Đức đình chỉ chế độ ưu đãi visa cho thủ tướng và chính phủ Cam Bốt (RFI, 20/02/2018)
Để trừng phạt thủ tướng Hun Sen và chính phủ Cam Bốt vì đã trấn áp báo chí, các tổ chức phi chính phủ và phong trào đối lập chính trị trong nước trong thời gian qua, chính quyền Đức mới đây đã âm thầm áp dụng một biện pháp cụ thể.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen tại Quốc Hội, Phnom Penh, ngày 14/02/2018. Reuters/Samrang Pring
Theo báo Phnom Penh Post ngày 19/02/2018, Berlin đã chấm dứt chính sách ưu đãi thị thực nhập cảnh đối với những chuyến thăm cá nhân của các quan chức chính quyền Phnom Penh, trong đó có cả thủ tướng Hun Sen và thân nhân.
Thông tin chưa được loan báo chính thức, nhưng các biện pháp trừng phạt đã được chính phủ Đức chuyển qua Quốc Hội từ hôm thứ Tư 14/02. Việc bãi bỏ ưu đãi visa nhắm vào các thành viên chính phủ Cam Bốt, "bao gồm cả thủ tướng Hun Sen và gia đình, các quan chức cấp cao trong quân đội và các chánh án tòa án tối cao".
Văn bản chuyển đến Quốc Hội Đức còn kêu gọi các thành viên Liên Hiệp Châu Âu áp dụng những biện pháp tương tự đối với chế độ Hun Sen.
Theo nhật báo Cam Bốt, phản ứng trước thông tin trên, phát ngôn viên đảng Nhân Dân Cam Bốt, ông Sok Eysan đã cho rằng việc hủy bỏ quyền ưu tiên cấp thị thực "càng giúp (Cam Bốt) tiết kiệm tiền", vì các quan chức Phnom Penh đỡ lo nghĩ đến các chuyến thăm tốn kém tại Đức.
Cũng theo Phnom Penh Post, quyết định mà chính phủ của bà Merkel chuyển đến Quốc Hội còn cho biết là Berlin đã hoãn vô thời hạn việc ký kết biên bản ghi nhớ với phía Campuchia về vấn đề "tham vấn chính trị thường xuyên".
Quyết định của Đức được cho là nhằm tăng sức ép đối với chính quyền Cam Bốt sau vụ tờ báo The Cambodia Daily tại nước này bị buộc phải đình bản vì nợ nần vào năm 2017 và các vụ loại trừ đảng đối lập tham gia tranh cử, cũng như bắt giữ nhà lãnh đạo đối lập Kem Sokha và buộc đảng Cứu Nguy Dân Tộc của ông phải giải thể.
Trọng Nghĩa
***************
Liên Hợp Quốc thúc giục Campuchia xem xét việc thay đổi hiến pháp (RFA, 20/02/2018)
Đặc ủy của Liên Hợp Quốc hôm 20 tháng 2 ra tuyên bố thúc giục chính phủ Campuchia xem xét lại việc sửa đổi hiến pháp trong đó có bao gồm một luật mới cấm người dân nói xấu nhà vua.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải)ở Phnompenh hôm 19/1/2018 - AFP
Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho rằng những thay đổi trong hiến pháp không rõ ràng, và không đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế.
Tuyên bố của hai đặc ủy Rhona Smith và David Kaye viết rằng những thay đổi được đề xuất trong hiến pháp sử dụng những thuật ngữ quá rộng và cần phải dùng những từ chính xác, cụ thể để đáp ứng đúng tiêu chuẩn của quốc tế. Hai đặc ủy, vì vậy, yêu cầu chính phủ Campuchia nên đánh giá lại một cách kỹ lưỡng những thay đổi được đề xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế.
Theo đánh giá của những chuyên gia về Campuchia, những chỉ trích của Liên Hợp Quốc khó có thể mang lại sức nặng nào đối với Thủ tướng Hun Sen, người đã lên tiếng chỉ trích Liên Hợp Quốc vì những nhận xét liên quan đến tình hình nhân quyền ở Campuchia và chính phủ nước này.
Quốc hội Campuchia hồi tuần trước đã thông qua một luật mới cấm người dân nói xấu nhà vua cùng những thay đổi trong hiến pháp liên quan đến quyền của cử tri. Những thay đổi này khiến các tổ chức nhân quyền lo ngại vì họ cho rằng chúng có thể được sử dụng để chống lại những tiếng nói chỉ trích chính phủ.
Australia nhận gia đình ông Kem Ley tỵ nạn
Cũng liên quan đến tình hình nhân quyền ở Campuchia, Australia mới đây đã chấp nhận cho gia đình của một nhà hoạt động chính trị bị sát hại ở Campuchia được tỵ nạn. Văn phòng của dân biểu Australia, Hong Lim, ra thông cáo cho biết thông tin này vào thứ ba ngày 20/2.
