Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

13/12/2018

Thử nhận diện bài toán Trung Quốc

Nguyễn Gia Kiểng

Có những trường hợp phải lùi xa để nhìn rõ và một vấn đề chỉ có giải đáp nếu được nhìn như là thành phần của một vấn đề lớn hơn. Bài toán Trung Quốc đối với Việt Nam là một trong những trường hợp này.

Ngày nay nghĩ đến Trung Quốc chúng ta nghĩ ngay đến Hoàng Sa và Trường Sa với một tâm sự đau nhức và bất lực. Chúng ta không hy vọng gì lấy lại hai quần đảo này mà còn có nguy cơ mất thêm. Nhưng vấn đề không giản đơn như thế và rất có thể là cũng may mà nó không giản đơn như thế.

baitoan1

Hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt - Trung chứng kiến tuần tra liên hợp tại mốc 1117 (Ảnh Biên Phòng, 30/03/2016)

Chúng ta chưa biết rõ đã thực sự mất những gì. Chính quyền cộng sản Việt Nam không công bố bản đồ biên giới theo thỏa ước phân định biên giới trên đất liền tháng 12-1999 để chúng ta có thể so sánh với bản đồ của hiệp ước 1887, văn kiện qui định biên giới giữa hai nước trước đó. Chắc chắn là chúng ta mất nhiều hơn những gì chính quyền nhìn nhận. Ông Lê Công Phụng, người đặc trách vấn đề biên giới nói rằng trong những vùng tranh chấp (khoàng 272 km2) hai bên đã thỏa thuận chia đôi. Điều này có thể đúng, vấn đề là có những vùng đã mất hẳn và không còn được coi là "vùng có tranh chấp". Cuốn Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc (Nhà xuất bản Sự Thật) và nhiều tài liệu tình cờ được công bố cho thấy những vùng này nhiều lắm. Có những vùng các sắc tộc biên giới trước đây thuộc Việt Nam bị Trung Quốc mua chuộc và tự nhận là người Trung Quốc và cũng có những vùng Trung Quốc đã đánh chiếm và sáp nhập.

Một câu hỏi lớn cần được đặt ra : tại sao chính quyền cộng sản Việt Nam lại phải ký hiệp ước biên giới 1999 trên đất và vô lý hơn nữa là hiệp ước 2000 về Vịnh Bắc Bộ trong đó chúng ta thiệt hại nặng ? Tại sao nếu không đòi lại được những gì đã mất lại không giữ nguyên tình trạng pháp lý cũ ? Tại sao phải chính thức hóa những mất mát ?

Nói rằng ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã bán nước, dâng đất, dâng biển cho quan thầy Trung Quốc là nói một cách giận dữ, và những gì nói trong cơn giận thường quá đáng và sai. Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam chắc chắn là có trách nhiệm nặng, rất nặng. Cũng có khả năng họ bị đã mua chuộc, nhưng đây không thể là lý do chính. Không một chính quyền nào, dù tồi tệ đến đâu, lại muốn mất đất cả. Lời tuyên bố của ông Lê Công Phụng theo đó "càng để lâu càng khó khăn hơn" cần được lưu ý.

Càng đáng được lưu ý vì hiện nay chính Việt Nam muốn cắm mốc biên giới cho thật nhanh trong khi Trung Quốc viện đủ lý cớ để trì hoãn. Như vậy việc nhanh chóng ổn định biên giới theo hiệp ước 1999 cần thiết cho Việt Nam chứ không phải cho Trung Quốc. Điều này phải được hiểu là vùng đất của ta giáp biên giới phía Bắc đang bị đe dọa nặng và sẽ ngày càng mất thêm nếu biên giới không được cụ thể hóa ngay tức khắc. Không ý thức được điều này thì chúng ta sẽ không thể hiểu nổi sự vô lý cùng cực của hiệp ước phân định lãnh hải Vịnh Bắc Bộ năm 2000 trong đó Việt Nam không những đã từ bỏ hết những ưu đãi của hiệp ước 1887 mà còn phải chấp nhận những bất công mới. Hơn 10.000 Km2 bị mất trắng cho Trung Quốc một cách vô lý. Nếu không ký kết gì hết thì hiệp ước 1887 vẫn còn là văn kiện pháp lý duy nhất. Mặt biển không thể bị chiếm đóng và sáp nhập như đất liền, Trung Quốc chỉ có thể vi phạm nhưng hải phận vẫn là của ta trên pháp lý, và Trung Quốc cũng không có khả năng bất chấp công pháp quốc tế và sự lên án của thế giới. Như vậy phải hiểu rằng chính quyền cộng sản Việt Nam đã chỉ ký hiệp ước phân định lãnh hải Vịnh Bắc Bộ như là cái giá phải trả để Trung Quốc chấp nhận ký hiệp ước phân định biên giới trên đất liền, và Hà Nội muốn ký cho bằng được hiệp ước biên giới trên đất liền để giới hạn những mất mát. Mối nguy mất thêm đất phải rất lớn mới có thể khiến chính quyền cộng sản Việt Nam chấp nhận một hy sinh to lớn như vậy. Điểm này nhiều người chống chế độ cộng sản hoặc không hiểu hoặc không muốn hiểu.

