Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mỹ - Trung : Sẽ không có thượng đỉnh Trump - Tập trong tháng 3 (RFI, 15/03/2019)

Cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Tập Cận Bình để bàn về thương mại sẽ không diễn ra vào tháng 3/2019 như được đề cập đến trong thời gian gần đây. Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 14/03/2019, giải thích rằng hiện hai nước còn "nhiều việc phải làm" trong lãnh vực thương mại.

quanhe1

Cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, tháng 12/2018 tại Buenos Aires nhân thượng đỉnh G20. SAUL LOEB / AFP

Sau lời xác nhận của ông Mnuchin, chính tổng thống Mỹ Donald Trump, đã cho biết rằng có thể sẽ phải mất thêm ba hoặc bốn tuần lễ nữa để biết được chính xác liệu có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc hay không.

Theo ông Trump, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ khó mà đến Mỹ họp thượng đỉnh nếu không cầm chắc một thỏa thuận về thương mại, sau khi thấy ông Trump bỏ ngang cuộc họp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội.

Tổng thống Mỹ trước đó cho là các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh đang tiến triển nhanh chóng, nhưng cũng đe dọa rằng ông sẽ không ký vào một thỏa thuận tồi.

Khả năng hoãn cuộc họp Trump-Tập đã được hãng tin Mỹ Blommberg nêu lên trước đó, trích dẫn một số nguồn tin thân cận với tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiết lộ rằng cuộc gặp sẽ chỉ diễn ra sớm nhất là vào tháng 4.

Vào tháng trước, ông Trump đã quyết định tạm thời chưa tăng thuế đánh vào hàng hóa của Trung Quốc, mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng giữa hai nước còn tồn tại nhiều bất đồng lớn, nhất là vấn đề Mỹ tố cáo Trung Quốc ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác địa phương, một cáo buộc đã bị Bắc Kinh bác bỏ.

Tuy nhiên, Quốc hội Trung Quốc hôm nay đã thông qua một bộ luật đầu tư mới, trong đó có những điều khoản cấm các hành vi cưỡng ép công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ.

Phát biểu ít lâu sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua luật đầu tư nước ngoài mới, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường còn hứa là Bắc Kinh sẽ có thêm nhiều biện pháp được đưa ra để bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ luật mới của Trung Quốc được giới quan sát xem là cách Bắc Kinh đáp ứng các đòi hỏi của Washington, luôn tố cáo Trung Quốc có những thủ đoạn để đánh cắp công nghệ Mỹ.

Trọng Nghĩa

*******************

Bắc Triều Tiên "dọa" ngưng đàm phán hạt nhân với Mỹ (RFI, 15/03/2019)

Thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên, Choe Son-hui, ngày 15/03/2019 thông báo chế độ Bình Nhưỡng sẽ cân nhắc xem có nên tiếp tục đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa hay không.

quanhe2

Thứ trưởng ngoại giao, Choe Son-hui trả lời phóng viên nước ngoài, sau buổi họp báo về thượng đỉnh Trump - Kim ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 01/03/2019. Yonhap/via Reuters

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap cho biết phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiênđược đưa ra trong cuộc họp khẩn với các nhà ngoại giao và truyền thông nước ngoài tại Bình Nhưỡng. Theo bà Choe Son-hui, Bình Nhưỡng thất vọng sâu sắc về thất bại của thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội hồi cuối tháng 02/2019.

Quan chức ngoại giao Bắc Triều Tiên không chỉ trích đích danh tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng kêu gọi Washington thay đổi chiến thuật và nhấn mạnh là Bình Nhưỡng không hề có ý định nhượng bộ Hoa Kỳ. Thứ trưởng Choe Son-hui khẳng định lãnh đạo Kim Jong Un sẽ sớm quyết định tiếp tục hay ngưng đối thoại với Mỹ, tiếp tục hay ngưng thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Seoul khẳng định nỗ lực để Bình Nhưỡng và Washington nối lại đàm phán

Một đại diện của phủ tổng thống Hàn Quốc hôm nay 15/03 khẳng định chính quyền Seoul sẽ làm mọi việc để thúc đẩy Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ nối lại đàm phán.

