Tại sao tìm Covid trong nước thải của các chuyến bay từ Trung Quốc ?
AFP, VOA, 07/01/2023
Một số quốc gia loan báo sẽ giám sát nước thải trong các chuyến bay đến từ Trung Quốc để đối phó với sự bùng phát dịch covid-19 ở Trung Quốc.
Một số quốc gia loan báo sẽ giám sát nước thải trong các chuyến bay đến từ Trung Quốc.
Mặc dù biện pháp này sẽ không ngăn chặn sự lây lan của virus, nhưng nó sẽ cung cấp một cái nhìn khái quát về quy mô đợt bùng phát ở Trung Quốc và liệu các biến thể mới có xuất hiện ở đó hay không.
Cách thức
Tiến trình này bao gồm việc kiểm tra hỗn hợp nước tiểu và phân từ nhà vệ sinh của các chuyến bay đến từ Trung Quốc.
Sau đó, nước thải có thể được phân tích để tìm ra khoảng bao nhiêu phần trăm hành khách mắc covid, cũng như các biến thể.
Chính quyền địa phương thu gom nước thải trực tiếp sau khi máy bay hạ cánh và gửi đến các phòng thí nghiệm để xét nghiệm.
Một khi virus được phát hiện, bộ gen của nó sẽ được giải trình tự để tìm hiểu xem nó có phải là một biến thể phụ đã biết hay không.
Nước thải cũng có thể được thu thập từ toàn bộ sân bay, nhưng điều này khiến cho việc xác định các mẫu có nguồn gốc từ quốc gia nào là điều không thể.
Nước nào ?
Bỉ, Canada, Áo và Úc nằm trong số các quốc gia cho biết họ sẽ kiểm tra nước thải của các máy bay đến từ Trung Quốc.
Liên hiệp Châu Âu dự kiến sẽ làm theo sau khi hầu hết các quan chức y tế quốc gia hôm 3/1 khuyến nghị tăng cường giám sát nước thải.
Hoa Kỳ cũng đang xem xét biện pháp này, theo báo cáo của truyền thông Hoa Kỳ.
Tại sao ?
Các ca nhiễm đã tăng vọt ở Trung Quốc kể từ tháng trước, khi nước này bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp zero-covid nghiêm ngặt kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Một số quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ cho biết họ yêu cầu hành khách đến từ Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm covid âm tính, khiến Bắc Kinh phẫn nộ.
Không giống như các xét nghiệm, việc giám sát nước thải sẽ không ngăn cản những người hiện đang dương tính với covid nhập cảnh vào một quốc gia.
Tuy nhiên, ông Antoine Flahault, giám đốc Viện Y tế Toàn cầu tại Đại học Geneva, nói : "Những mẫu này cung cấp một cửa sổ về những gì hiện đang xảy ra ở Trung Quốc".
Ông nói với AFP rằng điều này có thể đặc biệt quan trọng với "những nghi ngờ về tính minh bạch và sự cẩn trọng của thông tin y tế chính thức đến từ chính phủ Trung Quốc".
Tổ chức Y tế Thế giới hôm 4/1 chỉ trích định nghĩa "rất hạn hẹp" của Bắc Kinh về số ca tử vong do covid và cho biết số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc về số ca nhập viện và tử vong ở nước này "không có tính cách đại diện".
Ít ‘xâm lấn’
Ông Flahault cho biết việc giám sát nước thải có thể giúp bổ sung dữ liệu còn thiếu.
Ông nói : "Biết rằng 30 đến 50% hành khách từ Trung Quốc hiện đang bị nhiễm bệnh là hữu ích, trong trường hợp không có số liệu đáng tin cậy".
Việc này cũng cho phép các quốc gia tìm hiểu về các biến thể mới có thể thay đổi đường đi của đại dịch, như Omicron đã làm vào cuối năm 2021.
Các chuyên gia y tế đã cảnh báo rằng sự bùng nổ các ca bệnh trong dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc có thể tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các chủng virus mới.
Giám sát nước thải dễ thực hiện hơn và ít "xâm lấn" hơn nhiều so với việc xét nghiệm hành khách khi họ đến sân bay.
Những hạn chế
Nhà virus học người Pháp Vincent Marechal nói với AFP rằng trong khi kiểm tra nước thải "hiệu quả rất tốt", nó không đưa ra "cái nhìn toàn diện" về việc nhiễm trùng hoặc các biến thể trên máy bay.
Một hạn chế là nước thải chỉ có thể giám sát những hành khách đã sử dụng nhà vệ sinh trong chuyến bay.
Cũng phải mất nhiều ngày để thu thập, kiểm tra, sắp xếp và phân tích các phát hiện.
Điều này khiến khó có thể nhanh chóng hành động dựa trên kết quả.
"Một khi bạn có thông tin, bạn có thể làm gì với nó ? Gọi lại tất cả những người trên máy bay ư ?" ông Marechal hỏi. "Biện pháp thì hay nhưng quá muộn để có thể ra tay hành động".