Núi phải có chân. Núi thuộc về kẻ ở chân núi. Biên giới Việt Trung dài 1.350 km và là một vách núi dầy gần 100 km nằm bên phía nước ta. Chính vách núi này đã giúp chúng ta tồn tại được như một dân tộc độc lập trong khi các dân tộc Bách Việt ở phía Bắc bị sáp nhập và Hán hóa. Nếu mất những vùng sát chân núi, và trên thực tế chúng ta đã mất nhiều vùng sát chân núi, thì trên thực tế chúng ta cũng mất luôn những ngọn núi gần kề, nghĩa là mất nhiều, rất nhiều. Phải hiểu sự hốt hoảng của chính quyền cộng sản Việt Nam.

Nếu chỉ giới hạn trong quan tâm bảo toàn lãnh thổ thì trong quan hệ Việt Trung chúng ta cũng có hai loại vấn đề khác nhau, trước mắt và dài hạn. Trước mắt là làm thế nào để đừng mất thêm nữa, về lâu về dài là tìm ra một phương thức để triệt tiêu những mất mát đã phải chịu đựng, để những vùng đã mất nếu không chính thức được tái hội nhập vào lãnh thổ Việt Nam thì cũng không còn thực sự là những mất mát.

baitoan2

Biên giới Việt Trung dài 1.350 km và là một vách núi dầy gần 100 km nằm bên phía nước ta - Ảnh vùng đồi núi Lạng Sơn

Muốn không mất thêm đất thì phải hiểu tại sao chúng ta đã mất đất.

Không nên chối cãi một sự thực là chúng ta chậm tiến hơn người Trung Quốc. Gần một thế kỷ Pháp thuộc tuy có rút ngắn khoảng cách nhưng chưa khiến ta bắt kịp người Trung Quốc, bằng cớ là những người Trung Quốc nghèo khổ phải rời quê hương sang Việt Nam lập nghiệp đã nắm gần hết kinh tế Việt Nam dù họ chỉ là một thiểu số rất nhỏ. Từ sau thế chiến II khoảng cách giữa Trung Quốc và chúng ta, nhất là miền Bắc nước ta, lại còn dài ra một cách bi thảm. Trung Quốc có hòa bình từ 1949 trong khi chúng ta bị chiến tranh tàn phá cho dến năm 1975, tiếp theo đó là hơn mười năm đập phá thẳng tay để xây dựng mô hình Liên Xô, năm 1988 còn có nạn đói làm nhiều người chết.

Miền Bắc, ngoại trừ là một trại lính, bị kiệt quệ hoàn toàn. Giữa hai nước quá cách biệt về mức độ phát triển như thế áp lực bành trướng là tự nhiên, chưa kể là chính quyền miền Bắc lại theo đuổi một chủ nghĩa quốc tế, coi Trung Quốc là nước anh ruột, bỏ ngỏ biên giới phía Bắc và dồn tất cả mọi ưu tư để chinh phục miền Nam và tiêu diệt những mầm mống chống đối trong nước. Cũng ông Lê Công Phụng trong một bài phỏng vấn dành cho báo chí trong nước đã nói rằng có những mốc biên giới biết chắc là đã bị dời sâu vào trong lãnh thổ Việt Nam nhưng không biết từ bao giờ, khi hỏi dân địa phương thì họ nói rằng cột mốc đã ở đó từ lâu rồi ! Cẩu thả đến thế là cùng !

