Tillerson : Hoa Kỳ sẽ làm việc với Trung Quốc về hồ sơ Bắc Triều Tiên (RFI, 18/03/2017)
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) đón người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson tại Bắc Kinh ngày 18/03/2017. REUTERS/ Lintao Zhang/POOL
Đến Trung Quốc ngày 18/03/2017, trong khuôn khuôn khổ chuyến công du Châu Á đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Hoa Kỳ sẽ làm việc với Trung Quốc để cố làm thay đổi chính sách của chế độ Bắc Triều Tiên về vũ khí nguyên tử.
Ông Tillerson tuyên bố như trên sau khi hội đàm với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Về phần mình, ông Vương Nghị nhắc lại lập trường của Bắc Kinh là khủng hoảng Bắc Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết bằng đối thoại, nếu không muốn để cho tình hình dẫn đến xung đột.
Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Bắc Kinh và Washington cố tìm ra phương cách để khởi động lại các cuộc đàm phán và vẫn không từ bỏ hy vọng đạt đến hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc hiện được xem là cường quốc duy nhất có thể tác động lên đồng minh Bình Nhưỡng. Hôm qua, trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Donald Trump đã chỉ trích Bắc Kinh không gây đủ áp lực lên nước láng giềng Bắc Triều Tiên.
Hôm qua (17/08), tại Seoul, ngoại trưởng Tillerson đã tuyên bố là chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của Hoa Kỳ đối với Bắc Triều Tiên đã chấm dứt. Ông Tillerson cũng cảnh cáo Bình Nhưỡng là Washington không loại trừ phương án quân sự, nếu mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên tăng đến mức cần phải có hành động ngăn chận.
***************************
Tillerson : Mỹ đã hết kiên nhẫn, có thể tấn công Bắc Triều Tiên (RFI, 17/03/2017)
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm nay 17/03/2017 tại Seoul tuyên bố chính sách ngoại giao "kiên nhẫn chiến lược" đối với Bình Nhưỡng đã kết thúc. Hoa Kỳ đang nghiên cứu một loạt biện pháp, trong đó có hành động quân sự nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (G) thăm vùng phi quân sự giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, ngày 17/03/2017. REUTERS/ Lee Jin-man/Pool
Theo Reuters và AFP, trong cuộc họp báo tại Seoul sau khi đi thăm vùng phi quân sự, ngoại trưởng Rex Tillerson nhấn mạnh Mỹ "chắc chắn không muốn đi đến xung đột", nhưng "sẽ phải đáp trả thích đáng" đối với tất cả mọi hành động đe dọa Hàn Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định : "Chiến lược kiên nhẫn đã chấm dứt. Chúng tôi sẽ xem xét một loạt các biện pháp ngoại giao, an ninh và kinh tế. Tất cả các phương án đều được nêu ra".
Chủ trương cứng rắn này hoàn toàn trái ngược với chính sách của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama : bác bỏ mọi đối thoại một khi Bình Nhưỡng chưa cam kết cụ thể về giải trừ hạt nhân, với hy vọng áp lực trong nội bộ Bắc Triều Tiên sẽ tạo nên những thay đổi.
Ông Rex Tillerson còn đòi hỏi Bắc Kinh bắt tay vào việc trừng phạt Bắc Triều Tiên. Đồng thời ông cho rằng Bắc Kinh đã vô lý khi có biện pháp chống lại Hàn Quốc, coi hệ thống lá chắn tên lửa THAAD là mối đe dọa cho Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ lần đầu tiên công du Châu Á, trong bối cảnh căng thẳng. Hôm qua tại Tokyo, ông nhìn nhận thất bại của 20 năm nỗ lực ngoại giao để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hứa hẹn sẽ có chính sách mới nhưng không cho biết cụ thể.
Để đối phó với Bắc Triều Tiên, Nhật Bản hôm nay đã phóng thành công một vệ tinh gián điệp lên quỹ đạo, bổ sung cho các phương tiện đang giám sát những hành động của Bình Nhưỡng. Các vệ tinh tình báo này giúp nhận diện những vật có kích thước chỉ một mét vào ban đêm hay lúc trời mù sương, từ độ cao hàng trăm km.
Cũng tại Nhật Bản, hôm nay, khoảng một trăm người ở thành phố duyên hải Oga đã tham gia diễn tập sơ tán trong trường hợp bị hỏa tiễn Bắc Triều Tiên tấn công, hai tuần sau khi ba hỏa tiễn của Bình Nhưỡng rơi xuống ngoài khơi thành phố này.
Trong một diễn biến khác, hệ thống chuyển tiền quốc tế Swift đã cho ngưng kết nối bốn ngân hàng Bắc Triều Tiên vì "không tôn trọng các tiêu chí". Trước đó, đa số ngân hàng Bắc Triều Tiên đã bị Swift loại trừ, và như vậy, kể từ nay Bình Nhưỡng đã hoàn toàn bị cô lập với thế giới trong lãnh vực tài chính.
Thụy My
******************
Tillerson : ‘Không thể tiếp tục kiên nhẫn với Bắc Hàn’ (VOA, 17/03/2017)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tillerson (trái) và Ngoại Trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 17/3/2017.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ nói chính sách "kiên nhẫn chiến lược " đối với Bắc Triều Tiên đã chấm dứt, và hành động quân sự chống lại Bình Nhưỡng là "một giải pháp".
Phát biểu mạnh mẽ ở Seoul hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói "Bắc Triều Tiên phải hiểu rằng cách duy nhất để có một tương lai an ninh và thịnh vượng về mặt kinh tế là phải từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác".
