéo dài 2 giờ, tổng thống Donald Trump không quan tâm đến tình hình y tế để tập trung vào phục hồi kinh tế khi chỉ còn vài tháng nữa đến kỳ bầu cử tổng thống".

Ông Trump tiếp tục coi đại dịch virus corona là chuyện vặt, rằng "99% các ca nhiễm virus không nguy hiểm" hay số ca nhiễm tăng là vì nước Mỹ xét nghiệm nhiều và hiệu quả… Trong khi chính quyền các bang còn đang lo chống đỡ với bệnh dịch thì tổng thống liên tiếp đưa ra các tuyên bố gây sức ép để mở lại hoạt động kinh tế, trường học. Ông Trump vẫn tiếp tục các cuộc vận động tranh cử với các buổi mít tinh tập hợp hàng nghìn người ủng hộ.

Covid-19 : Nguy cơ trở lại phong tỏa hiển hiện

Tình hình dịch ở Châu Á tiếp tục những diễn biến phức tạp. Le Monde ghi nhận "Ấn Độ : Modi lạc quan, các chuyên gia nghi ngại". Với trên 760 nghìn ca nhiễm virus corona, Ấn Độ hiện đứng thứ 3 sau Mỹ và Brazil, về số ca nhiễm Covid-19. Bài viết cho thấy dịch vẫn tiếp tục lây lan phức tạp tại quốc gia Châu Á đông dân thứ 2 thế giới nhưng lại có hệ thống vệ sinh y tế tồi tàn lạc hậu. Mặc dù đã có các biện pháp kiên quyết phong tỏa đất nước bên trong cũng như với bên ngoài, nhưng dường như dịch vẫn chưa thể được kiềm chế. Chính phủ đang nôn nóng tìm cách phục hồi kinh tế muốn tin rằng Ấn Độ đã qua được đỉnh dịch.

Về tình hình dịch trong khu vực Châu Á, báo Libération nhìn sang nước Úc, quốc gia vừa phải đóng cửa trở lại thành phố lớn Melbourne, bang Victoria vì Covid-19 tái phát. Trước sự lây lan virus corona đáng lo ngại đó, bang New South Wale quyết định đóng cửa "biên giới" nội địa với Victoria. Một quyết định làm đảo lộn cuộc sống chưa kịp trở lại bình thường như vậy, có thể mang lại những hậu quả nặng nề về kinh tế và xã hội, theo như ghi nhận của Libération trong bài phóng sự mang tiêu đề : "Covid tại Úc : Đảo lục địa khóa cửa bên trong".

Cũng trong hồ sơ đại dịch virus corona, tại Châu Âu, Le Monde ghi nhận : "Trung Âu bị báo động trở lại". Nhiều nước, trong đó có Serbia, số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến trong những ngày gần đây. Nguyên nhân có thể do dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, trở lại hoạt động kinh tế.

Pháp : Khủng khoảng y tế, kinh tế và cải cách

Còn về thời sự nước Pháp, bên cạnh nỗi lo canh cánh virus corona có thể bùng lên trở lại bất kỳ lúc nào là mối lo lớn vực dậy kinh tế và tiếp tục thực hiện các cải cách khi chính phủ vừa được cải tổ. Báo Le Figaro chạy tựa lớn "Hưu trí : Macron khởi động lại cuộc cải cách, một mình chống lại tất cả". Tờ báo đề cập đến việc tân thủ tướng vừa được bổ nhiệm đã bắt tay vào hồ sơ gai góc nhất là khởi động lại cuộc cải cách hưu trí bị đình lại vì dịch bệnh. Công việc bắt đầu bằng việc thương lượng lại với các đối tác xã hội, công đoàn, nhưng ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối. Bên cạnh đó cuộc cải cách hệ thống y tế cũng gặp phải những khó khăn không nhỏ vì tốn rất nhiều tiền trong lúc nền kinh tế đất nước đang bị trận dịch Covid-19 làm cho kiệt quệ.

Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được dựng lại nguyên trạng

Hồ sơ chính của Libération La Croix là quyết định của chính phủ Pháp về việc phục dựng lại công trình Nhà thờ Đức Bà Paris sau một năm bị hỏa hoạn tàn phá. Libération cho biết, ngày 09/7, tân bộ trưởng Văn Hóa, Roselyne Bachelot thông báo, tổng thống và Ủy ban Di sản đã thống nhất phương án phục dựng lại công trình nhà thờ Đức Bà Paris như trước, trong đó có tháp nhọn đã bị đổ sập hoàn toàn trong hỏa hoạn.

