Vụ thử mới của Bắc Hàn 'có thể gây rò rỉ phóng xạ' (BBC, 31/10/2017)
Cuộc thử nghiệm hạt nhân mới tại địa điểm thử nghiệm ở vùng miền núi Bắc Hàn có thể gây rò rỉ phóng xạ, quan chức phụ trách khí tượng hàng đầu Hàn Quốc cảnh báo.
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un liên tục phớt lờ cộng đồng quốc tế khi tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân
Một vùng trũng dài khoảng 100m ở chân núi Mantap có thể nổ tung, ông Nam Jae-cheol nói.
Vụ thử hạt nhân mới đây nhất của Bình Nhưỡng, được thực hiện hồi đầu tháng 9, có vẻ như đã gây ra nhiều vụ sạt lở đất.
Bắc Hàn đã tiến hành sáu cuộc thử hạt nhân từ năm 2006 tới này, ở cùng một địa điểm thử nghiệm.
"Có một khoảng trũng dài khoảng 60 đến 100 mét ở chân núi Mantap trong khu vực Punggye-ri", ông Nam được thông tấn xã Nam Hàn Yonhap dẫn lời.
"Nếu một cuộc thử nghiệm nữa xảy ra, có khả năng vùng này bị sụp", ông cảnh báo.
Địa điểm thử nghiệm Punggye-ri nằm trên địa hình núi ở phía đông bắc của Bắc Hàn, được cho là cơ sở hạt nhân chính của Bình Nhưỡng và là địa điểm thử nghiệm hạt nhân đang hoạt động duy nhất trên thế giới.
Hình ảnh khu vực thử nghiệm Punggye-ri vài ngày trước cuộc thử nghiệm hồi tháng 9
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong hôm thứ Sáu tường thuật rằng các nhà địa chất Trung Quốc đã cảnh báo giới chức Bắc Hàn sau vụ thử nghiệm tháng 9 rằng các cuộc thử nghiệm mới ở đó có thể dẫn tới sự sụp lún lớn và rò rỉ chất thải phóng xạ.
Trong khi đó, tờ báo chính của Bắc Hàn, tờ Rodong Sinmun, cho biết nước này có toàn quyền phóng vệ tinh.
Tuyên bố này được đưa ra khi có nghi ngờ rằng Bình Nhưỡng có thể sớm phóng một vệ tinh - được xem như là một thử nghiệm cho công nghệ tên lửa đạn đạo của nước này.
***********************
Bắc Triều Tiên : 200 người chết vì sập đường hầm thử bom nguyên tử (RFI, 31/10/2017)
Có ít nhất 200 người được cho là đã thiệt mạng khi một đường hầm tại địa điểm thử bom nguyên tử của Bắc Triều Tiên. AFP hôm nay 31/10/2017 dẫn tin của đài truyền hình Nhật cho biết như trên.
Không ảnh của Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Pháp (CNES), Airbus Defense & Space và nhóm phân tích 38 Nord cho thấy cơ sở thử hạt nhân Punggye-ri của Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp ngày 12/04/2017HO / Airbus Defense & Space and 38 North / AFP
Kênh truyền hình Nhật Asahi cho biết theo một nguồn tin ẩn danh, một đường hầm tại địa điểm thử nguyên tử Punggye-ri đã bị sụp đổ vào đầu tháng Chín, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Đây là quả bom có sức công phá mãnh liệt nhất từ trước đến nay.
Khoảng 100 công nhân đã bị chôn vùi trong vụ sụp hầm đầu tiên, và trong khi công tác cứu hộ đang được tiến hành, thì một đường hầm nữa lại bị sụp đổ, làm tổng cộng khoảng 200 người chết. Tai nạn này được cho là do vụ thử bom nguyên tử gây ra.
Các chuyên gia từng cảnh báo các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất có thể làm cho núi bị sụp, khiến phóng xạ bị phát tán ra không khí gần biên giới Trung Quốc. Vụ thử nguyên tử hôm 3/9 đã gây ra hiện tượng lở đất tại khu vực thử bom và xa hơn, theo các hình ảnh vệ tinh chụp được ngày hôm sau.
Những tấm ảnh do trang 38th North công bố cho thấy những thay đổi trên mặt đất ở Punggye-ri : Những khối đất bị hất tung lên không do rung chấn, sau đó là những vụ đất trượt xuống lòng suối.
Theo Cơ quan giám sát địa chấn của Mỹ, vụ nổ này đã gây ra trận động đất 6,3 độ Richter, và vài phút sau là một vụ động đất 4,1 độ Richter. Nhật Bản nhận định đó là một quả bom nhiệt hạch mạnh 120 kiloton, gấp 8 lần so với quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.
Thông tin này được đưa ra vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên sẽ đến thăm Hàn Quốc vào tuần tới.
