I. Sau mười năm thách đố
Lần trước tôi thăm Trung Quốc là vào cuối năm 2007. Cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 chưa nổ ra. Kinh tế Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ như chưa bao giờ thấy và đang ở đỉnh cao của sự thành công dưới mắt thế giới. Tăng trưởng trên 10% trong gần 20 năm liền. Và đang tưng bừng chuẩn bị tổ chức Thế Vận 2008.
Vào cuối năm 2007, kinh tế Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ như chưa bao giờ thấy và đang ở đỉnh cao của sự thành công dưới mắt thế giới.
Trong suốt một tháng tôi đã vội vàng đi khắp Trung Quốc từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây chỉ để tìm những ấn tượng xác nhận hay phủ nhận những gì đã học hỏi trước đó qua các tài liệu. Đối với Trung Quốc tôi tự cho mình hai nguyên tắc chỉ đạo, một là phải theo dõi thật chăm chú bởi vì những gì xảy ra tại Trung Quốc có thể có ảnh hưởng lớn lên thế giới và nước ta, hai là phải hết sức khách quan và trung thực bởi vì mọi nhận định sai lầm về Trung Quốc đều có thể dẫn tới sai lầm trong cách nhìn những thử thách của đất nước ta ; nói cách khác nạn nhân của sự chủ quan sẽ là chính mình.
Trái với tâm lý bài Hoa của nhiều người Việt Nam kể cả một số bạn tôi, tôi yêu Trung Quốc. Tôi không đồng hóa Trung Quốc với chế độ mà nó đang phải chịu đựng. Tôi lớn lên với những điển tích và địa danh Trung Quốc. Phạm Lãi Tây Thi, Hán Sở tranh hùng, Chiêu Quân cống Hồ, Tam Quốc, Thủy Hử, Dương Quý Phi v.v. Tuy vậy tôi không thăm Trung Quốc để du ngoạn.
Lần trước cũng như lần này tôi tới Trung Quốc với một số dữ kiện và ý kiến đã gom góp được trong mục đích nhận ra những gì cần xét lại. Kinh nghiệm đã cho tôi thấy là ngay cả nếu những gì mình đã biết và nghĩ đều đúng chúng cũng sẽ đúng một cách khác sau khi được bổ túc thêm bằng những gì mắt thấy tai nghe. Giác quan có những khả năng riêng của nó. Cuộc thăm viếng Trung Quốc lần đầu đã diễn ra trong lúc mô hình "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đang được coi là rất thành công và đã tạo ra "phép màu Trung Quốc" nhưng đã khiến tôi có một cái nhìn khác với nhiều chuyên gia. Tôi đã viết một bài đánh giá mô hình này là độc hại và đang tàn phá Trung Quốc. Sau đó tôi cũng đã viết thêm một số bài khác theo cùng quan điểm này (1).
Tu viện Songzanlin nổi tiếng và chùa Vàng ở Shangri-La - Tây Tạng
Năm nay trở lại Trung Quốc tôi chỉ có thì giờ để tập trung vào Vân Nam và Tây Tạng, hai trong số những vùng nhạy cảm và nhiều thay đổi nhất của Trung Quốc trong khúc quanh lịch sử hiện nay. Nhưng trước hết ghé Quảng Châu.
Cảm giác đầu tiên là Trung Quốc hoành tráng hơn rất nhiều so với mười năm trước. Phi trường Bạch Vân lớn hơn, đẹp hơn và sạch hơn hẳn. Quảng Châu cũng thế. Quảng Châu không chỉ là thành phố lớn thứ ba mà còn là thành phố giầu nhất của Trung Quốc, hơn cả Hồng Kông và Thượng Hải.
Đi kèm với cảm giác này là một nhận xét : Trung Quốc đã không thành công lắm trong dự án được tung ra một cách rầm rộ vào năm 2007 là huấn luyện cho 175 triệu người biết nói tiếng Anh trước Thế Vận 2008. Tại phi trường Bạch Vân nhóm chúng tôi lạc mất mấy người, chủ yếu do không được hướng dẫn chính xác vì ngôn ngữ bất đồng. Họ đi lạc sang một hướng khác. Tôi cố tìm họ và hỏi rất nhiều nhân viên phi trường, an ninh cũng như dân sự, nhưng không ai biết tiếng Anh, dù là một cách sơ sài. Chật vật mãi mới tìm lại được họ nhờ may mắn.
