Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Biden : Mỹ, Trung tái khẳng định tôn trọng "thỏa thuận Đài Loan"

Trọng Thành, RFI, 06/10/2021

Quan hệ Trung Quốc – Đài Loan tiếp tục căng thẳng với việc Bắc Kinh ồ ạt đưa hơn 100 chiến đấu cơ xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan từ bốn ngày nay. Hôm qua, 05/10/2021, tổng thống Hoa Kỳ lên tiếng khẳng định trong cuộc trao đổi hồi tháng 9 với chủ tịch Trung Quốc, hai bên đã tái khẳng định tôn trọng "thỏa thuận Đài Loan" giữa hai bên.

mytrung1

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu từ Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 04/10/2021.  Reuters - Jonathan Ernst

Hãng tin Anh Reuters cho hay, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết trong cuộc điện đàm ngày 09/09, xin trích, "tôi đã nói chuyện với ông Tập về Đài Loan. Chúng tôi đã đồng ý... sẽ tôn trọng thỏa thuận Đài Loan". Nguyên thủ Mỹ cho biết thêm : "Chúng tôi đã nói rõ điều này, và tôi không nghĩ rằng ông ấy có thể làm điều gì khác hơn, ngoài việc tôn trọng thỏa thuận".

Theo Reuters, diễn đạt ngắn trên đây của tổng thống Hoa Kỳ về "thỏa thuận Đài Loan" ngụ ý nhắc đến lập trường "một nước Trung Hoa" của chính quyền Mỹ. Theo đó, Washington chính thức công nhận Trung Quốc cùng lúc với việc cắt đứt "quan hệ ngoại giao" với Đài Loan vào năm 1979.

Nước Mỹ kỳ vọng tương lai của Đài Loan sẽ được xác định bằng các biện pháp hòa bình và Hoa Kỳ không có quan điểm gì về chủ quyền của Đài Loan. Tuy nhiên, cũng trong năm này, Hoa Kỳ ban hành Đạo luật về Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act), buộc chính quyền Mỹ cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.

Sau phát biểu của tổng thống Mỹ, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết đã yêu cầu phía Mỹ làm rõ những bình luận của ông Biden và được trấn an rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan sẽ không thay đổi, và cam kết bảo vệ của Hoa Kỳ đối với Đài Bắc là "vững chắc" và Washington sẽ tiếp tục giúp Đài Loan duy trì khả năng phòng thủ. Bộ Ngoại giao Đài Loan nhấn mạnh : "Đối mặt với các đe dọa quân sự, ngoại giao và kinh tế của chính quyền Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ luôn duy trì các kênh liên lạc chặt chẽ và thông suốt".

Vẫn về quan hệ Trung – Đài, hôm nay, bộ trưởng quốc phòng Đài Loan, Khâu Quốc Chinh (Chiu Kuo-cheng) cảnh báo căng thẳng hai bờ eo biển ở mức chưa từng có từ hơn 40 năm nay, và Bắc Kinh có đủ phương tiện để xâm chiếm "toàn bộ" hòn đảo vào năm 2025.

Phái đoàn nghị sĩ Pháp thăm Đài Loan dịp Quốc khánh 

Phái đoàn bốn thượng nghị sĩ Pháp đến Đài Bắc hôm nay. Chuyến công du hòn đảo dân chủ 23 triệu dân của các nghị sĩ Pháp trùng với dịp Quốc khánh Đài Loan 10/10. Chính quyền Đài Loan hoan nghênh các nghị sĩ Pháp thực hiện chuyến đi này bất chấp các áp lực từ Trung Quốc. Trong một thông điện trên Twitter, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết bà "nóng lòng" gặp các nghị sĩ Pháp, để thúc đẩy các quan hệ song phương giữa Pháp và Đài Loan.

Thông tín viên Adrien Simorre tường trình từ Đài Bắc : 

"Đưa các quan hệ giữa Đài Loan và Pháp hướng đến những tầm cao mới", trên đây là mục tiêu mà chính quyền Đài Loan đặt ra nhân chuyến công du 5 ngày của 4 thượng nghị sĩ Pháp. Phái đoàn Pháp, do cựu bộ trưởng quốc phòng Alain Richard dẫn đầu, đặc biệt có kế hoạch gặp tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, "nỗi ác mộng" của Bắc Kinh do thái độ kiên quyết của bà chống lại việc thống nhất với Hoa lục.

Chuyến công du vẫn được tổ chức bất chấp các áp lực từ phía Trung Quốc. Hồi đầu năm nay, đại sứ Trung Quốc tại Pháp thậm chí đã gửi thư cho thượng nghị sĩ Alain Richard để yêu cầu ông xét lại kế hoạch đi Đài Loan. Đây là một đe dọa chưa từng thấy, trong lúc từ hơn 40 năm nay, các nghị sĩ Pháp đến Đài Loan gần như hàng năm. 

Hôm qua, tổng thống Đài Loan đã lấy làm tiếc là "Trung Quốc ngày càng có thái độ hung hãn hơn" với Đài Loan. Phát biểu của tổng thống Thái Anh Văn được đăng tải trên tạp chí Foreign Affairs. Chủ đề này chắc chắn sẽ nằm ở tâm điểm của các thảo luận giữa Đài Bắc với các thượng nghị sĩ Pháp".

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 06/10/2021

********************

Mỹ - Trung đối thoại tại Thụy Sĩ trong bối cảnh căng thẳng song phương

Thu Hằng, RFI, 06/11/2021

Đài Loan, cũng như vấn đề nhân quyền và thương mại, nằm trong chương trình nghị sự ngày 06/10/2021 của hai quan chức Mỹ và Trung Quốc tại Zurich, Thụy Sĩ. Trong thông cáo ngày 05/10, Nhà Trắng cho biết Washington "tìm cách xử lý một cách có trách nhiệm sự cạnh tranh giữa Mỹ và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa".

mytrung2

Cuộc đối thoại Mỹ -Trung đầu tiên dưới thời tổng thống Joe Biden tại Anchorage, Alaska, Hoa Kỳ, ngày 18/03/2021. AP - Frederic J. Brown

Sáu tháng sau cuộc họp song phương đầy căng thẳng tại Alaska (Mỹ), lần đầu tiên cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan gặp lại ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

Cuộc họp cũng nằm trong chuỗi thảo luận được nguyên thủ hai nước Mỹ và Trung Quốc nhất trí trong cuộc điện đàm ngày 09/09 nhằm tạo điều kiện đối thoại giữa hai cường quốc đang cạnh tranh chiến lược gay gắt.

Một quan chức tham gia chuẩn bị cuộc gặp cho trang South China Morning Post biết, cuộc họp tại Zurich nhằm mục đích "xây dựng các kênh liên lạc và triển khai nội dung đã được hai nguyên thủ nhất trí".

Theo nhiều quan chức Mỹ, cuộc điện đàm giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho phép có các cuộc thảo luận ở cấp cao nhằm giúp hai nước thoát khỏi bế tắc.

Theo Reuters, sau cuộc họp với ông Dương Khiết Trì ở Zurich, cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan sẽ đến Bruxelles và thông báo nội dung cuộc họp với các đại diện Liên Hiệp Châu Âu và "tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh xuyên Đại Tây Dương".

