G7 kêu gọi vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông (Tin Tức, 22/04/2017)
Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 vừa ra thông cáo chung kêu gọi thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế vô hiệu hóa những tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hình ảnh cho thấy hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh : Reuters
Trong thông cáo, các Ngoại trưởng G7 nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ về việc xây dựng các tiền đồn quân sự mới tại các vùng biển tranh chấp cũng như việc đe dọa dùng vũ lực trong giải quyết tranh chấp hàng hải.
G7 xem phán quyết hôm 12/7/2016 của Tòa Trọng tài theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là căn cứ hữu ích cho các nỗ lực sau này để giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách ôn hòa.
Bên cạnh đó, các nước G7 cũng lặp lại cam kết duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển, giữ vững cam kết về quyền tự do hàng không-hàng hải và các quyền khác trong việc sử dụng biển phù hợp với luật quốc tế. G7 nhấn mạnh giải quyết tranh chấp phải bằng công cụ pháp lý và bằng các biện pháp xây dựng lòng tin.
Thông cáo cũng khuyến khích các cuộc đối thoại dựa trên luật lệ để theo đuổi một Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC) hiệu quả. Thông cáo có đoạn : "Chúng tôi kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử Biển Đông (DOC) một cách toàn diện".
Tin Tức
************************
Tổng thống Philippines : ‘Nga đang sát cánh với tôi’ (VOA, 22/04/2017)
Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte
Chuyến thăm thứ nhì của tàu chiến Nga tới Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte củng cố niềm tin cho lãnh đạo Philippines rằng Manila có thể đối mặt với các thách thức an ninh phía trước.
Trên chiếc Varyag có phi đạn hành trình dẫn đường, ông Duterte tuyên bố : "Người Nga đang sát cánh với tôi nên tôi không sợ gì cả".
Lời phát biểu được đưa ra trong lúc ông đứng cho báo giới chụp ảnh cùng với đại sứ Nga, Igor Khovaev, cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon Jr, quyền Ngoại trưởng Enrique Manalo, cùng các giới chức an ninh của đôi bên.
Tàu Varyag cập cảng thăm Philippines 1 tháng trước chuyến công du của ông Duterte tới Nga. Trong chuyến đi sắp tới, đôi bên dự kiến sẽ ký kết các hợp đồng nhà nước về quốc phòng và kinh tế.
Tổng thống Philippines cũng tuyên bố sẵn sàng nhận hỗ trợ của Nga về thiết bị quốc phòng.
Rời Philippines, chiếc Varyag sẽ hướng ra Biển Đông và hiện diện tại đây trong 1 hay 2 tháng , theo giới chức Nga thông báo.
Theo Rappler/ABS-CBN
*********************
Trung Quốc có thể xây thêm căn cứ cho đội hàng không mẫu hạm (VOA, 22/04/2017)
Một cuộc diễn tập bắn đạn thật dùng một hàng không mẫu hạm Trung Quốc tại Bắc Hải, ngày 14/12/16
Trung Quốc có thể đang hoạch định xây thêm 10 căn cứ mới cho đội hàng không mẫu hạm tương lai của mình, báo nhà nước Global Times loan tin ngày 20/4 giữa những đồn đoán rằng Bắc Kinh sẽ vận hành ít nhất 6 tàu sân bay trong những năm tới đây.
"Về lâu dài, Trung Quốc cần phát triển đội hàng không mẫu hạm chiến đấu riêng của mình, với ít nhất 6 chiếc, phát triển lực lượng hàng hải dẫn dắt bởi các tàu khu trục có phi đạn dẫn đường cũng như các tàu ngầm tấn công", ông Xu Guangyu, một cố vấn cao cấp của Hiệp Hội Kiểm soát Võ khí và Giải trừ quân bị nói với Hoàn Cầu Thời báo.
Ông Xu nói các tàu sân bay này sẽ giúp hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân đạt được quyền chỉ huy Tây Thái Bình Dương.
Vẫn theo lời ông, lực lượng thủy quân lục chiến của Trung Quốc cũng cần phải tăng lên thành 100 ngàn binh sĩ để hỗ trợ lực lượng ngoài khơi.
"Hy vọng Trung Quốc có thể có được căn cứ ở mỗi một lục địa, nhưng điều này còn tùy thuộc vào các nước muốn hợp tác với Trung Quốc", ông Xu nói thêm.
Trung Quốc gần hoàn tất chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì, sẽ đưa vào hoạt động trước năm 2020.
Tờ Quân đội Nhân dân loan tin các lực lượng tuần duyên bảo vệ lợi ích hàng hải của Trung Quốc đã được tiêu chuẩn hóa với hơn 100 tàu tuần duyên và máy bay chiến đấu tuần tra các khu vực trọng điểm.
