Những thông tin liên quan đến Thiếu tướng Phạm Bá Hiền – Tư lệnh Binh đoàn 16 của Bộ Quốc phòng Việt Nam buộc người ta phải đặt câu hỏi : "Thiếu tướng" giá bao nhiêu và dân chúng Việt Nam đã, đang cũng như sẽ còn phải trả thêm những gì cho việc mua quan bán tước như thế ?
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Binh đoàn 16 cho Đại tá Phạm Bá Hiền hôm 18/11/2022 - Kiểm Sát
***
Người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ đang chuyển cho nhau xem thông tin, hình ảnh liên quan đến việc ông Phạm Bá Hiền – Tư lệnh Binh đoàn 16 vừa được "vinh thăng" từ đại tá lên thiếu tướng. Tuy hình ảnh không nhiều nhưng cũng đủ lột tả sự sang trọng của gia đình ông thiếu tướng, đối tượng sở hữu một lâu đài tọa lạc ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh : Hai bên con đường lát đá dài hàng trăm thước dẫn vào lâu đài của ông Hiền phủ đầy những giá cắm đủ lọai hoa đắt tiền do thiên hạ gửi đến chúc mừng. Sân của tư dinh cũng đầy hoa tươi và rất nhiều bàn ăn đã được bày biện sẵn để đón khách đến chia vui với tân thiếu tướng (1).
Tuy không ít người thắc mắc, tại sao tư dinh của một sĩ quan quân đội lại đồ sộ, sang trọng đến như vậy nhưng theo nhiều người sử dụng mạng xã hội, chuyện thâu tóm đất xây lâu đài đã từng được tờ Bảo Vệ Pháp Luật đề cập hồi tháng 5/2018 vì biến đất nông nghiệp thành thổ cư rồi dựng lâu đài mà không có bất kỳ loại giấy phép nào (2).
Vào thời điểm đó (2018), đơn khiếu nại, thư tố cáo đã gửi đi khắp nơi và tờ Bảo Vệ Pháp Luật chỉ là một trong những nơi tiếp nhận để thực hiện "điều tra theo khiếu nại tố cáo của bạn đọc". Chẳng lẽ chuyện chính quyền địa phương nhất loạt làm ngơ, khi bị chất vấn thì xã chuyền trách nhiệm cho huyện, huyện chuyền trách nhiệm cho tỉnh, rồi tỉnh hất trách nhiệm về lại cho huyện, xã là bình thường ? Chẳng lẽ điều mà ông Phan Văn Hợp - Phó Chủ tịch xã Mai Phụ vào thời điểm đó thú nhận với tờ Bảo Vệ Pháp Luật : Đã đủ cơ sở làm được ngôi nhà hàng trăm tỷ như thế thì biết tiềm lực tầm cỡ như thế nào rồi. Không lập biên bản đình chỉ khi biết việc sai phạm là vì không ai dám ký vào biên bản sai phạm đó – không đáng phải bận tâm dù khi giương ngọn cờ "chống tham nhũng, tiêu cực", từ Tổng Bí thư trở xuống đã thề "không chấp nhận vùng cấm, ngoại lệ, bất kể đó là ai" ?
Ai tin một cụ bà 78 tuổi chỉ "trồng rau, thỉnh thoảng đạp xe mang ra chợ bán" đủ khả năng tài chính để thâu tóm đất, xây dựng lâu đài với khuôn viên khoảng 3.000 mét vuông ? Vì sao không ai đếm xỉa đến thắc mắc mà tờ Bảo Vệ Pháp Luật thay mặt công chúng nêu ra : Lâu đài có phải là tài sản của cậu quý tử là "đại tá của Binh đoàn 16, Bộ Quốc phòng" ?
***
Tháng 11/2022 – bốn năm sau khi tờ Bảo Vệ Pháp Luật dựa trên khiếu nại, tố cáo của dân chúng địa phương thực hiện bài "Cụ bà 78 tuổi thỉnh thoảng ra chợ bán rau xây biệt thự khủng ?" như vừa đề cập, ông Phan Văn Giang – Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng – công bố "quyết định điều động Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuấn - Tư lệnh Binh đoàn 16 về Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và bổ nhiệm Đại tá Phạm Bá Hiền, Phó Tư lệnh Binh đoàn 16 làm Tư lệnh Binh đoàn 16" (3).
Ủy ban Kiểm tra của Quân ủy Trung ương làm như không biết gì về dư luận, Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành trung ương đảng làm như không biết gì về dư luận và Bộ Quốc phòng cũng làm như không biết gì nên việc bổ nhiệm ông Hiền làm Tư lệnh Binh đoàn 16 là mở đường cho ông Hiền trở thành "Thiếu tướng" theo Luật Sĩ quan quân đội nhân dân.
