Theo AFP, hôm qua 10/03/2017, từ trụ sở tại La Haye, Tổ Chức Quốc Tế Cấm Vũ Khí Hóa Học (OIAC) đã lên án việc sử dụng vũ khí hóa học trong vụ sát hại Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/02 vừa qua.
Xe xảnh sát Malaysia chặn lối ra vào của đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Kuala Lumpur.Reuters
Trong thông cáo ra hôm qua, cơ quan quốc tế về vũ khí hóa học tỏ "lo ngại sâu sắc về việc chất độc thần kinh VX, một loại vũ khí hóa học, đã được dùng trong vụ sát hại ngày 13/02/2017 tại Kuala Lumpur, theo như thông báo của chính phủ Malaysia".
Ban lãnh đạo của Tổ Chức Quốc Tế Cấm Vũ Khí Hóa Học cũng bày tỏ mong muốn hỗ trợ kỹ thuật cho chính quyền Malaysia, nếu họ yêu cầu trong khuôn khổ điều tra vụ án mạng tại sân bay Kuala Lumpur vừa qua. OIAC cũng rất mong nhận được các kết quả chính thức của vụ việc này khi cuộc điều tra kết thúc.
Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong-un, lãnh đạo Bắc Triều, hôm 13 /02 vừa qua đã tử vong sau khi bị hai phụ nữ, một mang quốc tịch Việt Nam và một mang quốc tịch Indonesia, xịt vào mặt một loại hóa chất độc. Chính quyền Malaysia đã kết luận đó là loại chất độc thần kinh cực mạnh VX. Chất độc này đã được Liên Hiệp Quốc xếp vào loại vũ khí hóa học, bị cấm tuyệt đối.
Vụ án mạng đã khiến quan hệ ngoại giao hai nước Malaysia – Bắc Triều Tiên trở nên căng thẳng chưa từng có, tới mức phải sử dụng các biện pháp trả đũa nhau như trục xuất đại sứ, bên này cấm xuất cảnh kiều dân của bên kia.
Căng thẳng bắt đầu từ khi Kuala Lumpur bác bỏ yêu cầu của phía Bình Nhưỡng, như phản đối giải phẫu tử thi, đòi trao trả xác nạn nhận vụ án mạng mà họ không thừa nhận đó là Kim Jong-nam.
Vụ việc còn lan sang cả lĩnh vực thể thao. Hôm qua, Liên Đoàn Bóng Đá Châu Á (AFC) thông báo hoãn trận đấu giữa đội tuyển Bắc Triều Tiên và Malaysia vào ngày 28/03 tới trong khuôn khổ vòng loại Cúp Châu Á 2019. Lý do là vì leo thang căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.
Anh Vũ
Tôi muốn tìm nguyên do tại sao các báo tại Việt Nam mất một tuần trước lúc nêu danh tính nghi phạm Đoàn Thị Hương trong vụ sát hại ông Kim Jong-nam.
Hình của cảnh sát Malaysia công bố ghi rõ số hộ chiếu C1031046 của nghi phạm Đoàn Thị Hương và ngày đến từ Hà Nội
Hãy thử điểm lại diễn biến vụ việc được tường thuật trên mặt báo để xem tác nghiệp của các nhà báo thế nào.
Hôm 15/2, cảnh sát Malaysia phát đi thông cáo về việc bắt giữ nghi phạm Đoàn Thị Hương sinh ngày 31/5/1988 tại Nam Định và tiếp đó có thông báo người này bị tạm giam bảy ngày.
Từ thời điểm ấy, hầu hết các báo Việt Nam đều đưa tin về vụ án và nghi phạm này nhưng không hề đề cập hai chữ 'Việt Nam' trong các bản tin, một số chỉ ghi là 'nghi phạm Châu Á'.
Đêm 19/2, Reuters đăng bài tường thuật lời một người đàn ông ở Nam Định nói rằng ông tin em gái mình là nghi phạm Đoàn Thị Hương.
Chiều 20/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam phát đi thông cáo nói phía Malaysia "chưa cho tiếp xúc lãnh sự với Đoàn Thị Hương".
