Không hẹn nhưng Hội đồng thành phố Venise và Thống đốc tỉnh Bali cùng thông báo trong tuần qua sẽ đánh thuế trên khách du lịch. Tại Venise, thuế 5 euro được áp dụng vào mùa cao điểm, kể từ 25/04/2024 trở đi. Còn tại Bali, mức thuế 150.000 rupiah (9,6 đô la Mỹ) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/02/2024, đúng vào ngày lễ Valentine.
Khách du lịch tại một nhà hàng trên bãi biển Jimbaran ở Bali, Indonesia, ngày 12/11/2022. AP - Firdia Lisnawati
Theo báo Le Figaro, tất cả những ai không phải là kiều dân Indonesia đều sẽ phải nộp thuế trước khi đến đảo Bali. Đối với du khách Pháp nói riêng hay khách Châu Âu nói chung, đây là chi phí cần phải bổ sung vào ngân sách du lịch của các hộ gia đình (kể cả trẻ em) trong trường hợp bạn có ý định ghé thăm Bali trong thời gian tới. Thuế du lịch Bali sẽ được cộng thêm vào visa nhập cảnh Indonesia. Công dân Pháp dù chỉ đi nghỉ mát ở Bali, trước hết phải đóng 500.000 rupiah, tức khoảng 30 euro, để xin thị thực dưới 30 ngày, rồi sau đó phải thanh toán thêm 150.000 rupiah (9,6 đô la Mỹ / 8,85 euro) để đặt chân lên đảo Bali.
Du khách Châu Âu phải trả phí visa cộng thêm thuế Bali
Theo Le Figaro, khoản thuế này thực sự không có gì đáng ngạc nhiên. Dự án thuế từng được công bố hồi tháng 05/2023, nhưng mãi đến tuần qua, chính quyền Bali mới thông báo chi tiết các điều khoản áp dụng. Theo Sở Du lịch Wonderful Indonesia, các khoản thu thuế sẽ được sử dụng để cải thiện việc xử lý chất thải, bảo tồn các cơ sở văn hóa và đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ dành cho du khách, từ chuyên chở, lưu trú, cho đến tham quan.
Một cách cụ thể, theo Le Figaro các khoản thuế này nên được thanh toán trực tuyến hay trên ứng dụng ''Love Bali''. Khách du lịch truy cập vào mạng để có thể nhập thông tin cá nhân, số hộ chiếu cũng như ngày đến. Một khi đã thanh toán khoản thuế, bạn sẽ nhận qua email bảng chứng nhận bao gồm mã QR, để quét ngay tại trạm kiểm soát ở sân bay Bali hoặc khi cập bến các hải cảng. Việc nhập thông tin và thanh toán trước để có mã QR lưu trữ trên điện thoại cá nhân, theo tờ báo, là một lựa chọn hợp lý, giúp cho chuyến đi Bali của bạn suôn sẻ dễ dàng hơn.
Điểm cần lưu ý là thuế này được áp dụng cho mỗi lần đến, có nghĩa là nếu bạn lên thuyền tham quan các hòn đảo lân cận như Lombok, Gili hay Java, rồi đến cuối ngày bạn quay trở lại Bali, bạn sẽ phải đóng thuế du lịch một lần nữa. Ngược lại, nếu bạn đi thuyền đến các đảo Nusa Ceningan, Nusa Lembongan hay Nusa Penida, thì bạn không bị đánh thuế, vì về mặt hành chính, ba đảo này là một phần của tỉnh Bali, do vậy bạn vẫn chưa thực sự ''rời khỏi'' Bali khi đến thăm các hòn đảo này. Có thể xem đây là một điểm bất cập lớn vì không phải du khách nào cũng nắm được thông tin này.
Ngành du lịch Bali khởi sắc với gần 6 triệu khách
Theo báo Jakarta Post, trong năm 2023, đảo Bali đã đón được 5,6 triệu khách du lịch nước ngoài, cho thấy số khách đến Bali đang trên đà phục hồi nhanh chóng và dần tìm lại mức kỷ lục 6 triệu rưỡi du khách quốc tế vào năm 2019, trước đại dịch Covid.
Chính quyền Bali tin rằng quy định mới này sẽ không làm giảm số lượng du khách nước ngoài đến Bali, nguồn thu sẽ giúp cải thiện môi trường, văn hóa và các cơ sở hạ tầng quan trọng cho ngành du lịch.
