Đối lập Thái Lan thành lập đảng mới sau khi đảng Move Forward bị giải thể
Trọng Thành, RFI, 09/08/2024
Một ngày sau khi Move Forward, đảng đối lập chính ở Thái Lan, bị giải thể theo quyết định của Tòa Bảo Hiến, hôm nay, 09/08/2024, ban lãnh đạo đảng này đã công bố lập một đảng mới : Đảng Nhân Dân (PP - People’s Party) và thu hút ngay được 10.000 đơn xin gia nhập.
Người đứng đầu Đảng của Nhân Dân (PP - People’s Party) Natthaphong Ruengpanyawut (thứ 2 từ trái sang) và thành viên của đảng trong buổi họp báo thông báo thành lập đảng mới sau khi đảng Move Forward bị giải thể, Bangkok, Thái Lan, ngày 09/08/2024. Reuters - Chalinee Thirasupa
Theo AFP, trong cuộc họp báo hôm nay tại Bangkok, lãnh đạo Đảng Nhân Dân, chính trị gia 37 tuổi Natthaphong Ruengpanyawut, tuyên bố mục tiêu của đảng là chuẩn bị cho cuộc tranh cử năm 2027. Natthaphong Ruengpanyawut thay thế nhà lãnh đạo Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, vốn thu hút nhiều ủng hộ của dân chúng, nhưng không thể tiếp tục lãnh đạo đảng, do bị cấm ra ứng cử trong 10 năm. Lãnh đạo của PP nhấn mạnh "cho dù biết bản thân không phải là người hoàn hảo, nhưng tôi sẽ nỗ lực sửa mình để chuẩn bị đảm nhiệm chức vụ thủ tướng".
Tân lãnh đạo PP Natthaphong Ruengpanyawut là dân biểu từ năm 2019. Ông có mười năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, theo trang mạng cá nhân LinkedIn.
Theo AFP, quyết định giải tán đảng Move Forward "mở ra một thời kỳ mới đầy bất trắc" tại Thái Lan. Trong cuộc bầu cử năm 2023, đảng Move Forward - với chính sách tạo một thay đổi lớn ở vương quốc Thái Lan - đã giành được nhiều phiếu bầu và nhiều ghế dân biểu nhất. Tuy nhiên, Move Forward đã không lập được chính phủ, do sự chống đối của phe bảo thủ. Đề nghị chủ chốt của Move Forward xem xét lại luật khi quân đã khiến đảng này bị giải tán và 11 lãnh đạo đảng, trong đó có Pita Limjaroenrat, bị "trừng phạt".
Trọng Thành
**************************
Thái Lan : Đảng Tiến Lên bị giải thể chuyển sang thành lập đảng mới
Reuters, VOA, 08/08/2024
Đảng Tiến Lên (Move Forward) vừa bị giải tán của Thái Lan hôm 8/8 đã tập hợp người ủng hộ để chuẩn bị cho ra mắt tên và ban lãnh đạo mới của đảng, và kêu gọi họ thể hiện lập trường của mình tại thùng phiếu thay vì trên đường phố.
Ông Pita Limjaroenrat, cựu lãnh đạo Đảng Tiến Lên, đã bị cấm đảm nhiệm chức vụ công quyền trong 10 năm
Tiến Lên là lực lượng chính trị lớn nhất trong Quốc hội Thái Lan cho đến khi nó bị Tòa án Hiến pháp giải tán hôm 7/8 do cương lĩnh vận động của họ muốn sửa đổi điều luật khi quân hà khắc, mà tòa đã phán quyết rằng nó làm xói mòn chế độ quân chủ lập hiến của Thái Lan.
Đảng này nói rằng phán quyết này đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm về cách diễn giải hiến pháp. Họ sẽ công bố tên và ban lãnh đạo mới của Đảng vào ngày 9/8.
"Tiến Lên chuyển sang một đảng mới - tất cả 143 nghị sĩ của chúng tôi sẽ đi với chúng tôi", đại diện đảng này nói và hứa hẹn rằng sẽ không có nghị sĩ nào bỏ đảng.
Đây sẽ là lần thay hình đổi dạng thứ ba của Đảng Tiến lên có lập trường cấp tiến, vốn đã từng bị giải tán vì vi phạm tài chính tranh cử vào năm 2020, kích hoạt các cuộc biểu tình chống chính phủ trên toàn quốc.
"Mặc dù chúng tôi rất buồn, chúng tôi sẽ vận dụng năng lượng của mình ở lần sau, tại các cuộc bầu cử sớm, các cuộc bỏ phiếu cấp tỉnh... để cho những người nắm quyền thấy rằng đây mới chỉ là khởi đầu", phó lãnh đạo đảng Sirikanya Tansakul, vốn được kỳ vọng sẽ là nhà lãnh đạo đảng tiếp theo, nói với những người ủng hộ vào cuối ngày 7/8.