Sát ngày Bắc Kinh mở cửa, thêm nhiều nước buộc khách Trung Quốc xét nghiệm Covid
Thùy Dương, RFI, 07/01/2023
Càng sát đến ngày 08/01/2023, đánh dấu hôm Trung Quốc chính thức từ bỏ hoàn toàn chính sách Zero Covid, càng có thêm nhiều nước Châu Âu áp dụng quy định yêu cầu xét nghiệm âm tính đối với hành khách đến từ Trung Quốc.
Một nhóm du khách Trung Quốc được hướng dẫn đến trung tâm xét nghiệm Covid-19 tại Sân Bay Quốc Tế Incheon (Hàn Quốc), ngày 04/01/2023. Reuters – Kim Hong-ji
Kể từ 08/01/2023, Trung Quốc mở cửa trở lại với thế giới bên ngoài, chấm dứt biện pháp cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh vào Trung Quốc, đồng thời không hạn chế người dân đi du lịch nước ngoài. Tối hôm qua 06/01, bộ Y Tế Bồ Đào Nha thông báo hành khách từ Trung Quốc đến Bồ Đào Nha trước khi lên máy bay phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Trong chuyến bay, hành khách phải đeo khẩu trang.
Để cơ quan y tế Bồ Đào Nha có thể xác định các biến thể đang lưu hành, kể từ hôm nay 07/01, một số hành khách hạ cánh xuống sân bay ở Bồ Đào Nha sẽ phải xét nghiệm "ngẫu nhiên nhưng bắt buộc". Nước thải từ sân bay Lisboa và từ các máy bay xuất phát từ Trung Quốc cũng sẽ được phân tích.
Theo AFP, Hà Lan, tuân theo khuyến cáo của Liên Hiệp Châu Âu, cũng yêu cầu hành khách đến từ Trung Quốc trình xét nghiệm âm tính. Biện pháp có hiệu lực kể từ 10/01/2023. Bộ trưởng Y Tế Hà Lan trong thông cáo còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nâng cấp các quy định lên tầm mức chung cho cả khối. Hà Lan cũng đang xem xét biện pháp phân tích nước thải ra từ các máy bay.
Trái với sự thận trọng của Châu Âu, khu vực Đông Nam Á lại tỏ ra cởi mở hơn với các hành khách đến từ Trung Quốc. Đặt cược vào du khách Trung Quốc để vực dậy ngành du lịch, hôm thứ Năm 05/01, chính quyền Thái Lan thông báo hành khách đến từ Trung Quốc không cần trình kết quả xét nghiệm. Việt Nam cũng không đề ra các quy định hạn chế đối với hành khách đến từ nước láng giềngTrung Quốc.
Đối với nhiều nước, trong đó có Úc, du khách Trung Quốc sẽ mang lại một nguồn thu lớn cho kinh tế. Bloomberg dẫn JPMorgan Chase & Co, cho biết sinh viên và du khách Trung Quốc có thể đóng góp gần 1% vào kinh tế của Úc trong hai năm tới đây.
Thùy Dương
*************************
Covid-19 : Trung Quốc muốn sản xuất thuốc của Pfizer và vac-xin ARN nội địa
Thu Hằng, RFI, 07/01/2023
Trung Quốc đang tăng tốc triển khai các biện pháp điều trị bệnh Covid-19 sau khi đột ngột ngừng chính sách zero Covid khiến số ca nhiễm tăng vọt. Bắc Kinh được cho là đang đàm phán về giấy phép với hãng Pfizer để sản xuất thuốc điều trị Covid. Gần như cùng lúc, một công ty dược Trung Quốc thông báo sản xuất thử vac-xin theo công nghệ ARN thông tin.
Một hộp thuốc trị Covid của hãng Pfizer. © Reuters
Ba nguồn tin cho hãng thông tấn Anh Reuters biết hôm 06/01/2023 là Cục Quản lý Dược quốc gia Trung Quốc đã đàm phán từ tháng 12/2022 với công ty Mỹ Pfizer để được phép sản xuất và phân phối thuốc đồng dạng (generic) của thuốc Paxlovid điều trị Covid-19. Bắc Kinh hy vọng đạt được thỏa thuận trước Tết Nguyên Đán ngày 22/01. Hai công ty dược phẩm ứng viên có thể là Huahai và CSPC đã tiến hành nhiều thử nghiệm trong những tuần gần đây.
Được Trung Quốc cấp phép sử dụng vào tháng 02/2022, thuốc Paxlovid giúp giảm nguy cơ nhập viện tới 90% và được đông đảo người dân Trung Quốc tìm kiếm, thậm chí là đặt mua ở nước ngoài và gửi về nước. Vào tháng 12/2022, Pfizer đã ký thỏa thuận xuất khẩu thuốc Paxlovid sang Trung Quốc thông qua một công ty địa phương để thuốc được phân bổ rộng rãi hơn. Bắc Kinh cũng gây sức ép để Pfizer giảm giá thuốc Paxlovid, được chính phủ dự kiến đưa vào chương trình bảo hiểm y tế.
