Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc ca ngợi quan hệ tốt đẹp giữa hai nước (RFA, 04/10/2019)
Hôm 3/10/2019, đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc đăng tải video phát biểu của ông Đặng Minh Khôi Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại nước này ca ngợi mối quan hệ chính trị giữa 2 nước "hết sức tốt đẹp" trong bối cảnh đội tàu thăm dò dầu khí của Bắc Kinh mở rộng hoạt động ở Biển Đông.
Hình minh họa. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi phát biểu tại lễ kỷ niệm 68 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước ở Bắc Kinh năm 2018 - Courtesy of dangcongsan.vn
"Nhìn lại chặng đường 70 năm từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước thì chúng ta có thể thấy rằng mối tình hữu nghị vừa là đồng chí, vừa là anh em đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai và các thế hệ tiền bối 2 nước đã đích thân vun đắp, gìn giữ và gầy dựng đã không ngừng lớn mạnh trong 70 năm vừa qua.
Đương nhiên trong 70 năm chúng ta là láng giềng cũng có lúc có chuyện này chuyện khác, nhưng có thể nhìn lại trong 70 năm vừa qua quan hệ giữa hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước phát triển hết sức tốt đẹp, toàn diện trên tất cả các lãnh vực và đạt được nhiều thành tựu hết sức ấn tượng, mà cá nhân tôi trong 4 năm làm Đại sứ tại Trung Quốc từ năm 2015 đến nay đã được chứng kiến", ông Khôi nhận định.
Ông Đặng Minh Khôi cho rằng giao lưu văn hóa là một điểm rất là sáng trong quan hệ 2 nước.
"Nhân dân Việt Nam rất ưa thích văn hóa của Trung Quốc, từ điện ảnh, văn nghệ truyền thống cũng như văn hóa hiện đại của Trung Quốc".
Trong gần cuối đoạn phỏng vấn, người đứng đầu Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nói :
"Chúng tôi luôn hy vọng và tin tưởng Trung Quốc là một nước lớn, là một nước thành viên không thường trực của Liên Hiệp Quốc, là nước có nhiều đóng góp vào những tiến trình xây dựng của thế giới.
Như Tổng bí thư Tập Cận Bình thường hay nói và mong muốn xây dựng một cộng đồng chung vững mạnh, thì cách tốt nhất là chúng ta cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định, phồn vinh và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế".
Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong 3 tháng qua đã có những căng thẳng sau khi Trung Quốc điều tàu hải cảnh, dân binh và khảo sát vào vùng biển của Việt Nam từ giữa tháng 6.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Sanh Châu mới đây nói với báo Hindustan Times của Ấn Độ rằng, trong lần xâm nhập mới nhất vào hôm 30/9, Trung Quốc đã điều đến 28 tàu vào vùng biển Việt Nam bất chấp Hà Nội đã gửi hơn 40 lần phản đối tới phía Trung Quốc.
**********************
Cư dân các nước láng giềng ngày càng ghét Trung Quốc (RFI, 04/10/2019)
Vào lúc Bắc Kinh rầm rộ phô trương thanh thế nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, một cuộc khảo sát quan điểm về Trung Quốc của người dân thuộc 32 quốc gia, công bố hôm 30/09/2019 cho thấy tỷ lệ người thiếu thiện cảm với Trung Quốc gia tăng đáng kể, đặc biệt là tại các láng giềng ở Châu Á, từ Nhật Bản cho đến Indonesia.
Pháo hoa tại Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc, nhân ngày Quốc Khánh 01/10/2019. Reuters/Jason Lee
Theo kết quả cuộc khảo sát dư luận thế giới mới nhất Global Attitudes Survey, do trung tâm nghiên cứu Mỹ có uy tín Pew Research Center thực hiện từ ngày 13/05 cho đến ngày 29/08 vừa qua, nhìn chung vẫn có bình quân 41% cư dân thuộc 32 nước trên thế giới có quan điểm tích cực về Trung Quốc, so với 37% có cái nhìn tiêu cực.
Tuy nhiên, nếu đi vào chi tiết, có thể thấy là tâm lý ghét Trung Quốc đang càng lúc càng gia tăng tại các nước, khi so sánh với những kết quả thăm dò trong những năm trước đây. Theo cuộc thăm dò vừa công bố, hiện có đến 60% người được hỏi tại Mỹ, và 67% tại Canada coi Trung Quốc là đất nước "không được ưa thích", một kết quả xấu nhất đối với Trung Quốc từ năm 2007 đến nay.