Đảng Tiến lên giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái, nhưng các chính sách cấp tiến của họ bao gồm xóa bỏ độc quyền kinh doanh và cải cách quân sự đã đối nghịch với tầng lớp bảo thủ, giới tinh hoa giàu có và quân đội bảo hoàng của đất nước.
Các đảng bảo thủ và thượng viện do quân đội bổ nhiệm đã ngăn nhà lãnh đạo đầy sức hút của Đảng Tiến bước, ông Pita Limjaroenrat, trở thành thủ tướng vào năm ngoái. Ông Pita hiện bị cấm giữ chức vụ công quyền trong một thập kỷ cùng với 10 lãnh đạo điều hành khác của đảng.
Bốn mươi bốn chính trị gia gồm cả hiện tại và cũ của Đảng Tiến bước, bao gồm 26 nghị sĩ, cũng là đối tượng bị các nhà hoạt động bảo thủ khiếu nại lên cơ quan chống tham nhũng nhằm tìm kiếm lệnh cấm họ hoạt động chính trị suốt đời do họ đã tìm cách thay đổi luật khi quân.
Khi được hỏi về những lời chỉ trích của nước ngoài về phán quyết dẫn đến Đảng Tiến bước bị giải thể, Thủ tướng Srettha Thavisin nói Thái Lan là một quốc gia độc lập, dân chủ và phán quyết này phù hợp với luật pháp.
Reuters
**************************
Do đề xuất cải cách luật khi quân, đảng đối lập Thái Lan bị giải thể, nhiều lãnh đạo bị cấm hoạt động
Thùy Dương, RFI, 07/08/2024
Trong vụ án liên quan đến luật chống khi quân, nhà đối lập trẻ được nhiều người biết đến nhất tại Thái Lan, Pita Limjaroenrat, hôm nay 07/08/2024 bị tư pháp cấm hoạt động chính trị 10 năm. Đảng Move Forward mà ông lãnh đạo bị giải thể. Giới quan sát lo ngại bản án nhắm vào phe đối lập Thái Lan sẽ mở ra một giai đoạn chính trường bất ổn.
Cựu lãnh đạo đảng Move Forward, ông Pita Limjaroenrat, phát biểu trước giới truyền thông sau phán quyết của Tòa Bảo Hiến, Thái Lan, ngày 07/08/2024. Reuters - Chalinee Thirasupa
Theo AFP, đảng Move Forward là đảng duy nhất đề cập đến việc cải cách luật khi quân, mà họ coi là ngoài tầm kiểm soát và đang bị những người có quyền lực lợi dụng để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Do bị xem là có ý đồ lật đổ chế độ quân chủ, đảng Move Forward đã bị khởi tố.
Thẩm phán Punya Udchachon hôm nay 07/08 công bố phán quyết của Tòa Bảo Hiến Thái Lan " nhất trí thông qua việc giải tán đảng Move Forward và cấm các thành viên ủy ban điều hành từng giữ chức trong giai đoạn 23/03/2021-31/01/2024 hoạt động trong vòng 10 năm tới ".
Như vậy là 11 lãnh đạo của đảng đối lập Move Forward, trong đó có tổng thư ký Chaithawat Tulathon, và nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất Pita Limjaroenrat, mất chức dân biểu và sẽ không được tranh cử trước năm 2034. Theo phe ủng hộ dân chủ, phán quyết của Tòa Bảo Hiến Thái Lan duy trì sự kiểm soát của giới tinh hoa quân sự và kinh tế, vốn đề cao hoàng gia, gây hại đến quyền tự do biểu đạt của công chúng.
Như vậy là chỉ sau 1 năm giành thắng lợi lịch sử trong kỳ bầu cử Quốc Hội, đảng Move Forward bị loại khỏi chính trường Thái Lan. Tuy nhiên, nhiều thành viên của đảng hứa sẽ tiếp tục tham gia các kỳ bầu cử tới đây. Trên báo chí Thái Lan trong những tuần qua lan truyền tin đồn về việc thành lập một đảng mới với sự tham gia của hơn 140 cựu dân biểu đảng Move Forward, những người không bị cấm hoạt động chính trị.
Trong thư gửi AFP trước khi Tòa Bảo Hiến ra phán quyết, Pita Limjaroenrat viết : "Về nguyên tắc, Tòa Bảo Hiến lẽ ra phải được sử dụng để bảo vệ nền dân chủ chứ không phải làm cho Thái Lan kém dân chủ hơn (…) Trong hai thập kỷ qua, 33 đảng đã bị giải tán, trong đó có 4 đảng lớn do người dân bầu chọn. Không nên bình thường hóa mô hình này hoặc chấp nhận việc sử dụng một tòa án bị chính trị hóa để phá hoại các đảng chính trị".