Đúng sáu tháng sau, tin này được loan báo rộng rãi : "Chiều 12/5/2023, tại Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao quyết định thăng quân hàm Thiếu tướng cho đồng chí Phạm Bá Hiền - Tư lệnh Binh đoàn 16. Thiếu tướng Phạm Bá Hiền quê quán tỉnh Hà Tĩnh. Quá trình công tác trong quân đội, Thiếu tướng Phạm Bá Hiền từng đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy, quản lý. Trong quá trình công tác, Thiếu tướng Phạm Bá Hiền được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, Bằng khen của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc cùng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Từ tháng 12/2014 đến tháng 10/2022, đồng chí giữ chức vụ Phó Tư lệnh Binh đoàn 16. Trước đó, ngày 18/11/2022, đồng chí Phạm Bá Hiền được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Binh đoàn 16" (4).
Dường như "Thiếu tướng" Phạm Bá Hiền "vinh quy bái tổ" vào đầu tháng 6/2023 vì vào ngày 3/6/2023, báo Hà Tĩnh loan báo : "Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đã chủ trì cuộc gặp mặt, chúc mừng Thiếu tướng Phạm Bá Hiền - Tư lệnh Binh đoàn 16 nhân dịp đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Trọng Hải, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Đình Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Trần Tú Anh và lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội biện phòng tỉnh, Công an tỉnh cùng dự. Tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng gửi lời chúc mừng Thiếu tướng Phạm Bá Hiền - Tư lệnh Binh đoàn 16, đồng thời khẳng định, đây không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân, gia đình đồng chí mà còn là niềm vinh dự, tự hào của quê hương Hà Tĩnh" (5).
Chẳng lẽ Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Hà Tĩnh không ai biết điều mà tháng 5/2018, ông Phan Tiến Dũng – Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Lộc Hà phân trần với tờ Bảo Vệ Pháp Luật khi bị chất vấn tại sao lại để cụ bà Từ Thị Loan "thỉnh thoảng đạp xe ra chợ bán rau" thâu tóm biến vài ngàn mét vuông đất nông nghiệp thành đất thổ cư rồi xây lâu đài về cậu quý tử của cụ : "Ông là Đại tá làm trong Binh đoàn 16. Trước đó, anh này vẫn làm buôn bán, thị trường vải trong Sài Gòn sau mới sáp nhập vào công ty của Bộ quốc phòng. Khi sáp nhập thì bắt đầu anh này mới nhảy sang quân đội. Tiền để làm những căn nhà này thì bình thường, trong Sài Gòn còn rất nhiều nhà như ở đây".
Hình ảnh tiệc ăn mừng tại tư gia ông Phạm Bá Hiền tại Hà Tĩnh được lan truyền trên mạng xã hội Facebook ở Việt Nam. Facebook
Đó là lý do dẫu có rất nhiều cơ quan truyền thông loan báo việc Đại tá Phạm Bá Hiền được vinh thăng "Thiếu tướng" nhưng phần "tiểu sử" của "đồng chí" tân "Thiếu tướng" mà các cơ quan truyền thông này đã đưa lại giống hệt nhau ở chỗ rất chung chung về "quá trình công tác trong quân đội" của "Thiếu tướng Phạm Bá Hiền", thiên hạ chỉ biết "đồng chí" đã "từng đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy, quản lý" ? Chắc chắn ông Hiền – nhân vật mà láng giềng ở quê hương khẳng định chỉ "buôn bán", lĩnh vực "công tác" chính là "thị trường vải trong Sài Gòn" đã tìm ra lối để trở thành sĩ quan lực lượng vũ trang nhân dân giống như những Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc – quân đội), Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm – công an). Tuy nhiên ông Hiền vượt xa những "Út Trọc", "Vũ Nhôm" khi trở thành "Tư lệnh Binh đoàn" và nhận thêm cấp bậc "Thiếu tướng".
Các vụ án hình sự liên quan đến những "Út Trọc", "Vũ Nhôm", cho thấy con đường trở thành sĩ quan lực lượng vũ trang không khó nếu chịu chi và quan trọng hơn chịu làm "bình phong" cho các ông tướng. Những "Út Trọc", "Vũ Nhôm", chỉ trèo tới "Thượng tá" thì "gãy". Chưa rõ ông Hiền sẽ ra sao nhưng chắc chắn không phải tự nhiên mà lãnh đạo Hà Tĩnh tụ tập để chúc mừng ông nhân dịp ông "vinh quy bái tổ", khẳng định ông là "niềm vinh dự, tự hào của quê hương Hà Tĩnh" !
