Sau khi bị loại khỏi danh sách tranh cử chức thủ tướng, chị gái Quốc vương Thái đã xin lỗi vì gây ra "các vấn đề" cho người dân Thái Lan trước cuộc bầu cử vào tháng tới, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính năm 2014.
Công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi lên tiếng hôm 12/2, một ngày sau khi Ủy ban Bầu cử loại tên của bà khỏi danh sách chính thức các ứng viên tranh cử chức thủ tướng, theo Reuters.
Ủy ban nói rằng các thành viên gia đình hoàng gia phải đứng trên chính trị.
Quốc vương Maha Vajiralongkorn cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định của chị gái là "không phù hợp" và vi hiến.
Công chúa Thái viết trên Instagram : "Tôi xin lỗi vì ý định thành thực của tôi là làm việc cho đất nước và người dân Thái đã gây ra các vấn đề như vậy, và đáng lẽ không nên xảy ra trong thời đại này".
Một số người sử dụng mạng xã hội thúc giục bà phục vụ người dân trên cương vị thành viên hoàng gia, nhưng bà Ubolratana trả lời : "Tôi không muốn vị trí đó nữa. Tôi đã từ bỏ nó lâu lắm rồi".
****************
Thái Lan : Ván cờ chính trị đáng ngờ của hoàng gia (RFI, 12/02/2019)
Le Monde (12/02/2019) tìm cách giải mã diễn biến chính trị Thái Lan trong cuối tuần qua. Tờ báo nhận định "Tại Thái Lan, nhập nhằng chính trị, trò chơi đáng ngờ của phe quân chủ".
Hoàng tử Maha Vajiralongkorn và công chúa Srirasmi, Bangkok, Thái Lan, ngày 13/05/2014 Reuters/Chaiwat Subprasom/Files
Chính trường Thái Lan cuối tuần qua chẳng khác gì một màn kịch 3 hồi. Hồi thứ I được bắt đầu với thông báo gây sốc cho hay người chị cả của quốc vương, công chúa Ubolratana, được một đảng thù nghịch với chế độ quân sự, đảng Thai Raksa Chart, đề cử tranh chức thủ tướng chính phủ.
Người dân Thái chưa hết bàng hoàng thì hồi II diễn ra ngay trong chiều tối cùng ngày khi hoàng cung ra thông cáo khẳng định vị trí ứng viên của công chúa là vô giá trị. Hồi III xảy ra vào sáng sớm hôm sau, thứ Bảy 09/02. Đảng Thai Raksa Chart cho biết rút đề cử công chúa.
Chuyện gì xảy ra ? Vụ việc này có ý nghĩa gì ? Theo nhiều nhà phân tích được Le Monde trích dẫn, khó có thể nghĩ là công chúa đã không báo trước quốc vương ý định tham gia chính trường hay quốc vương không biết đến một quyết định như thế. Le Monde nhìn nhận mức độ mù mờ của chính trường Thái đến mức người ta khó có thể biết được chuyện gì đang diễn ra trong hậu trường.
Tuy nhiên, có một điều mà giới chuyên gia biết được đó là quốc vương Vajiralongkorn, khi còn là hoàng thái tử từng quen biết với gia đình Shinawatra. Người ta còn biết được rằng từ khi bước lên ngai vàng, ông không ngừng tìm cách mở rộng không gian chính trị.
Quốc vương đã yêu cầu viết lại ba điều khoản trong Hiến Pháp, để mở rộng tầm ảnh hưởng và kiểm soát quân đội, như đặt một người thân tín vào vị trí lãnh đạo quân đội, đồng thời lấy lại quyền kiểm soát tài sản của hoàng gia, ước tính trị giá khoảng 30 tỷ euro. Và chính sách này đã được quốc vương âm thầm tiến hành trong hai năm đầu trị vì như nhận xét của chuyên gia Paul Chambers, trong một bài đăng trên trang mạng New Mandala, được Le Monde trích dẫn.
Điều này đã gây chia rẽ quân đội và làm xuất hiện nhiều tin đồn đảo chính lan truyền trong ngày Chủ Nhật 10/02 cho rằng lãnh đạo quân đội tướng Apirat Kongsompong đã bị phe quân đội bãi chức. Tin đồn này đã bị chính lãnh đạo quân đội bác bỏ ngày thứ Hai 11/02.
Trong bối cảnh này, những người ủng hộ nền dân chủ không khỏi tự hỏi trong giai đoạn bầu cử này lẽ ra sẽ phải đánh dấu chấm hết cho thời kỳ "chuyên chế" của phe quân đội, thì chẳng phải con đường mà hoàng gia đang đi là gần giống với con đường đi tới hướng một nền quân chủ tuyệt đối trá hình ?
Minh Anh