Trong một cuộc họp báo chung với Ngoại Trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se, ông Tillerson cho biết là "một loạt khả năng toàn diện" đang được tạo ra để đối phó với quốc gia bị cô lập này.
Hàn Quốc là quốc gia thứ hai trong chuyến công du Châu Á của Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Tại Tokyo hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Tillerson nói : "Rõ ràng là chúng ta cần có một cách tiếp cận khác" sau 20 năm các nỗ lực ngoại giao thất bại, không ngăn được Bắc Triều Tiên sản xuất vũ khí hạt nhân.
Chặng cuối cùng trong chuyến Á du của ông Tillerson là Trung Quốc, chương trình nghị sự của ông tại đây bao gồm một cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ hôm thứ Năm nói rằng Trung Quốc đóng một vai trò rất quan trọng trong nỗ lực khuyến khích Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và cho biết ông đã khuyến khích Trung Quốc thực thi đầy đủ các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc nhằm gây áp lực lên chính phủ Bắc Triều Tiên.
Là nơi quân đội Hoa Kỳ trú đóng và nằm trong tầm bắn của tên lửa Bắc Triều Tiên, Nhật Bản và Hàn Quốc ủng hộ các nỗ lực của Hoa Kỳ để tăng áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Bắc Triều Tiên. Một thông báo của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ cho biết, 3 đồng minh đã tiến hành các cuộc tập trận hôm thứ 4 trên biển phía đông bán đảo Triều Tiên và phía bắc của Nhật Bản để củng cố khả năng tương tác.
Các cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Tillerson với chủ tịch Trung Quốc sẽ là nền tảng cho một hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 4 ở Florida.
Chỉ có một phóng viên duy nhất, cô Erin McPike của báo mạng Independent Journal Review được tháp tùng ông Tillerson trong chuyến công du này. Thông thường có cả một đoàn phóng viên tháp tùng ngoại trưởng Hoa Kỳ trong các chuyến công du của ông.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson (trái) trong một cuộc họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-Se (phải) tại Seoul vào ngày 17 tháng 3 năm 2017. AFP photo
Hoa Kỳ không loại trừ phương án quân sự để chống lại chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn, nếu như mối đe dọa từ Bác Hàn tiếp tục leo thang.
Trên đây là tuyên bố mạnh mẽ của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson, khi đặt chân đến Nam Hàn hôm thứ Sáu 17/3. Ông Tillerson nói thêm rằng "chiến lược kiên nhẫn" trước đây của chính quyền Tổng thống Obama đối với tình hình tại bán đảo Triều Tiên đã chấm dứt.
Theo giới quan sát, những tuyên bố cứng rắn này cho thấy chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách đối với Bắc Hàn.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hiện đang viếng thăm các nước Châu Á lần lượt là Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc.
Chuyển công du của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đến khu vực này diễn ra ngay sau khi Bình Nhưỡng cho bắn hỏa tiễn hồi tuần trước, được mô tả như là một cuộc diễn tập nhằm mục đích tấn công vào các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ đồn trú tại Nhật Bản.
Hôm qua, lên tiếng trong cuộc họp báo tại Tokyo, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho rằng đã đến lúc phải có kế hoạch mới để đối phó với Bắc Hàn, vì tất cả những nỗ lực đòi Bình Nhưỡng đình chỉ chương trình hạt nhân mà Hoa Kỳ và các nước đồng minh thực hiện trong 29 năm qua đều không thành công.
***************
THAAD sắp tới Hàn Quốc (VOA, 17/03/2017)
Ngươi Hàn Quốc vẫy cờ Mỹ-Hàn tại cuộc tuần hành ủng hộ việc triển khai THAAD, ngày 15/2/7.
Radar băng tần X, yếu tố cốt lõi trong hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Mỹ sắp tới Hàn Quốc, hãng tin Yonhap dẫn lời giới chức quân sự ngày 16/3.
Một giới chức quân sự Hàn Quốc không muốn nêu tên cho hay radar băng tần X không tới trong ngày 16/3 nhưng sẽ sớm được chuyển giao cho Hàn Quốc.
Trước đó, đài địa phương KBS của Hàn Quốc đưa tin radar AN/Thành phốY-2 sẽ tới căn cứ không quân Osan vào sáng ngày 16/3, nhưng một giới chức thuộc Tư lệnh Lực lượng Phối hợp (CFC) nói với Tân hoa xã rằng không thể xác nhận tin đó.
Giới chức CFC cho biết dù các thành phần khác của THAAD, kể cả radar băng tần X, có tới Hàn Quốc thì cũng sẽ không được loan báo công khai vì các bí mật vận hành.
Hôm 6/3, hai bệ phóng di động và một phần các thiết bị của THAAD đã được bàn giao tới căn cứ không quân Osan và được đưa tới một căn cứ khác.
Hệ thống THAAD bao gồm 6 bệ phóng di động, 48 phi cơ nghênh cản, một radar băng tần X, và một đơn vị điều khiển. Các thành phần này dự kiến sẽ lần lượt được đưa tới Hàn Quốc từng phần một.
Nhiều nhà quan sát cho rằng với THAAD, Hàn Quốc sẽ bước vào mạng lưới phòng thủ phi đạn của Mỹ tại Đông Bắc Á để kiềm chế Nga và Trung Quốc.
Cả Trung Quốc lẫn Nga đã mạnh mẽ phản đối hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ tại Hàn Quốc vì cho rằng việc này sẽ phá vỡ cân bằng chiến lược khu vực và đe dọa lợi ích an ninh của Moscow và Bắc Kinh.
Radar băng tần X thuộc THAAD có thể xâm nhập sâu vào lãnh thổ của Nga và Trung Quốc.
Reuters