Theo thông báo của văn phòng dân biểu Hong Lim, vợ và 5 người con của nhà hoạt động Kem Ley đã từ Thái Lan đến Melbourne hôm thứ bảy ngày 17/2.
Nhà hoạt động Kem Ley bị sát hại ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia hồi tháng 7 năm 2016. Sau đó, gia đình ông đã phải chạy sang một trại tỵ nạn ở Thái Lan.
Kẻ bắn chết ông Kem Ley là Oeut Ang bị tòa án ở Campuchia hồi năm ngoái kết án chung thân sau khi thừa nhận trước tòa rằng ông ta đã bắn ông Kem Ley vì một món nợ cá nhân không trả.
Tuy nhiên có những đồn đoán cho rằng Oeut Ang chỉ là kẻ thế mạng, và vụ giết người hoàn toàn có mục tiêu chính trị vì ông Kem Ley có những nhận xét chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Hun Sen.
***************
Liên Hiệp Quốc lo ngại việc thay đổi hiến pháp của Campuchia (VOA, 20/02/2018)
Các chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba 20/2 hối thúc Campuchia xem xét lại các thay đổi trong hiến pháp, trong đó có luật khi quân. Liên Hiệp Quốc nói rằng những thay đổi trong hiến pháp của Campuchia quá mơ hồ và không phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Quốc Vương Campuchia Norodom Sihamoni và Thủ tướng Hun Sen, tháng 11/2017.
Quốc hội Campuchia tuần trước đã thông qua một đạo luật về tội khi quân, cùng với những sửa đổi khác về quyền của cử tri trong hiến pháp. Các nhóm bảo vệ nhân quyền nói rằng những điều luật mới này có thể được sử dụng để nhằm vào những người chỉ trích chính phủ.
Đặc phái viên phụ trách nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ở Campuchia Rhona Smith.
Bà Rhona Smith và ông David Kaye, cả hai đều là báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, nói trong một thông cáo : "Chúng tôi kêu gọi chính phủ Campuchia đánh giá lại một cách thấu đáo và toàn diện các dự thảo sửa đổi hiến pháp nhằm đảm bảo rằng các điều luật này tuân thủ luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền".
Hai chuyên gia của Liên Hiệp Quốc nói thêm rằng các điều khoản dự thảo sửa đổi dùng các "thuật ngữ chung chung và phải cần một ngôn ngữ chính xác hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế".
Lời chỉ trích của Liên Hiệp Quốc có nhiều khả năng không có tác dụng gì đối với Thủ tướng Hun Sen, người từng chỉ trích Liên Hiệp Quốc vì cơ quan quốc tế này cáo buộc Campuchia vi phạm nhân quyền.
Trong những năm của thập kỷ 80, Liên Hiệp Quốc đã giúp mang lại hòa bình cho Campuchia sau hơn một thập kỷ chiến tranh dưới thời Khmer Đỏ từ năm 1975-79.
Báo chí hôm 20/2 không thể liên lạc được với Người phát ngôn chính phủ Camupchia Phay Siphan.
Đạo luật mới về tội khi quân, tương tự như luật của Thái Lan mà các nhà quan sát cho rằng đã bị lạm dụng một cách thô bạo và có hệ thống để làm câm họng các nhà bất đồng chính kiến, quy định mức án tù từ 1 đến 5 năm.
Luật đã được Quốc hội Campuchia thông qua hôm 14/2 cùng với một loạt những sửa đổi hiến pháp mơ hồ, trong đó có một sửa đổi cho phép tước vĩnh viễn quyền bầu cử đối với tội phạm bị kết án.
Phát ngôn viên của Bộ Tư pháp, ông Chin Malin, nói rằng luật về tội khi quân là "rất cần thiết" để mang lại tôn ti trật tự đối với cách người dân "thực hiện quyền tự do của họ", nhấn mạnh rằng luật chỉ áp dụng với những lời xúc phạm đối với nhà vua, chứ không phải các thành viên khác của hoàng gia.
Ông Chin Malin, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Campuchia.
Luật cấm xúc phạm hoàng gia của Campuchia quy định rằng những người bị kết tội phải đối mặt án tù từ một năm đến năm năm tù và bị phạt từ 500 đến 2.500 đôla.
Quốc vương Norodom Sihamoni là nguyên thủ của Campuchia, nhưng Thủ tướng Hun Sen mới thật chất là người cai trị đất nước trong hơn 33 năm qua.
Ông Hun Sen đã bị các nước phương Tây và các nhóm quyền chỉ trích về việc trấn áp phe đối lập với chính phủ trước cuộc bầu cử vào tháng 7 năm nay, và ông dự kiến sẽ tiếp tục nắm quyền.
Vào năm ngoái, một tòa án Campuchia đã giải tán đảng Cứu quốc, sau vụ chính quyền bắt giữ nhà lãnh đạo Kem Sokha vì tội phản quốc, mà ông nói rằng việc buộc tội ông có động cơ chính trị.