Trong khi đó, bà Katherine Tai, đại diện Thương Mại Hoa Kỳ, đang ở Paris (Pháp) tham gia cuộc họp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) cho biết hy vọng sẽ sớm đối thoại với các đồng nhiệm Trung Quốc, trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa thông báo chiến lược thương mại đối với Trung Quốc vào ngày 04/10.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 06/10/2021

**********************

Tổng thống Thái Anh Văn cảnh báo : Để Trung Quốc chiếm Đài Loan sẽ là thảm họa cho Châu Á

Thụy My, RFI, 05/10/2021

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm nay 05/10/2021 cảnh báo nếu hòn đảo rơi vào tay Bắc Kinh, điều đó sẽ mang lại hậu quả "thảm khốc" cho Châu Á. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh liên tục trong bốn ngày qua đã có đến 148 chiến đấu cơ Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vùng nhận dạng phòng không Đài Loan. Đài Bắc cũng chuẩn bị bổ sung ngân sách quốc phòng.

mytrung3

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại căn cứ Không Quân ở Giai Đông (Jiadong) thuộc Bình Đông (Pingtung), ngày 15/09/2021.  AP

Trong bài viết trên tờ Foreign Affairs, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh, nếu Trung Quốc chiếm được Đài Loan, điều đó có nghĩa là trong cuộc đối đầu giữa các giá trị hiện nay trên thế giới, toàn trị đã thắng được dân chủ. Bà đồng thời khẳng định Đài Loan sẽ chống trả bằng mọi cách nếu Trung Quốc tấn công.

Cũng trong hôm nay, thủ tướng Tô Trinh Xương (Su Tseng Chang) tuyên bố : Đài Loan phải luôn trong tình trạng cảnh giác trước các hoạt động quân sự thái quá của Bắc Kinh, làm phương hại đến hòa bình khu vực.

Thông tín viên Adrien Simorre tường trình từ Đài Bắc :

"Các vụ xâm nhập ồ ạt vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước, đúng vào ngày lễ quốc khánh Trung Quốc. Từ đó đến nay lại càng dồn dập thêm : Quân Đội Đài Loan ghi nhận có 39 chiếc phi cơ hôm thứ Bảy, 52 chiếc Chủ nhật và hôm qua 56 chiếc bay vào.

Hoàn Cầu Thời Báo đắc chí viết "Trung Quốc đã dời cuộc diễu hành sang eo biển Đài Loan".

Đây là con số kỷ lục kể từ đợt xâm nhập năm ngoái, sau khi bà Thái Anh Văn - vốn kiên quyết chống lại việc sáp nhập vào Trung Quốc - tái đắc cử.

Hoa Kỳ, đối tác chính của Đài Loan, hôm Chủ nhật đã tỏ ra lo ngại trước hành động khiêu khích này, nhắc nhở rằng những cam kết với Đài Loan vẫn "vững chắc như bàn thạch".

Tuy vậy việc chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập sẽ còn diễn ra trong những ngày tới, vào lúc Đài Loan chuẩn bị mừng lễ quốc khánh Chủ Nhật này. Tất nhiên là Bắc Kinh không ưa, và chừng như quyết tâm phá rối ngày lễ".

Đài Loan gia tăng ngân sách quốc phòng

Bộ quốc phòng Đài Loan cho biết chi tiêu quân sự sẽ được tăng thêm 240 tỉ đài tệ (8,6 tỉ đô la) trong 5 năm tới, trong đó 64% dành cho Hải quân kể cả hỏa tiễn và chiến hạm. Bản dự chi mà hãng tin Reuters có tham khảo được trình lên Quốc hội hôm nay, và nhiều khả năng sẽ được thông qua vì đảng của bà Thái Anh Văn chiếm đa số tuyệt đối.

Cũng theo bộ quốc phòng Đài Loan, Trung Quốc đã tăng mạnh chi tiêu quân sự, đặc biệt là chiến đấu cơ hiện đại, tàu đổ bộ, và các hoạt động không quân, hải quân gần Đài Loan. Do bị đe dọa chưa từng thấy, Đài Loan cần nhanh chóng củng cố khả năng răn đe để tránh xảy ra chiến tranh.

Gần 30 tỉ Đài tệ (1,5 tỉ đô la) được dành cho các loại hỏa tiễn Vạn Kiếm (Wan Chien), Hùng Phong (Hsiung Feng) IIE phiên bản nâng cấp, Hùng Thăng (Hsiung Sheng) ; một số hỏa tiễn được đặt trên xe quân sự để cơ động hơn, địch quân khó tìm thấy và phá hủy.

Thụy My

Nguồn : RFI, 05/10/2021

Published in Diễn đàn

Đông Nam Á, trọng điểm của xung đột Mỹ-Trung

Cuộc xung đột Mỹ-Trung lần này sẽ tập trung vào khu vực Đông Nam Á, vốn có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với Bắc Kinh. Theo The Economist, để tránh cho Đông Nam Á không bị rơi vào quỹ Trung Quốc, Washington nên buôn bán, đầu tư nhiều hơn vào khu vực, và không nên buộc các nước phải chọn phe.

dna1

Người Việt biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội ngày 11/05/2014 để phản đối Bắc Kinh đưa giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa.  AP - Chris Brummitt

L’Obsdành trang nhất cho tỉ phú Pháp Vincent Bolloré, người đang có kế hoạch xây dựng một đế chế truyền thông mà tuần báo cánh tả cho là "siêu bảo thủ". Le Point chú ý đến "Những đòn chơi xấu của một nền tư pháp rất chính trị" nhắm vào cựu tổng thống Nicolas Sarkozy. Hồ sơ của L’Express nói về tập đoàn bán hàng trên mạng Amazon. Courrier Internationalbăn khoăn "Còn ai lắng nghe Châu Âu ?" : đang lạnh nhạt với Nga, bị Trung Quốc qua mặt tại Châu Á và vẫn chưa hòa giải với Mỹ, tiếng nói của Liên Hiệp Châu Âu khó có trọng lượng.

Khu vực chiến lược bị Bắc Kinh coi là "sân sau"

Liên quan đến Châu Á, The Economistnói về "Cuộc chiến Mỹ-Trung để giành sân sau của Bắc Kinh", chủ yếu ở Đông Nam Á. Trong cuộc xung đột kéo dài 45 năm, Hoa Kỳ và Liên Xô tiến hành những cuộc chiến ủy nhiệm ở nhiều nơi, nhưng chiến tranh lạnh gay gắt nhất tại Châu Âu. Cuộc xung đột Mỹ-Trung lần này sẽ tập trung vào khu vực Đông Nam Á, và do không có chiến tuyến rõ ràng nên càng phức tạp.

Người dân Đông Nam Á coi Mỹ và Trung Quốc là hai cực, kéo đất nước mình về hai hướng khác nhau. Chẳng hạn những người biểu tình chống vụ đảo chính ở Miến Điện mang biểu ngữ đả kích Trung Quốc và kêu gọi người Mỹ can thiệp. Các chính phủ cảm thấy chịu áp lực phải chọn phe : hồi năm 2016 tổng thống Philipppines Rodrigo Duterte đã lớn tiếng loan báo chia tay với Mỹ và quy phục Trung Quốc.

Sự giằng co này sẽ càng dữ dội hơn vì hai lý do. Trước hết, Đông Nam Á có tầm quan trọng chiến lược rất lớn với Bắc Kinh. Khu vực này nằm ngay cửa ngõ Trung Quốc, án ngữ con đường thương mại đưa dầu lửa, nguyên liệu vào và hàng hóa thành phẩm từ Hoa lục ra bên ngoài. Trong khi ở phía đông là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, những đồng minh trung thành của Mỹ, Đông Nam Á là vùng đất ít thù địch hơn, có thể mở đường ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cho cả mục đích thương mại và quân sự. Chỉ khi nào khống chế được Đông Nam Á, Bắc Kinh mới mất đi ám ảnh bị bao vây.