Sau thời điểm này, một loạt báo như VnExpress, Thanh Niên… mới có bài chi tiết về nhân thân của nghi phạm này.
Có thể đoán để làm các bài này, tòa soạn đã phải chuẩn bị trước.
Hôm 21/2, một người làm công tác tòa soạn tại một nhật báo ở TP. Hồ Chí Minh trả lời BBC nhưng đề nghị không nêu danh tính : "Chính xác là không ai cấm đăng [vụ Đoàn Thị Hương], nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban tuyên giáo đã khuyến nghị rằng do vụ việc phức tạp, chưa thể xác minh được nhân thân cô này nên đề nghị [các báo] chờ khi có xác minh thì đăng"
"Trong thời gian chờ đợi, các tòa soạn vẫn cử phóng viên đi xác minh tại địa phương của Đoàn Thị Hương và để bài nằm đó".
"Cũng không ai nói cho đăng mà khi thông tin từ Malaysia quá rõ và công khai rồi, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng rồi thì đăng thôi".
'Không suy diễn'
BBC được tiếp cận với một email được cho là do Ban tuyên giáo gửi hôm 21/2 với nội dung : "Vụ công dân Triều Tiên có tên là Kim Chon bị ám sát có phải là anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên hay không cơ quan chức năng Malaysia đang cho xét nghiệm ADN".
"Do đó, các báo không suy diễn, không liên hệ các mối quan hệ giữa cá nhân, quan hệ Việt- Triều Tiên- Hàn Quốc".
"Đặc biệt, việc cảnh sát Malaysia bắt nghi phạm người Việt mang hộ chiếu là Đoàn Thị Hương [thì] các báo càng đặc biệt thận trọng".
"Nếu đưa không cẩn thận, không có nguồn chính thống, khả năng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của người Việt Nam tại Malaysia cũng như ảnh hưởng hình ảnh của Việt Nam".
"Việc cảnh sát mới bắt nghi phạm nhưng có báo đã về quê Nam Định của cô gái này, rồi khai thác đời tư, đăng chia sẻ của bố mẹ, gia đình nghi phạm là thiếu nhạy cảm".
Trong bối cảnh truyền thông xã hội trở thành nguồn cung cấp tin tức - cả tin thật, tin giả - cho công chúng, dễ hiểu khi nhiều người Việt Nam cảm thấy sốt ruột.
Trên một diễn đàn về nghề báo hôm 21/2, một facebooker đặt câu hỏi : "Làng báo Việt Nam kể cũng lạ. Một tin nhỏ xíu như diễn viên Megan Fox có nuôi thú cưng là một chú heo mọi gốc Việt thì đưa tin rất nhanh, trong lúc những tin quan trọng hơn như về vụ Đoàn Thị Hương thì lại rất dè dặt".
"Phải chăng các tòa soạn cho rằng nếu không đọc báo chính thống thì người đọc không có cách nào để tiếp cận thông tin về vụ việc trên báo nước ngoài hoặc mạng xã hội ?".
"Nghĩ như thế thì bao giờ báo chí Việt Nam mới xứng đáng để người đọc đặt niềm tin là nơi đăng tải sự thật chứ không phải 'sự thật phiên phiến' như kiểu 'một nữ nghi phạm Châu Á' khi viết về Đoàn Thị Hương".
Hôm 21/2, ông Nguyễn Thành Phong, Cựu tổng biên tập báo Dân Sinh, nói với BBC : "Theo thông lệ thì báo Việt Nam phản ứng rất nhanh với những thông tin quốc tế liên quan đến người Việt".
"Nhưng những thông tin mang tính tích cực như thành tích, việc tốt người tốt thì họ đưa nhanh hơn, còn những thông tin tiêu cực như nghi phạm người Việt thì [các tòa soạn] cần có thời gian tìm hiểu kỹ hơn".
"Nói theo dân gian thì 'tốt khoe ra, xấu che lại".
"Sự cẩn trọng của những người làm báo tại Việt Nam là cần thiết để giảm thiểu rủi ro bị phạt hoặc bị lên án, mất uy tín nếu đưa tin sai".