Gần như cùng lúc, công ty dược phẩm CanSino Biologics Inc thông báo trên mạng xã hội tối 05/01 rằng công ty này đang bước vào "giai đoạn sản xuất thử nghiệm" vac-xin ARN thông tin ngừa Covid-19 đã được Pfizer và Moderna sản xuất. Vac-xin mang tên CS/2034 nhắm đến những biến thể mới của Omicron, chiếm đa số các ca nhiễm tại Trung Quốc kể từ khi chính phủ đột ngột từ bỏ chiến lược zero Covid.
Dù vậy, chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục kiểm duyệt những tiếng nói chỉ trích về chính sách chống dịch và tình trạng thiếu thuốc. Mạng xã hội Vi Bác cho biết đã đóng 1.120 tài khoản, trong đó có nhiều người nổi tiếng, bị cáo buộc là "sử dụng đại dịch để gây rối trật tự công cộng".
Thu Hằng
***********************
Covid : Trung Quốc cập nhật tình hình dịch tễ với WHO
Thanh Hà, RFI, 06/01/2023
Sát ngày Bắc Kinh mở cửa, thêm nhiều nước buộc khách Trung Quốc xét nghiệm Covid
Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại một bệnh viện ở thành phố Phong Dương (Fengyang), tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), Trung Quốc, ngày 05/01/2023. © Noel Celis / AFP
Tổ chức Y tế Thế giới WHO hôm 05/01/2023 cho biết đã nhận được báo cáo của Bắc Kinh cập nhật tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Tổ chức Y tế Thế giới thông báo, sau nhiều tuần lễ im lặng, Trung Quốc gửi trở lại một số tài liệu cập nhật về tình hình dịch tễ. Bắc Kinh cho biết số ca dương tính với virus corona tăng gần 50% trong vòng một tuần lễ. Trên toàn quốc có 22.416 bệnh nhân Covid, thấp hơn nhiều so với đỉnh dịch hồi đầu tháng 12/2022, khi đó 29.000 bệnh nhân được điều trị trong các bệnh viện. Nhưng hãng tin Anh Reuters ghi nhận giới chuyên gia không còn mấy tin tưởng vào những con số chính thức của Bắc Kinh.
Trưa nay, Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc thông báo đã đề xuất một số "biện pháp kiểm soát và quy trình" để thích nghi với diễn biến của dịch trong thời gian gần đây. Cũng trong ngày 06/01, bên bộ Giao Thông kêu gọi người dân hạn chế đi lại vào dịp Tết Nguyên Đán, đặc biệt là đối với "người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ".
Trung Quốc khó che đậy thực tế dịch Covid-19
Dù chỉ thông báo một vài ca tử vong mỗi ngày, nhưng hình ảnh tại các bệnh viện bị quá tải, các nhà thiêu hoạt động hết công suất khiến ngay cả công luận Trung Quốc cũng hoài nghi về những thông cáo chính thức của các giới chức y tế.
Thêm vào đó là tin một số nhân vật nổi tiếng ở Hoa lục tử vong, bị cho là vì Covid. Trong số này có Trữ Lan Lan (Chu Lanlan), ngôi sao hàng đầu của sân khấu nghệ thuật hát tuồng Bắc Kinh. Nữ diễn viên này qua đời ở tuổi 40. Một số tên tuổi khác trong làng nghệ thuật Trung Quốc và nhất là những người cao tuổi như nam diễn viên Cung Cầm Đường (Gong Jintang), nhà soạn kịch Bích Trân (Ni Zhen )… và không dưới 16 nhà khoa học lão thành của Trung Quốc đã qua đời trong vòng chưa đầy 3 tuần lễ vừa qua.
Đài Loan lại đề nghị hỗ trợ Hoa lục đối phó với đại dịch
Báo chí Đài Bắc hôm 05/01 cho biết, chính quyền Đài Loan một lần nữa đề nghị hỗ trợ Trung Quốc đối phó với làn sóng dịch Covid đang dâng cao. Hiện tại, Trung Quốc không hồi âm.
Trước đó, trong thông điệp đầu năm mới, tổng thống Thái Anh Văn đã đề nghị "hỗ trợ" Trung Quốc về mặt y tế, song bà nói thêm "các hoạt động quân sự gần hòn đảo này không đóng góp cho hòa bình và ổn định" trong khu vực. Bộ Y Tế Đài Loan đề nghị cung cấp thuốc và vac-xin cho Hoa lục, nhưng hãng thông tấn Đài Loan CNA "không chắc" Bắc Kinh sẽ chấp nhận cử chỉ hòa hoãn này.
Thanh Hà