Lý do thứ hai, Đông Nam Á là khu vực quan trọng trên thế giới với 700 triệu dân, đông hơn cả Liên Hiệp Châu Âu, Châu Mỹ La-tinh hay vùng Trung Đông. Nền kinh tế của các nước Đông Nam Á gộp lại có thể xếp thứ tư thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Ấn Độ ; và lại tăng trưởng rất nhanh, như Việt Nam và Philipppines có tỉ lệ đến 6-7%. Đối với các nhà đầu tư muốn dịch chuyển khỏi Hoa lục, Đông Nam Á là chọn lựa hàng đầu, và người tiêu thụ tại đây đã đủ giàu để trở thành một thị trường hứa hẹn.

Khống chế về kinh tế, Trung Quốc bị ghét bỏ vì tham vọng đế quốc

Trung Quốc thoạt nhìn có vẻ chiếm ưu thế so với Hoa Kỳ, vì là đối tác thương mại lớn nhất và đầu tư vào khu vực nhiều hơn Mỹ. Ít nhất đã có một nước Đông Nam Á là Cam Bốt trên thực tế đã là chư hầu của Bắc Kinh, và không một nước nào dám đứng hẳn về phía Washington. Tuy nhiên đầu tư của Trung Quốc có những bất lợi : các công ty Trung Quốc thường bị cáo buộc tham nhũng, gây ô nhiễm, đưa lao động từ Hoa lục vào thay vì tuyển dụng người địa phương, và nhất là Bắc Kinh thường dùng thế mạnh kinh tế để trừng phạt những khi không hài lòng.

Trung Quốc còn làm các láng giềng sợ hãi khi phô trương sức mạnh quân sự. Việc cưỡng chiếm và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông, quấy nhiễu tàu của các nước Đông Nam Á khi họ đánh cá, hoặc khoan dầu ở vùng biển nước mình, là nguồn gây căng thẳng với hầu hết các quốc gia trong khu vực, từ Việt Nam cho đến Indonesia ; xúi giục và vũ trang cho các lực lượng du kích trong toàn khu vực.

Sự hiếu chiến này khiến Trung Quốc bị ghét bỏ tại đa số các nước Đông Nam Á. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc thường xuyên diễn ra tại Việt Nam. Indonesia, nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới, cũng có những cuộc xuống đường chống lại người nhập cư bất hợp pháp từ Hoa lục, hay phản đối việc Bắc Kinh đàn áp các thiểu số theo đạo Hồi. Ngay cả tại nước Lào cộng sản độc tài, người dân cũng không ưa sự thống trị của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á có thể không dám công khai chỉ trích Bắc Kinh do lo ngại hậu quả kinh tế, nhưng họ cũng không dám tỏ ra thuần phục, vì sợ bị người dân nước mình chỉ trích.

Theo The Economist, để tránh cho Đông Nam Á không bị rơi vào quỹ đạo Bắc Kinh, Washington nên buôn bán và đầu tư nhiều hơn vào khu vực, siết chặt quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, và nhất là không nên buộc phải chọn phe.

"Liên minh trà sữa" đối mặt với Bắc Kinh

Về quan hệ giữa Đông Nam Á và Trung Quốc, tuần báo Anh đề cập đến "liên minh trà sữa", một tập hợp gồm những người trẻ chủ yếu ở Đông Nam Á nhằm chống lại sự thống trị của Trung Quốc độc tài.

Ở Hoa lục, người ta uống trà không pha thêm sữa, nhưng tại Đài Loan, có cả sữa và những hạt tapioca được gọi là "trân Châu". Hồng Kông uống trà sữa kiểu Anh, người Thái dùng trà với sữa đặc. Cư dân mạng Ấn Độ sau vụ đụng độ đẫm máu với quân Trung Quốc ở vùng núi đã tham gia với món "masala chai" (trà gia vị) và tại Miến Điện, sau vụ đảo chính, hình ảnh "laphet yay" tức trà sữa của xứ Miến, tràn ngập mạng xã hội. Thật ra "liên minh trà sữa" không đồng nhất, và cũng không đơn thuần bài Hoa. Hiện tượng này cho thấy dù mang lại lợi ích kinh tế, mọi việc không dễ dàng như các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vẫn tưởng.

Tập Cận Bình nhấn mạnh "đôi bên cùng có lợi", không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác. Nhưng đầu tư của Trung Quốc luôn kèm theo các điều kiện, những hợp đồng không minh bạch và thường có giá trên trời, vì phải tính cả các khoản hối lộ.

Ai còn tin vào luận điệu "cộng đồng cùng chung vận mệnh ?

Tham nhũng có yếu tố Trung Quốc đã làm thủ tướng Malaysia, Najib Razak và đảng của ông – cầm quyền từ khi độc lập – bị thất cử năm 2018. Đại sứ Trung Quốc còn công khai mở chiến dịch ủng hộ đảng của người gốc Hoa trong liên minh cầm quyền. Người ta cũng cho rằng chiến thắng của Duterte trong cuộc bầu cử tổng thống Philipppines năm 2016 là nhờ tiền của Trung Quốc.

Một số dự án Trung Quốc như xa lộ cao tốc tại nước Lào nghèo nàn, nhỏ bé có cái giá khá đắt cho môi trường. Những đập thủy điện Trung Quốc ở thượng nguồn làm vùng hạ lưu sông Mê kông bị khô hạn, khiến cuộc sống hàng triệu ngư dân Việt Nam và Cam Bốt thêm khó khăn. Ở Cam Bốt, Lào và Miến Điện, việc Trung Quốc chiếm đất đồng nghĩa với phá rừng.

Bắc Kinh miệng hô hòa bình, nhưng lại yêu sách chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, tranh chấp với Việt Nam, Philipppines, Malaysia, Indonesia, Brunei. Dù Duterte đã từ bỏ chiến thắng ở Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye với hy vọng ông Tập sẽ đầu tư nhiều tỉ đô la vào cơ sở hạ tầng, nhưng đến nay vẫn chỉ là lời hứa trong khi Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên Biển Đông. Như Bilahari Kausikan, nhà cựu ngoại giao cấp cao Singapore, đã nói : "Chỉ có những kẻ tham nhũng đã thành cố tật, hoặc ngây thơ vô biên mới tin vào luận điệu một cộng đồng cùng chung vận mệnh của Bắc Kinh".

"Đội quân thứ năm" của Trung Quốc ở Đông Nam Á

Cùng với việc Trung Quốc phát triển về phía nam là sự hiện diện của đông đảo di dân mới người Hoa. Nhiều người làm việc cho các dự án hạ tầng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, số khác bám theo kiếm sống. Rõ nhất là tại các nước nhỏ yếu như Cam Bốt, Lào, Miến Điện.

Hàng trăm ngàn người từ Hoa lục tràn sang Miến Điện, đa số mang căn cước giả. Tại "đặc khu tam giác vàng" ở vùng ba biên giới (Thái, Lào, Miến) mọc lên một thành phố cờ bạc, buôn lậu, trác táng ; sử dụng đồng nhân dân tệ và chữ Hoa giản thể, lực lượng bảo vệ được tuyển từ Hoa lục. Ở xa hơn biên giới Trung Quốc, nhưng tại Manila các công ty cờ bạc trực tuyến của người Hoa chiếm nhiều văn phòng hơn các trung tâm dịch vụ hậu mãi. Trước đại dịch, có đến nửa triệu người Hoa hoạt động tại thủ đô Philipppines, đa số visa đã hết hạn nhưng các công ty dịch vụ Trung Quốc lo hết từ visa, nơi lưu trú do đến mát-xa và gái gọi.