Lãnh đạo Hà Tĩnh chúc mừng ông Phạm Bá Hiền được phong thiếu tướng hôm 3/6/2023 - Báo Hà Tĩnh
Cứ như điều tra theo đơn khiếu nại, thư tố cáo từ độc giả của tờ Bảo Vệ Pháp Luật (Bảo Vệ Pháp Luật) thì ông Phạm Bá Hiền – tân Thiếu tướng, Tư lệnh Binh đoàn 16 vốn chỉ thạo "buôn bán", lĩnh vực "công tác" chính là "thị trường vải ở Sài Gòn". Cứ như ông Phan Tiến Dũng – Trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Lộc Hà (nơi "chôn nhau cắt rốn" của ông Hiền) cung cấp cho tờ Bảo Vệ Pháp Luật hồi năm 2018 thì ông Hiền trở thành sĩ quan quân đội sau khi doanh nghiệp tư nhân "sáp nhập với công ty của Bộ Quốc phòng" (6). Chưa rõ sau bao nhiêu năm thì ông Hiển trở thành đại tá, chỉ biết Đại tá Phạm Bá Hiền – Phó Tư lệnh Binh đoàn 16 được bổ nhiệm làm Tư lệnh binh đoàn này vào tháng 11/2022 và sáu tháng sau thì Đại tá Hiền trở thành Thiếu tướng (7).
Tiếng là "binh đoàn" nhưng Binh đoàn 16 chỉ là một doanh nghiệp được dán nhãn "kinh tế quốc phòng" nên còn có tên giao dịch là "Tổng Công ty 16". Lĩnh vực kinh doanh của "Tổng Công ty 16" là "giúp xây dựng các khu kinh tế kết hợp với quốc phòng, khu dân cư xã hội trên địa bàn vùng sâu, xa, miền núi, dân tộc dọc tuyến biên giới Tây Nam Tổ quốc thuộc tỉnh Bình Phước, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk". Nếu giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam không ủng hộ giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng - duy trì chủ trương "quân đội làm kinh tế", khẳng định chủ trương này là "đúng đắn", là "đặc thù của quân đội nhân dân Việt Nam" thì đội ngũ tướng lãnh của quân đội nhân dân Việt Nam không có những ông tướng như Thiếu tướng Phạm Bá Hiền.
Trước mắt, Binh đoàn 16 hay "Tổng Công ty 16" chưa bị xác định là có "vấn đề". Trong tương lai chưa rõ gần hay xa, muốn biết "binh đoàn" này có "vấn đề" hay không thì phải chờ Ủy ban Kiểm tra của Quân ủy Trung ương hay Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng tuyên bố. Cần phải lưu ý là Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuấn – cựu Tư lệnh Binh đoàn 16 – vừa được điều động về Ủy ban Kiểm tra của Quân ủy Trung ương cách nay chừng sáu tháng nên ngày Binh đoàn 16 hay "Tổng Công ty 16" bị xác định là có "vấn đề" có lẽ phải chờ thêm ! Chưa bị xác định là có "vấn đề" khác hoàn toàn với không có "vấn đề". Muốn biết Binh đoàn 16 hay "Tổng Công ty 16" có "vấn đề" hay không thì cứ nhìn vào lâu đài đã hoàn thiện từ 2018 nhưng đứng tên thân mẫu của ông Hiền – người "thỉnh thoảng đạp xe mang rau ra chợ bán".
***
Trên thực tế, "vấn đề" đã trở thành chuyện bình thường đối với các đơn vị được dán nhãn "kinh tế quốc phòng". Chẳng hạn Binh đoàn 15 hay "Tổng Công ty 15" – một đại đơn vị đảm trách việc "xây dựng thế trận an ninh, quốc phòng ở khu vực biên giới phía bắc Tây Nguyên", trong khi Binh đoàn 16 đảm nhận nhiệm vụ tương tự ở phía Nam Tây Nguyên. Theo những thông tin mà VOA từng tổng hợp về Binh đoàn 15 thì "binh đoàn" này có khoảng mười công ty, một sư đoàn, hai trung đoàn (còn gọi là Đoàn Kinh tế - Quốc phòng), có quân y viện, trường dạy nghề và một lô nhà máy, trại sản xuất, khách sạn, chi nhánh ở cả Việt Nam, Campuchia và hơn xa Binh đoàn 16 vì được trao tặng cả danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân", lẫn danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới".