Pita Limjaroenrat và các nhà lãnh đạo khác của đảng Move Forward dự kiến phát biểu với báo giới vào cuối giờ chiều hôm nay, giờ địa phương tại trụ sở đảng ở Bangkok.
Thùy Dương
Hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ : 28 cơ quan, tổ chức Trung Quốc bị Mỹ xếp vào danh sách đen (RFI, 08/10/2019)
Hoa Kỳ xếp 28 cơ quan chính phủ và tổ chức kinh tế của Trung Quốc vào danh sách đen. Hôm qua 07/10/2019, trong một thông cáo, bộ Thương mại Mỹ khẳng định 28 cơ quan, tổ chức nói trên có liên quan đến chiến dịch trấn áp nhắm chủ yếu vào tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi.
Ảnh minh họa : Một trại gọi là cải huấn ở Đạt Phản Thành (Dabancheng) Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh 4/09/2018. Reuters/Thomas Peter/File Photo
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh : "Chính phủ Hoa Kỳ và bộ Thương mại không thể và sẽ không dung thứ cho hành động đàn áp thô bạo các tộc người thiểu số khắp nơi tại Trung Quốc". 28 cơ quan, tổ chức của Trung Quốc sẽ không được phép nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Ngoài ra, biện pháp trừng phạt của Washington cũng khiến Trung Quốc không thể dùng các công nghệ của Mỹ để đàn áp các tộc người thiểu số vốn không có khả năng tự vệ.
Theo AFP, chính phủ Mỹ cho biết trong số các cơ quan, tổ chức bị Washington xếp vào danh sách đen, có 8 đơn vị kinh tế, còn lại là các cơ quan chính phủ Trung Quốc, trong đó có Văn phòng Công An tỉnh Tân Cương. Trong số các doanh nghiệp bị Mỹ nhắm tới, có công ty Hikvision chuyên về caméra giám sát, các doanh nghiệp Megvii Technology và Sense Time trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo …
Thông cáo của bộ Thương mại Mỹ nói rõ là các cơ quan tổ chức nói trên đã tham gia vào việc triển khai chiến dịch đàn áp của chính quyền Trung Quốc, bắt giữ người một cách ồ ạt và vô cớ, dùng công nghệ cao để theo dõi, giám sát người dân. Theo nhiều chuyên gia và tổ chức bảo vệ nhân quyền, tỉnh Tân Cương là nơi có các trại tập trung giam giữ hàng triệu người Hồi giáo, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ.
Thông cáo của bộ Thương mại Mỹ được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày thứ Năm 10/10/2019, theo dự kiến Washington và Bắc Kinh sẽ nối lại đàm phán, nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại toàn phần để chấm dứt cuộc chiến thuế quan kéo dài hơn một năm giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Thùy Dương
*******************
Thái Lan : Quân đội tố cáo đối lập là "phản loạn" (RFI, 06/10/2019)
Nhiều lãnh đạo đối lập và giảng viên đại học phải đối mặt với những cáo buộc phản loạn từ quân đội. Nguyên nhân là vì những người này dám nhắc đến khả năng phân thêm quyền cho vùng phía nam luôn trong tình trạng xung đột.
Ông Thanathorn Juangroongruangkit, lãnh đạo đảng Future Forward Party, Bangkok, Thái Lan, ngày 06/04/2019.© Reuters/Athit Perawon
Miền nam Thái Lan là nơi diễn ra một cuộc xung đột ít ai biết đến giữa cộng đồng người Hồi giáo chiếm đa số và chính quyền theo Phật giáo. Từ khoảng 15 năm qua, cuộc xung đột này đã làm cho gần 7.000 người thiệt mạng.
Nhiều nhân vật đối lập, trong đó có ông Thanathorn Juangroongruangkit, hay được truyền thông chú ý, lãnh đạo giới trẻ Thái Lan, đã có một cuộc tranh luận công khai. Tại những buổi thảo luận này, họ kêu gọi hiệu chỉnh Hiến Pháp hiện nay cho phép vùng này nhiều quyền tự trị hơn.
Thanathorn không có mối liên hệ đặc biệt nào với vùng phía nam rối loạn, nhưng ông dùng chủ đề sửa đổi Hiến Pháp như một vũ khí đấu tranh nhằm làm giảm bớt quyền lực trao cho quân đội.
Với thắng lợi của những cựu quân nhân trong kỳ bầu cử cách đây vài tháng, gọng kềm dường như ngày càng siết chặt đối với phe ly khai theo đạo Hồi. Hôm thứ Sáu, 04/10/2019, một thẩm phán đã tìm cách tự sát trong phòng xét xử sau khi bị gây áp lực, theo như ông nói, buộc ông kết án những thanh niên nổi dậy.