Khắp Châu Á đều có những tiếng than phiền người Trung Quốc chiếm mất việc làm của người địa phương, nhập vật liệu từ Hoa lục và làm tăng giá địa ốc. Đáng ngại là tuy ngôn ngữ Trung Hoa phân biệt "hoa kiều" (huaqiao, người Hoa sống ở nước ngoài) với "hoa nhân" (huaren, người nước ngoài gốc Hoa), nhưng Tập Cận Bình trong diễn văn năm 2014 gọi chung là "hải ngoại kiều bào" (haiwai qiaobao), nhấn mạnh rằng họ có nghĩa vụ "xúc tiến sự phục hưng của quốc gia Trung Hoa".

Hungary : "Con ngựa thành Troie" của Bắc Kinh tại Châu Âu

L’Express nhận xét thủ tướng Viktor Orban của Hungary là người thân Trung Quốc nhất tại Châu Âu.

Mùa tựu trường 2024 đại học đầu tiên ở Châu Âu của trường Phục Đán, Thượng Hải, sẽ khai trương tại Budapest. Với ngân sách lớn bằng toàn bộ các trường đại học Hungary cộng lại, đại học này đào tạo 5.000 sinh viên mỗi năm. Chính quyền Orban đã hào hiệp bỏ ra 2,2 triệu euro mua đất cho ngôi trường Trung Quốc, bất chấp tai tiếng. Đáng chú ý là khi thương lượng với Phục Đán, ông Orban đã xua đuổi trường đại học Trung Âu do tỉ phú George Soros sáng lập, nơi đào tạo giới tinh hoa cho khu vực, khiến ngôi trường nổi tiếng này phải chuyển sang Vienna vào mùa thu 2019.

Từ năm 2013, tại Hungary đã khai trương trung tâm hậu cần Huawei lớn nhất ngoài Trung Quốc rộng 30.000 mét vuông, thủ đô Budapest có đến năm Viện Khổng Tử. Hungary là thành viên Liên Hiệp Châu Âu duy nhất mua vac-xin của Trung Quốc, và ông Viktor Orban tuyên bố bản thân ông sẽ tiêm chủng bằng vac-xin này "vì người Trung Quốc biết rõ con virus nhất".

Bắc Kinh đang hiện đại hóa tuyến đường sắt Belgrade-Budapest để đưa hàng Trung Quốc từ cảng Piraeus đến, cảng quan trọng này của Hy Lạp đã lọt vào tay Trung Quốc từ năm 2008. Hungary phải vay nợ của Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc để chi trả phần mình trong dự án này, món nợ 20 năm mà chi tiết hợp đồng sẽ được giữ bí mật trong 10 năm.

Có nên tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh mùa đông 2022 ?

Courrier International đặt câu hỏi : "Có nên tẩy chay Thế vận hội mùa đông 2022 tổ chức tại Trung Quốc ?". Tuần báo Pháp trích đăng các bài viết có quan điểm khác nhau. Một số báo như La Presse ở Québec (Canada) cho rằng không nên để vấn đề chính trị làm cho các vận động viên phải chịu thiệt thòi, còn theo The Conversation tốt nhất là đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Ngược lại, The Washington Examiner nhấn mạnh, khi tranh cử ông Joe Biden cam kết dành ưu tiên cho nhân quyền, thì đây chính là lúc chứng tỏ lời nói đi đôi với việc làm. Bắt đầu bằng việc phê chuẩn dự thảo của hai thượng nghị sĩ Cộng hòa là Rick Scott (Florida), Todd Young (Indiana) và kêu gọi các thượng nghị sĩ Dân chủ ủng hộ.

Gần đây đã có những chứng cứ không thể chối cãi về việc phụ nữ Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo bị cưỡng hiếp, bị buộc triệt sản – và đây không phải là những bằng chứng cuối cùng về cách đối xử phi nhân với những nô lệ thời hiện đại. Bản dự thảo nhấn mạnh, thảm kịch Duy Ngô Nhĩ chỉ là một trong những hành động tàn bạo từ Trung Quốc của Tập Cận Bình.

Tại Hồng Kông, ông Tập xé bỏ những cam kết quốc tế ; trên Biển Đông và dọc theo dòng sông Mêkông, quân của Tập đánh đập thậm chí sát hại các ngư dân không tấc sắt trong tay. Trên thế giới, đến tận quần đảo Galapagos, Tập Cận Bình phá hủy môi sinh, xây những cây cầu và công trình sau đó bị sập. Tại Châu Phi, ông Tập khai thác cạn kiệt hải sản, hối lộ các chính khách, làm ngơ trước nạn kỳ thị. Ngay trong Hoa lục, những bộ óc xuất sắc bị bịt miệng, đàn áp. Thế vận hội là nơi vinh danh những tài năng, lòng can đảm và tinh thần đồng đội, nhưng Trung Quốc cộng sản là phản ví dụ cho những giá trị này, nên không thể để cho Bắc Kinh tổ chức Olympic mùa đông 2022.

Thụy My

Published in Châu Á

Cách đây không lâu, sự trỗi dậy của Trung Quốc về cơ bản được xem là khá lành tính. Nhiều người nghĩ nền kinh tế đang phát triển sẽ đi đôi với một hệ thống chính trị được tự do hóa.

xungdot1

Liệu xung đột giữa Trung Quốc - Hoa Kỳ có thể xảy ra ?

Trung Quốc, nói theo cái cách mà các chuyên gia Mỹ hay nói, là đang trở thành một cường quốc chủ chốt có ảnh hưởng toàn cầu.

Nhưng ngày nay, Trung Quốc đang ngày càng bị coi là một mối đe dọa. Nhiều người lo ngại rằng sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh, một cuộc xung đột chia rẽ thế giới.

Ở Mỹ, một mô hình mới đang được đề xuất, một mô hình quay trở lại thế giới cổ đại và tác phẩm của Thucydides, nhà sử học viết về Chiến tranh Peloponnesus giữa giữa các thành bang Athens và Sparta.

Giáo sư Graham Allison, thuộc Trung tâm Belfer của Đại học Harvard, là một trong những học giả hàng đầu về quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ.

Cuốn sách mang tính đột phá của ông, Định mệnh cho Chiến tranh : Hoa Kỳ và Trung Quốc liệu có tránh được bẫy Thucydides không ?đã trở thành một quyển sách bắt buộc phải đọc cho nhiều nhà hoạch định chính sách, các học giả và nhà báo.

xungdot2

Cuốn sách đột phá gần đây của của giáo sư Harvard Graham Allison mang tên "Định mệnh cho Chiến tranh : Hoa Kỳ và Trung Quốc liệu có tránh được bẫy Thucydides không ?"

Cái bẫy của Thucydides là một mối tương tác nguy hiểm xảy ra khi một thế lực đang trỗi dậy đe dọa thay thế một thế lực đang tồn tại.

Trong thế giới Hy Lạp cổ đại, chính Athens đã đe dọa Sparta. Còn vào cuối thế kỷ 19, Đức thách thức Anh. Ngày nay, một Trung Quốc đang trỗi dậy có khả năng thách thức Hoa Kỳ.