Tháng 3/2020, Binh đoàn 15 nổi như cồn sau khi Cục Điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng thi hành lệnh tạm giam hai đại tá : Đỗ Văn Sang (Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh đoàn 15) và Phạm Văn Giang (Chỉ huy trưởng kiêm Giám đốc Công ty 72). Công ty 72 là một doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty 15 đồng thời là một đơn vị của Binh đoàn 15. Giống như Binh đoàn 15, chỉ dùng công thổ và ngân sách dành cho quốc phòng khai thác mủ cao su, cà phê mà được phong tặng danh hiệu "anh hùng", Công ty 72 cũng được tặng Huân chương Bảo vệ tổ quốc Hạng nhì (8). Hai ông đại tá, một là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh đoàn 15 và một là Chỉ huy trưởng kiêm Giám đốc Công ty 72 bị bắt vì liên quan đến việc mua giống cao su với giá cao gây thiệt hại 12 tỷ và thiếu trách nhiệm khi ký hợp đồng mua đất ở Campuchia khiến hoạt động canh tác không hiệu quả, có nhiều khả năng sẽ mất hàng nghìn héc ta đất, trị giá 39 tỷ đồng (9). Tuy nhiên đó chỉ là kết quả kiểm tra sơ bộ của Ủy ban Kiểm tra của Quân ủy Trung ương.
Còn kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra thuộc Ban chấp hành trung ương đảng khóa trước xác định, sai phạm ở Binh đoàn 15 xảy ra cách nay hàng chục năm và trên diện rộng, cho nên đến tháng 9/2020, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam mới công bố quyết định kỷ luật hàng loạt lãnh đạo Binh đoàn 15 và các đơn vị - doanh nghiệp trực thuộc "binh đoàn" – tổng công ty này : Cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15 nhiệm kỳ 2010 – 2015 của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Tư lệnh Binh đoàn 15). Cảnh cáo : Thiếu tướng Đặng Anh Dũng (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Tư lệnh Binh đoàn 15). Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chính ủy Binh đoàn 15). Đại tá Hà Sơn Hải (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Thu). Khiển trách : Đại tá Đường Công Luận (cựu Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, cựu Phó Tư lệnh Binh đoàn 15). Đại tá Trần Quang Hùng (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Giám đốc Công ty 74). Đại tá Đỗ Vinh Quốc (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Phó Giám đốc Công ty Bình Dương). Đại tá Phạm Hồng Nam (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chính ủy Xí nghiệp liên hợp Sông Thu kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Thu). Đại tá Nguyễn Xuân Tình (cựu Trợ lý Phòng Quản lý dự án đầu tư, Bộ Tham mưu, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng).
Trong Thông cáo báo chí về Kỳ họp thứ 48, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương khóa trước chỉ giải thích chung chung rằng những viên tướng, viên đại tá là lãnh đạo Binh đoàn 15 – Tổng Công ty 15 và lãnh đạo các doanh nghiệp – đơn vị thuộc Tổng Công ty 15 – Binh đoàn 15 bị kỷ luật vì "vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh ; mua sắm tài sản, trang thiết bị ; thực hiện dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai" (10), chứ không cho biết những "vi phạm, khuyết điểm" này cụ thể thế nào, gây thiệt hại bao nhiêu… tỷ ? ! Tuy nhiên, có một điểm tương đồng, cần lưu ý : Các đơn vị - doanh nghiệp trực thuộc Binh đoàn 15 – Tổng Công ty 15 mà lãnh đạo mới bị kỷ luật cũng là những đơn vị - doanh nghiệp… "anh hùng" ! Công ty 74 là đơn vị - doanh nghiệp được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới" năm 2010 (11) ! Tổng Công ty Sông Thu là đơn vị - doanh nghiệp được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới" năm 2016 (12) ! Chưa hết, ngoài Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang – được ca ngợi là "vị tướng hai lần anh hùng", vừa bị cách chức do "vi phạm, khuyết điểm" trong giai đoạn dẫn dắt Binh đoàn 15 trở thành… "đơn vị anh hùng". Lần này còn có thêm một "Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới" là Đại tá Trần Quang Hùng, bị… kỷ luật vì những "vi phạm, khuyết điểm" khi lãnh đạo Công ty 74 - một "đơn vị anh hùng" khác (13) !
***
Nếu so sánh thời điểm lâu đài của thân mẫu ông Hiền khuấy động dư luận và những thắc mắc của công chúng về quý tử của cụ bà "thỉnh thoảng đạp xe mang rau ra chợ bán" là "Đại tá, Binh đoàn 16" (2018), với thời điểm Ủy ban Kiểm tra của cả Quân ủy Trung ương lẫn Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng xem xét xử lý sai phạm của hàng loạt tướng tá lãnh đạo Binh đoàn 15 – Tổng Công ty 15 (2020), ắt sẽ thấy "vấn đề" không nằm ở chuyện có "vấn đề" hay không mà nằm ở chỗ khác.
