Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/02/2017

Biển Đông và Philippines : xung đột Mỹ-Trung trên Biển Đông và xung đột với phiến quân cộng sản

VOA tiếng Việt

Trung Quốc sẵn sàng chiến tranh với Mỹ trên Biển Đông ? (Một Thế Giới, 05/02/2017)

Trước bình luận của ông Steve Bannon, cố vấn thân cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng sẽ xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông trong 5 - 10 năm tới, đại diện của Bắc Kinh thề sẽ "bảo vệ chủ quyền và lợi ích" của họ tại Biển Đông.

bd4

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông dựa trên yêu sách "đường 9 đoạn" và đã bị Tòa Trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ trong một phán quyết hồi năm ngoái.

Mỹ tuy không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng yêu cầu Trung Quốc phải tuân theo công pháp quốc tế về tự do hàng hải và dừng sự tăng cường tích tụ sức mạnh quân sự trong khu vực.

Chính quyền mới của ông Donald Trump được xem là sẽ cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông khi các cố vấn thân cận của Tổng thống và các thành viên nội các mới của Mỹ không ngừng đưa ra những tuyên bố cứng rắn về vấn đề này.

"Chính quyền mới của Mỹ đã báo hiệu một sự cứng rắn hơn với Trung Quốc. Steve Bannon - cố vấn của ông Trump năm ngoái đã nói ông tin rằng sẽ có chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông trong 5 - 10 năm tới. Phản ứng của ông là gì ?", một phóng viên hỏi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 3.2.

"Chúng ta đã nghe câu hỏi này nhiều lần. Vị trí của Trung Quốc trong vấn đề Biển Hoa Nam (tức Biển Đông) là rất rõ ràng và cũng phù hợp. Trung Quốc quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo và đá ngầm trên Biển Hoa Nam và các vùng biển lân cận", ông Lục lớn tiếng.

Sau đó người phát ngôn của Trung Quốc nói rằng nước này sẽ "bảo vệ chủ quyền lãnh hải và lợi ích" của mình trên Biển Đông. Theo giới phân tích, câu nói của ông Lục cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc chiến với Mỹ trên Biển Đông trong thời gian tới.

Ngày 4.2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tuyên bố tại Tokyo rằng hiện tại không phải là lúc nghĩ đến một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng từng khẳng định, dưới sự lãnh đạo của mình, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của Mỹ tại vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.

"Hành vi của Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực mong muốn có sự can thiệp mạnh hơn từ Mỹ. Nếu được xác nhận, tôi sẽ tìm cách để gia tăng tình hữu nghị với các đối tác và đồng minh của chúng ta, đồng thời sẽ đưa ra những bước đi thận trọng về sức mạnh quân sự của chúng ta trong khu vực. Chúng ta phải tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình gồm bảo vệ tự do hàng hải và hàng không", ông Mattis trả lời Thượng viện Mỹ về cách đối phó với những thách thức ngày càng tăng tại Biển Đông và biển Hoa Đông do Trung Quốc gây ra.

Thiên Hà

(theo trang tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

********************

Chiến tranh Mỹ, Trung ở Biển Đông ‘sẽ không xảy ra’ (VOA, 06/02/2017)

bd1

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và Tổng thống Duterte.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng các quan ngại về chuyện Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khai mào một cuộc chiến với Trung Quốc ở Biển Đông đã bị thổi phồng.

Ông Lorenzana từng làm tham tán quốc phòng của Philippines ở thủ đô Washington trong hơn một thập kỷ.

Quan chức 68 tuổi này được hãng Bloomberg dẫn lời nói cuối tuần trước rằng ông không nghĩ chiến tranh Mỹ - Trung "sẽ xảy ra" ở Biển Đông như nhiều quan ngại.

"Ông Trump là một doanh nhân, và ông ấy biết rằng nếu chiến tranh bùng ra, việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng", ông Lorenzana nói.

Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng bị Bắc Kinh chỉ trích tháng trước, sau khi tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tìm cách ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các cơ sở nước này xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tỏ ra hoài nghi : "Làm sao ta có thể ngăn chặn thứ đã có ở trên đó".

Philippines từng tuyên bố "ly khai Mỹ", ngả về Trung Quốc và Nga dưới thời kỳ lãnh đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Ông Lorenzana nói : "Tôi sẽ không gây chiến vì các hòn đảo nhỏ đó. Kể cả nếu chúng tôi có sức mạnh quân sự, chúng tôi sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi khai chiến".