Ben Ngô
Vụ Kim Jong-nam ảnh hưởng đến quan hệ của Việt Nam ra sao ? (VOA, 16/02/2017)
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng một ngày sau khi báo chí quốc tế nói một phụ nữ mang giấy tờ Việt Nam bị bắt ở Malaysia vì liên quan đến vụ ám sát anh trai của lãnh tụ Bắc Triều Tiên.
Ảnh chụp từ camera an ninh của nghi phạm ám sát ông Kim Jong-nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng một ngày sau khi báo chí quốc tế nói một phụ nữ mang giấy tờ Việt Nam bị bắt ở Malaysia vì liên quan đến vụ ám sát anh trai của lãnh tụ Bắc Triều Tiên.
Hôm 16/2, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà nói tại một cuộc họp báo :
"Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với phía Malaysia để làm rõ những thông tin liên quan". Bà cũng khẳng định : "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nước trong công tác phòng chống, đấu tranh với các loại tội phạm".
Tuyên bố của bà Trà và tin tức trên báo chí trong nước đăng lại sau đó không có một chữ nào nhắc đến việc cảnh sát Malaysia ra thông báo hôm 15/2, nói rằng họ đã bắt một nữ nghi phạm mang giấy thông hành Việt Nam, với danh tính là Doan Thi Huong, sinh ngày 31/5/1988, quê Nam Định.
Cho dù Bắc Triều Tiên đã xác nhận rằng người đàn ông mới bị giết tại Malaysia là ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, song tại cuộc họp báo ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao vẫn chỉ dùng cụm từ "công dân Triều Tiên Kim Chol" khi nói về vụ việc này.
Bà Nguyễn Phương Trà nói Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi tội phạm dưới mọi hình thức và mọi mục đích.
Tin tức mới nhất cho hay đến thời điểm này cảnh sát Malaysia đã bắt giữ 3 nghi phạm trong đó có hai nữ, một nam. Trong số này, một nữ nghi phạm mang giấy tuỳ thân Việt Nam, một nữ nghi phạm mang giấy tờ Indonesia. Nam nghi phạm được cho là bạn trai của một trong hai nữ nghi phạm.
Khác với Việt Nam, Indonesia xác nhận một trong các nữ nghi phạm là công dân nước này và cho biết đang yêu cầu được tiếp cận lãnh sự để hỗ trợ pháp lý.
Sự xuất hiện của một cái tên Việt Nam trong vụ án gây chấn động thế giới này dẫn đến nhiều người đặt ra câu hỏi quan hệ của Việt Nam với các nước liên quan sẽ bị ảnh hưởng ra sao.
Ông Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, bình luận với VOA rằng những diễn biến đã được đưa tin chỉ là "cái ngọn" trong khi gốc của vấn đề là "ai được lợi khi ông Kim Jong-nam bị giết".
Theo Tiến sĩ Trường, Việt Nam "không đứng sau" và không bị ảnh hưởng bởi vụ này :
"Theo tôi Việt Nam không có lợi ích gì trong việc tiêu diệt, giết nhân vật như vậy liên quan đến Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Ở đây có mấy người có thể cần phải nghi vấn. Thứ nhất là Bình Nhưỡng. Thứ hai là Bắc Kinh. Thứ ba là Hàn Quốc. Thứ tư là Nhật Bản. Rồi thứ năm mới đến các nhân tố khác. Nhưng mà theo tôi ở đây người đứng đằng sau thì liên quan nhiều đến Bình Nhưỡng, bởi vì đây là một lá bài của Trung Quốc. Các cơ quan tình báo của Trung Quốc từng đã nói với Bình Nhưỡng là ông Kim Jong-nam là bạn của Trung Quốc, vì vậy đừng có đụng vào. Thế thì bây giờ ai đụng vào con bài này của Trung Quốc ? Con bài của Trung Quốc dùng để làm gì ? Tại sao lại có một thế lực muốn diệt con bài mà Trung Quốc xem là bạn của mình ? Còn tôi nghĩ chuyện này không ảnh hưởng gì đến quan hệ giữa Việt Nam với Malaysia và Trung Quốc. Và theo tôi cái này không có vai trò của Việt Nam, không có lợi ích của Việt Nam và không ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế của Việt Nam".