Nghiên cứu về 500 năm lịch sử, Giáo sư Allison đã xác định được 16 ví dụ các cường quốc mới trỗi dậy đối đầu với một cường quốc đã được thiết lập : 12 trong số đó dẫn đến chiến tranh.

Sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh, ông Allison nói, là "đặc điểm đặc trưng của quan hệ quốc tế ngày nay".

Vì vậy, câu hỏi liệu Mỹ và Trung Quốc có thể tránh cái bẫy của Thucydides không chỉ là câu hỏi học thuật. Chính cái bẫy này đã nhanh chóng trở thành một lăng kính để qua đó phân tích sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh.

xungdot3

Chiến tranh Peloponnesus là một xung đột kéo dài 27 năm giữa Athens và Sparta

Phản bác

Tất nhiên, không phải ai cũng đồng ý với quan điểm trên.

Giáo sư Hu Bo tại Viện Nghiên cứu Đại dương của Đại học Bắc Kinh và là một trong những chiến lược gia hàng đầu của Trung Quốc, nói với tôi rằng : "Tôi nghĩ rằng sự cân bằng quyền lực không hỗ trợ cho giả thuyết Thucydides".

Mặc dù sự trỗi dậy của Trung Quốc là đáng chú ý, ông tin rằng sức mạnh tổng thể của nó đơn giản là không thể so sánh với Mỹ. Chỉ có ở phía Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc mới có thể lớn để mạnh sánh ngang với Mỹ.

Nhưng một cuộc đối đầu nhỏ cũng có thể đủ để đưa hai cường quốc này vào một cuộc chiến tranh.

Nhất là khi Trung Quốc cũng đang theo đuổi việc xây dựng lực lượng hải quân toàn diện lớn nhất thế giới.

"Điều đó không chỉ ấn tượng xét theo thời điểm hiện tại", Andrew Erickson, giáo sư chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ và là một trong những chuyên gia hàng đầu về Hải quân Trung Quốc, "mà nó còn ấn tượng xét theo lịch sử thế giới".

Chất lượng hàng hải của Trung Quốc cũng được cải thiện đáng kể, với các tàu chiến lớn hơn, tinh vi hơn, ở nhiều phương diện ngày càng gần bằng các tàu phương Tây tương đương.

Chiến lược hàng hải của Trung Quốc cũng đang trở nên quyết đoán hơn.

Mặc dù trọng tâm của sự quyết đoán này, hiện tại, vẫn tương đối gần với lãnh thổ Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đang cố gắng cho Washington thấy cái giá Mỹ phải trả nếu can thiệp.

xungdot4

Elizabeth Economy cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có "ý thức đầy tham vọng" về vận mệnh toàn cầu của Trung Quốc

Trung Quốc muốn Hoa Kỳ phải giữ khoảng cách, nếu như giả sử Trung Quốc quyết định sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan. Và Hoa Kỳ thì vẫn quyết tâm duy trì quyền tiếp cận.

Nhưng căng thẳng Trung-Mỹ đang gia tăng có thể là vì yếu tố lãnh đạo. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đem lại một cảm giác rằng về tính lịch sử, thậm chí là định mệnh, cuộc cạnh tranh với Washington là không thể tránh khỏi.

Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu Châu Á tại Hội đồng quan hệ đối ngoại, nói với tôi rằng ông Tập đã là một nhà lãnh đạo với "ý thức mở rộng và tham vọng hơn nhiều về vị trí của Trung Quốc trên toàn cầu".

Bà lập luận rằng yếu tố bị đánh giá thấp nhất trong tham vọng của ông Tập là "nỗ lực của ông Tập trong việc định hình lại các chuẩn mực và thể chế trên chính trường toàn cầu theo cách phản ánh chặt chẽ các giá trị và ưu tiên của Trung Quốc".

xungdot5

Hoa Kỳ đang tìm cách dẫn độ giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu từ Canada

Mỹ cũng đang thay đổi vị trí của mình. Washington đã xem Trung Quốc, cùng với Nga, một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại (revisionism).

Quân đội Hoa Kỳ hiện coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh ngang hàng, là chuẩn mực để đo lường khả năng không quân và hải quân quan trọng.

Nhưng trong khi có một luồng không khí mới ở Washington, nó vẫn còn ở trong những giai đoạn đầu trước khi có thể hình thành một chiến lược mới đối với Bắc Kinh.

Một số người đã nói về khả năng của một Chiến tranh Lạnh thứ hai, lần này là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, không giống như Chiến tranh Lạnh thế kỷ 20 giữa Mỹ và Liên Xô, các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc có mối liên hệ mật thiết với nhau. Điều này mang lại cho đối thủ của họ một chiều hướng mới : một cuộc chiến giành quyền thống trị công nghệ.

Công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei đang đứng trước cơn bão. Mỹ đang từ chối cho phép công nghệ của công ty này được sử dụng cho các mạng truyền thông quan trọng trong tương lai và đang gây áp lực cho các đồng minh của mình để áp đặt lệnh cấm tương tự.

Ngoài việc hạn chế mua các sản phẩm của Huawei, Mỹ cũng đang theo đuổi các cáo buộc hình sự đối với công ty và giám đốc tài chính của công ty, Mạnh Vãn Chu.

xungdot6

Hải quân Trung Quốc đang trở nên lớn hơn, mạnh hơn và tinh vi hơn

Cuộc chiến của Washington với Huawei cho thấy mối lo ngại lớn hơn về lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, buôn bán bất hợp pháp cho Iran và gián điệp.

Dưới tất cả điều này là một nỗi sợ rằng Trung Quốc có thể sớm thống trị các công nghệ chính mà sẽ đem lại sự thịnh vượng trong tương lai.

Ràng buộc

Nền kinh tế và chiến lược lớn bị ràng buộc chặt chẽ với vấn đề này, khi Trung Quốc có ý định trở thành một cường quốc có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu trong thập kỷ tới.

Điều này tất nhiên sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh.

Có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có thể đang chùn lại khi nó cứ bám vào mô hình độc đoán và từ chối cải cách thị trường hơn nữa. Điều gì có thể xảy ra nếu tiến độ kinh tế của Trung Quốc chậm lại ?

Một số ý kiến ​​cho rằng ông Tập có thể sẽ phải kiềm chế tham vọng của mình. Những người khác lo ngại tính chính danh của ông ta có thể bị tấn công, khuyến khích ông ta càng tăng cường chủ nghĩa dân tộc, dẫn đến khả năng quyết đoán càng cao hơn nữa.

Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là có thật và sẽ không biến mất. Một tính toán sai lầm trong chiến lược sẽ là một mối nguy hiểm rõ ràng, nhất là vì không có bất kỳ bản quy tắc nào có thể giúp giải quyết căng thẳng giữa cả hai.

Hai nước đang ở một ngã tư chiến lược. Hoặc là họ sẽ tìm cách giải quyết mối bận tâm về nhau, hoặc họ sẽ tiến tới một mối quan hệ đối đầu hơn nhiều.

Điều này đưa chúng ta trở lại cái bẫy của Thucydides.

Nhưng ông Allison nhấn mạnh rằng không có gì ở đây là định mệnh. Chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể tránh khỏi. Cuốn sách của ông, ông nói với tôi, là về ngoại giao, chứ không phải về định mệnh.