Theo IHS Jane's Defence Weekly/ Global Times
*******************
Quan chức Philippines ra Trường Sa, Trung Quốc phản đối (VOA, 23/04/2017)
Chiếc máy bay vận tải C-130 chở Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ra đảo Thị Tứ hôm 21/4.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila đã gửi công hàm phản đối lên Bộ Ngoại giao Philippines sau khi quan chức quân sự của quốc gia Đông Nam Á này tới đảo Thị Tứ thuộc Trường Sa ở Biển Đông hôm 21/4.
Tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời phát ngôn viên Lục Khảng nói rằng chuyến đi trái với sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được nhằm giải quyết tranh chấp.
Ông Lục nói rằng phía Bắc Kinh "hết sức quan ngại" và "không hài lòng" trước diễn biến mới này, nên đã quyết định nêu vấn đề với phía Philippines.
Hôm 21/4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cùng một phái đoàn quân sự đã bay ra đảo Thị Tứ mà Manila hiện kiểm soát ở Biển Đông.
Đảo nhân tạo của Trung Quốc xây trên Biển Đông.
Theo tờ Inquirer, ông Lorenzana đã phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc khi chiếc máy bay vận tải bay qua vùng tranh chấp trước khi tới Thị Tứ.
Tin cho hay, phía Trung Quốc phát tín hiệu nói rằng chiếc máy bay đã bay vào không phận của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu bay ra để tránh "tính toán sai lầm".
Nhưng ông Lorenzana được trích lời nói rằng "đó là chuyện bình thường", và phía phi công Philippines đáp trả lại rằng đó là lãnh thổ của nước mình.
Việt Nam chưa thấy lên tiếng phản ứng về chuyến ra đảo này.
********************
Máy bay quân sự chở Bộ trưởng quốc phòng Philippines bị tuần duyên Trung Quốc thách thức (VOA, 21/04/2017)
Các cấu trúc và đường băng do Trung Quốc xây trên đảo nhân tạo ở đá Subi, quần đảo Trường Sa, nhìn từ máy bay vận tải C-130 của Lực lượng Vũ trang Philippines hôm 21/4.
Lực lượng tuần duyên Trung Quốc sáng thứ Sáu 21/4 đã thách thức hai máy bay quân sự chở Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines Eduardo Ano đang bay tới đảo Thị Tứ, mà Philippines gọi là Pagasa.
Phi công lái các máy bay vận tải C-295 của Airbus và C-130 của Lockheed cho biết đã nhận cánh báo từ khu vực đá Subi do Trung Quốc chiếm đóng, cách đảo Thị Tứ từ 30 tới 40 dặm.
Bộ trưởng Lorenzana cho biết phản ứng của phía Philippines :
"Chúng tôi trả lời rằng chúng tôi đang bay trên lãnh thổ Philippines".
Ông Lorenzana cho biết thách thức của Trung Quốc là phản ứng tự động, nằm trong khuôn khổ cách ứng xử thông thường của bất kỳ nước nào tuyên bố có quyền tài phán trên một khu vực nhất định, đặc biệt khi có máy bay và tàu bè đi ngang qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Phi nhấn mạnh rằng không có gì đáng tiếc xảy ra.
Được biết ngoài Bộ trưởng Lorenzana, còn một số quan chức quốc phòng cao cấp khác của Philippines đi trên hai chiếc máy bay quân sự, kể cả Tư lệnh lục quân Glorioso Miranda và Trung Tướng Raul del Rosario, ngườ đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Tây.
Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Philippines và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền tại đây.
(Nguồn : AFP, Inquirer.net)
*******************
Trung Quốc gọi thầu thăm dò dầu khí Biển Đông (VOA, 19/04/2017)
Dàn khoan 981 của Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC).
Bắc Kinh đang tìm kiếm các nhà thầu nước ngoài để giúp thăm dò dầu và khí đốt ở Biển Đông trong dự kiến sẽ gặp phải phản đối từ các nước có tranh chấp chủ quyền trong khu vực và hơn nữa việc tìm kiếm được dầu khí ở đây không có tiềm năng lợi nhuận cao.
Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tuần trước đã mời mời các công ty nước ngoài tranh thầu thăm dò tìm kiếm nhiên liệu hóa thạch tại 22 lô ở vùng biển phía nam Trung Quốc. Các lô này trải dài trên một vùng biển rộng 47.270 km vuông bao gồm vùng biển mà Đài Loan và Việt Nam có tranh chấp chủ quyền. Đáng lưu ý là Việt Nam đã thẳng thắn tuyên bố chủ quyền kể từ những năm 1970.