Truyền thông quốc tế hôm 1/2 khui ra dự đoán của chiến lược gia của Nhà Trắng Steve Bannon về khả năng xảy ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông.

Tin cho hay, trong một chương trình trên radio hồi tháng 3/2016, ông Bannon cho rằng quan hệ Mỹ-Trung tất yếu sẽ leo thang thành xung đột trong vòng một thập niên tới.

Ông Bannon, khi đó điều hành hãng tin Breibart News, nói : "Chúng ta sẽ tham chiến ở Biển Đông trong 5 tới 10 năm nữa, phải không nào ? Không còn nghi ngờ gì về điều đó. Trung Quốc đang củng cố và về cơ bản là đang xây những hàng không mẫu hạm cố định và đặt tên lửa lên đó. Họ xông vào khu vực ngay trước mặt nước Mỹ - và quý vị thừa hiểu vấn đề thể diện nó quan trọng như thế nào – rồi họ tuyên bố vùng biển này là lãnh hải lịch sử của họ".

**************************

Duterte 'chưa sẵn sàng' nói chuyện với phiến quân (BBC, 05/02/2017)

Bas du formulaire

bd2

Tổng thống Duterte đang từ bỏ các cuộc thảo luận với tổ chức Quân đội nhân dân mới (NPA) và chỉ đạo các nhà đàm phán của ông trở về nước.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói ông đang dỡ bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với phiến quân cộng sản được dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.

Ông Duterte nói ông đang từ bỏ các cuộc thảo luận ở Na Uy với tổ chức Quân đội nhân dân mới (NPA) và đang chỉ đạo các nhà đàm phán của ông trở về nước.

Ông cho rằng, các yêu sách của phiến quân cộng sản đòi thả 400 tù nhân là quá nhiều.

Tin này xuất hiện sau khi kết thúc một lệnh ngừng bắn sáu tháng giữa hai bên.

"Tôi chưa sẵn sàng để nối lại [các hòa đàm]," ông Duterte nói thêm rằng ông sẽ "yêu cầu đoàn đàm phán của chính phủ Philippines dọn lều và trở về nhà".

"Tôi đã cố thử tất cả mọi thứ," ông nói thêm. "Tôi đi thêm cả dặm đường, thả các tù nhân, thả các nhà lãnh đạo của họ để họ có thể đi đến Oslo đàm phán."

Thỏa thuận khó đạt

Ông Duterte nói rằng các nhà lãnh đạo cộng sản vốn được chính phủ của ông tạm thả để tham gia các cuộc hòa đàm ở hải ngoại nay đối diện với việc phải trở lại nhà tù.

Hiện chưa có bình luận gì phe các phiến quân.

Cuộc hội đàm tại Italia vào tuần trước nhằm đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn đã thất bại khi phe quân nổi dậy cộng sản yêu cầu thả hơn 400 tù nhân chính trị, trong đó có một người đã hạ sát một đại tá quân đội Mỹ vào năm 1989.

Ngừng bắn sáu tháng giữa hai bên đã bị phá vỡ trong những ngày gần đây sau khi nổ ra các giao tranh mới. Cuộc ngừng bắn trước đó cũng bị 'hoen ố' do những vụ sát hại lẫn nhau giữa binh sĩ chính phủ và phiến quân.

Kể từ khi lên nhậm chức năm ngoái, ông Duterte đã cố gắng hồi sinh tiến trình hòa bình và đã tổ chức hai vòng thảo luận chính thức với phiến quân.

Cuộc xung đột, bắt đầu từ gần 50 năm trước đây với Đảng Cộng sản Philippines (CPP) và NPA, cánh vũ trang của nó, đã làm khoảng 30.000 người thiệt mạng.

Các phiến quân, những người nói rằng họ sẽ không từ bỏ vũ khí thậm chí nếu một thỏa thuận đạt được, đã cáo buộc quân đội của chính phủ nước này sử dụng chiến tranh ma túy của ông Duterte như một cái cớ để tiến hành các chiến dịch trong khu vực quân nổi loạn chiếm giữ giữa các lệnh ngừng bắn.

Lực lượng cộng sản cực lực phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines và phe này trong quá khứ đã giết các nhân viên của Mỹ đồn trú ở nước này.

Từ những năm 1980, phe cộng sản đã bước vào các cuộc đàm phán với các chính phủ kế tiếp nhau, nhưng một thỏa thuận hòa bình vẫn khó đạt được.

Quay lại trang chủ
Read 735 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)