Bắc Triều Tiên hiếm khi xác nhận những tai nạn, đặc biệt nếu liên quan đến chương trình nguyên tử. Từ khi lên kế vị Kim Jong Il năm 2011, đến nay Kim Jong Un đã cho thử hạt nhân bốn lần. Bắc Triều Tiên coi bom nguyên tử là vũ khí quý giá để bảo vệ, chống lại Mỹ tấn công.
Thụy My
Triều Tiên : Chớ coi thường cảnh báo thử hạt nhân trên không (VOA, 26/10/2017)
Lời cảnh báo của Ngoại trưởng Triều Tiên về một cuộc thử nghiệm hạt nhân khả dĩ trong bầu khí quyển bên trên Thái Bình Dương nên được xem xét nghiêm túc, một quan chức cao cấp của Triều Tiên nói với đài CNN trong một cuộc phỏng vấn phát sóng ngày 25/10.
Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho
"Bộ trưởng ngoại giao biết rất rõ ý định của lãnh tụ tối cao chúng tôi, vì thế tôi nghĩ quý vị nên cân nhắc lời nói của ông ấy nghiêm túc", Ri Yong-pil, một nhà ngoại giao cao cấp của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói với CNN.
Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho tháng trước nói rằng Bình Nhưỡng có thể tính tới việc tiến hành "vụ kích nổ mạnh nhất" một quả bom nghiệt hạch bên trên Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ.
Bộ trưởng Ri đưa ra phát biểu này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh cáo rằng Mỹ sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu nước này đe dọa Mỹ. Triều Tiên đang nỗ lực phát triển phi đạn hạt nhân có khả năng bắn trúng Mỹ.
Giám đốc CIA Mike Pompeo tuần trước nói rằng Triều Tiên có thể chỉ còn vài tháng nữa là đạt được khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Theo các chuyên gia, một vụ thử nghiệm trong khí quyển sẽ là cách chứng tỏ khả năng đó. Tất cả các vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên đều được thực hiện trong lòng đất.
Ông Trump tuần sau sẽ đi thăm Châu Á và trong thời gian đó ông sẽ nêu bật chiến dịch của ông nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và phi đạn.
Chiến lược này cho tới giờ vẫn chưa ngăn được Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử hạt nhân tại một cơ sở ngầm và bắn phi đạn đạn đạo vào Thái Bình Dương ngang qua Nhật Bản.
Bất chấp những luận điệu hung hăng và những cảnh báo liên tục của Mỹ rằng tất cả các lựa chọn, kể cả quân sự, đều được đưa ra bàn bạc, song các quan chức Nhà Trắng nói ông Trump đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vụ đối đầu.
**********************
Bắc Triều Tiên khẳng định muốn thử bom nguyên tử ở Thái Bình Dương (RFI, 26/10/2017)
Tuyên bố của ngoại trưởng Bắc Triều Tiên về khả năng thử nguyên tử trên Thái Bình Dương cần phải được hiểu một cách nghiêm túc. Một nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên khi trả lời phỏng vấn đài CNN hôm 25/10/2017 khẳng định như trên.
Bình Nhưỡng muốn tạo ra "vụ nổ mãnh liệt nhất" từ một quả bom nhiệt hạch phía trên Thái Bình Dương
Ông Ri Yong-pil nói : "Ngoại trưởng hoàn toàn được thông tin về các ý định của lãnh tụ tối cao, nên tôi nghĩ rằng cần những gì ông nói đều phải được đánh giá một cách đúng đắn".
Tháng trước ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho nói rằng Bình Nhưỡng muốn tạo ra "vụ nổ mãnh liệt nhất" từ một quả bom nhiệt hạch phía trên Thái Bình Dương. Tuyên bố này được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump, trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã đe dọa "hủy diệt hoàn toàn Bắc Triều Tiên", nếu xâm hại an ninh Hoa Kỳ.
Giám đốc CIA Mike Pompeo, tuần rồi, cảnh báo chỉ còn vài tháng nữa Bắc Triều Tiên có thể đạt được khả năng tấn công vào lãnh thổ nước Mỹ bằng vũ khí nguyên tử.
Các chuyên gia cho rằng, việc thử nghiệm nguyên tử trên không, là cách lô-gic nhất đối với chế độ Bình Nhưỡng để chứng tỏ năng lực của mình. Tất cả các vụ thử bom hạt nhân trước đây của Bắc Triều Tiên đều được tiến hành dưới lòng đất.
Về quan hệ với Trung Quốc, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay gởi điện chúc mừng "thành công to lớn" của ông Tập Cận Bình. Văn bản vỏn vẹn bốn câu, được gởi đi hôm qua, nhưng đến hôm nay KCNA mới công bố, "bày tỏ niềm tin là quan hệ giữa hai đảng và hai nước sẽ phát triển, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc".
Lá thư ngắn gọn với lịch sự tối thiểu này tương phản hẳn với bức điện đầy nhiệt tình của Kim Jong-un hồi năm 2012, khi ông Tập vừa được bầu làm tổng bí thư.