Đâu phải tự nhiên ông Hiền không những "bình an, vô sự" mà còn "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" vào hàng ngũ tướng lãnh lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Những "Út Trọc", "Vũ Nhôm", đã chứng minh sĩ quan lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là thứ có thể bỏ tiền ra mua. Nên gọi chuyện các hệ thống từ chính trị đến công quyền vừa không ngừng bi bô về "công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực", dứt khoát "không chấp nhận vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai", vừa dung dưỡng các cá nhân bất chấp điều tiếng, bất kể những dấu hiệu đáng ngờ phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật, tích cực "tạo điều kiện" cho "đồng chí" Phạm Bá Hiền vượt qua tất cả các "chốt chặn" (Bộ Quốc phòng, Chính phủ, Nhà nước) nhằm kiểm tra cả năng lực lẫn tư cách của một cá nhân trước khi phong tướng là gì ? Chẳng lẽ "quyết liệt" rồi "trong sạch, vững mạnh" nằm ở chỗ tướng cũng có có "giá" và chỉ mất "giá" khi không còn chỗ chỗng lưng ?
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 06/06/2023
Tham khảo :
1. https://www.facebook.com/thang.hoangnghia.39/posts/pfbid0246uwCj77cRSz7dbScRJsn5UF7wx8j4EGQ21JrJRJgERmJps8VqgmJwi1rWDoE6cl
3. https://kiemsat.vn/dai-ta-pham-ba-hien-giu-chuc-vu-tu-lenh-binh-doan-16-bo-quoc-phong-64826.html
12. https://www.qdnd.vn/phong-su-anh/tong-cong-ty-song-thu-don-nhan-danh-hieu-anh-hung-lao-dong-470642
Tổng thống Đài Loan kêu gọi Quân đội cảnh giác Trung Quốc (RFI, 03/01/2020)
Một hôm sau tai nạn trực thăng làm tổng tham mưu trưởng Quân đội Đài Loan và 3 viên tướng cao cấp khác thiệt mạng, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã triệu tập ngay một cuộc họp với các quan chức quốc phòng cao cấp ngày 03/01/2020. Bà kêu gọi quân đội cảnh giác trước các hành động của Trung Quốc.
Tổng tham mưu trưởng, tướng Thẩm Nhất Minh (P) tại buổi lễ chào cờ mừng Năm Mới tại Đài Bắc ngày 01/01/2020. STR / CNA PHOTO / AFP
Trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Đài Loan cho biết hội nghị tập trung vào việc giữ vững tinh thần chiến đấu của binh sĩ, cũng như bảo đảm an ninh bên trong và xung quanh eo biển Đài Loan. Một chủ đề khác là kiểm tra lại toàn bộ các loại trang thiết bị đang sử dụng.
Cuộc họp diễn ra ngay sau khi Quân đội Đài Loan ban hành lệnh cấm bay đối với toàn bộ 52 chiếc UH-60M Black Hawk của nước này, được biên chế cho lực lượng không quân, lục quân và không vận.
Trong một đoạn video được văn phòng tổng thống Đài Loan công bố, người ta thấy bà Thái Anh Văn yêu cầu các quan chức bao gồm cả bộ trưởng Quốc Phòng, là phải cảnh giác và chú ý đến diễn biến quân sự quanh eo biển Đài Loan.
Thứ Năm 02/01, một chiếc trực thăng Black Hawk chở theo 13 người, đã bị rơi xuống một khu rừng núi phía bắc Đài Bắc. Tướng Thẩm Nhất Minh, tổng tham mưu trưởng Quân đội Đài Loan bị thiệt mạng cùng với 7 sĩ quan cao cấp khác trong đó có phó cục trưởng Cục Chiến Tranh Chính Trị và phó tổng tham mưu trưởng phụ trách tình báo. Trong số năm người sống sót có ba viên tướng khác.
Tai nạn đang được điều tra, dự kiến sẽ không ảnh hưởng đến việc tổ chức cuộc bầu cử, mà bà Thái Anh Văn được cho là nhiều triển vọng chiến thắng. Tuy nhiên, tổn thất nhân mạng trong tai nạn sẽ buộc Đài Loan phải cải tổ khẩn cấp guồng máy sĩ quan quân sự hàng đầu. Câu hỏi cũng được đặt ra về việc tại sao có quá nhiều sĩ quan cao cấp đi cùng một chuyến bay như vậy.
Trung Quốc đe dọa sử dụng biện pháp quân sự nếu cần thiết để sát nhập Đài Loan. Một khoảng trống trong bộ phận lãnh đạo quân đội tại Đài Bắc có thể thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường đe dọa quân sự.
Trọng Nghĩa
******************
Tướng chỉ huy Quân đội Đài Loan thiệt mạng vì một tai nạn trực thăng (RFI, 02/01/2020)
Trong một vụ rơi trực thăng mà nguyên nhân chưa được làm rõ, tướng Thẩm Nhất Minh (Shen Yi Ming), tổng tham mưu trưởng Quân đội Đài Loan đã thiệt mạng cùng với 7 sĩ quan cao cấp khác vào hôm nay, 02/01/2020.