Trong khi đó, bộ ngoại giao Mỹ cho biết hôm qua là quan chức Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã gặp nhau tại Washington để bàn về các biện pháp dỡ bỏ chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, kể cả bằng cách trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng.

Thùy Dương

Published in Châu Á

Hội thảo Việt-Nga "Hợp tác quốc tế trong một thế giới biến động" (RFA, 26/02/2019)

Hội thảo Việt - Nga "Hợp tác quốc tế trong một thế giới biến động" được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nga trong 2 ngày 25 và 26 tháng 2 năm 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

vietnga1

Hội thảo Việt - Nga được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 2 ngày 25 và 26 tháng 2 năm 2019. Courtesy baoquocte.vn

Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu hôm 25/2.

Đồng tổ chức bởi Học viện Ngoại giao Việt Nam, Học viện Chính sách đối ngoại và Nghiên cứu chiến lược và Câu lạc bộ thảo luận Valdai có trụ sở tại Nga, sự kiện quy tụ các chuyên gia và quan chức nhà nước. Các cuộc thảo luận tại Hội thảo xoay quanh các chủ đề như : vấn đề an ninh Châu Á ; hợp tác đa phương ở Châu Á và Âu Á ; triển vọng sau năm 2019 cho quan hệ Việt Nam – Nga...

Phát biểu tại buổi khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chào mừng sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov, cho rằng điều này không chỉ nói lên tầm quan trọng của hội thảo mà còn khẳng định mối quan hệ truyền thống lâu dài giữa hai quốc gia.

Ông Sơn nhấn mạnh, hiện nay mối quan hệ chính trị giữa hai nước có độ tin cậy cao, quan hệ kinh tế - thương mại ngày càng đi vào chiều sâu, hợp tác an ninh - quốc phòng chặt chẽ và sự hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo ngày càng mở rộng.

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực tháng 10/2016 thì kim ngạch thương mại Việt - Nga tăng trên 30% mỗi năm và hướng tới mục tiêu đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Đồng ý với quan điểm của lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Sergey Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga, cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, mối quan hệ giữa Nga và ASEAN có vai trò rất quan trọng trong nỗ lực đối phó với sự thay đổi của tình hình.

Ông Sergey Lavrov đề nghị hai nước, trên cơ sở mối quan tâm chung cần tiếp tục nỗ lực xây dựng cơ chế hợp tác kinh tế và an ninh nhằm tìm ra giải pháp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Ông Lavrov cho biết Liên bang Nga là một thành viên không tách rời của Châu Á-Thái Bình Dương và luôn quan tâm đến vấn đề tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, trong các vấn đề chống khủng bố, chống di cư bất hợp pháp, an ninh mạng, y tế…

Vị Bộ trưởng Ngoại giao cũng tuyên bố, Nga coi quan hệ đối tác với Việt Nam là một phần quan trọng trong quan hệ với ASEAN và ông tin tưởng Nga và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực và đưa quan hệ hai nước vươn lên tầm cao mới trong tương lai.

***********************

Thương mại Mỹ-Trung : Donald Trump hủy "tối hậu thư" với Bắc Kinh (RFI, 25/02/2019)

Tổng thống Mỹ Donald Trump, vào hôm qua, 24/02/2019, trong một thông điệp Twitter đã xác nhận rằng quan hệ Mỹ-Trung đang tốt đẹp lên, đồng thời thông báo gia hạn áp dụng tăng thuế quan trên hàng nhập từ Trung Quốc, ban đầu dự kiến vào ngày 01/03 tới đây.

vietnga2

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong cuộc gặp tổng thống Donald Trump tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng ngày 22/02/2019. Reuters/Carlos Barria/File Photo

Theo thông tín viên RFI tại New York, Marie Bourreau, đây là kết quả các cuộc đàm phán được đánh giá là tích cực giữa hai nước.