Jonathan Marcus

Nguồn : BBC tiếng Việt, 05/04/2019

Published in Diễn đàn

Báo Anh : Hiểm họa xung đột Mỹ-Trung vì thiếu giao lưu quân sự

Không khí lễ tết tràn ngập các tuần báo dịp cuối năm này vẫn không che khuất được một số vấn đề thời sự nóng bỏng.

hiemhoa1

Phái đoàn Trung Quốc và Mỹ gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Achentina, ngày 01/12/2018. Reuters/Kevin Lamarque

Tờ The Economist ở Luân Đôn, dù dành hồ sơ lớn cho một "Số kép Giáng Sinh - Christmas Double Issue" - tựa chữ đậm ở trang bìa, nhưng ở trang trong đặc biệt chú ý đến một khía cạnh đáng ngại của cuộc đọ sức Mỹ-Trung đang diễn ra : Đó là nguy cơ bùng nổ xung đột do hiểu lầm giữa hai quân đội.

The Economist nhấn mạnh rằng "hiểm họa của một cuộc chiến tranh nóng đáng lo ngại hơn một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung", mà khả năng tránh được phải là "thông tin liên lạc tốt hơn giữa các lực lượng vũ trang" của hai bên.

Thế nhưng, đây chính là vấn đề. Theo nhận xét của tuần báo Anh, Mỹ hiểu rất rõ về nhu cầu thiết lập các kênh liên lạc và duy trì giao lưu với quân đội Trung Quốc, nhưng các đề nghị hay sáng kiến của Washington đã bị phía Bắc Kinh làm ngơ, hoặc tiếp nhận một cách miễn cưỡng.

Fax vẫn là phương tiện liên lạc quân sự chính thức Mỹ - Trung

Bài viết mang tựa đề đơn giản "Hiểu lầm quân sự", đã mở đầu bằng một chi tiết ít được biết đến : Phương tiện liên lạc quân sự chính thức hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là máy fax.

Đối với The Economist, việc hai bên vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu này là dấu hiệu rõ rệt về tình trạng thiếu đối thoại hiệu quả đáng lo ngại giữa hai lực lượng vũ trang.

Trong bối cảnh cả hai cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng ở miền tây Thái Bình Dương ; với việc Trung Quốc muốn đẩy Mỹ ra khỏi khu vực, tàu thuyền và máy bay của hai nước hầu như mỗi ngày đều hoạt động gần nhau, thường xuyên tạo ra nguy cơ một vụ va chạm trên không hoặc trên biển leo thang thành xung đột vũ trang.

Vào lúc quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã căng thẳng về thương mại và một loạt các vấn đề khác, tình hình có thể xấu đi nhanh chóng, cũng dễ hiểu là hai bên cần cố gắng giảm bớt nguy cơ biến cuộc tranh chấp kiểu chiến tranh lạnh của họ hiện nay thành chiến tranh thực thụ.

Có giao lưu, nhưng hời hợt vì Bắc Kinh thiếu hợp tác

Theo tuần báo Anh, trong thời gian qua, quả đúng là hai quân đội Mỹ và Trung Quốc đã học cách hiểu nhau nhiều hơn, trao đổi giữa các học viện quân sự, các chuyến ghé cảng hữu nghị của chiến hạm và các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước đã gia tăng đáng kể trong nhiều năm qua.

Thế nhưng, hố ngăn cách giữa hai bên vẫn còn rất sâu rộng. Phần lớn các hoạt động giao lưu đều rất hời hợt. Theo các sĩ quan Mỹ, người mà Trung Quốc cử ra để tiếp xúc với phía Mỹ thường là những quan chức chính trị nói được tiếng Anh hoặc là những sĩ quan tình báo, mặc quân phục nhưng không phải là những người thực thụ theo binh nghiệp.

Các phái đoàn Mỹ khi ghé thăm Trung Quốc đôi khi được hướng dẫn đi thăm các căn cứ được tạo ra với mục tiêu tuyên truyền trống rỗng và được giải trí với các chương trình biểu diễn võ thuật hơn là các cuộc tập trận thực sự… Ngoài ra, khi sĩ quan cao cấp của hai bên gặp nhau, Trung Quốc có xu hướng dành nhiều thời gian đả phá chính sách đối ngoại của Mỹ hơn là thảo luận về cách xây dựng lòng tin giữa hai quân đội.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã củng cố mối quan hệ quân sự ngày càng gần gũi hơn với Nga. Vào tháng 9, Trung Quốc đã gửi hàng ngàn binh sĩ tham gia cuộc tập trận lớn nhất của Nga kể từ sau chiến tranh lạnh.

Nhưng khi được mời tham gia các cuộc tập trận của Mỹ, thì Trung Quốc lại có cách cư xử thô lỗ. Năm 2014 chẳng hạn, Mỹ mời Hải quân Trung Quốc tham gia RIMPAC, cuộc tập trận đa quốc gia trên biển lớn nhất thế giới trên biển. Thay vì đáp trả bằng tình bạn, Trung Quốc lại gửi tàu gián điệp đến rình mò các cuộc diễn tập và cấm các sĩ quan Nhật Bản đến dự tiệc cocktail truyền thống trên tàu của họ.

Vào năm 2018, Mỹ đã gạt Trung Quốc khỏi cuộc tập trận RIMPAC để phản đối việc Bắc Kinh triển khai tên lửa trên các đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng ở Biển Đông. Điều đó khiến Hải quân Trung Quốc bực tức, nhưng Mỹ lại không cảm thấy mất mát gì nhiều.

Đối với The Economist, ví dụ trên cho thấy là ngay cả khi có cơ hội xây dựng nhịp cầu thông cảm, các sĩ quan Trung Quốc đã chọn cách làm ngơ.

Hai lực lượng vũ trang Mỹ-Trung không chỉ sử dụng fax để liên lạc, mà còn có một kênh liên lạc mang tên Đường Điện Thoại Quốc Phòng đã được thiết lập một thập kỷ trước đây. Một tuyến liên kết video hiện đại hơn cũng mới được thiết lập gần đây giữa Tổng tham mưu trưởng quân đội hai nước.

Đối với The Economist, vấn đề không phải là hai quân đội thiếu kênh liên lạc, mà là cách hai bên sử dụng các kênh này ra sao. Các quan chức Mỹ đã nói rõ rằng trong cuộc khủng hoảng, nếu Trung Quốc gọi đến, họ sẽ nhấc điện thoại lên, nhưng lại không thể chắc chắn là liệu Trung Quốc có làm như vậy không.

Một phần của vấn đề khó thiết lập liên lạc giữa hai quân đội Mỹ-Trung là cách các lực lượng vũ trang Trung Quốc làm việc. Đảng cộng sản có mặt trong toàn bộ các cấp của Quân đội Trung Quốc. Nhân vật chính ủy thường nắm giữ nhiều quyền lực tương tự như các sĩ quan chỉ huy là những người lính chân chính.

Đặc biệt ở cấp cao, các sĩ quan Trung Quốc chỉ có thể hành động với tốc độ của cả một ủy ban, tức là chỉ có thể ra quyết định sau khi họp bàn tập thể. Tuy nhiên, theo The Economist, đó không phải là lý do để phía Trung Quốc không nhấc điện thoại. Liên lạc được với nhau một cách nhanh chóng không có nghĩa là chấm dứt được một cuộc khủng hoảng, nhưng chắc chắn có thể làm giảm nguy cơ căng thẳng bùng lên vì một sự hiểu lầm.

Tổng thống Macron mới 18 tháng đã bị ghét bỏ ?