Đây là một tổn thất nghiêm trọng cho chính quyền Đài Bắc, trong bối cảnh tướng Thẩm Nhất Minh là người chịu trách nhiệm bảo vệ Đài Loan chống lại những đe dọa quân sự từ phía Trung Quốc.
Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, chiếc máy bay bị nạn là một trực thăng quân sự loại Black Hawk UH-60M chở 13 người, trên đường bay từ Đài Bắc bay đến tỉnh Nghi Lan ở phía đông bắc Đài Loan.
Vỏn vẹn 10 phút đồng hồ sau khi rời một căn cứ không quân ở Đài Bắc, chiếc trực thăng đã biến mất khỏi màn hình radar và rơi xuống một vùng rừng núi ở phía bắc Đài Bắc.
Tai nạn làm 8 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương. Cùng tử nạn với tướng Thẩm Nhất Minh, còn có 3 vị tướng khác trong Quân đội Đài Loan. Nguyên là tư lệnh Không Quân Đài Loan, tướng Thẩm Nhất Minh mới nhận chức tổng tham mưu trưởng Quân đội từ tháng 7 vừa qua.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đang vận động tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử ngày 11/01 tới đây, đã lập tức đình chỉ vận động tranh cử trong ba ngày để tập trung cho công việc cứu cấp và điều tra về tai nạn. Trước mắt, chưa thấy chính quyền Đài Bắc thông báo về nguyên nhân của vụ trực thăng rơi.
Theo hãng tin Mỹ AP, ông Hoàng Giới Chánh (Alexander Huang), một giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại Học Đạm Giang ở Đài Loan, cho rằng rất có thể là phải mất thêm nhiều tháng mới xác định được nguyên nhân vụ tai nạn, nhưng hai phi công của chiếc Black Hawk, cũng bị chết trong tai nạn, đều là các phi công nhiều kinh nghiệm.
Đối với giáo sư Hoàng, người ta có thể nêu lên khả năng trục trặc kỹ thuật hoặc là vấn đề bảo trì, thế nhưng nếu không có bằng chứng cụ thể thì không thể nào kết luận.
Quân đội Đài Loan đã sử dụng loại trực thăng Black Hawk từ hàng chục năm nay, và vào năm 2010, đã hoàn tất một hợp đồng mua thêm 60 chiếc loại này với giá 3,1 tỉ đô la.
Trọng Nghĩa
******************
Đại tướng tử nạn, Đài Loan ngừng bay 52 trực thăng (BBC, 02/01/2019)
Đài Loan tạm thời cho ngừng bay tất cả 52 trực thăng Black Hawk trong quân lực nước này sau vụ đại tướng Thẩm Nhất Minh cùng nhiều sĩ quan cao cấp tử nạn.
UH-60 Black Hawk từng được dùng vào các cuộc tập trận của Đài Loan trong tình huống như bị Trung Quốc tấn công. Ảnh chụp hồi 2018
Đài Loan nói đô đốc Lưu Chí Bân tạm thời nắm chức tổng tham mưu trưởng và tổng tư lệnh quân đội thay ông Thẩm Nhất Minh.
Tổng thống Thái Anh Văn, trong lễ ngày 03/1/2020 để tưởng niệm các sĩ quan cao cấp tử nạn, đã yêu cầu quân đội "cảnh giác và bám sát tình hình xuyên eo biển với Trung Quốc".
Bà Thái Anh Văn nói tình hình tại eo biển Đài Loan "chuyển động nhanh".
Ông Lưu Chí Bân, cựu tư lệnh hải quân, hiện giữ chức phó tổng tham mưu trưởng, được đề bạt tạm thời nắm quyền tổng tư lệnh quân lực.
Tuần cuối tháng 12/2019, tàu sân bay thứ nhì của Trung Quốc, chiếc Sơn Đông, đã đi qua eo biển Đài Loan từ phía Nam lên phía Bắc.
Tổng thống Thái Anh Văn yêu cầu quân đội Đài Loan "bám sát tình hình xuyên eo biển với Trung Quốc".
Cùng tàu Sơn Đông còn có các chiến hạm khác của Trung Quốc.
Không quân Đài Loan tạm ngừng bay để kiểm tra kỹ thuật 14 chiếc trực thăng Black Hawk, và lục quân cũng kiểm tra 30 chiếc của họ.
Tám chiếc khác, hiện do cơ quan dịch vụ hàng không của Bộ Nội vụ, sử dụng để tuần tra và huấn luyện, cũng được kiểm tra.
Giới chức sẽ đánh giá lại cả radar, bộ phận điều khiển, xăng dầu và tính năng khí động học của tất cả các trực thăng Black Hawk, theo phóng viên BBC News, Cindy Sui từ Đài Bắc cho biết hôm 03/01.
