Tập Cận Bình được tái bổ nhiệm làm chủ tịch Trung Quốc vô thời hạn (VOA, 18/03/2018)
Cơ quan lập pháp mang tính hình thức của Trung Quốc hôm thứ Bảy đã đồng lòng chấp thuận tái bổ nhiệm ông Tập cận Bình làm chủ tịch nước mà không có giới hạn nhiệm kì phục vụ.
Ông Vương Kì Sơn (trái) và ông Tập Cận Bình bắt tay tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 trong Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 17 tháng 3, 2018.
Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc cũng bổ nhiệm ông Vương Kì Sơn, một đồng minh thân cận của ông Tập, vào vị trí phó chủ tịch mà trước đây chỉ mang tính hình thức.
Tại Đại lễ đường Nhân dân, ông Tập, ông Vương cùng các quan chức khác đã lần lượt bước lên bục, đặt tay trái lên hiến pháp và giơ nắm tay phải lên tuyên thệ trung thành với hiến pháp, tổ quốc và nhân dân.
Toàn bộ 2.970 thành viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc có mặt đã chuẩn thuận tái bổ nhiệm ông Tập, trong khi ông Vương chỉ nhận một biểu quyết chống.
Ông Tập, người đứng đầu Đảng Cộng sản đương quyền với 90 triệu đảng viên, cũng được tái bổ nhiệm làm người đứng đầu ủy ban chính phủ chỉ huy quân đội. Ông hiện đang đứng đầu một cơ quan của đảng giống hệt như vậy cai quản một lực lượng gồm 2 triệu thành viên.
Ông Tập, 64 tuổi, được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ ông Mao Trạch Đông. Cuối tuần trước, ông đã được trao quyền tiếp tục nhiệm kì vô thời hạn sau khi cơ quan lập pháp bãi bỏ giới hạn nhiệm kì của chủ tịch và phó chủ tịch.
Các quan chức Trung Quốc bênh vực bước đi này, nói rằng nó sẽ giúp chức vị chủ tịch nước tương đồng với hai vị trí chính yếu khác của ông Tập là tổng bí thư đảng và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.
Những người chỉ trích nói rằng bước đi này, đảo ngược một nỗ lực thể chế hóa các lề lối cai trị của Trung Quốc kể từ năm 1982, có phần chắc sẽ dẫn tới thêm các cuộc trấn áp chính trị và đấu đá nội bộ giữa các phe nhóm tìm cách thăng tiến các ứng viên của mình bên trong hệ thống khép kín.
Ông Tập, lên làm chủ tịch từ năm 2013, được cho là sẽ mở rộng chiến dịch chống tham nhũng bên trong Đảng Cộng sản để bao gồm tất cả công chức nhà nước thông qua Ủy ban Giám sát Quốc gia mới thành lập, trong khi tiếp tục theo đuổi một chính sách đối ngoại cứng rắn và các chính sách nhằm tăng tốc nền kinh tế đang chậm lại.
Trong vai trò phó chủ tịch, ông Vương, 69 tuổi, được nói sẽ là một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy chủ trương của ông Tập là củng cố quyền cai trị của Đảng Cộng sản trong khi tiếp tục xóa bỏ tình trạng tham nhũng và nghèo đói.
*******************
Tập Cận Bình chính thức được bầu lại nhiệm kỳ chủ tịch Trung Quốc (RFI, 17/03/2018)
2.970 Đại biểu quốc hội Trung Quốc ngày 17/03/2018 bỏ phiếu bầu lại ông Tập Cận Bình làm chủ tịch nước thêm một nhiệm kỳ. Tuần trước Quốc hội đã sửa đổi bản Hiến Pháp, cho phép ông Tập lãnh đạo đất nước vô hạn định.
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và Phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn tại Quốc hội Trung Quốc ngày 17/03/2018. Reuters/Jason Lee
Ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, là ứng viên duy nhất, nên không một ai ngạc nhiên về kết quả 100 % phiếu ủng hộ. Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, buổi lễ tuyên thệ trước Quốc hội hôm nay đã diễn ra một cách rất trọng thể. Lãnh đạo Trung Quốc, tay phải đặt ở ngang vai, còn tay trái đặt lên bản Hiến Pháp vừa được sửa đổi và ông đã thề tôn trọng bản Hiến Pháp này.
Không một đại biểu nào bỏ phiếu chống. AFP nhắc lại thành tích này cao hơn kỳ bỏ phiếu cho ông Tập Cận Bình ở nhiệm kỳ đầu năm 2013. Khi đó đã có một đại biểu bỏ phiếu chống và 3 người vắng mặt. Năm năm trước đây ông Tập Cận Bình được bầu với tỷ lệ 99,86 %. Lần này ông đã được 100 % các Đại biểu quốc hội tán đồng.
Dù vậy, mọi chú ý đang hướng về nhân vật Vương Kỳ Sơn, người vừa được bầu vào chức vụ phó chủ tịch. Ông này trở thành nhân vật số 2 trong chính quyền.
Thông tín viên Heike Schmidt từ Bắc Kinh phác họa chân dung nhân vật được xem là cánh tay phải của chủ tịch Trung Quốc :
Tháng 10 năm ngoái, nhân Đại Hội Đảng lần thứ 19, ông Vương Kỳ Sơn đã phải từ bỏ chiếc ghế trong Ban Thường Trực Bộ Chính Trị và chức lãnh đạo Ủy ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương.
Đây không phải do nhân vật này bị thất sủng mà vì, có một nguyên tắc bất thành văn tại Bắc Kinh là các lãnh đạo đến 69 tuổi phải về hưu. Dù vậy, quan sát hậu trường chính trị Trung Quốc, không ai ngạc nhiên khi thấy họ Vương trở lại chính trường.
Nổi tiếng là một người kiên định và thực tiễn, ông Vương Kỳ Sơn sẽ đóng vai trò "chữa cháy" cho ông Tập Cận Bình, như ghi nhận của tờ báo South China Morning Post. Tờ báo này cho rằng Vương Kỳ Sơn sẽ phải giúp đỡ ông bạn họ Tập để tìm ra đồng thuận với Mỹ, tránh để nổ ra một cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường là Hoa Kỳ vàTrung Quốc.
Liệu rằng trong lĩnh vực ngoại giao, ông Vương Kỳ Sơn sẽ có làm việc hiệu quả như trong nhiệm vụ bài trừ tham nhũng tại Trung Quốc hay không ?
Trong số nhiều đảng viên Trung Quốc, ông Vương là một vị hung thần. Tối thiểu, đã có100 lãnh đạo cao cấp đã ngã ngựa vì chính sách "đả hổ diệt ruồi" do ông Tập Cận Bình đề xướng. Ngoài những con "hổ" đó thì còn có khoảng một triệu rưỡi những con "ruồi" tức là những đảng viên hay cán bộ ở những cấp thấp hơn đã bị kỷ luật.
Thanh Hà