Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

26/02/2019

Hội thảo Việt-Nga, thương mại Mỹ -Trung, dời căn cứ Mỹ ở Okinawa

Tổng hợp

Hội thảo Việt-Nga "Hợp tác quốc tế trong một thế giới biến động" (RFA, 26/02/2019)

Hội thảo Việt - Nga "Hợp tác quốc tế trong một thế giới biến động" được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nga trong 2 ngày 25 và 26 tháng 2 năm 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

vietnga1

Hội thảo Việt - Nga được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 2 ngày 25 và 26 tháng 2 năm 2019. Courtesy baoquocte.vn

Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu hôm 25/2.

Đồng tổ chức bởi Học viện Ngoại giao Việt Nam, Học viện Chính sách đối ngoại và Nghiên cứu chiến lược và Câu lạc bộ thảo luận Valdai có trụ sở tại Nga, sự kiện quy tụ các chuyên gia và quan chức nhà nước. Các cuộc thảo luận tại Hội thảo xoay quanh các chủ đề như : vấn đề an ninh Châu Á ; hợp tác đa phương ở Châu Á và Âu Á ; triển vọng sau năm 2019 cho quan hệ Việt Nam – Nga...

Phát biểu tại buổi khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chào mừng sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov, cho rằng điều này không chỉ nói lên tầm quan trọng của hội thảo mà còn khẳng định mối quan hệ truyền thống lâu dài giữa hai quốc gia.

Ông Sơn nhấn mạnh, hiện nay mối quan hệ chính trị giữa hai nước có độ tin cậy cao, quan hệ kinh tế - thương mại ngày càng đi vào chiều sâu, hợp tác an ninh - quốc phòng chặt chẽ và sự hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo ngày càng mở rộng.

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực tháng 10/2016 thì kim ngạch thương mại Việt - Nga tăng trên 30% mỗi năm và hướng tới mục tiêu đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Đồng ý với quan điểm của lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Sergey Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga, cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, mối quan hệ giữa Nga và ASEAN có vai trò rất quan trọng trong nỗ lực đối phó với sự thay đổi của tình hình.

Ông Sergey Lavrov đề nghị hai nước, trên cơ sở mối quan tâm chung cần tiếp tục nỗ lực xây dựng cơ chế hợp tác kinh tế và an ninh nhằm tìm ra giải pháp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Ông Lavrov cho biết Liên bang Nga là một thành viên không tách rời của Châu Á-Thái Bình Dương và luôn quan tâm đến vấn đề tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, trong các vấn đề chống khủng bố, chống di cư bất hợp pháp, an ninh mạng, y tế…

Vị Bộ trưởng Ngoại giao cũng tuyên bố, Nga coi quan hệ đối tác với Việt Nam là một phần quan trọng trong quan hệ với ASEAN và ông tin tưởng Nga và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực và đưa quan hệ hai nước vươn lên tầm cao mới trong tương lai.

***********************

Thương mại Mỹ-Trung : Donald Trump hủy "tối hậu thư" với Bắc Kinh (RFI, 25/02/2019)

Tổng thống Mỹ Donald Trump, vào hôm qua, 24/02/2019, trong một thông điệp Twitter đã xác nhận rằng quan hệ Mỹ-Trung đang tốt đẹp lên, đồng thời thông báo gia hạn áp dụng tăng thuế quan trên hàng nhập từ Trung Quốc, ban đầu dự kiến vào ngày 01/03 tới đây.

vietnga2

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong cuộc gặp tổng thống Donald Trump tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng ngày 22/02/2019. Reuters/Carlos Barria/File Photo

Theo thông tín viên RFI tại New York, Marie Bourreau, đây là kết quả các cuộc đàm phán được đánh giá là tích cực giữa hai nước.

Dù chưa hẳn là một lệnh đình chiến trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng đây chính là sự kéo dài cuộc hưu chiến tạm thời mà hai lãnh đạo Mỹ-Trung đã thương lượng được vào tháng 12 năm ngoái bên lề Thượng đỉnh G20 tại Argentina.

Trong một tin nhắn Twitter cuối ngày hôm qua, tổng thống Mỹ đã nói đến những tiến bộ đáng kể trong cuộc đàm phán thương mại và cũng thông báo khả năng một cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở tư dinh Mar-e-Lago của ông, để đúc kết một thỏa thuận.

Trong khi chờ đợi, Donald Trump đình chỉ việc tăng thuế trên 200 tỷ đô la hàng nhập từ Trung Quốc mà trên nguyên tắc sẽ áp dụng từ ngày 01/03.