Trực thăng UH-60 Black Hawk từng được dùng vào các cuộc tập trận của Đài Loan trong tình huống như bị Trung Quốc tấn công.
Do tập đoàn Sikorsky Aircraft của Hoa Kỳ chế tạo, UH-60 Black Hawk là loại trực thăng đa dụng chiến thuật, có hai động cơ.
Vừa dùng vào vận tải, vừa có thể trang bị trở thành trực thăng tấn công, UH-60 Black Hawk được chế tạo với nhiều mẫu khác nhau.
Model A có thể chở được 11 quân nhân mang đầy đủ vũ khí cùng tổ lái ba người.
Model L có thể mang theo tên lửa không đối đất.
Chiếc gặp nạn ở Đài Loan hôm đầu năm là model M, cũng là loạ̣i được Hoa Kỳ bán cho các nước như Croatia, Thái Lan và Đài Loan.
Ngay trước bầu cử
Cái chết của Đại tướng Thẩm Nhất Minh, Tổng tham mưu trưởng quân đội Đài Loan hôm 02/01 cùng một loạt sĩ quan cao cấp gây choáng cho cả nước.
Vụ việc xảy ra không lâu trước kỳ bầu cử tổng thống ngày 11/01 tới.
Cả ba ứng viên tổng thống đều đã tạm ngưng vận động tranh cử trong ngày thứ Năm khi nghe tin về vụ tai nạn.
Tối ngày 02/01, thi thể của ông Thẩm Nhất Minh được chuyển về bệnh viện tại Đài Bắc.
Tại đó, đội danh dự và các sĩ quan, quan chức quốc phòng, gồm bộ trưởng Nghiêm Đức Phát có mặt để vĩnh biệt ông Thẩm cùng các tướng tá, sĩ quan và hạ sĩ quan khác thiệt mạng trong vụ tai nạn.
Tám người tử nạn trong vụ trực thăng đâm xuống núi gồm Đại tướng Thẩm Nhất Minh, thiếu tướng Vu Thân Văn (phó chủ nhiệm Cục Chiến tranh Chính trị), thiếu tướng Hồng Hồng Quân (phó tổng tham mưu trưởng phụ trách thông tin điện tử), trung tá Diệp Kiến Nghi, thiếu tá Hoàng Thánh Hàng, phi công Lưu Trần Phú và hai kỹ sư quân sự là trung sĩ Hàn Chính Hoành và trung sĩ Hứa Hồng Bân.
Năm người sống sót có các sĩ quan cấp tướng thuộc bộ tổng tham mưu, bộ quốc phòng và một phóng viên quân đội.
Tổng thống Thái Anh Văn đã ra lệnh cho mọi đơn vị quân đội treo cở rủ để tưởng niệm tướng Thẩm cùng các đồng đội tử nạn.
********************
Tổng tham mưu trưởng quân đội Đài Loan chết trong tai nạn trực thăng (BBC, 02/01/2020)
Tổng tham mưu trưởng quân đội Đài Loan, tướng Thẩm Nhất Minh (Shen Yi-ming), nằm trong số tám người thiệt mạng khi chiếc máy bay trực thăng quân sự chở ông và 12 người khác gặp sự cố, phải hạ cánh khẩn cấp ở khu vực đồi núi, giới chức Đài Loan cho biết.
Trực thăng Black Hawk buộc phải hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu
Chiếc Black Hawk đang chở tướng Thẩm Nhất Minh và 12 người khác đến một căn cứ quân sự ở phía đông bắc Đài Loan thì buộc phải hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu gần thủ đô Đài Bắc hôm 2/01/2020.
Đại tướng Thẩm là Tổng tham mưu trưởng, chịu trách nhiệm giám sát hệ thống phòng thủ của Đài Loan trước Trung Quốc.
Sinh năm 1957, ông từng tốt nghiệp Học viện Không quân (Air War College - AWC) ở Hoa Kỳ và làm tư lệnh không quân Đài Loan trước khi lên làm Tổng tham mưu trưởng.
Các báo cáo trước đó cho hay, một số người đã được tìm thấy vẫn còn sống, còn những người khác "bị mắc kẹt dưới những mảnh vỡ của trực thăng".
Nhiều sĩ quan cao cấp
Theo truyền thông Đài Loan, một số sĩ quan cao cấp khác cũng có mặt trên trực thăng.
Máy bay trực thăng cất cánh từ căn cứ không quân Tùng Sơn ở Đài Bắc lúc 07:54 giờ địa phương (23:54 GMT), đến một căn cứ quân sự tại Dong'ao ở quận Nghi Lan (Yilan) để thị sát, Focus Taiwan cho biết.