Dù chưa hẳn là một lệnh đình chiến trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng đây chính là sự kéo dài cuộc hưu chiến tạm thời mà hai lãnh đạo Mỹ-Trung đã thương lượng được vào tháng 12 năm ngoái bên lề Thượng đỉnh G20 tại Argentina.

Trong một tin nhắn Twitter cuối ngày hôm qua, tổng thống Mỹ đã nói đến những tiến bộ đáng kể trong cuộc đàm phán thương mại và cũng thông báo khả năng một cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở tư dinh Mar-e-Lago của ông, để đúc kết một thỏa thuận.

Trong khi chờ đợi, Donald Trump đình chỉ việc tăng thuế trên 200 tỷ đô la hàng nhập từ Trung Quốc mà trên nguyên tắc sẽ áp dụng từ ngày 01/03.

Từ một tuần nay, các nhà thương lượng hai bên đã gặp nhau tại Washington để đi đến một thỏa thuận, nhưng có rất ít chi tiết về các nội dung bàn luận, vốn tập trung trên nông nghiệp, hối đoái và chuyển giao công nghệ.

Mai Vân

******************

Chính quyền Abe quyết dời căn cứ Mỹ trong Okinawa (RFI, 25/02/2019)

Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm qua, 24/02/2019, đã có đến 70% người Okinawa phản đối kế hoạch dời căn cứ Mỹ từ nơi này qua nơi khác, nhưng vẫn trong địa bàn tỉnh. Bất chấp kết quả đó, chính quyền Tokyo hôm nay xác định ý muốn tiếp tục công việc di dời.

vietnga3

Dân địa phương Okinawa đọc báo về kết quả trưng cầu dân ý về việc di dời căn cứ quân sự Mỹ trong Okinawa ngày 24/02/2019. Kyodo/via Reuters

Theo hãng tin Pháp AFP, đã có khoảng hơn 70% số phiếu phản đối kế hoạch dời căn cứ không quân Mỹ Futenma. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt mức 53%, giúp cho số phiếu phản đối vượt được ngưỡng 25% tổng cử tri, và như vậy, tỉnh trưởng Okinawa sẽ phải chuyển ý nguyện của cư dân địa phương lên chính phủ Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Phản ứng của chính quyền Tokyo rất nhanh chóng. Trả lời một số phóng viên vào hôm nay, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xác nhận rằng chính phủ ghi nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý một cách rất nghiêm túc, và nỗ lực thuyết phục người dân Okinawa để họ thông cảm với quyết định của chính quyền. Đó là không thể trì hoãn kế hoạch di dời căn cứ Mỹ.

Theo thủ tướng Abe thì không thể không di dời căn cứ Futenma, bị đánh giá là "căn cứ nguy hiểm nhất thế giới". Hơn nữa, theo ông, quyết định di dời đã có từ hai chục năm nay.

Tỉnh Okinawa chỉ chiếm 0,6% lãnh thổ Nhật Bản, nhưng lại là nơi đặt 74% cơ sở quân sự của Mỹ, và là nơi đồn trú của một nửa số lính Mỹ tại Nhật Bản.

Sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ tại Okinawa rất cần thiết cho an ninh Nhật Bản, nhưng rất nhiều người dân Okinawa đã đồng hóa các căn cứ Mỹ với tình trạng tội phạm, ô nhiễm và những tai nạn khác.

Mai Vân

*******************

Nhật Bản : Dân Okinawa bác bỏ việc dời căn cứ không quân Mỹ trong tỉnh (RFI, 24/02/2019)

Hôm 24/02/2019, 1,5 triệu cử tri tỉnh Okinawa, miền tây nam Nhật Bản được mời đến phòng phiếu để tham gia cuộc trưng cầu dân ý về việc dời căn cứ không quân Mỹ Funtenma từ thành phố Ginowan đến vùng duyên hải Henoko ở thành phố Nago cũng trong tỉnh Okinawa. Kết quả thăm dò khi bỏ phiếu cho thấy đa số cử tri phản đối việc di dời.

vietnga4

Một căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Okinawa, Nhật Bản.AFP/Yoshikazu Tsuno

Theo hãng tin Pháp AFP, kết quả chính thức chỉ được công bố vào khuya hôm nay, nhưng báo chí Nhật Bản đã trích dẫn kết quả thăm dò cử tri sau khi bỏ phiếu cho biết đúng với dự kiến, đa số người dân Okinawa đã phản đối việc di chuyển căn cứ Mỹ trong một cuộc trưng cầu dân ý không có tính chất ràng buộc mà chỉ mang giá trị biểu tượng.