Các vấn đề thời sự, đặc biệt là thời sư quốc nội cũng được tuần báo Pháp L’Express đề cập đến trong hồ sơ 40 trang được nêu lên thành tựa chính trang bìa : "Người Pháp và các vị tổng thống của mình", nêu bật điều được tờ báo gọi là "60 năm yêu và hận". Trái với các đồng nghiệp, L’Express tuần này vẫn ra số đơn bình thường.

Phong trào phản kháng Áo Vàng đang nổi lên tại Pháp dĩ nhiên là nguyên nhân thúc đẩy L’Express quay lại nhìn 60 năm quan hệ giữa người dân Pháp với người lãnh đạo tối cao của họ. Và trong vấn đề này, dĩ nhiên là tờ báo đã so sánh điều đang xẩy ra cho đương kim tổng thống Emmanuel Macron, với những gì mà cố tổng thống De Gaulle đã phải trải qua, với một phong trào phản kháng quy mô được gọi là Tháng Năm 1968.

Theo L’Express, vào năm 1968, một khẩu hiệu phản ánh thái độ chán ngán của người biểu tình đối với tổng thống De Gaulle, là "10 năm đủ rồi". Ngày nay, đối với đương kim tổng thống Pháp, nhiều người xuống đường đã hô vang "Macron hãy từ chức đi !".

Điểm khác biệt là lần này, khẩu hiệu đòi tổng thống từ chức xuất hiện vỏn vẹn 18 tháng sau khi ông Macron đắc cử, với phong trào Áo Vàng bùng lên gần như là khắp nơi trên đất Pháp, với những đòi hỏi rất khác nhau, ngoại trừ một điểm : Nguyên thủ Nhà nước phải ra đi.

Tổng thống Chirac được coi là gần gũi người Pháp nhất

Nhân việc ông Macron bị mất lòng dân, L’Express đã đặt câu hỏi cho cựu thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin về vị tổng thống mà ông cho là "đã biết thiết lập mối quan hệ tốt nhất với người dân".

Theo ông Raffarin, đó là tổng thống Jacques Chirac. Ông Raffarin giải thích : "Tổng thống Chirac và người Pháp có một sự mối quan hệ dựa trên sự quý mến tôn trọng lẫn nhau. Ông Valérie Giscard d’Estaing, người cải cách nhất, đôi khi cho cảm nhận là ông tự đặt mình ở bên trên người Pháp. François Miterrrand thì muốn chia sẻ hai đam mê của ông : Lịch sử và Cánh tả. Nicolas Sarkozy được nhiều sự kính trọng hơn là yêu mến. Đối với François Hollande thì còn quá sớm để đánh giá, phải đợi người Pháp ý thức được là ông đã từng là tổng thống !".

Các số đặc biệt lễ tết và "25 câu chuyện tình cuồng si"

Như giới thiệu ở trên, tuần báo Anh The Economist đã ra một số kép nhân dịp lễ cuối năm. Đó cũng là trường hợp của tuần báo Pháp Le Point, với trang bìa nêu bật hồ sơ dành cho thánh địa của người Thiên Chúa giáo "Jérusalem".

Nhưng độc đáo hơn lại là tuần báo L’Obs, cũng ra số kép cuối năm, nhưng thay vì nói dông dài về chủ đề Noël hay Tết Tây, tờ báo Pháp đã quay sang một chủ đề độc đáo, lý thú, và không nhức đầu chút nào, kể lại "25 câu chuyện tình cuồng si".

L’Obs đã hỏi độc giả : "Bạn có từng trải qua hay có biết một chuyên tình phi thường hay không ?". Tạp chí ngạc nhiên trước số đông người hồi đáp và gởi lời cám ơn, "vì nhờ đó mà ta biết được tình yêu cuồng si vẫn tồn tại".

L’Obs cố tìm hiểu xen tình yêu điên dại ngày nay ra sao ? Tạp chí cho biết đã giữ lại những lời câu chuyện ấn tượng nhất và đăng lại 25 câu chuyện đôi khi rất khó tin, nhưng đều là những câu chuyện thật.

L’Obs kết luận hóm hỉnh, nhưng rất lạc quan : 25 câu chuyện cho thấy là loài người còn lâu, và cũng may, mới biết chữa trị chứng bệnh nan y mà mọi nhà thơ đều ca ngợi…

"Phải chăng thời gian qua nhanh quá ?"

Courrier International là tờ chơi trội nhất, với một số báo theo kiểu "3 trong 1", tập trung tìm lời giải đáp cho một câu hỏi gần như là triết học nêu lên thành tựa lớn ở trang bìa "Phải chăng thời gian qua nhanh quá ?". Tạp chí Courrier International chú ý đến khái niệm thời gian có vẻ thay đổi tùy nơi.

Tại Nhật Bản chẳng hạn, khái niệm thời gian và tầm quan trọng của nó dường như đang mê hoặc truyền thông Ả Rập. Trên tờ báo Bahrein Al-Ayam, Hassan Madan ghi nhận : "Tại Nhật, mỗi phút đắt đến nỗi mà không ai dám mất chỉ là một phút thôi. Nếu mà đi trễ 15 phút tại một cuộc hẹn, thì sẽ bị xem ngay là một người không đáng tin tưởng". Đây là ghi nhận của nhà xã hội học người Maroc Fatima Mernissi sau một chuyến đi Nhật. Theo bà, "chúng ta, người Ả Rập, thì có rất nhiều thời gian. Một nửa thời gian đó là để chờ người đến trễ, và phần nửa kia là để hỏi chúng ta làm gì đây !"

Brazil : Đi trễ là lịch sự

Tại Brazil, đến đúng giờ thậm chí đến muộn 15 phút thì bị xem là bất lịch sự. Một nữ ký giả Anh Quốc đã rút ra kinh nghiêm. Được mời đến bữa ăn churrasco (thịt nướng barbecue), nhà báo đã đến đúng giờ, bấm chuông, chủ nhà ra mở cửa, trên người còn quấn chiếc khăn tắm ẩm ướt vì mới vừa tắm xong. Người chủ đã nói như trách móc người khách mời đến đúng giờ : "Tôi chưa chuẩn bị xong mà !". Những người khách khác, am hiểu thông tục đã đến trễ khoảng 1 tiếng đồng hồ.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Trung Quốc sẵn sàng chiến tranh với Mỹ trên Biển Đông ? (Một Thế Giới, 05/02/2017)

Trước bình luận của ông Steve Bannon, cố vấn thân cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng sẽ xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông trong 5 - 10 năm tới, đại diện của Bắc Kinh thề sẽ "bảo vệ chủ quyền và lợi ích" của họ tại Biển Đông.

bd4

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông dựa trên yêu sách "đường 9 đoạn" và đã bị Tòa Trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ trong một phán quyết hồi năm ngoái.

Mỹ tuy không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng yêu cầu Trung Quốc phải tuân theo công pháp quốc tế về tự do hàng hải và dừng sự tăng cường tích tụ sức mạnh quân sự trong khu vực.

Chính quyền mới của ông Donald Trump được xem là sẽ cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông khi các cố vấn thân cận của Tổng thống và các thành viên nội các mới của Mỹ không ngừng đưa ra những tuyên bố cứng rắn về vấn đề này.

"Chính quyền mới của Mỹ đã báo hiệu một sự cứng rắn hơn với Trung Quốc. Steve Bannon - cố vấn của ông Trump năm ngoái đã nói ông tin rằng sẽ có chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông trong 5 - 10 năm tới. Phản ứng của ông là gì ?", một phóng viên hỏi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 3.2.