Từ nhiều thập niên qua, Bali luôn là một trong những điểm đến được ưa chuộng của khách nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng khách du lịch quá tải đã khiến cho nhiều rác thải bị chồng chất trên hòn đảo. Nếu không được xử lý kịp thời, rác thải sẽ gây ra nhiều ô nhiễm cho không khí cũng như nguồn nước. Nhiều hiệp hội bảo vệ môi trường đã nhiều lần đánh động dư luận về tình trạng BalI không có đủ nhà máy xử lý chất thải, trong khi số du khách hàng năm lại quá đông. Ngoài ra, việc bảo tồn các đền đài, các công trình kiến trúc hay cơ sở văn hóa là một phần quan trọng đối với Bali, nền văn hóa đặc trưng của hòn đảo này là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch nước ngoài đến Indonesia.
Sau Bali, chính quyền Jakarta còn dự tính áp dụng thuế tương tự đối với khách du lịch nước ngoài tại 5 điểm đến khác của Indonesia. Trên danh sách của chính phủ Indonesia, các điểm ưu tiên này là Đền Borobudur (miền trung đảo Java), Hồ Toba (miền bắc đảo Sumatra), Likupang (miền bắc Sulawesi), Mandalika và Labuan Bajo (tỉnh Nusa Tenggara).
Sau khi áp dụng thuế đối với khách nước ngoài tại Bali vào trung tuần tháng 02/2024, chính quyền dự kiến triển khai loại thuế này tại 5 điểm đến kế tiếp. Mức thuế vẫn chưa được ấn định cụ thể là bao nhiêu, không nhất thiết phải là 150.000 rupiah (tức khoảng 10 đô la) đối với khách du lịch nước ngoài. Yếu tố này có lẽ sẽ được điều chỉnh, thuế cao hay thấp là còn tùy theo mỗi điểm đến, với rủi ro làm giảm số du khách đến thăm các thắng cảnh này.
Nhìn chung, việc đánh thêm thuế nhằm hạn chế các tác động của du lịch quá tải, được khá nhiều người hưởng ứng. Tuy nhiên, thuế du lịch Bali cần phải được tiến hành cùng với việc cải thiện môi trường, làm sạch nguồn nước và hạn chế tối đa các loại rác nhựa. Bên cạnh đó, Bali cũng cần nâng cao chất lượng phục vụ kể cả chuyên chở, nhà hàng, khách sạn, hay hướng dẫn tham quan. Việc thu thuế cộng thêm phí visa khiến cho nhiều du khách quốc tế, từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến Âu Mỹ ưu tiên chọn những điểm đến khác ở Châu Á thuận lợi, dễ dàng hơn : có cơ sơ lưu trú đầy đủ tiện nghi và những thắng cảnh hấp dẫn như Phú Quốc, Cát Bà ở Việt Nam hay Langkawi, Kota Kinabalu ở Malaysia.
Tuấn Thảo
Nguồn : RFI, 22/01/2024
Báo động núi lửa ở Bali lên mức cao nhất (BBC, 27/11/2017)
Lo ngại về đợt phun trào lớn của núi lửa Agung ở Bali gia tăng và khu vực di tản quanh núi lửa được mở rộng.
Giới chức nói núi lửa đang tuôn "những cuộn tro bụi liên tục"
Nhà chức trách Indonesia đã nâng lên mức báo động cao nhất.
Sân bay tại đảo đóng cửa khiến nhiều người bị mắc kẹt tại điểm du lịch nổi tiếng này.
Cơ quan Kiểm soát Thiên tai cho biết đã nghe những tiếng nổ từ khoảng cách 12km từ đỉnh núi.
"Các tia lửa được nhìn thấy ngày càng nhiều hơn vào ban đêm, cho thấy khả năng một vụ phun trào lớn hơn sắp xảy ra", trang Facebook của cơ quan viết.
Tro bụi núi lửa đổ xuống Bali
Nhà chức trách phân phát mặt nạ cho cư dân địa phương và mở rộng phạm vi buộc sơ tán thêm 10km quanh khu vực núi lửa hoạt động.
Các khu resorts chính Kuta và Seminyak cách vị trí núi lửa khoảng 70km.