Vị chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế đặt ở Hà Nội cho rằng vụ ám sát ông Kim Jong-nam sẽ ảnh hưởng đến cặp quan hệ Bình Nhưỡng-Bắc Kinh. Tiến sĩ Trường cũng thận trọng nói thêm rằng "nhiều vấn đề sẽ vĩnh viễn không có lời giải đáp".
*******************
Nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam 'chưa ra tòa' (BBC, 15/02/2017)
Ảnh người được cho nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam cắt từ camera an ninh được công bố trên truyền thông Nam Hàn và Malaysia
Nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam trong vụ sát hại anh trai của lãnh đạo Bắc Hàn "chưa ra tòa và đang bị tạm giam bảy ngày", cảnh sát trưởng bang Selangor, Malaysia cho hay.
Hôm 15/2, tin cho hay nghi phạm đầu tiên bị cho liên quan vụ ám sát ông Kim Jong-nam, anh của lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un là một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam tên Doan Thi Huong, sinh năm 1988, ở tỉnh Nam Định.
Camera an ninh ở sân bay hàng không giá rẻ ở Kuala Lumpur cho thấy người này mặc chiếc áo có chữ viết tắt LOL (Laugh Out Loud - Cười lớn).
Cảnh sát Malaysia ra trát bắt nghi phạm này cùng ngày.
Vụ bắt giữ được nói diễn ra hai ngày sau vụ ám sát tại chính sân bay mà Kim Jong-nam bị giết.
Người phụ nữ bị bắt được nói đang chuẩn bị lên máy bay rời Malaysia.
Không có bất kỳ thông tin nào về phiên tòa xử nghi phạm Doan Thi Huong dự kiến diễn ra hôm 16/2.
Chiều 16/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam phát đi thông cáo dẫn lời bà Nguyễn Phương Trà, phó phát ngôn viên cho hay : "Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi tội phạm dưới mọi hình thức và mọi mục đích".
"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nước trong công tác phòng chống, đấu tranh với các loại tội phạm".
"Liên quan đến vụ việc vừa xảy ra tại Malaysia, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với phía Malaysia để làm rõ những thông tin liên quan".
Hôm 16/2, BBC gọi ông Abdul Samah Mat, cảnh sát trưởng bang Selangor, Malaysia nhiều lần nhưng ông không nghe máy.
Sau đó, AFP dẫn lời ông này nói rằng phiên tòa dự kiến xử nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam không diễn ra hôm 16/2 và hiện người này đang bị tạm giam bảy ngày cùng nghi phạm mang hộ chiếu Indonesia Siti Aishah.
Hôm 16/2, BBC liên hệ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia qua điện thoại và email nhưng đều không nhận được phản hồi.
'Chỉ là suy đoán'
BBC cũng liên hệ với Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, về vụ việc nhưng ông nói nhanh qua điện thoại : "Tôi đang họp cả ngày. Phóng viên hãy gọi lại sau".
Hôm 16/2, Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid xác nhận thi thể người Bắc Hàn chính là Kim Jong-nam, theo Thông tấn xã Malaysia Bernama.
"Danh tính ông này được xác nhận sau khi chúng tôi đối chiếu với giấy tờ và lý lịch ông do đại sứ quán Bắc Hàn cung cấp," thủ tướng Malaysia nói tại cuộc họp báo.
Khi được hỏi liệu danh tính của thi thể người Bắc Hàn có được xác nhận bằng ADN, ông Zahid nói cảnh sát và bệnh viện sẽ có thông cáo về việc này vì "đó chỉ là vấn đề thủ tục".
Ông cũng nói chính phủ Malaysia sẽ đáp ứng yêu cầu trao trả thi thể từ phía Bắc Hàn. Ông nói thêm : "Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được yêu cầu chính thức nào từ phía người thân của ông Jong-nam, nhưng có lẽ họ đã gửi yêu cầu thông qua sứ quán Bắc Hàn".
Trả lời một câu hỏi khác, ông nói cái chết của Kim Jong-nam không ảnh hưởng đến quan hệ song phương giữa Malaysia và Bắc Hàn.