Điều này tôi cũng nhận thấy ở khắp nơi trong suốt thời gian thăm viếng, dù trong các khách sạn một số tiếp viên bắt đầu biết chút tiếng Anh. Tôi không ngạc nhiên vì rất khó học một ngoại ngữ nếu không hiểu văn hóa của nó. Đàng sau mỗi ngôn ngữ là một cách suy nghĩ và diễn tả. Ông bà hàng xóm của tôi cũng người Trung Quốc, họ sống ở Pháp đã gần 40 năm, con cái đều đã tốt nghiệp đại học, nhưng họ vẫn không nói được tiếng Pháp. Phi trường Bạch Vân bây giờ không còn những người nghèo khổ chầu chực để khuân vác đồ cho du khách. Cảnh sát cũng nhã nhặn hơn nhiều dù chưa hẳn là thân thiện. Mười năm trước họ nhìn du khách như những phần tử đáng ngờ vực và sẵn sàng can thiệp không chút nể nang.
Thành phố Côn Minh ngày nay
Những thiện cảm càng mạnh hơn khi tôi tới Côn Minh, bắt đầu cuộc tham quan thực sự. Côn Minh đã thay đổi hẳn. Mười năm trước đây là một thành phố duyên dáng còn giữ được phần lớn quá khứ của nó. Đó cũng là thành phố mà tôi thích nhất một phần vì nó có nhiều liên hệ với nước ta trong thế kỷ 20, chủ yếu nhờ đường xe lửa Hà Nội – Côn Minh. Thành phố bây giờ hoàn toàn khác. Tấp nập và hoành tráng. Các cao ốc mọc lên như nấm.
Côn Minh cũng như tất cả các nơi tôi đi qua trong hai tuần lễ đều xác nhận một tiến bộ ngoạn mục của Trung Quốc về vệ sinh và môi trường. Sạch không thua gì các thành phố Châu Âu, có phần hơn cả Paris. Không còn rác rưởi. Cách đây mười năm nỗi kinh hoàng của các du khách, ngay cả trong các khách sạn bốn sao, là các nhà vệ sinh. Dơ bẩn và hôi thối ở mức độ khó mô tả và nhiều khi không có giấy vệ sinh. Hình ảnh quen thuộc là một nhân viên đứng trước nhà vệ sinh của các nhà hàng phát cho mỗi khách hàng một số lượng giấy vệ sinh vừa đủ dùng. Bây giờ các nhà vệ sinh trong các khách sạn đều sạch sẽ, trong các nhà hàng chúng cũng đều ít nhất chấp nhận được. Tôi chắc các nhà vệ sinh trong các nhà hàng dành cho người Trung Quốc cũng đã phải sạch hơn rất nhiều. Tuy vậy người ta không dễ đoạn tuyệt với một di sản văn hóa, và văn hóa Trung Quốc khá đặc biệt.
Một WC trong một nhà hàng sang
Một hiện tượng ngộ nghĩnh vẫn còn khá phổ biến là trong nhiều nhà hàng khá sang trọng vẫn còn những nhà vệ sinh trong đó nhiều người, dĩ nhiên là cùng giới tính, ngồi đại tiện bên nhau một cách rất tự nhiên vừa làm động tác tiêu hóa vừa trò chuyện hoặc lướt mạng internet bằng điện thoại di động một cách thoải mái. Vài lần trong những nhà hàng sang tôi còn thấy những cầu tiêu rất sạch với hai bệ kiểu ngồi xổm kế bên nhau. Tôi được giải thích là hai người bạn thân có thể rủ nhau cùng đi đại tiện để trò chuyện. Không phải để tiết kiệm chỗ mà vì lý do văn hóa.
Người Trung Quốc hình như không coi đại tiện, hoặc khạc nhổ, là những việc hoàn toàn cá nhân và kín đáo, trái lại họ coi đại tiện là một khoảng khắc thoải mái có thể chia sẻ với bạn bè. Tôi còn nhớ một đoạn trong cuốn The New Emperors (Những hoàng đế mới) của Salisbury được giải Pulitzer trong đó người y sĩ cá nhân của Mao Trạch Đông thuật lại rằng Mao và bộ tham mưu trong giai đoạn Trường Chinh thường thảo luận trong khi cùng đại tiện. Phải nói rằng có những điểm trên đó người Trung Quốc và người Việt Nam rất khác nhau.