Tâm lý chung của người dân Tây Âu cũng rất tiêu cực đối với Trung Quốc, với tỷ lệ không có thiện cảm lên đến 70% tại Thụy Điển, hay 53% tại Tây Ban Nha. So với năm ngoái 2018, thiện cảm đối với Trung Quốc đã giảm mạnh ở Thụy Điển với tỷ lệ -17%, cũng như tại Anh Quốc, hay Hà Lan, -11%. Chỉ có tại Hy Lạp và Ý thì số người thích Trung Quốc có đông hơn một chút.
Điều đáng ghi nhận nhất có lẽ là việc Trung Quốc không hề được các láng giềng ưu ái chút nào. Bản khảo sát của Pew Research Center đã tập trung tại năm nước vùng Châu Á Thái Bình Dương là Nhật Bản, Hàn Quốc, ở Đông Bắc Á, Philippines, Indonesia ở Đông Nam Á, và Úc ở Châu Đại Dương.
Tại hầu như toàn bộ 5 quốc gia này, đa số người được hỏi đều xác nhận là họ không thích Trung Quốc, cao nhất là Nhật Bản với 85%, kế đến là Hàn Quốc, 63%, Úc 57%, Philippines 54%.
Riêng Indonesia thì không rõ ràng, với tỷ lệ người yêu và người ghét ngang nhau là 36%, nhưng tỷ lệ người thích Trung Quốc từ năm ngoái đến năm nay đã giảm 17%.
Một điểm đáng chú ý trong bản khảo sát của Pew Research Center, là đà tăng của tỷ lệ người ghét Trung Quốc tương ứng với đà tụt giảm của tỷ lệ người thích. Khi đối chiếu với tất cả các cuộc thăm dò từ trước đến nay, thì tỷ lệ người có thiện cảm với Trung Quốc tại tất cả 5 nước láng giềng của Trung Quốc đã giảm xuống mức kỷ lục, hay gần như là kỷ lục trong năm nay.
Tại Philippines, từ 63% người thích năm 2002, tỷ lệ này hiện chỉ còn là 42%. Cũng trong hai thời điểm 2002-2019, tỷ lệ người thích Trung Quốc ở Úc giảm từ 52% xuống 36%, tại Indonesia, từ 73% xuống 36%, tại Hàn Quốc từ 66% xuống 34%, và tệ hại nhất là tại Nhật Bản, từ 55% xuống còn vỏn vẹn 14% trong năm nay.
Theo giới quan sát, nếu tại Châu Mỹ và Châu Âu, những hành vị bị tố cáo là không hay của Trung Quốc bị vạch trần trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra là một trong những lý do khiến người dân mất đi thiện cảm với Trung Quốc, thì tại Châu Á, các hành vi bức hiếp láng giềng đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc là nguyên do khiến người dân các nước không còn thích Trung Quốc.
Năm 2014, Việt Nam đứng đầu thế giới về quan điểm ghét Trung Quốc
Việt Nam không nằm trong danh sách các nước Châu Á được Pew Research Center khảo sát trong bản Global Attitudes Survey 2019. Nhưng vào năm 2014, trong một bản thăm dò ý kiến tại ở 44 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, thì Việt Nam đứng đầu danh sách về thái độ thiếu thiện cảm đối với Trung Quốc.
Có đến 78% người được hỏi cho biết là không thích Trung Quốc, một tỷ lệ chỉ thua có Nhật Bản với 91% người ghét Trung Quốc, nhưng hơn xa Philippines, chỉ có 58% không có thiện cảm với Trung Quốc.
Về câu hỏi nước nào là mối đe dọa lớn nhất, 74% người Việt Nam đã trả lời rằng đó là Trung Quốc, một tỷ lệ cao hơn người Nhật (68%) hay người Philippines (58%) cũng xem Trung Quốc là kẻ nguy hiểm.
Tâm lý ghét Trung Quốc của người Việt Nam ngày nay có lẽ vẫn không thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh từ năm 2014 đến nay, các hành vi bức hiếp Việt Nam của Trung Quốc chỉ có tăng chứ không hề giảm.
Trọng Nghĩa
********************
Trung Quốc bị tố cáo ngăn cản hoạt động trục vớt tàu cá Việt lâm nạn (VOA, 04/10/2019)
Trung Quốc điều ca nô tới ngăn cản hoạt động trục vớt tàu cá Việt Nam bị lâm nạn ở quần đảo Hoàng Sa, báo nhà nước dẫn tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết chiều 3/10.
Quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền hiện đang do Trung Quốc quản lý
Báo Tiền Phong và Phụ Nữ loan tin 9 ngư dân trên tàu cá ĐNa 90929 TS gặp nạn khi tàu bị phá nước, chìm hôm 26/9 cách phía Đông đảo Bạch Quy (Hoàng Sa) khoảng 5 hải lý và được tàu cá QNg 95563 TS của Quảng Ngãi cứu vớt an toàn cùng ngày.
Vẫn theo hai nguồn tin này, hôm 2/10, Đà Nẵng đã gửi công văn đề nghị Trung Quốc hỗ trợ trục vớt con tàu bị chìm cùng tài sản trên tàu và đến chiều ngày 3/10, Trung Quốc đã điều một ca nô ra ngăn cản hoạt động trục vớt thay vì hỗ trợ.
Báo nhà nước nói, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã yêu cầu Cục lãnh sự và các cơ quan phụ trách về tìm kiếm cứu nạn cùng Cảnh sát biển, Tổng Cục Thủy sản hỗ trợ chủ tàu cá lâm nạn trong việc trục vớt con tàu và tài sản.
******************
Truyền thông Việt Nam nói tàu Trung Quốc từ chối cứu hộ ngư dân Việt ở Hoàng Sa (VOA, 01/10/2019)
Truyền thông Việt Nam hôm 1/10 cho biết một tàu Trung Quốc đã từ chối cứu hộ 12 ngư dân Quảng Nam trên tàu cá lâm nạn ở Hoàng Sa, vùng biển đang trong vòng tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông.
Ngư dân trên thuyền tre ở vịnh của đảo Lý Sơn ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi. Một thuyền của Quảng Nam vừa bị Trung Quốc từ chối cứu hộ ở quần đảo Hoàng Sa, theo truyền thông trong nước.
Trích dẫn nguồn tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam và Cục cứu hộ cứu nạn của Bộ Quốc phòng, VTC News và Thanh Niên cho biết tàu cá của tỉnh Quảng Nam mang số hiệu QNa 90569 TS với 12 lao động đã bị gãy trục láp hôm 25/9 và phải thả trôi trên biển.
Các ngư dân trên tàu cá QNa 90569 TS của ông Huỳnh Văn Sửu phát tín hiệu cầu cứu sau khi gặp nạn ở khu vực đảo Bạch Quy, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tàu này xuất bến ngày 23/9, 2 ngày trước khi gặp nạn.
Theo đề nghị của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam), Trung Quốc hôm 29/9 đã cử 1 tàu đến khu vực nêu trên để cứu nạn tàu cá của Quảng Nam, theo các nguồn tin được VTC News và Thanh Niên trích dẫn.
Tuy nhiên khi đến hiện trường, lực lượng cứu nạn của Trung Quốc "xác định sự cố tàu QNa 90569 TS chỉ cứu hộ, không phải cứu nạn". Do đó, phía Trung Quốc "giới thiệu thông tin cơ quan cứu hộ tàu" cho phía Việt Nam và cho biết "để được thực hiện cứu hộ phải trả tiền theo thỏa thuận".
Phía Trung Quốc thông báo cho cơ quan chức năng Việt Nam rằng hiện có một tàu cá khác đi cùng tàu QNa 90569 TS nhưng không cho biết rõ số hiệu của con tàu đó.
Theo VTC News, tàu cá QNa 91636 TS của ông Nguyễn Thanh Thành, cũng từ Quảng Nam, đã tiếp cận và lai dắt con tàu bị nạn. Dự kiến vào sáng 3/10, hai tàu này sẽ về đến cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành của Quảng Nam.
Tháng 3 vừa qua, một tàu Trung Quốc có số hiệu 4401 đã đâm và đánh chìm một tàu cá Việt Nam từ Quảng Ngãi khi tàu này đang đánh bắt ở nơi được coi là ngư trường truyền thống của họ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, theo VnExpress. Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc đền bù thích đáng cho ngư dân Việt Nam.
Truyền thông trong nước nói rằng Trung Quốc đã "cưỡng chiếm" các đảo ở Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và kể từ đó, chiếm lĩnh quần đảo này một cách "bất hợp pháp". Năm 2012, Trung Quốc thành lập thành phố có tên Tam Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối sự việc này.
Với tuyên bố đường lưỡi bò, còn gọi là đường 9 đoạn, Trung Quốc, cho rằng phần lớn Biển Đông là thuộc chủ quyền của họ, bất chấp một phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2017 ở La Haye đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.