Ông nói : "Chưa có bất kỳ quan chức Bắc Hàn nào liên hệ trực tiếp với chúng tôi về vụ việc này nhưng tôi biết họ có liên lạc với Bộ Ngoại giao Malaysia".
Ông cũng nói việc suy đoán Bắc Hàn đứng sau vụ ám sát "đến nay chỉ là suy đoán".
Ông nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ tăng cường an ninh tại các sân bay Malaysia.
********************
Vụ bắt giữ một cô gái mang giấy tờ Việt Nam được cho là có dính líu tới vụ ám sát anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un gây "chấn động" người Việt sinh sống và làm việc ở Malaysia, trong khi cảnh sát nước này cho biết đã bắt thêm hai người khác.
Tin mới nhất từ Kuala Lumpur hôm 16/2 cho biết rằng thêm hai nghi can, một nữ công dân Indonesia và bạn trai người Malaysia, đã bị bắt giữ, đưa số người bị bắt vì bị nghi dính líu tới vụ sát hại ông Kim Jong-nam lên ba người.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi chính thức xác nhận rằng nạn nhân bị sát hại ở phi trường quốc tế ở thủ đô Kuala Lumpur là người anh em bị ông Kim Jong-un ghẻ lạnh bấy lâu nay, đồng thời cho biết thêm rằng nước ông sẽ trao thi thể ông Jong-nam cho phía Bình Nhưỡng sau khi kết thúc các thủ tục cần thiết, theo AP.
Ông Hamidi cũng cho biết rằng người anh trai cùng cha khác mẹ của ông Jong-un mang theo hai loại giấy tờ tùy thân, một thật và một giả. Trong khi đó, Việt Nam hôm 16/2 cho biết "đang phối hợp chặt chẽ với phía Malaysia để làm rõ những thông tin liên quan" đến "việc công dân Triều Tiên Kim Chol được cho là bị sát hại tại Malaysia".
Kim Chol là tên trên hộ chiếu mà ông Kim Jong-nam mang theo người khi tới Malaysia, theo truyền thông Hàn Quốc.
Các quan chức tình báo Hàn Quốc, theo AFP, nói rằng người anh em của lãnh tụ Bắc Hàn đã bị một nhóm người "đầu độc" ngay giữa thanh thiên bạch nhật khi đang chuẩn bị bắt chuyến bay tới Macau hôm 14/2.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc hôm 16/2 dẫn lời nguồn tin tình báo nói rằng lãnh tụ trẻ tuổi của Bắc Hàn Kim Jong-un "đã ra chỉ thị giết người anh trai" kể từ năm 2011 sau cái chết bất ngờ của người cha, ông Kim Jong Il. Ngoài ra, tin cho hay, từng xảy ra một vụ ám sát hụt năm 2012. Phía Bình Nhưỡng chưa có phản ứng về thông tin này.
Về việc một cô gái mang giấy tờ Việt Nam mà cảnh sát Malaysia thông báo là Doan Thi Huong, 29 tuổi, từ Nam Định, Việt Nam, bị bắt vì nghi dính líu tới vụ ám sát, chị Thảo Nguyễn, đang sinh sống và làm việc ở tỉnh Johor, miền nam Malaysia, cho VOA Việt Ngữ biết rằng chị "không thể tin nổi".
Nhiều người cũng quan tâm. Nhiều người người ta theo dõi cái chi tiết, cái cụ thể, cái sự việc. Nó rất là hoang đường. Một người Việt của mình mà tại sao lại dính líu tới vụ án nghiêm trọng như thế ? Không biết trong nội tình nó như thế nào.
Chị Thảo Nguyễn, một người Việt ở Malaysia, nói.
Chị nói thêm : "Nhiều người cũng quan tâm. Nhiều người người ta theo dõi cái chi tiết, cái cụ thể, cái sự việc. Nó rất là hoang đường. Một người Việt của mình mà tại sao lại dính líu tới vụ án nghiêm trọng như thế ? Không biết trong nội tình nó như thế nào".
Chị Thảo nói thêm rằng qua thông tin chị đọc được trên mạng, tình tiết của vụ án "giống như là bị oan hoặc là bị người ta gài hay sao ấy".