Từ một tuần nay, các nhà thương lượng hai bên đã gặp nhau tại Washington để đi đến một thỏa thuận, nhưng có rất ít chi tiết về các nội dung bàn luận, vốn tập trung trên nông nghiệp, hối đoái và chuyển giao công nghệ.

Mai Vân

******************

Chính quyền Abe quyết dời căn cứ Mỹ trong Okinawa (RFI, 25/02/2019)

Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm qua, 24/02/2019, đã có đến 70% người Okinawa phản đối kế hoạch dời căn cứ Mỹ từ nơi này qua nơi khác, nhưng vẫn trong địa bàn tỉnh. Bất chấp kết quả đó, chính quyền Tokyo hôm nay xác định ý muốn tiếp tục công việc di dời.

vietnga3

Dân địa phương Okinawa đọc báo về kết quả trưng cầu dân ý về việc di dời căn cứ quân sự Mỹ trong Okinawa ngày 24/02/2019. Kyodo/via Reuters

Theo hãng tin Pháp AFP, đã có khoảng hơn 70% số phiếu phản đối kế hoạch dời căn cứ không quân Mỹ Futenma. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt mức 53%, giúp cho số phiếu phản đối vượt được ngưỡng 25% tổng cử tri, và như vậy, tỉnh trưởng Okinawa sẽ phải chuyển ý nguyện của cư dân địa phương lên chính phủ Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Phản ứng của chính quyền Tokyo rất nhanh chóng. Trả lời một số phóng viên vào hôm nay, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xác nhận rằng chính phủ ghi nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý một cách rất nghiêm túc, và nỗ lực thuyết phục người dân Okinawa để họ thông cảm với quyết định của chính quyền. Đó là không thể trì hoãn kế hoạch di dời căn cứ Mỹ.

Theo thủ tướng Abe thì không thể không di dời căn cứ Futenma, bị đánh giá là "căn cứ nguy hiểm nhất thế giới". Hơn nữa, theo ông, quyết định di dời đã có từ hai chục năm nay.

Tỉnh Okinawa chỉ chiếm 0,6% lãnh thổ Nhật Bản, nhưng lại là nơi đặt 74% cơ sở quân sự của Mỹ, và là nơi đồn trú của một nửa số lính Mỹ tại Nhật Bản.

Sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ tại Okinawa rất cần thiết cho an ninh Nhật Bản, nhưng rất nhiều người dân Okinawa đã đồng hóa các căn cứ Mỹ với tình trạng tội phạm, ô nhiễm và những tai nạn khác.

Mai Vân

*******************

Nhật Bản : Dân Okinawa bác bỏ việc dời căn cứ không quân Mỹ trong tỉnh (RFI, 24/02/2019)

Hôm 24/02/2019, 1,5 triệu cử tri tỉnh Okinawa, miền tây nam Nhật Bản được mời đến phòng phiếu để tham gia cuộc trưng cầu dân ý về việc dời căn cứ không quân Mỹ Funtenma từ thành phố Ginowan đến vùng duyên hải Henoko ở thành phố Nago cũng trong tỉnh Okinawa. Kết quả thăm dò khi bỏ phiếu cho thấy đa số cử tri phản đối việc di dời.

vietnga4

Một căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Okinawa, Nhật Bản.AFP/Yoshikazu Tsuno

Theo hãng tin Pháp AFP, kết quả chính thức chỉ được công bố vào khuya hôm nay, nhưng báo chí Nhật Bản đã trích dẫn kết quả thăm dò cử tri sau khi bỏ phiếu cho biết đúng với dự kiến, đa số người dân Okinawa đã phản đối việc di chuyển căn cứ Mỹ trong một cuộc trưng cầu dân ý không có tính chất ràng buộc mà chỉ mang giá trị biểu tượng.

Vấn đề đặt ra là liệu số phiếu chống có đủ nhiều để kết quả được chính thức công nhân là có giá trị hay không, dù đó chỉ là giá trị tượng trưng.

Hiện đặt tại một khu vực đông dân cư ở Ginowan, căn cứ không quân Mỹ Funtenma đã bị dư luận Okinawa hết sức phản đối, đặc biệt sau nhiều vụ tai tiếng liên quan đến nhân sự Mỹ tại căn cứ này.

Trước những tai tiếng đó, chính quyền Nhật Bản và Mỹ đã quyết định tái bố trí căn cứ Futenma đến duyên hải Henoko ở thành phố Nago, những vẫn ở Okinawa. Điều này bị dân chúng tiếp tục phản đối, đặc biệt là tỉnh trưởng mới, ông Tamaki Denny, được bầu trong cuộc bầu cử tháng 9/2018 vừa qua.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 400 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)