Vấn đề đặt ra là liệu số phiếu chống có đủ nhiều để kết quả được chính thức công nhân là có giá trị hay không, dù đó chỉ là giá trị tượng trưng.

Hiện đặt tại một khu vực đông dân cư ở Ginowan, căn cứ không quân Mỹ Funtenma đã bị dư luận Okinawa hết sức phản đối, đặc biệt sau nhiều vụ tai tiếng liên quan đến nhân sự Mỹ tại căn cứ này.

Trước những tai tiếng đó, chính quyền Nhật Bản và Mỹ đã quyết định tái bố trí căn cứ Futenma đến duyên hải Henoko ở thành phố Nago, những vẫn ở Okinawa. Điều này bị dân chúng tiếp tục phản đối, đặc biệt là tỉnh trưởng mới, ông Tamaki Denny, được bầu trong cuộc bầu cử tháng 9/2018 vừa qua.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á
mercredi, 28 juin 2017 21:56

Mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung

Trong thượng đỉnh tại Florida vào Tháng Tư vừa qua, lãnh đạo hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc định ra thời hạn 100 ngày đàm phán về mâu thuẫn mậu dịch giữa hai nước. Thời hạn đó sẽ chấm dứt vào tháng tới, nhưng mâu thuẫn thì vẫn còn.

US-CHINA-SECURITY-TRADE-SUMMIT

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp song phương tại Florida ngày 7 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Mâu thuẫn vẫn còn

Nguyên Lam : Qua hai ngày gặp gỡ tại Mar-a-Lago của tiểu bang Florida vào tháng Tư vừa qua, lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng ý là hai nước sẽ đàm phán về mâu thuẫn mậu dịch giữa đôi bên trong thời hạn 100 ngày. Kỳ hạn đó sẽ kết thúc vào trung tuần Tháng Bảy tới mà hai nước chưa có bước đột phá đáng kể nên các thị trường trên thế giới mới quan tâm theo dõi.

Đã vậy, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vừa qua năm tháng nhậm chức giữa quá nhiều sóng gió trên chính trường Hoa Kỳ khiến các nước đều lo ngại và thất vọng. Một trong nhiều mối ưu lo lại là chính sách mậu dịch hay thương mại của Hoa Kỳ. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về chính sách đó vì ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế của nước Mỹ với Trung Quốc và cả Việt Nam. Ông nghĩ sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi lại xin nói về bối cảnh trước để ta cùng hiểu ra các yếu tố đang chi phối những gì mình quan tâm. Đầu tiên, có lẽ người ta hiểu lầm về Hoa Kỳ vì Tổng thống Mỹ không có toàn quyền quyết định như lãnh đạo của nhiều nước dân chủ khác mà phải dung hòa quan điểm với các cơ chế khác ở cấp liên bang, tiểu bang hay địa phương và với thị trường, là doanh giới, nhà đầu tư, dân tiêu thụ lẫn người lao động. Thứ hai là hiểu lầm về Chính quyền Donald Trump. Ông Trump đắc cử trong hoàn cảnh bất thường của nước Mỹ với nhiều bài toán tích lũy từ mấy chục năm và đắc cử nhờ một số chủ trương khá đặc biệt. Vì vậy, thế giới cứ sợ là Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump sẽ lui về mục tiêu ích kỷ, gây hấn với nhiều nước khác vì bị nhập siêu về mậu dịch mà phó mặc chuyện thiên hạ cho các nước. Sự thật thì Hoa Kỳ vẫn đang bung ra giải quyết khủng hoảng ở mọi nơi, từ Bắc Hàn tới Đông Nam Á, Trung Á và Trung Đông, và nếu Chính quyền Trump có đề ra ưu tiên khác thì chỉ để các nước quan niệm lại chiến lược liên kết với Mỹ chứ không thể ỷ lại vào Hoa Kỳ như trong mấy chục năm qua. Thứ ba, và riêng về ngoại thương, ban tham mưu của ông Trump có vài người chủ trương bảo hộ mậu dịch nhưng nội các của ông lại có chuyên gia hay doanh gia nắm vững thực tế kinh tế và chính trị toàn cầu nên khéo kết hợp ngôn từ với hành động để đạt mục tiêu của Hoa Kỳ chứ không hề thoái lui về chủ trương bảo hộ mậu dịch hay tự cô lập như báo chí vẫn nói.