Việc phục dựng như kiến trúc cũ sẽ gây nhiều tranh cãi trong dư luận và giới chuyên gia sắp tới, vì đây sẽ là công việc cực kỳ khó khăn với một công trình kiến trúc cổ kính, mang nặng giá trị lịch sử và nhân văn. Tuy nhiên nhật báo Công giáo La Croix cho rằng phục dựng lại công trình theo nguyên bản không phải là đòi hỏi tuyệt đối.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Châu Á

Trung Quốc đã làm chủ công nghệ chế tạo vũ khí hiện đại ?

Thanh Hà, RFI, 28/09/2019

Ngày Quốc Khánh Trung Quốc mồng 1 tháng 10 không thể thiếu một lễ diễu binh. Trong bối cảnh quan hệ với Mỹ đang xấu đi và các hiệp định quốc tế về nguyên tử đang bị "xét lại", cuộc diễu binh năm 2019 tại Bắc Kinh sẽ được tổ chức "trọng thể nhất và hoành tráng nhất trong lịch sử của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".

tq1

Máy bay của Không quân Trung Quốc tập dượt cho lễ diễu binh Quốc Khánh 01/10. Ảnh chụp tại Bắc Kinh ngày 22/09/2019. Reuters/Jason Lee

Trong bài nghiên cứu đăng trên trang mạng của Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (Fondation pour la Recherche Stratégique, FRS) ngày 24/09/2019, hai tác giả Antoine Bondaz và Stéphane Delory khẳng định : Trung Quốc sẽ phô trương tên lửa đạn đạo quy ước và tên lửa đạn đạo hạt nhân hiện đại nhất vào ngày Quốc Khánh 01/10/2019. Trong số này sẽ có nhiều tên lửa mới nhất, với khả năng phán ứng rất nhanh. Thông điệp của Bắc Kinh là Trung Quốc đã nắm bắt công nghệ cao và đang đi tiên phong ngay cả trong lĩnh vực chế tạo vũ khí.

Antoine Bondaz và Stéphane Delory trước hết nhắc lại Tập Cận Bình cho tổ chức diễu binh thường xuyên hơn những người tiền nhiệm.

Từ năm 1949 đến 2009, Trung Quốc tổ chức tổng cộng 14 cuộc diễu binh. Từ khi lên cầm quyền năm 2013, ông Tập Cận Bình không mấy khi bỏ lỡ cơ hội để phô trương mức độ trung thành của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân với Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Lãnh đạo họ Tập đã cho tổ chức lễ duyệt binh năm 2015, 2017, 2018 và hai lần trong năm 2019. Các đợt diễu binh rầm rộ này nhằm quảng bá cho hình ảnh của một nước Trung Quốc đang "hồi sinh", một "quốc gia thịnh vượng với một đội quân hùng mạnh", "tầm cỡ quốc tế".

Vậy lần này, Trung Quốc sẽ phô trương những loại vũ khí tối tân nào ?

Hai đồng tác giả đã dựa vào ảnh vệ tinh chụp được từ căn cứ quân sự Dương Phương (Yang Fang), ngoại ô tây bắc Bắc Kinh, trong lúc các quân nhân tập dợt chuẩn bị cho cuộc diễu binh 01/10/2019. Từ năm 2015, đây là địa điểm để tập dợt, chuẩn bị cho mỗi cuộc diễu binh.

Qua ảnh vệ tinh, hai tác giả của bài nghiên cứu khẳng định Trung Quốc sẽ phô trương ít nhất 36 tên lửa xuyên lục địa và hầu hết trong số này là những loại tên lửa đời mới nhất sắp hoặc vừa được đưa vào hoạt động, như trường hợp của loại tên lửa DF-41 hay DF-31AG. Nếu căn cứ vào báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ, lần này Trung Quốc sẽ "trưng ra đến hơn 1/3 số lượng tên lửa xuyên lục địa" mà Bắc Kinh đang nắm giữ.

Ngoài ra sẽ có loại tên lửa hạng nặng DF-5B/C với tầm bắn 12.000 km. Đặc điểm của loại vũ khí đôi khi bị các nhà quân sự phương Tây coi là "lỗi thời" này nằm ở chỗ chúng có khả năng mang những đầu đạn hạt nhân thu nhỏ do Trung Quốc chế tạo.

