Báo cáo : Trung Quốc đang nhanh chóng chế tạo vũ khí tân tiến nhắm vào Mỹ (VOA, 12/05/2018)
Trung Quốc đang nhanh chóng chế tạo vũ khí vũ trụ và các vũ khí tân tiến khác có các năng lực trí thông minh nhân tạo như một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh giành quyền thống trị về quân sự, theo một nghiên cứu được Quốc hội Mỹ tài trợ.
Một báo cáo do Quốc hội Mỹ tài trợ cũng kết luận rằng Mỹ đang tụt hậu so với Trung Quốc trong việc phát triển vũ khí tân tiến.
Các phi đạn chống vệ tinh và vệ tinh tiêu diệt, máy bay drone tấn công, phi đạn siêu âm, đầu đạn tự bẻ lái, tia laser và súng điện từ cao tốc là các hệ thống vũ khí then chốt mà Trung Quốc đang phát triển trong những năm tới để vượt qua Mỹ giành ưu thế quân sự.
"Tất cả các hệ thống vũ khí tân tiến của Trung Quốc đang tiến về phía trước với tốc độ tối đa và được coi là 'những ưu tiên vì Trung Quốc nhấn mạnh tổng thể vào việc tìm kiếm những lỗ hổng trong áo giáp của Mỹ", báo cáo cảnh báo, dẫn lại một chiến lược quân sự của Trung Quốc năm 2013.
Các vũ khí tân tiến là một phần của sự dịch chuyển trọng tâm quân sự của Bắc Kinh từ việc triển khai vũ khí "được thông tin hóa" công nghệ cao sang vũ khí "được thông minh hóa" – những năng lực mang tính cách mạng được thúc đẩy bởi trí thông minh nhân tạo và khả năng học hỏi của máy móc, báo cáo cho biết.
Nghiên cứu xem xét năm loại vũ khí tối tân đang được Trung Quốc phát triển : vũ khí vũ trụ, máy bay không người lái, đầu đạn tự bẻ lái, vũ khí năng lượng nhắm mục tiêu, và súng điện từ.
Báo cáo được soạn thảo bởi năm nhà phân tích cho nhà thầu quốc phòng Jane’s IHS Markit và được công bố hôm thứ Năm.
Bản báo cáo được công bố vào lúc chính quyền Trump có một sự dịch chuyển chiến lược công nhận Trung Quốc là một trong những mối đe dọa quốc gia lớn đối với Hoa Kỳ.
Các hệ thống vũ khí tân tiến sẽ gây mất ổn định ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương bằng cách làm đảo lộn các liên minh trong khi Trung Quốc tìm cách kiểm soát khu vực và sẽ gia tăng nguy cơ xung đột trong khu vực.
Báo cáo cũng kết luận rằng Mỹ đang tụt hậu so với Trung Quốc trong việc phát triển vũ khí tân tiến và sẽ phải tăng tốc để tránh bị vượt mặt.
"Hoa Kỳ có một khoảng thời gian ngắn ngủi, chỉ một thập niên, để phát triển các năng lực và khái niệm mới để chống lại các chương trình vũ khí tân tiến của Trung Quốc", báo cáo nói.
Nghiên cứu cũng thúc giục Mỹ củng cố một liên minh "tứ giác" ở Châu Á để chống lại Trung Quốc, với các đồng minh chủ chốt là Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.
"Phản ứng thích hợp phải qui tụ những lợi ích chồng chéo này và gắn kết chúng vào lợi thế của Mỹ và của liên minh, đáng chú ý là thông qua các kế hoạch có chủ ý để hiểu và chống lại các hành động gây bất ổn của Trung Quốc", báo cáo nói.
***********************
Su-35 của Trung Quốc tập trận bao vây Đài Loan, Hoa Kỳ quan ngại (RFI, 12/05/2018)
Chiến đấu cơ đa nhiệm Sukhoi Su-35. Ảnh chụp nhân Triển lãm hàng không không gian MAKS 2017 tại Zhukovsky, ngoại ô Moskva, ngày 21/07/2017. Reuters/Sergei Karpukhin
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ hôm qua 11/05/2018 đã bày tỏ quan ngại về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, và một lần nữa phản đối nỗ lực thay đổi hiện trạng tại eo biển Đài Loan. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bắc Kinh cho oanh tạc cơ và chiến đấu cơ tập trận bao vây Đài Loan, trong đó có Su-35 hiện đại lần đầu tham gia.