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Trump "khen" Trung Quốc, "chê" Nga
Vài ngày trước vòng công du Châu Á với hai chặng dừng quan trọng tại Bắc Kinh và Seoul, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố : Nếu bang giao Washington và Moskva tốt đẹp, hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ đơn giản hơn.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Fox Business Network, ngày 25/10/2017, tổng thống Mỹ nhận định : Trong mục đích giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, "Trung Quốc tạo thuận lợi cho Mỹ và dường như là Nga đi theo hướng ngược lại, gây trở ngại cho những nỗ lực của Hoa Kỳ". Tổng thống Trump nói thêm, ông nghĩ là nếu như quan hệ Nga-Mỹ "được tốt đẹp thì hồ sơ Bắc Triều Tiên sẽ dễ được giải quyết hơn".
Lãnh đạo Nhà Trắng nhắc lại trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, ông từng hy vọng cải thiện bang giao với Moskva. Căng thẳng giữa trục Washington-Moskva kéo dài, sau những cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ ; trong những tuần lễ qua, đôi bên liên tục giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại hai nước và Quốc Hội Mỹ ban hành thêm các biện pháp trừng phạt Nga can thiệp vào Ukraine.
Trong khi lên giọng phê phán Nga, tổng thống Hoa Kỳ không quên đề cao vai trò của Trung Quốc. Qua mạng Twitter, Donald Trump cho biết đã gọi điện chúc mừng ông Tập Cận Bình tái đắc cử tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ 5 năm và đôi bên đã thảo luận về Bắc Triều Tiên và chính sách thương mại : "hai hồ sơ quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung" như chính Donald Trump đánh giá.
RFI tiếng Việt
*******************
Hải Quân Mỹ thị uy : Ba tàu sân bay có mặt cùng lúc tại Châu Á (RFI, 26/10/2017)
Phải chăng Mỹ đang tăng cường phô trương uy lực tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương chuẩn bị cho chuyến công du vào tuần tới của tổng thống Donald Trump ?
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan tập trận với Hải Quân Hàn Quốc, ngày 19/10/2017. Picture taken on October 19, 2017. Reuters/Tim Kelly
Câu hỏi này đã được đặt ra sau khi Hải Quân Mỹ liên tiếp loan báo việc Hạm Đội 7 phụ trách khu vực Châu Á -Thái Bình Dương đã được hai hàng không mẫu hạm, cùng với hải đội tác chiến đi kèm đến tăng viện. Cùng với một tàu sân bay có mặt tại chỗ, hiện có ba hàng không mẫu hạm Mỹ hoạt động đồng thời trong khu vực. Một sự kiện hiếm thấy.
Trong bản thông cáo công bố hôm qua 25/10/2017, Hạm Đội 7 loan báo là tàu sân bay nguyên tử USS Nimitz đã trở lại hoạt động trong khu vực Châu Á. Tháp tùng theo chiếc Nimitz là một hải đội tác chiến bao gồm một tuần dương hạm cùng bốn khu trục hạm, tất cả đều được trang bị tên lửa dẫn đường.
Trước đó một hôm, Hạm Đội 7 cũng ra thông báo cho biết là nhóm tác chiến với tàu sân bay nguyên tử USS Theodore Roosevelt khởi hành từ căn cứ San Diego (bang California-Hoa Kỳ), cũng đã đến khu vực công tác ở vùng Tây Thái Bình Dương ngày 23/10. Nhóm tác chiến của chiếc USS bao gồm một tàu tuần dương và ba tàu khu trục, cũng được võ trang bằng tên lửa dẫn đường.
Hai hàng không mẫu hạm mới đến như vậy sẽ tăng viện cho chiếc USS Ronald Reagan, cùng với hải đội tác chiến tháp tùng theo, hiện đang neo đậu tại cảng Busan (Hàn Quốc), sau khi tham gia một cuộc tập trận hải quân lớn cùng với Hải Quân Hàn Quốc ở vùng biển ngoài khơi Bán Đảo Triều Tiên.
Theo giới phân tích quân sự, lực lượng Mỹ được huy động đến vùng biển Châu Á-Thái Bình Dương quả thực là rất hùng hậu, vì lẽ trung bình, chỉ riêng một nhóm tác chiến của tàu sân bay Mỹ, đã bao gồm 12 chiến hạm lớn nhỏ, từ một đến hai tầu ngầm (mà hành tung trên nguyên tắc được giữ bí mật), và một phi đội khoảng 75 chiến đấu cơ.
Vào lúc tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, hành động phô trương uy lực này được coi là một lời cảnh báo mạnh mẽ của Washington nhắm vào Bình Nhưỡng.
Chuyên san Nhật Bản The Diplomat vào hôm qua đã gắn liền việc Hải Quân Mỹ triển khai đồng thời ba hàng không mẫu hạm tại hiện trường Châu Á-Thái Bình Dương, với chuyến thăm Đông Bắc Á và Đông Nam Á vào thượng tuần tháng 11 tới đây của tổng thống Mỹ Donald Trump, với hồ sơ hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên nổi bật trong chương trình nghị sự.
Trọng Nghĩa