Giới chức địa phương và các nhà nghiên cứu xác nhận phát hiện đá magma gần bề mặt núi lửa.
Cũng có ghi nhận mưa tro bụi đã đổ xuống Lombok, thành phố Mataram.
Khoảng 25.000 người được cho là vẫn ở trong nhà tạm trú sau khi hơn 140.000 người di tản trong những tháng gần đây.
Nhiều khách du lịch mắc kẹt tại Bali do sân bay đóng cửa.
Theo ước tính, ngành du lịch tại hòn đảo nghỉ mát này thiệt hại ít nhất 110 triệu đôla.
Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực hay xảy ra động đất và các hiện tượng phun trào núi lửa bao quanh vòng lòng chảo Thái Bình Dương.
Đây là nơi có hơn 130 núi lửa đang hoạt động. Lần cuối cùng núi Agung hoạt động là vào năm 1963 khiến hơn 1.000 người chết.
**********************
Núi lửa phun trào ở Bali, Việt Nam giải cứu công dân (VOA, 27/11/2017)
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cho biết đã giải cứu 7 người Việt Nam mắc kẹt tại đảo Bali khi ngọn núi lửa Agung phun trào.
Núi lửa Agung, Bali, Indonesia, ngày 27/11/2017.
Theo truyền thông Việt Nam, chiều ngày 27/11, ông Hoàng Anh Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, cho hay rằng sứ quán đã giải cứu gấp 7 công dân Việt Nam mắc kẹt tại đảo Bali khi núi lửa phun trào và các du khách Việt này đã tới thủ đô Jakarta an toàn.
Báo điện tửZing đưa tin rằng trước đó, 7 hành khách này đã phải lái xe suốt 13 tiếng xuyên đêm để chạy ra khỏi vùng núi lửa.
Còn báo Người Lao động cho biết rằng nhóm du khách này bị mắc kẹt tại Bali do sân bay Depansar đóng cửa vì núi lửa Agung có dấu hiệu hoạt động.
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã phát đi cảnh báo trên Facebook đối với du khách Việt có ý định tới Bali và kêu gọi những du khách đang có mặt tại đây cần nhanh chóng sử dụng các dịch vụ giao thông đường bộ đi về phía Tây đảo Bali, tới thành phố Surabaya để rời khỏi khu vực bằng máy bay.
Chính quyền Indonesia ước tính khoảng 100.000 người phải sơ tán khỏi khu vực quanh núi lửa Agung khi ngọn núi đang tiếp tục phun ra những cột tro bụi khổng lồ cao tới 3km.
Núi Agung dù cách khu du lịch Kuta tới 75 km, nhưng những cột khói cao đã làm tê liệt hoàn toàn sân bay khu vực.
Facebook Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia nói núi lửa Agung hiện đang hoạt động mạnh trở lại. Nhà chức trách Indonesia đã nâng lên mức báo động cao nhất là báo động đỏ. Khói đen được nhìn thấy bốc lên cao tới 3.400m từ đỉnh núi. Cơ quan Kiểm soát Thiên tai cho biết đã nghe những tiếng nổ từ khoảng cách 12km từ núi lửa.
Nhà chức trách Indonesia đã phân phát mặt nạ cho cư dân địa phương sống quanh khu vực núi lửa và mở rộng phạm vi buộc sơ tán quanh khu vực núi lửa hoạt động. Nhiều hãng hàng không hủy chuyến bay và đại sứ quán Việt Nam đề nghị du khách Việt hạn chế du lịch Balai trong thời điểm này.
Giới chức Indonesia cũng lưu ý về nguy cơ lũ bùn. Người dân được khuyến cáo tránh xa sông ngòi vì lũ bùn có thể di chuyển rất nhanh và thường là nguyên nhân gây chết người vào mỗi đợt núi lửa phun trào.
Khu vực sơ tán hiện tại dựa trên lần phun mạnh cuối cùng của Agung vào năm 1963 khiến hơn 1.700 người thiệt mạng và phá hủy nhiều nhà cửa.
Indonesia nằm trên "Vành đai Lửa Thái Bình Dương", nơi các tầng địa chất va chạm và gây ra 90% các trận động đất trên thế giới. Nước này hiện có 130 núi lửa đang hoạt động, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.