Vấn đề phức tạp
Các nhà phân tích cho rằng các công ty dầu hỏa nước ngoài quan tâm đến hồ sơ dự thầu có thể lo ngại các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc, vì việc tranh thầu này có thể gây phương hại uy tín của họ với các nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, hoặc bất kỳ trữ lượng nhiên liệu nào tìm được sẽ trở thành tài sản bị tranh chấp. Hạn cuối nộp hồ sơ tranh thầu là tháng 9 này.
Ông Thomas Pugh, chuyên gia kinh tế của Viện Capital Economics ở London, Anh cho rằng "khu vực này có nhiều vấn đề, có nhiều rủi ro liên quan đến tranh chấp chủ quyền. Nếu các công ty ký thỏa thuận với Trung Quốc và các công ty Trung Quốc, họ có thể đánh mất cơ hội làm ăn với các nước trong khu vực đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc".
Tranh chấp chủ quyền tiếp tục
Ông Raymond Wu, giám đốc công ty tư vấn e-telligence của Ðài Loan chuyên về các rủi ro chính trị nói rằng việc thăm dò có thể bị các nước khác phản đối.
Ông Wu nói : "Các bên tranh chấp khác không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc". Ông Wu nói thêm rằng các nhà thầu nước ngoài phải đối mặt "không chỉ với sự khó khăn và rủi ro trong việc thăm dò dầu khí, mà còn vấn đề trữ lượng nhiên liệu tìm được sẽ thuộc về nước nào. Vào thời điểm này tôi không thấy có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc. "
Vào tháng 5/2014, tàu Việt Nam và Trung Quốc đã va chạm nhau ở bên ngoài Vịnh Bắc Bộ nơi đang tranh chấp, sau khi Bắc Kinh đưa một giàn khoan đến khu vực này.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc cũng đã làm Brunei, Malaysia và Philippines lo ngại bằng việc tăng cường kiểm soát khoảng 95% trong số 3,5 triệu kilômét vuông vùng biển vốn giàu tài nguyên, và trang bị máy bay chiến đấu và hệ thống radar ở các đảo nhân tạo.
Chi phí thăm dò tốn kém
Theo ông Triệu Tích Quân, Phó khoa Tài chính, Đại học Nhân dân Trung Quốc, thăm dò dầu khí cũng đòi hỏi máy móc thiết bị đắt tiền, và đó là điểm khó khăn cho một số nhà thầu tiềm năng, trong khi không ai chắc chắn sẽ khai thác được bao nhiêu nhiên liệu. Ông Zhao Xijun nói thêm rằng tập đoàn CNOOC hy vọng sẽ bù đắp những rủi ro này bằng cách mời thêm các đối tác nước ngoài.
Ông Triệu nói : "Điều đầu tiên là rủi ro khá cao và thứ hai, yêu cầu kỹ thuật khá cao. Có lẽ các tổ chức hoặc công ty có thể tham gia vào dự án này sẽ phải đối mặt với một trở ngại nhất định".
Các nhà phân tích nói rằng giá dầu giảm làm hạn chế giá trị xuất khẩu của bất kỳ khoán sản nào khai thác được. Giá dầu thế giới đã giảm từ hơn 100 USD / thùng vào năm 2013 xuống đến nay chỉ còn một nửa.
Cơ hội
Tập đoàn CNOOC, nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc, cho biết trên trang web rằng sẽ chọn đối tác nước ngoài có một "tầm nhìn hợp tác cùng có lợi" và "các biện pháp linh hoạt và thuận lợi trong việc khai thác ở vùng biển sâu".
Trang web của tờ Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc nói rằng vì hầu hết các lô khai thác đều gần Trung Quốc, nên đây là những khoản đầu tư ổn định cho các nhà thầu nước ngoài.
Trung Quốc cũng có một thỏa thuận với Việt Nam về việc sử dụng chung Vịnh Bắc Bộ, một khu vực dầu mỏ được nêu trong một hợp đồng mời thầu.
Ông Andrew Yang, Tổng thư ký của Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Cấp cao về Trung Quốc ở Đài Loan cho biết : "Tôi không nghĩ rằng đó sẽ là một vấn đề, bởi vì Trung Quốc và Việt Nam đã có một số thỏa hiệp hoặc phân giới cắm mốc, cố gắng phân chia lãnh hải, vì vậy nếu vấn đề này được nêu ra, tôi nghĩ rằng việc thăm dò này chắc chắn sẽ ở phần lãnh thổ Trung Quốc".
Tuy nhiên, một chuyên gia nói với tờ Thời báo Hoàn cầu rằng những hãng khoan dầu nước ngoài có thể vẫn phải thận trọng hơn vì những tranh chấp lãnh hải.