Theo CNA, phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ khi trả lời báo chí Đài Bắc cho biết : "Hoa Kỳ luôn quan ngại vì sự thiếu minh bạch về khả năng quân sự đang tăng lên của Trung Quốc, cùng với các ý đồ chiến lược liên quan. Hoa Kỳ phản đối các hành động đơn phương của bất kỳ bên nào nhằm thay đổi hiện trạng, kể cả việc dùng vũ lực hoặc bất cứ hình thức cưỡng bức nào khác".
Reuters dẫn thông cáo của không quân Trung Quốc nói rằng hôm qua các máy bay ném bom H-6K, cùng với các phi cơ trinh sát, đã bay thao dượt quanh Đài Loan nhằm "tăng cường khả năng chiến đấu". Đây là lần đầu tiên chiến đấu cơ Su-35 được huy động đến eo biển Ba Sĩ (Bashi) nằm giữa Philippines và Đài Loan, một trong các eo biển nối Biển Đông với Thái Bình Dương.
The Diplomat cũng dẫn nguồn từ không quân Trung Quốc cho biết cụ thể, một phi đội đã bay qua eo biển Miyako (nằm giữa các đảo Miyako và Okinawa của Nhật) rồi qua eo biển Ba Sĩ vòng quanh Đài Loan, còn một phi đội khác bay theo hướng ngược lại rồi quay về căn cứ.
Tham gia cuộc diễn tập đường dài này, bên cạnh các phi cơ tiêm kích hạng nặng tầm xa Su-35S còn có các oanh tạc cơ H-6K (Tây An H-6), phi cơ tiêm kích J-11 (Thẩm Dương J-11), máy bay vận tải quân sự tầm trung Shaanxi Y-8 (Thiểm Tây Y-8), máy bay trinh sát điện tử Tupolev Tu-154MD, KJ-2000 (Không Cảnh).
Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc hôm qua tuyên bố : "Không quân có quyết tâm, sự tự tin và khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ". Phát ngôn viên này khẳng định không quân Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các phi vụ đường dài, phù hợp với lịch tập luyện.
Để đáp trả, Đài Loan đã cho các chiến đấu cơ phản lực đa nhiệm F-16 Fighting Falcon lên bảo vệ không phận. Về phía Nhật Bản cũng điều các máy bay chiến đấu lên ngăn chận.
Trước đó, vào ngày 26/04/2018, Bắc Kinh cũng đã huy động oanh tạc cơ và chiến đấu cơ bay vòng quanh Đài Loan để "thực tập tác chiến chống lại các lực lượng đòi độc lập".
The Diplomat lưu ý, trong trường hợp có xung đột với Đài Loan hay Nhật Bản, nếu khống chế được eo biển Miyako và Ba Sĩ, Trung Quốc sẽ gây trở ngại cho sự can thiệp của bên thứ ba (như Hoa Kỳ chẳng hạn).
Thụy My
*******************
Trung Quốc lại tập trận quanh Đài Loan (RFA, 12/05/2018)
Trung Quốc ngày 11 tháng 5 lại cho máy bay ném bom và máy bay chiến đấu tiến hành tập trận xung quanh Đài Loan. Hoạt động này được cho nằm trong loạt tập trận nhằm đe dọa lực lượng đòi độc lập tại Đài Bắc.
Chiến đấu cơ Su-35, Su-35 bay cùng máy bay ném bom H-6K trong một cuộc tập trận của Trung Quốc. Reuters
Thông báo của Không quân Trung Quốc cho biết các máy bay ném bom H-6K và máy bay do thám cùng ngày đã diễn tập vây đảo Đài Loan, di chuyển theo hai hướng ngược nhau và nhận định đây là "một bước nâng cấp về năng lực tác chiến". Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc điều động máy bay chiến đấu Su-35 hộ tống các máy bay ném bom di chuyển qua eo biển Ba Sĩ, nằm giữa Đài Loan và Philippines.
Quân đội Trung Quốc gần đây tăng cường các hoạt động quân sự nhắm đến Đài Loan trong đó thường xuyên sử dụng máy bay ném bom H-6K. Tháng trước, Hải quân Trung Quốc cũng tổ chức một đợt tập trận bắn đạn thật trên eo biển Đài Loan.