Hiện có nhiều thông tin trái ngược trên các trang báo điện tử của Malaysia về việc bà Doan Thi Huong bị lừa tham gia vào vụ ám sát. Chính quyền Kuala Lumpur chưa khẳng định hay bác bỏ thông tin này.
Reuters dẫn lời hãng tin Bernama cho biết rằng người phụ nữ mang giấy tờ Việt Nam bị bắt khi đang tìm cách rời Malaysia qua cửa dành cho những người sử dụng hàng không giá rẻ.
Trang Facebook của Cảnh sát Quốc gia Malaysia có dẫn lại một bài báo có đăng hình ảnh cắt từ camera an ninh, cho thấy một người phụ nữ tóc ngắn ngang vai mặc một chiếc áo có chữ "LOL" (viết tắt của từ tiếng Anh thể hiện cảm xúc vui tươi), được cho là bà Doan Thi Huong.
Công dân Việt Nam ?
Lực lượng giữ gìn an ninh trật tự của Malaysia được AP dẫn lời cho biết đang xác minh sự xác thực của giấy tờ của bà Huong cũng như hai người mới bị bắt. Trong tuyên bố ngày 16/2, chính phủ Việt Nam cũng không khẳng định nghi can có tên Doan Thi Huong là công dân Việt Nam.
Malaysia là một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn của Việt Nam ở Đông Nam Á. Theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, hiện có khoảng 80.000 lao động Việt Nam làm việc tại đó.
Anh Nguyễn Vô Thường, một người làm dịch vụ đưa đón khách du lịch ở Kuala Lumpur, cho VOA Việt Ngữ biết rằng cộng đồng người Việt ở thủ đô Malaysia cũng quan tâm tới vụ việc, nhất là chuyện cô gái đó "có theo một nhóm nào đó hay không".
Anh nói thêm về tình hình cộng đồng người Việt hiện nay ở Malaysia : "Người Việt ở bên đây cũng lộn xộn. Cũng có nhiều vụ việc liên quan tới người Việt mình. Cướp giật cũng có. Người Việt giết người Việt luôn cũng nhiều. Bạn bè giết nhau. Mâu thuẫn rồi giết nhau là có. Tình cảm cũng có".
"Không bất ngờ"
Chính vì từng xảy ra nhiều vụ việc như thông tin anh Thường nêu, nên chị Kim Huệ, một người Việt kinh doanh nhỏ lẻ ở tỉnh Penang, Malaysia, cho VOA Việt Ngữ biết rằng chị không bất ngờ khi nghe tin người có thể là công dân Việt dính líu tới vụ giết hại anh trai của lãnh tụ Bắc Hàn.
Bên Mã Lai (Malaysia) thì những vụ đó, thú thật, xảy ra thường xuyên. Nói chung người Việt mình ở đâu cũng phức tạp hết. Con trai thì rượu chè, cờ bạc nọ kia, còn con gái thì á… Nói tóm lại, ai suy nghĩ được thì công việc tốt, còn không suy nghĩ được thì khổ, thế thôi. Người Việt mình nói chung đi đến đâu bớt được ít nào hay ít đấy. Tránh được ai thì hay người đó.
Chị Kim Huệ, một người Việt ở Malaysia, nói.
Chị nói thêm : "Bên Mã Lai (Malaysia) thì những vụ đó, thú thật, xảy ra thường xuyên. Nói chung người Việt mình ở đâu cũng phức tạp hết. Con trai thì rượu chè, cờ bạc nọ kia, còn con gái thì á… Nói tóm lại, ai suy nghĩ được thì công việc tốt, còn không suy nghĩ được thì khổ, thế thôi. Người Việt mình nói chung đi đến đâu bớt được ít nào hay ít đấy. Tránh được ai thì hay người đó".