Thạch Lâm ngày nay trở thành một công viên
Tiến bộ rất đáng phục khác của Trung Quốc trong mười năm qua là về môi trường. Trung Quốc không chỉ nói là phải cải thiện môi trường, họ thực sự làm với tất cả quyết tâm. Hầu như không còn xe gắn máy chạy bằng xăng, chúng đã bị thay thế bởi xe đạp điện im lặng và sạch sẽ.
Tuy vậy tiến bộ lớn nhất chính là con người. Chỉ vài ngày sau khi tới đây tôi nhận ra là con người Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều. Mười năm về trước họ là những con người sợ sệt, lầm lũi và đầy nghi kỵ, nhìn du khách như những con bò sữa, thậm chí như những đe dọa, không dám có quan hệ nào ngoài buôn bán. Phần lớn từ chối chụp ảnh với du khách.
Người dân Trung Quốc ngày nay không còn sợ chụp ảnh với du khách
Ngày nay họ khác hẳn. Họ tươi cười vồn vã, sẵn sàng trò chuyện với khách lạ hoặc qua một vài câu tiếng Anh lõm bõm kèm theo động tác cơ thể, hoăc qua thông dịch của hướng dẫn viên mà họ thừa biết là công an. Một đặc điểm của Trung Quốc là các công ty du lịch không chỉ là của công an mà còn chính là công an. Bây giờ có hơi khác so với mười năm trước. Cô hướng dẫn viên của tôi cho biết trước đây cô ấy là công an và đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhưng bây giờ cô ấy đã xin ra khỏi công an để làm hướng dẫn viên tự do, tư cách đảng viên cũng không còn trên nguyên tắc vì từ hai năm nay cô ấy không đóng đảng phí ; theo nội quy của đảng như vậy là mất tư cách đảng viên trừ khi chịu đóng liễm trở lại, điều mà cô ấy sẽ không làm.
Người Trung Quốc không còn là những con người ngoài cuộc lầm lũi ngay trên chính quê hương mình nữa. Họ đang tự cởi trói để làm chủ đời mình trước khi, chắc chắn, giành quyền làm chủ đất nước. Tôi cũng đã làm một việc mà trước đây mười năm tôi không hề nghĩ đến. Trên đường bộ hoành tráng ở trung tâm Côn Minh tôi chợt nhìn thấy một công an trẻ đẹp đang canh gác. Tôi nhìn anh ta và anh ta mỉm cười. Tôi nhờ cô hướng dẫn viên hỏi anh ta có bằng lòng chụp một tấm hình kỷ niệm với tôi không và anh ta vui vẻ nhận lời. Mười năm trước điều này không thể tưởng tượng nổi.
Phải nói cảm giác trong những ngày đầu tiên của tôi là ngạc nhiên, thú vị và thán phục. Nhưng vài ngày sau sự lạc quan dần dần nhường chỗ cho ngờ vực và phân vân, rồi sau cùng một kết luận ảm đạm cho tương lai của cả chế độ cộng sản Trung Quốc lẫn đất nước Trung Quốc nói chung. Tất cả không tốt đẹp như ấn tượng ban đầu.
Bác sĩ dược thảo Hồ Thạch Thấu
Sự nghi hoặc bắt đầu khi tôi gặp người mà tôi muốn gặp nhất tại Vân Nam, bác sĩ dược thảo Hồ Thạch Thấu (Hu Shixui). Ông là một trong những người Trung Quốc nổi tiếng và được ái mộ nhất. Đã có vài chục cuốn phim tài liệu về ông và những khảo cứu về dược thảo của ông được phổ biến trên khắp thế giới, không phải do chính quyền cộng sản Trung Quốc thực hiện mà do các hãng thông tấn phương Tây. Năm nay ông đã 96 tuổi nhưng vẫn còn rất tỉnh táo. Điều làm tôi ngạc nhiên là ông ngồi một mình cô đơn nhìn ra đường phố ngay trước cửa tiệm thuốc trống trơn được gọi là y viện của ông, dù Lệ Giang và "bác sĩ Hồ" là một chặng đường bắt buộc của mọi du khách muốn tìm hiểu Trung Quốc. Lúc đó tôi mới nhận ra là số du khách nước ngoài không có bao nhiêu. Hỏi ra mới biết là số du khách nước ngoài ngày càng giảm đi trong khi du khách Trung Quốc không tăng lên.