Quan khách trên quảng trường Thiên An Môn nhân ngày Quốc Khánh Trung Quốc năm 2019 lần đầu tiên sẽ trông thấy tên lửa địa đối không liên lục địa lớp JL-2. Loại vũ khí này đã được Hải Quân Trung Quốc sử dụng từ một vài năm gần đây, nhưng chưa bao giờ được cho ra mắt công chúng. Theo các chuyên gia Pháp, việc trưng ra đến 8 tên lửa JL-2 lần này nhằm "khoe khả năng can thiệp và răn đe của Trung Quốc trên biển".

Cùng với tên lửa tầm xa, còn phải kể đến một loạt tên lửa hành trình, tên lửa tầm ngắn, tầm trung và nhất là tên lửa siêu thanh (DF-17)... Hai nhà nghiên cứu Pháp cho rằng, chỉ riêng trong lĩnh vực phát triển tên lửa siêu thanh không mang tính chiến lược DF-17, dường như cả Nga lẫn Mỹ cũng đang bị Trung Quốc qua mặt.

Không Quân Trung Quốc cũng được trang bị những phương tiện tối tân không kém, nào là máy bay không người lái siêu thanh WZ-8, nào là drone tàng hình Sharp World.

Thông điệp của Bắc Kinh là gì ?

Với tất cả những phương tiện tối tân như vậy Trung Quốc muốn chứng minh điều gì ? Nghiên cứu của FRS lưu ý : thứ nhất, từ hình thức đến nội dung, cuộc diễu binh mừng Quốc Khánh 2019 là cơ hội để Bắc Kinh chứng minh đã có những bước tiến dài trên con đường hiện đại hóa quân đội, nhanh chóng cải tạo và nâng cấp các phương tiện phòng thủ từ hạt nhân đến các loại vũ khí quy ước.

Thứ hai là các loại vũ khí hiện đại của Trung Quốc có khả năng phản ứng vừa nhanh, vừa chính xác, qua đó Bắc Kinh ngầm nhắn nhủ các quốc gia trong khu vực nên suy nghĩ kỹ trước khi muốn mạo hiểm đọ sức với Trung Quốc.

Điểm thứ ba là chính quyền của ông Tập Cận Bình phô trương các loại vũ nguyên tử để chứng minh rằng, ngay cả trong lĩnh vực này, Trung Quốc không thua kém Mỹ và Nga. Điểm này rất quan trọng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đang dâng cao. Bắc Kinh muốn Washington hiểu rằng Trung Quốc không dễ để Hoa Kỳ hù dọa.

Sau cùng, qua cuộc diễu binh 2019, Trung Quốc để cho Hoa Kỳ và các nước đồng minh hiểu rằng, về vũ khí và quốc phòng, chớ ai mong đợi Bắc Kinh tự trói tay với những hiệp định đa phương. Trung Quốc sẽ không đàm phán với một ai về bất cứ mảng nào trong ngành công nghiệp chế tạo vũ khí.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 28/09/2019

****************

Trung Quốc sẽ tham gia Hiệp ước Buôn bán Vũ Khí

Thanh Phương, RFI, 28/09/2019

Theo hãng tin Reuters, ngày 28/09/2019, bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo là nước này sẽ nhanh chóng gia nhập Hiệp ước Buôn bán Vũ Khí mà Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ rút khỏi.

tq2

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong buổi họp báo về quan hệ ngoại giao với đảo quốc Kiribati, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 27/09/2019. Reuters/Mark Kauzlarich

Hiệp ước Buôn bán Vũ khí, được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 2013, nhằm kiểm soát việc buôn bán vũ khí giữa các nước trên toàn cầu và tránh để các loại vũ khí rơi vào tay những chế độ vi phạm nhân quyền.

Hiện có 104 quốc gia tham gia vào hiệp ước này. Về phần Hoa Kỳ, tổng thống vào thời đó là Barack Obama đã ký, nhưng hiệp ước này vẫn chưa được Thượng viện Mỹ phê chuẩn và bị Hội Súng Quốc Gia (National Rifle Association) chống đối. Vào tháng 04/2019, chính tại một cuộc họp của hội này, tổng thống Donald Trump đã thông báo sẽ rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp ước Buôn bán Vũ khí.

Phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm 27/09, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị cho biết là Bắc Kinh đã khởi động các thủ tục tư pháp để gia nhập Hiệp ước Buôn bán Vũ khí. Cùng ngày, đến lượt bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo nước này sẽ nhanh chóng gia nhập hiệp ước "ngay khi có thể được", vì "đây là trách nhiệm của Trung Quốc" và cũng nhằm thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh "ủng hộ chủ nghĩa đa phương".

Bắc Kinh không bao giờ công bố các số liệu về xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc. Nhưng theo thẩm định của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong thời gian từ 2014 đến 2018, Trung Quốc đã là quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng hàng thứ năm thế giới. Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã bán vũ khí cho 53 nước, nhiều nhất là cho Pakistan, và kế đến là cho Bangladesh.

Theo hãng tin Reuters, các chuyên gia cho rằng, sau nhiều năm Bắc Kinh gia tăng chi tiêu quân sự và đổ nhiều vốn vào các công ty trong nước, nay vũ khí do Trung Quốc chế tạo có chất lượng không thua gì của Nga và phương Tây.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 28/09/2019

******************

Nhật Bản : Hiểm họa Trung Quốc còn lớn hơn cả Bắc Triều Tiên

Trọng Nghĩa, RFI, 27/09/2019

Trong Sách Trắng thường niên về quốc phòng vừa được chính phủ Nhật Bản công bố ngày 26/09/2019, Trung Quốc đã soán ngôi của Bắc Triều Tiên trở thành hiểm họa lớn nhất của Nhật Bản.

tq3

Tên lửa Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) của lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại căn cứ không quân Yokota của Mỹ, Fussa, ngoại ô Tokyo, ngày 29/08/2017. Reuters/Issei Kato/File Photo

Đối với Tokyo, sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh đã thay thế thái độ hiếu chiến của Bình Nhưỡng trong tư cách là mối đe dọa cho Nhật, bất chấp các dấu hiệu cho thấy là Bắc Triều Tiên có thể là đã sở hữu tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trong tài liệu vừa thông qua, phần nói về Trung Quốc đã nằm ngay sau phần thẩm định về Hoa Kỳ, đồng minh số một của Nhật. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chiếm vị trí thứ hai này, và như vậy, đã đẩy chương nói về Bắc Triều Tiên xuống vị trí thứ ba.

Về phần Nga, quốc gia từng được Nhật Bản coi là mối đe dọa chính trong thời Chiến tranh Lạnh, năm nay đứng ở vị trí thứ tư.

Theo Sách Trắng vừa thông qua, Nhật Bản đã phải tăng chi tiêu quốc phòng với tỷ lệ 10% trong 7 năm qua để đối phó với đà vươn lên về quân sự của cả Bắc Kinh lẫn Bình Nhưỡng, trong đó có việc trang bị cho mình hệ thống phòng thủ chống lại tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đã tiến hành một loạt các vụ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn mà Tokyo cho rằng đang được phát triển nhằm tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis của Nhật.

Còn để đối phó với đà hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc, Nhật Bản đang đặt mua chiến đấu cơ tàng hình do Mỹ sản xuất và các loại vũ khí tối tân khác.

Một cách cụ thể, trong yêu cầu ngân sách mới nhất, quân đội Nhật Bản đòi 115,6 tỷ yên (1,1 tỷ đô la) để mua 9 chiếc F-35, trong đó có sáu phiên bản có thể dùng phi đạo ngắn lúc cất cánh ngắn và hạ cánh theo chiều thẳng đứng (STOVL) để dùng trên trực thăng mẫu hạm được cải tiến thành tàu sân bay.

Về Trung Quốc, Sách Trắng Quốc Phòng 2019 của Nhật Bản nêu rõ việc Bắc Kinh đang phát triển các vũ khí như máy bay chiến đấu tàng hình và hàng không mẫu hạm để giúp Trung Quốc mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động.

Nếu trước đây, hoạt động của quân đội Trung Quốc thường chỉ quanh quẩn ven bờ, giờ đây Bắc Kinh thường xuyên cho phi cơ và chiến hạm đi tuần tra gần các hải đảo Nhật Bản ở phía tây Okinawa, và đi ra khu vực Tây Thái Bình Dương.

Sách Trắng Quốc Phòng khẳng định rằng các cuộc tuần tra của Trung Quốc ở trên vùng biển và vùng trời gần lãnh thổ Nhật Bản là một mối "quan ngại về an ninh quốc gia".

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 27/09/2019

Published in Diễn đàn