Nguyên Lam : Xin ông đơn cử cho một số thí dụ để thính giả của chúng ta hiểu được sự tình ở đằng sau những tường thuật của báo chí hay cảm quan của nhiều người.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ có hai bạn hàng then chốt là Canada và Mexico với Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ gọi tắt là NAFTA. Từ khi tranh cử đến kỳ nhậm chức, ông Trump hăm dọa hủy bỏ Hiệp ước vì quá bất lợi cho kinh tế và công nhân Mỹ. Sự thật thì Hoa Kỳ không xé nát hiệp ước đó mà chỉ đòi rà soát lại quan hệ buôn bán giữa ba nước trong một số khu vực thôi. Lý do là ba nền kinh tế đã quá hội nhập với nhau và ba nước phải căn cứ trên sự vận hành xây dựng từ năm 1994 để cải sửa một số điều bất lợi cho kinh tế Mỹ. Cụ thể thì nhiều tiểu bang, như Texas, hay thành phần cử tri đã bầu cho ông Trump lại gặp bất lợi nếu Hoa Kỳ đòi trừng phạt Mexico vì đạt xuất siêu quá lớn với kinh tế Mỹ. Chúng ta sẽ chứng kiến sự thật này khi việc đàm phán giữa ba nước sắp bước vào vòng đầu.

Thí dụ thứ hai là quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Thiên hạ cứ sợ Mỹ sẽ chối bỏ các quy định của WTO mà phá vỡ hệ thống giao dịch toàn cầu hoặc nhẹ ra thì bất chấp WTO mà áp đặt quy định riêng trong quan hệ song phương với từng nước. Sự thật thì Hành pháp Mỹ bị chi phối bởi một cơ chế độc lập, lưỡng đảng là gồm cả hai đảng, có quyền khuyến cáo và phản bác cả Chính phủ lẫn Quốc hội về chính sách ngoại thương, là Hội đồng Thương mại Quốc tế, US International Trade Commission. Ngoài trận đánh về pháp lý hay chính trị thì Chính quyền còn gặp áp lực từ các tiểu bang và doanh giới nên không dễ gì tự tiện hành động. Nhưng vì quan hệ kinh tế giữa các nước cũng cần sửa chứ không tự do như xưa nên tại Thượng đỉnh sắp tới của G-20 vào hai ngày 7-8 Tháng Bảy ở Hamburg, ông Trump sẽ đặt vấn đề với Thủ tướng Đức, và nhiều nước khác, như Trung Quốc hay Đức, cũng đã nói tới nhu cầu cải sửa đó.

Rồi sẽ ra sao ?