Hôm 9/5 vừa qua, Không quân Trung Quốc đã lần đầu tiên cho bay huấn luyện máy bay tàng hình J-20 trên biển trong điều kiện thực chiến, nói là nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Tin liên quan, Hạ viện Hoa Kỳ ngày 10 tháng 5 đã thông qua một dự luật tăng cường năng lực quân sự của Đài Loan.
Mục "Tăng cường sự sẵn sàng cho quân đội Đài Loan" của dự luật cho biết sẽ mở rộng đào tạo quân sự chung giữa Đài Bắc và Washington, đồng thời hỗ trợ Hoa Kỳ bán vũ khí cho đảo quốc này.
Phía Mỹ sẽ đánh giá toàn diện và trao đổi với Đài Loan về cách tăng cường và cải cách lực lượng quân sự của Đài Loan, đặc biệt là lực lượng dự trữ.
Sau khi đánh giá, Mỹ sẽ đưa ra những khuyến nghị để tăng cường hợp tác song phương và cải thiện khả năng tự vệ của Đài Loan. Sau đó sẽ chuyển kết quả đánh giá và các khuyến nghị này tới Quốc hội Hoa Kỳ.
Phía Đài Bắc cho biết rất vui mừng chứng kiến các biện pháp chính phủ Washington thực hiện nhằm tăng cường khả năng phòng vệ của đảo quốc.
****************
Philippines sẽ triển khai tàu tấn công bắn phi đạn đầu tiên (VOA, 12/05/2018)
Hải quân Philippines sẽ triển khai những tàu tấn công bắn phi đạn đầu tiên trong khoảng ba tháng tới, có thể là để bảo vệ lãnh thổ, chống nổi loạn và răn đe, nhưng kém "hàng thế kỷ" sức mạnh hải quân của các nước Châu Á như Trung Quốc, tư lệnh hải quân Philippines nói hôm thứ Năm.
Hải quân Philippines sẽ triển khai những tàu tấn công bắn phi đạn
Phó Đô đốc Robert Empedrad nói trong một cuộc họp báo rằng hải quân cũng có kế hoạch mua ngư lôi, tàu ngầm và các thiết bị phòng thủ lớn khác theo chương trình hiện đại hóa nhằm tăng cường an ninh cho quần đảo có một trong những đường bờ biển dài nhất thế giới, cũng như chống cướp biển và tội ác xuyên biên giới.
Các phi đạn do Israel sản xuất, có tầm bắn 8 km, đang được gắn trên ba tàu tấn công đa năng đã được mua trước đó và sẽ sẵn sàng triển khai trong hai đến ba tháng nữa, ông nói.
Các điểm nóng khả dĩ nơi tàu được trang bị phi đạn có thể được triển khai bao gồm tỉnh Palawan ở phía tây và bán đảo Zamboanga ở phía nam đất nước, ông nói. Zamboanga nằm trong một khu vực nhiều bất ổn đối mặt với các mối đe dọa từ những kẻ chủ chiến Hồi giáo.
Đảo Palawan đối diện Biển Đông, nơi mà Philippines đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, Việt Nam và ba nước khác. Tuần trước, CNBC loan tin Trung Quốc đã lắp đặt các phi đạn hành trình chống tàu và các hệ thống phi đạn đất đối đất ở các bãi Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn - những nơi mà Bắc Kinh đã biến thành đảo có các đường băng.
Ông Empedrad từ chối bình luận khi được hỏi liệu quân đội Philippines có thực hiện các bước để xác minh tin tức về việc Trung Quốc lắp đặt phi đạn hay không và liệu họ có kế hoạch bảo vệ các khu vực mà Philippines chiếm đóng hay không với các hệ thống chống phi đạn.
"Chúng tôi thua kém hàng thế kỷ hoặc hàng chục năm ... so với năng lực hải quân của Trung Quốc", ông nói khi được hỏi Philippines chuẩn bị như thế nào giữa bối cảnh có mối đe dọa mà tin tức cho biết là từ Trung Quốc trong khu vực tranh chấp nóng bỏng.
Quân đội Philippines, một trong số những quân đội được trang bị kém nhất ở Châu Á, trong những năm gần đây đã nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hải quân, không quân và lục quân của mình trong khi đối mặt với một loạt những đe dọa về an ninh và chủ quyền lãnh thổ.