Sau đó dần dần những sự kiện mà tôi không quan tâm lúc ban đầu trở thành rõ rệt. Các khách sạn mà tôi đã ghé qua đều vắng, chỉ vào khoảng một phần ba số phòng có khách. Chúng sẽ không thể trụ lâu, sự bi quan có thể nhìn thấy ngay trên nét mặt của những người quản lý khách sạn. Lý do không khó tìm ra. Trung Quốc đúng là đồ sộ và sạch sẽ hơn hẳn so với mười năm trước nhưng thực ra không đẹp hơn, trái lại đã mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Một thí dụ điển hình là Thạch Lâm, một "Vịnh Hạ Long trên đất liền" từng được ca tụng là "thiên hạ đệ nhất kỳ quan". Bây giờ Thạch Lâm không còn là một thắng cảnh thiên nhiên nữa, chưa nói thắng cảnh thiên nhiên đẹp nhất thế giới, mà đã trở thành một công viên. Một công viên lớn và đẹp nhưng không còn gì là thiên nhiên. Quá nhiều xây dựng và bê tông đã cướp đi tâm hồn của nó. Đây cũng là tình trạng chung của mọi thành phố Trung Quốc, ngay cả những địa danh du lịch như Shangri-la, Lệ Giang và Đại Lý. Hy vọng Quế Lâm vẫn còn nguyên vẹn.
Côn Minh nhìn từ lầu cao, mù mịt và xây cất vô trật tự
Tôi may mắn được ở một trong những khách sạn cao nhất tại ngay chính trung tâm Côn Minh và qua cửa kính của phòng ăn có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố. Nhận xét rất rõ rệt là các cao ốc được xây một cách lộn xộn không theo một quy hoạch đô thị nào cả. Một nhà chọc trời có thể mọc lên cô đơn ngay chính giữa một khu lụp xụp.
Không khí vẫn vẩn đục vì khói dù Côn Minh, với cao độ 2000m và hồ Điền Trì rộng lớn ngay kế bên, chắc chắn phải là một trong những thành phố ít ô nhiễm nhất. Môi trường Trung Quốc đã bị hủy hoại quá nặng để có thể phục hồi trong vòng một hai thế hệ. Vật giá cũng đã gia tăng khá nhiều. Khó chịu nhất là sự cô lập. Không có Google, Facebook, Youtube, Gmail, Twitter, điện thoại và SMS rất đắt. Chỉ có thể truy cập những mạng của Trung Quốc với điều kiện là phải cài đặt những software của Trung Quốc. Trung Quốc là một thế giới riêng. Tập Cận Bình cổ võ cho toàn cầu hóa tối đa nhưng chủ trương toàn cầu hóa của ông phải được hiểu là Trung Quốc can thiệp trên toàn thế giới chứ không có nghĩa là Trung Quốc hội nhập vào thế giới.
Và tôi nhận ra là không thể đi 50 mét mà không gặp một toán cảnh sát võ trang, điều này chứng tỏ chính quyền cộng sản Trung Quốc đang rất lo sợ trước thái độ ngày càng tự tin của quần chúng. Đáng lẽ tôi đã phải nhận ra điều này ngay khi tới Côn Minh. Hôm đó, vừa nhận phòng và cất hành lý xong tôi xuống đi dạo trên đường bộ hành trung tâm thành phố. Đường này là niềm kiêu hãnh của Côn Minh. Rộng lớn và nhộn nhịp, đầy rẫy những cao ốc mới. Vừa ra khỏi khách sạn chừng vài chục bước tôi gặp một ông già gánh một thứ trái cây rất lạ đi bán rong. Bọn tôi tới coi và ông hạ gánh xuống. Chưa kịp hỏi gì thì bất ngờ hàng chục công an đã ập tới một người khóa tay một người bẻ cổ ông già kéo đi bất chấp sự vùng vẫy la hét của nạn nhân, những người kia bao vây gánh hàng. Cô hướng dẫn viên giải thích rằng công an nghi ông ấy giấu chất nổ dưới trái cây. Thế là ông già và quang gánh bị đẩy lên xe bít bùng chở đi đâu không biết. Chắc chán là oan vì sau đó không thấy tin tức gì trên báo.