22222222222222

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida hôm 7 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Nguyên Lam : Chúng ta trở về chuyện Trung Quốc trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ. Thưa ông, vì kỳ hạn trăm ngày sẽ hết từ giữa Tháng Bảy này mà hai nước chưa khai thông được nhiều mâu thuẫn thì rồi đây tình hình sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ mâu thuẫn Mỹ-Hoa không chỉ có hồ sơ mậu dịch vì còn nhiều vấn đề khác, như thái độ khiêu khích của Bắc Hàn mà Bắc Kinh không thể hay không muốn giải quyết, hoặc sự bành trướng của Bắc Kinh xuống vùng biển Đông Nam Á như muốn đẩy Mỹ ra khỏi Á Châu và cả chuyện biến đổi khí hậu hay ô nhiễm mà Trung Quốc không xử lý. Chuyện thứ hai mà thế giới lý tài cứ hiểu lầm, Trung Quốc chưa là siêu cường cấp toàn cầu có sức mạnh về kinh tế, quân sự hay tinh thần để các nước có thể noi theo. Đấy chỉ là chế độ đang phát huy chủ nghĩa dân tộc Đại Hán và áp dụng một số quy luật thị trường để khỏi tụt hậu mà vẫn cố kiểm soát người dân và ưu tiên bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước và công nghiệp nặng. Huống hồ, nội bộ cũng có bao vấn đề kinh tế như nạn đầu cơ địa ốc và vay mượn thả giàn, kể cả hồ sơ chính trị gay gắt khi họ chuẩn bị Đại hội khóa 19, nên không có thế mạnh như ta nghĩ.

Nguyên Lam : Như vậy thưa ông mâu thuẫn giữa hai quốc gia này sẽ diễn biến ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ bối cảnh đó, ta nhớ Chính quyền Trump vẫn giàng hồ sơ an ninh vào kinh tế, như gài chuyện Bắc Hàn vào mậu dịch, để đòi Trung Quốc chấm dứt nạn xuất siêu hàng hóa lên tới 350 tỷ đô la với kinh tế Mỹ. Nếu Hoa Kỳ gây sức ép về mậu dịch, dễ nhất là để bảo vệ ngành nhôm và thép vì lý do an ninh quốc gia, thì việc Bắc Kinh tái cơ cấu kinh tế bị trở ngại. Ta sẽ thấy ra vụ này trong mấy tháng tới. Bắc Kinh có thể giải tỏa sức ép khi hứa giải quyết mối nguy Bắc Hàn nhưng đám âm binh này không dễ nghe lời phù thủy Trung Quốc, chưa kể là nhiều nước Đông Nam Á đang tập trận và trông cậy vào sự yểm trợ của Hoa Kỳ chứ không của Bắc Kinh để giải trừ nguy cơ khủng bố Hồi giáo. Cạnh đó, dự án năng lượng của Việt Nam với Hoa Kỳ cũng làm Bắc Kinh khó chịu như ta đã thấy tuần qua. Thành thử, có khi Hoa Kỳ gây sức ép với Bắc Kinh về mậu dịch để đạt mục tiêu khác, như Bắc Hàn, Đài Loan hay an ninh Đông Nam Á và Trung Quốc không có thế mạnh như báo chí vẫn loan truyền.

Nguyên Lam : Thưa ông, nếu nhìn rộng qua các nước khác tại Á Châu thì chuyện mâu thuẫn mậu dịch sẽ biến thái ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ta không quên là lạm phát đã giảm mạnh tại Trung Quốc và các nền kinh tế lớn đang kích hoạt kinh tế, gọi là reflation, để tránh nạn giảm phát. Vì vậy, biện pháp tiền tệ như tăng lãi suất tại Mỹ, hay ngân sách là hạ thuế, sẽ còn chi phối quan hệ kinh tế giữa các nước. Đã vậy, khả năng sản xuất dầu khí của Hoa Kỳ theo công nghệ mới còn nâng số cung làm năng lượng sụt giá khiến các nước bán dầu xưa nay thêm khốn đốn. Trong bối cảnh chung như vậy, tính toán về mậu dịch hay xuất nhập khẩu sẽ khó tiến hành như ý muốn của các nước.