"Chúng ta đã nghe câu hỏi này nhiều lần. Vị trí của Trung Quốc trong vấn đề Biển Hoa Nam (tức Biển Đông) là rất rõ ràng và cũng phù hợp. Trung Quốc quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo và đá ngầm trên Biển Hoa Nam và các vùng biển lân cận", ông Lục lớn tiếng.

Sau đó người phát ngôn của Trung Quốc nói rằng nước này sẽ "bảo vệ chủ quyền lãnh hải và lợi ích" của mình trên Biển Đông. Theo giới phân tích, câu nói của ông Lục cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc chiến với Mỹ trên Biển Đông trong thời gian tới.

Ngày 4.2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tuyên bố tại Tokyo rằng hiện tại không phải là lúc nghĩ đến một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng từng khẳng định, dưới sự lãnh đạo của mình, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của Mỹ tại vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.

"Hành vi của Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực mong muốn có sự can thiệp mạnh hơn từ Mỹ. Nếu được xác nhận, tôi sẽ tìm cách để gia tăng tình hữu nghị với các đối tác và đồng minh của chúng ta, đồng thời sẽ đưa ra những bước đi thận trọng về sức mạnh quân sự của chúng ta trong khu vực. Chúng ta phải tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình gồm bảo vệ tự do hàng hải và hàng không", ông Mattis trả lời Thượng viện Mỹ về cách đối phó với những thách thức ngày càng tăng tại Biển Đông và biển Hoa Đông do Trung Quốc gây ra.

Thiên Hà

(theo trang tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

********************

Chiến tranh Mỹ, Trung ở Biển Đông ‘sẽ không xảy ra’ (VOA, 06/02/2017)

bd1

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và Tổng thống Duterte.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng các quan ngại về chuyện Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khai mào một cuộc chiến với Trung Quốc ở Biển Đông đã bị thổi phồng.

Ông Lorenzana từng làm tham tán quốc phòng của Philippines ở thủ đô Washington trong hơn một thập kỷ.

Quan chức 68 tuổi này được hãng Bloomberg dẫn lời nói cuối tuần trước rằng ông không nghĩ chiến tranh Mỹ - Trung "sẽ xảy ra" ở Biển Đông như nhiều quan ngại.

"Ông Trump là một doanh nhân, và ông ấy biết rằng nếu chiến tranh bùng ra, việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng", ông Lorenzana nói.

Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng bị Bắc Kinh chỉ trích tháng trước, sau khi tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tìm cách ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các cơ sở nước này xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tỏ ra hoài nghi : "Làm sao ta có thể ngăn chặn thứ đã có ở trên đó".

Philippines từng tuyên bố "ly khai Mỹ", ngả về Trung Quốc và Nga dưới thời kỳ lãnh đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Ông Lorenzana nói : "Tôi sẽ không gây chiến vì các hòn đảo nhỏ đó. Kể cả nếu chúng tôi có sức mạnh quân sự, chúng tôi sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi khai chiến".

Truyền thông quốc tế hôm 1/2 khui ra dự đoán của chiến lược gia của Nhà Trắng Steve Bannon về khả năng xảy ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông.

Tin cho hay, trong một chương trình trên radio hồi tháng 3/2016, ông Bannon cho rằng quan hệ Mỹ-Trung tất yếu sẽ leo thang thành xung đột trong vòng một thập niên tới.

Ông Bannon, khi đó điều hành hãng tin Breibart News, nói : "Chúng ta sẽ tham chiến ở Biển Đông trong 5 tới 10 năm nữa, phải không nào ? Không còn nghi ngờ gì về điều đó. Trung Quốc đang củng cố và về cơ bản là đang xây những hàng không mẫu hạm cố định và đặt tên lửa lên đó. Họ xông vào khu vực ngay trước mặt nước Mỹ - và quý vị thừa hiểu vấn đề thể diện nó quan trọng như thế nào – rồi họ tuyên bố vùng biển này là lãnh hải lịch sử của họ".

**************************

Duterte 'chưa sẵn sàng' nói chuyện với phiến quân (BBC, 05/02/2017)

Bas du formulaire

bd2

Tổng thống Duterte đang từ bỏ các cuộc thảo luận với tổ chức Quân đội nhân dân mới (NPA) và chỉ đạo các nhà đàm phán của ông trở về nước.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói ông đang dỡ bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với phiến quân cộng sản được dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.

Ông Duterte nói ông đang từ bỏ các cuộc thảo luận ở Na Uy với tổ chức Quân đội nhân dân mới (NPA) và đang chỉ đạo các nhà đàm phán của ông trở về nước.

Ông cho rằng, các yêu sách của phiến quân cộng sản đòi thả 400 tù nhân là quá nhiều.

Tin này xuất hiện sau khi kết thúc một lệnh ngừng bắn sáu tháng giữa hai bên.

"Tôi chưa sẵn sàng để nối lại [các hòa đàm]," ông Duterte nói thêm rằng ông sẽ "yêu cầu đoàn đàm phán của chính phủ Philippines dọn lều và trở về nhà".

"Tôi đã cố thử tất cả mọi thứ," ông nói thêm. "Tôi đi thêm cả dặm đường, thả các tù nhân, thả các nhà lãnh đạo của họ để họ có thể đi đến Oslo đàm phán."

Thỏa thuận khó đạt

Ông Duterte nói rằng các nhà lãnh đạo cộng sản vốn được chính phủ của ông tạm thả để tham gia các cuộc hòa đàm ở hải ngoại nay đối diện với việc phải trở lại nhà tù.

Hiện chưa có bình luận gì phe các phiến quân.

Cuộc hội đàm tại Italia vào tuần trước nhằm đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn đã thất bại khi phe quân nổi dậy cộng sản yêu cầu thả hơn 400 tù nhân chính trị, trong đó có một người đã hạ sát một đại tá quân đội Mỹ vào năm 1989.

Ngừng bắn sáu tháng giữa hai bên đã bị phá vỡ trong những ngày gần đây sau khi nổ ra các giao tranh mới. Cuộc ngừng bắn trước đó cũng bị 'hoen ố' do những vụ sát hại lẫn nhau giữa binh sĩ chính phủ và phiến quân.

Kể từ khi lên nhậm chức năm ngoái, ông Duterte đã cố gắng hồi sinh tiến trình hòa bình và đã tổ chức hai vòng thảo luận chính thức với phiến quân.

Cuộc xung đột, bắt đầu từ gần 50 năm trước đây với Đảng Cộng sản Philippines (CPP) và NPA, cánh vũ trang của nó, đã làm khoảng 30.000 người thiệt mạng.

Các phiến quân, những người nói rằng họ sẽ không từ bỏ vũ khí thậm chí nếu một thỏa thuận đạt được, đã cáo buộc quân đội của chính phủ nước này sử dụng chiến tranh ma túy của ông Duterte như một cái cớ để tiến hành các chiến dịch trong khu vực quân nổi loạn chiếm giữ giữa các lệnh ngừng bắn.

Lực lượng cộng sản cực lực phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines và phe này trong quá khứ đã giết các nhân viên của Mỹ đồn trú ở nước này.

Từ những năm 1980, phe cộng sản đã bước vào các cuộc đàm phán với các chính phủ kế tiếp nhau, nhưng một thỏa thuận hòa bình vẫn khó đạt được.

Published in Châu Á