Máy bay đã hạ cánh khẩn cấp sau khi mất liên lạc với các cơ quan hàng không lúc 08:22, Bộ Quốc phòng cho biết.
Cùng có mặt trên chiếc trực thăng với đại tướng Thẩm Nhất Minh còn có thiếu tướng Vu Thân Văn, Phó chủ nhiệm Cục Chiến tranh Chính trị, thiếu tướng Hoàng Hựu Dân, Phó Chủ nhiệm Cục Quân giới, Thiếu tướng Tào Tiến Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng phụ trách thông tin điện tử, thiếu tướng Hồng Hồng Quân, và một phóng viên của truyền thông quân đội, ông Trần Ánh Trúc.
Không quân Đài Loan đã gửi thêm hai máy bay trực thăng Black Hawk cùng khoảng 80 binh sĩ đến hiện trường gần Tonghou Creek ở Ô Lai (Wulai), Hãng Thông tấn Trung ương của Đài Loan đưa tin.
Một đội tìm kiếm và cứu hộ đã cố gắng tiếp cận hiện trường nhanh nhất có thể, nhưng gặp khó khăn do địa hình phức tạp, một quan chức nói với BBC.
Hoa Kỳ đã bán 60 máy bay trực thăng UH-60M Black Hawk trong năm 2010. Không rõ liệu chiếc trực thăng gặp sự cố hôm thứ Năm có phải là một trong số đó không.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, người đang nuôi hy vọng tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào ngày 11/1 tới, đã hủy hoạt động vận động tranh cử vào thứ Năm.
Đối thủ chính trị chính của bà Thái là ông Hàn Quốc Du của Quốc Dân Đảng, vốn có quan điểm muốn thắt chặt hơn quan hệ với Trung Quốc.
Bà Thái Anh Văn gần đây đã lên tiếng bác bỏ mô hình "một quốc gia hai chế độ" mà Bắc Kinh nêu ra cho Đài Loan.
Giới quan sát tin rằng, nếu bà Thái Anh Văn thắng cử, Đài Loan sẽ càng xa Trung Quốc và căng thẳng xuyên eo biển Đài Loan có thể gia tăng trong năm nay.
****************
Rớt trực thăng khiến Tổng tham mưu trưởng quân đội Đài Loan cùng 7 sĩ quan qua đời (RFA, 02/01/2020)
Cơ quan chức năng Đài Loan vừa xác nhận, tướng Thẩm Nhất Minh (Shen Yi-ming) Tổng tham mưu trưởng quân đội nước này, nằm trong số 8 sĩ quan cấp cao qua đời sau khi chiếc trực thăng UH-60 Blackhawk chở 13 người rớt ở vùng núi Tân Bắc sáng 2/1/2019.
Tướng Thẩm Nhất Minh (phải) cùng 8 sĩ quan cấp cao đã tử nạn trong một tai nạn trực thăng chiến đấu Black Hawk
Chiếc trực thăng là một phần của Đội Cứu hộ Không quân, cất cánh từ căn cứ không quân Tùng Sơn ở Đài Bắc lúc 7 giờ 54 sáng để đến một căn cứ quân sự tại tỉnh Nghi Lan như một phần của cuộc kiểm tra trước Tết Nguyên đán.
Tín hiệu trực thăng biến mất khỏi màn hình radar vào khoảng 8 giờ 07 sáng trước khi được cho buộc phải hạ cánh trên núi.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sau vụ tai nạn cho biết bà sẽ hủy các hoạt động tranh cử của mình trong ba ngày, mặc dù ngày bầu cử đã cận kề để có thể giải quyết vụ tai nạn trong khả năng của mình với tư cách là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.
Thị trưởng thành phố Cao Hùng Hàn Quốc Du, người đang tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 11 tháng 1 sắp tới, đăng trên Facebook nói rằng ông và nhóm của mình đã cầu nguyện với tất cả trái tim dành cho các nạn nhân.
"Tôi muốn gửi lời chia buồn tới các nạn nhân một lần nữa và hy vọng rằng tất cả chúng ta ở trong nước có thể cùng nhau cầu nguyện cho họ", ông Hàn viết trên Facebook.
Chiếc trực thăng gặp nạn khiến 8 người chết nằm trong số những trực thăng UH-60 mà Đài Loan mua từ Mỹ vào năm 2010.
Theo SCMP, vào tháng 2/2018, 6 người thiệt mạng khi một trực thăng Black Hawk rơi. Nguyên nhân tai nạn được cho là do phi công đã bỏ qua cảnh báo về nhiễu động khí tượng.
Một chiếc Black Hawk khác cũng phải hạ cánh khẩn cấp ở Đài Trung vào tháng 1/2016, sau khi đèn báo sự cố bật sáng.