Bây giờ, nói về mậu dịch thì sau khi Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Hiệp ước TPP, 11 nước còn lại vẫn cố xúc tiến, nhất là Nhật Bản, Úc và New Zealand, trong khi hai nước đang phát triển trong nhóm này là Việt Nam và Malaysia còn do dự. Nhưng ta không nên quên là sau khi rút khỏi TPP, Hoa Kỳ vẫn tìm cách thương thảo song phương với từng nước và khi đàm phán thì không quên yếu tố an ninh, như với Nam Hàn, Nhật Bản và Việt Nam. Ngược lại, Bắc Kinh nghĩ tới cơ hội đẩy mạnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực Á Châu, gọi tắt là RCEP, mà sau 15 vòng đàm phán, lần cuối là tháng trước tại Philippines, tình hình vẫn chưa tiến triển và động thái hung hăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á khiến 10 nước trong Hiệp hội ASEAN cũng cẩn trọng chứ không muốn vì làm ăn với Bắc Kinh mà ra khỏi lá chắn bảo vệ của Mỹ.

Mặt khác, Trung Quốc có thể o bế các nước Liên Âu để hy vọng được họ nhận cho quy chế là "đã có nền kinh tế thị trường" nhưng chủ trương kinh tế nhuốm mùi quốc gia dân tộc của Bắc Kinh vẫn khiến nhiều nước Âu Châu dè dặt. Vả lại sau khi Vương quốc Anh quyết định ra khỏi Liên Âu vào năm ngoái thì cơ chế quốc tế này bèn nhượng bộ mà quy định là Quốc hội của từng quốc gia thành viên sẽ phê chuẩn các hiệp ước chứ không phó thác nhiệm vụ đó cho Liên Âu. Vì vậy, dù có tung tiền mua chuộc, Bắc Kinh vẫn chưa thuyết phục được thiên hạ và việc Tổng lý Quốc vụ viện Lý Khắc Cường ngợi ca toàn cầu hóa nhân hội nghị gọi là Davos Mùa Hè vào hai ngày 27 28 vừa qua tại cảng Đại Liên của tỉnh Liêu Ninh chỉ là màn trình diễn.

Nguyên Lam : Những gì mà chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa vừa phân tích khiến chúng ta thấy ra một nghịch lý. Xưa nay, Hoa Kỳ là quốc gia đã phát huy ưu thế của kinh tế tự do và góp phần dẫn tới hiện tượng toàn cầu hóa thì nay lại tỏ vẻ hoài nghi và đòi thương thuyết lại các hiệp ước tự do mậu dịch. Bên kia Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn có chế độ bảo hộ kinh tế nhằm duy trì lợi ích cho thiểu số cầm quyền thì lại thủ vai vô địch về kinh tế tự do và trào lưu toàn cầu hóa ! Ở giữa thì các nước đang phát triển chưa biết tính làm sao vì những chuyển động trái chiều như vậy. Thưa ông, ông kết luận thế nào về nghịch lý này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất, sinh hoạt kinh tế giữa các nước không là quyết định của nhà nước mà là kết quả của hàng triệu hàng tỷ người trong doanh nghiệp. Lý do là kinh tế xuất phát từ người dân để tạo lợi ích cho người dân, không cho nhà nước. Thứ hai, trong quan hệ mậu dich giữa các nước, tiếng nói của người dân hay của thị trường tại các nước dân chủ vẫn có trọng lượng nên nếu Chính quyền Trump có muốn lui về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch hẹp hòi thì cũng chẳng được như ta đã thấy và sẽ còn thấy tại Hoa Kỳ. Thứ ba, chính quyền một quốc gia chủ quan duy ý chí như Trung Quốc chưa giải quyết nổi bài toán cơ bản cho dân nghèo mà cứ tưởng rằng thế lực kinh tế của mình sẽ khuynh đảo được xứ khác. Sự thật thì trong quan hệ kinh tế giữa các nước với nhau, mậu dịch hay ngoại thương không là tất cả mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác, kể cả an ninh và nhất là an ninh. Những mâu thuẫn về mậu dịch đang phơi bày sự thật đó và "an ninh hay sự sinh tồn của quốc gia sẽ là gì ?" đang trở thành câu hỏi cho nhiều người, nhất là ở tại Việt Nam.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 28/06/2017

Published in Diễn đàn