RFI tiếng Việt
***************
Thủ tướng Campuchia dọa triển khai quân nếu thủ lĩnh phe đối lập về nước (VOA, 07/10/2019)
Hôm 07/10, Thủ tướng Campuchia dọa sẽ triển khai quân đội nếu các nhà lãnh đạo và những người ủng hộ đảng đối lập chính trở lại vào tháng tới trong một diễn biến mà ông coi là một âm mưa đảo chính, theo Reuters.
Thủ tướng Campuchia Hen Sen thăm Việt Nam ngày 04/10/2019.
Trước đó, ông Sam Rainsy, người sáng lập Đảng Cứu nguy Quốc gia Campuchia (CNRP) bị giải thể, hiện sống lưu vong ở nước ngoài, tuyên bố sẽ trở về vào ngày 9/11, trong khi ít nhất 30 nhà hoạt động thuộc đảng từng do ông lãnh đạo đã bị bắt giữ trong năm nay và bị chính quyền Hun Sen buộc tội có âm mưu lật đổ chính quyền.
Trong một buổi lễ tại thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen nói rằng sự trở lại của ông Rainsy, sẽ là một "sự xâm phạm bởi các lực lượng tìm cách lật đổ chính phủ" của ông.
Ông Rainsy từng kêu gọi một cuộc nổi dậy chống lại ông Hun Sen, một nhà lãnh đạo lâu năm của Campuchia.
Ông Hun Sen nói rằng nếu các nhà lãnh đạo phe đối lập và những người ủng hộ trở lại, những tuyên bố như vậy có nghĩa là quân đội phải bắt đầu triển khai và sử dụng các loại vũ khí.
"Tấn công bất cứ nơi nào họ bị phát hiện, không cần phải chờ lệnh bắt giữ hay không", ông nói. "Những người ủng hộ cũng sẽ bị bắt bất cứ khi nào họ bị phát hiện".
Hôm 07/10, ông Rainsy cho Reuters biết rằng việc tìm cách lật đổ ông Hun Sen là hợp pháp vì đảng CNRP đã bị giải thể và ông Hun Sen không sẵn sàng tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng trong tương lai.
"Nổi dậy là lựa chọn duy nhất còn lại cho các nhà dân chủ Campuchia để mang lại một sự thay đổi dân chủ", ông Rainsy nói với Reuters qua email.
Ông Rainsy cho biết, ông sẽ trở lại Campuchia vào ngày 9/11, sau 4 năm sống lưu vong ở Pháp sau khi bị kết án hình sự vì tội phỉ báng với án phạt 1 triệu đôla. Ông cũng phải đối mặt với án tù 5 năm trong một vụ án khác.
*******************
Tổng thống Philippines thú nhận mắc bệnh "mắt to mắt nhỏ" (RFI, 07/10/2019)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiết lộ ông mắc chứng nhược cơ (myasthénia) tự miễn dịch, một chứng bệnh liên quan đến thần kinh, có thể biến chứng nghiêm trọng. Theo phủ tổng thống Philippines, ông Duterte còn cho biết là bệnh này - gọi nôm na là bệnh "mắt to mắt nhỏ" - đã tác động lên mắt của ông.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) viếng mộ liệt sĩ vô danh, Moskva, 4/10/2019.Yuri Kadobnov/Pool via Reuters
Trong cuộc gặp gỡ cộng đồng người Philippines hôm 05/10/2019, nhân chuyến thăm Nga, ông Duterte xác nhận ông bị bệnh nhược cơ, và cho biết thêm : "Một mắt của tôi nhỏ hơn mắt còn lại, và nó tự xoay tròng… Đó là bệnh nhược cơ, một loại rối loạn (chức năng) thần kinh. Tôi bị di truyền từ ông nội tôi".
Theo Viện Y Tế Quốc Gia Mỹ (NIH), bệnh nhược cơ gây nên tình trạng yếu cơ và có thể làm sụp mi mắt, giảm thị lực cũng như yếu cơ bắp, mỏi ngón tay. Có đến 20% người mắc bệnh này bị "lên cơn" khiến họ phải dùng máy trợ thở.
Ông Duterte không cho biết chi tiết về khả năng ông bị nặng nhẹ ra sao, trong lúc chính quyền thông tin rất ít về sức khỏe của tổng thống và thường xuyên khẳng định tình trạng của ông vẫn tốt.
Từ ngày lên làm tổng thống vào năm 2016, vấn đề sức khỏe của lãnh đạo Philippines đã 74 tuổi này luôn luôn được đặt ra. Việc ông đôi khi bỏ họp, cũng như thường hay nói về tình trạng mệt mỏi của bản thân lại càng làm dấy lên những tin đồn.
Trọng Nghĩa