Báo chí Malaysia và Việt Nam trong thời gian qua đưa tin về nhiều vụ vi phạm pháp luật liên quan tới người Việt. Có thể tìm thấy những hàng tít như : "Người Việt bị đồng hương đâm chết ở Malaysia", "Một người Việt bị chém chết ở Malaysia" hay "Malaysia bắt 47 người Việt sau đợt truy quét lớn"…
Khi được hỏi vụ nữ nghi can mang giấy tờ Việt Nam bị bắt ảnh hưởng ra sao tới hình ảnh của người Việt ở Malaysia, chị Thảo Nguyễn cho rằng người địa phương sẽ nhìn người Việt bằng "cái nhìn khác nữa".
Chị nói tiếp : "Dân ở bên đây nó nhìn người Việt mình không bằng nửa con mắt. Nó coi người Việt mình không ra cái gì. Thêm một cái vụ này chị thấy người Việt mình sống ở bên đây rất là thiệt thòi về cái mặt tinh thần với lại cách đối xử của người bản xứ với người dân của mình khi mà họ qua đây họ làm. Đó là thật lòng. Cái bản năng của chị suy nghĩ như thế".
*****************
Vụ Kim Jong-nam : Malaysia bắt giữ thêm hai người (BBC, 16/02/2017)
Kim Jong-nam
Cảnh sát Malaysia bắt thêm 2 người: một phụ nữ Indonesia và một nam giới Malaysia, bị cho liên quan vụ sát hại ông Kim Jong-nam hôm 13/2.
Cuộc khám nghiệm tử thi đối với thi thể ông Kim Jong-nam, anh trai của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, đã được thực hiện xong.
Ông Kim tử vong hôm thứ Hai sau khi có vẻ như đã bị đầu độc trong lúc đang chuẩn bị đáp chuyến bay từ Kuala Lumpur, Malaysia.
Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi hôm thứ Năm 16/2 đã chính thức xác nhận rằng người đàn ông tới nước này dưới tên Kim Chol là Kim Jong-nam, theo Thông tấn xã nhà nước Malaysia Bernama.
Ông phó thủ tướng cũng được dẫn lời nói sau khi việc khám nghiệm và các thủ tục khác hoàn tất, Malaysia có thể cho phép chuyển thi thể người bị giết về Bắc Hàn.
Một người phụ nữ sẽ ra tòa vào hôm thứ Năm, và một người phụ nữ nữa đã vừa bị bắt, cảnh sát nói.
Có những đồn đoán rộng khắp rằng Bắc Hàn đứng đằng sau vụ giết hại ông Kim, nhưng tin này chưa được xác nhận.
Cảnh sát Malaysia công bố nghi phạm thứ hai là một phụ nữ mang hộ chiếu Indonesia
Bắc Hàn hôm thứ Năm đang kỷ niệm dịp sinh nhật lần thứ 75 ông Kim Jong-il, nhà lãnh đạo quá cố, cha của ông Kim Jong-nam và ông Kim Jong-un.
Người ta thấy ông Kim Jong-un có mặt tham dự cuộc họp của đảng cầm quyền hôm thứ Tư.
Các hình ảnh được phát đi trên truyền thông nhà nước của Bắc Hàn cho thấy ông có vẻ mặt đằng đằng sát khí, hãng tin Nam Hàn Yonhap nói, và ông không giơ tay vẫy chào khi rời đi, điều lẽ ra ông vẫn thường làm.
***************
Kim Jong-nam là ai ?
Tóm tắt tiểu sử
Kim Jong-nam, 46 tuổi, là anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un
Ông là con ngoài giá thú của Kim Jong-il với bà Sung Hae-rim, một diễn viên gốc Nam Hàn, người đã qua đời tại Moscow.
Năm 2001, ông Kim bị bắt khi tìm cách nhập cảnh Nhật Bản bằng hộ chiếu giả. Vụ này khiến ông bị thất sủng với cha.
Từ đó Kim Jong-nam sống cuộc đời thầm lặng chủ yếu ở nước ngoài, nhất là Macau.
Ông được cho là theo xu hướng muốn cải cách kinh tế ở Bắc Hàn và do vậy bất hòa với em trai Kim Jong-un.
Trong quá khứ, ông Kim Jong-nam đã từng bị ám sát hụt.
Kim Jong-nam dường như bị tấn công bằng hóa chất khi chuẩn bị lên máy bay về Macau từ sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2 nhưng vụ việc chỉ vỡ lở hôm 14/2.