Mười năm qua, từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 nổ ra đã là mười năm Trung Quốc thách đố thế giới. Họ đã cố gắng phủ nhận cuộc khủng hoảng này và cố gắng bằng mọi cách duy trì một tỷ lệ tăng trưởng cao bởi vì, theo như lời cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo, một tỷ lệ tăng trưởng dưới 8% chắc chắn sẽ dẫn Trung Quốc tới bạo loạn sau những hy sinh về con người và môi trường mà mô hình gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã áp đặt. Các phương cách đã được thử nghiệm là tăng lương công nhân để tăng cường thị trường nội địa, bơm tiền và vận động dân chúng dồn tiền vào chứng khoán để biến Thượng Hải và Thẩm Quyến thành những trung tâm tài chính quốc tế, và nhất là tăng chi tiêu công cộng và tín dụng để đẩy mạnh xây dựng, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng ở cả trong lẫn ngoài nước qua sáng kiến Đai và Đường (Belt and Road Initiative). Kết quả là chi phí công nhân lên cao khiến xuất khẩu giảm nhưng tiêu thụ nội địa vẫn không tăng, các thị trường chứng khoán Thương Hải và Thẩm Quyến đang nguy ngập sau khi đã làm mất hàng ngàn tỷ USD, các thành phố ma mọc lên khắp nơi với con số ước lượng năm 2016 là 64 triệu căn hộ không người ở, bây giờ có thể là trên 70 triệu. Còn sáng kiến Đai và Đường ? Cho tới nay nó đã chỉ khiến Trung Quốc chi hàng nghìn tỷ USD chứ chưa thu lại được gì.
Và mối nguy lớn nhất -vượt rất xa mọi khó khăn kinh tế dù không được các chuyên gia nói tới- là cuộc đấu ngày càng gay go giữa một bên là nhân dân Trung Quốc ngày càng mạnh hơn, tự tin hơn đang quyết tâm tự cởi trói và một bên là Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã mất lý tưởng, đã phân hóa và bối rối nhưng lại cố xiết chặt hơn nữa ách độc tài toàn trị. Kết cuộc là hiển nhiên và có thể sẽ rất dữ dội.
Chính quyền cộng sản Trung Quốc không chỉ thách thức thế giới. Họ thách thức cả thực tế và mọi logic. Cụ thể là nếu chính sách kinh tế này của Trung Quốc mà thành công thì phải xét lại ngay cả những kiến thức kinh tế nền tảng nhất. Tuy vậy cho tới nay những dự đoán về sự sụp đổ của Trung Quốc đều đã không thành sự thực. Lý do là vì người ta đã lý luận về Trung Quốc như một quốc gia trong khi nó là một đế quốc, nghĩa là một thế giới nhỏ. Thực ra sự suy yếu của Trung Quốc đã bắt đầu rồi và ngày càng khó che giấu. Điển hình là khối nợ đã vượt mức 300% GDP và hàng trăm triệu người đã phải quay trở lại nông thôn sau khi mất việc. Tuy vậy, khác với trường hợp một quốc gia, gian đoạn suy tàn của một đế quốc có thể kéo dài khá lâu như lịch sử thế giới đã cho thấy. Cũng khác với một quốc gia điều quan trọng mà lịch sử cũng đã chứng tỏ là một đế quốc suy yếu không còn là một mối nguy cho thế giới nữa. Nó phải lo giải quyết những khó khăn nội bộ.
Tôi chia sẻ quan tâm của nhiều thân hữu về mối quan hệ lệ thuộc nhập nhằng và mờ ám của chính quyền cộng sản Việt Nam với Bắc Kinh. Tôi cũng đồng ý là chúng ta phải rất cảnh giác, nhưng tôi thành thực nghĩ rằng chúng ta không cần phải hoảng hốt và mất lòng tin vào tương lai đất nước.
Nguyễn Gia Kiểng
(20/11/2018)
(1) Tôi cũng đã viết thêm một số bài khác theo cùng quan điểm này :