Giữa lúc đó thì Trung Quốc lại ở vào cao điểm của một cuộc chuyển hóa lớn với trọng lượng kinh tế và chính trị chuyển dần về phía Nam, làm gia tăng áp lực Nam tiến. Trong lịch sử chúng ta đã giữ được độc lập nhờ vách núi và cũng nhờ ở xa trung tâm quyền lực của Trung Quốc, Tây An hoặc Bắc Kinh. Từ thế kỷ 20 sự dời đổi trung tâm quyền lực của Trung Quốc đã rất rõ rệt. Trước thế kỷ 20 mọi dòng vua Trung Quốc đều xuất phát từ phía Bắc và đóng đô ở phía Bắc. Từ cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 tất cả các lãnh tụ Trung Quốc dù là Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Giang Trạch Dân đều là những người phía Nam sông Dương Tử. Hồ Cẩm Đào là một ngoại lệ nhưng cũng không phải là người phương Bắc mà thuộc miền Tây, tỉnh Tứ Xuyên. Còn trọng lượng kinh tế thì đã dời hẳn về phía Nam. Trọng lượng của vùng Hoa Nam sẽ còn tiếp tục gia tăng bởi vì miền Bắc đang cằn cỗi dần và bị sa mạc hóa. Áp lực Nam tiến gia tăng là tự nhiên, nhất là văn hóa Trung Quốc vẫn còn là văn hóa nông dân thèm đất.

Cũng không phải chỉ có thế. Trung Quốc bắt đầu mở cửa kinh tế từ thập niên 1970 với cuộc thăm viếng của Nixon và tuyên ngôn Thương Hải, Việt Nam chỉ đổi mới từ 1987 và chỉ ra khỏi vũng lầy Campuchia từ 1991. Đã tụt hậu mà lại khởi hành sau và còn chạy chậm hơn cho nên sự thua kém ngày càng bi đát. Trong một cuộc gặp gỡ tình cờ tại Bắc Kinh một nhóm chuyên gia Việt Nam đã nói với tôi người ta mười mình chưa được một. Đó mới chỉ là so sánh về trình độ, về phẩm. Nếu kể cả lượng thì so sánh lực lượng có thể chỉ là 1 chọi 30, nghĩa là trứng chọi đá. Sức mạnh áp đảo đó khiến Trung Quốc có khả năng thu hút hơn hẳn Việt Nam đối với các dân tộc vùng biên giới và họ đã tận dụng thế thượng phong này.

baitoan3

Đời sống trẻ em sắc tộc thiểu số Vân Nam còn rất thấp so với trẻ em thành thị - Ảnh minh họa

Với một so sánh lực lượng quá chênh lệch như vậy và với một ý đồ bành trướng đã quá rõ rệt của Trung Quốc chúng ta không có hy vọng nào giữ vững được biên giới phía Bắc nếu chúng ta cũng theo mô hình Trung Quốc và chỉ là một ấn bản mờ nhạt của Trung Quốc. Chúng ta chỉ có hy vọng thoát hiểm nếu song song với nỗ lực phát triển miền núi phía Bắc chúng ta đem lại cho các dân tộc vùng biên giới điều mà Trung Quốc không có : một cách tổ chức xã hội khác trong đó tự do, dân chủ, đa nguyên, liên đới, phẩm giá con người được lấy làm những giá trị nền tảng.

Đồng thời chúng ta cũng phải đem vấn đề ra trước thế giới, vận dụng tối đa công pháp quốc tế và hậu thuẫn của các nước dân chủ. Chắc chắn chúng ta sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ bởi vì Trung Quốc đang là mối lo âu của cả thế giới. Trung Quốc đang mạnh lên về cả kinh tế lẫn quân sự trong khi không dân chủ hóa, hơn nữa còn nâng đỡ các chế độ độc tài bạo ngược và xuất hiện như là nước lãnh đạo của cả một liên minh chống dân chủ trên thế giới trong một cuộc chiến tranh lạnh mới. Hậu thuẫn này sẽ có hiệu lực quyết định bởi vì Trung Quốc vẫn còn rất yếu so với các nước dân chủ và cũng lệ thuộc nặng nề vào thị trường của các nước này. Nhưng muốn được các nước dân chủ tận tình yểm trợ thì Việt Nam cũng phải là một nước dân chủ.

Quan trọng hơn hết là chúng ta phải có đoàn kết dân tộc để giữ nước, nhưng chúng ta chỉ có đoàn kết dân tộc nếu cùng với một cố gắng dân chủ hóa thành thực và quả quyết chúng ta thực hiện được hòa giải dân tộc để xóa bỏ những hận thù do chiến tranh, tham nhũng và các chính sách phân biệt đối xử, độc quyền độc tôn để lại.

Tuy những bài học lịch sử chỉ có giá trị tương đối nhưng chúng ta cũng vẫn phải rút ra và suy ngẫm. Ngoài những xâm thực ở biên giới đã có ba lần Trung Quốc trắng trợn dùng quân đội xâm chiếm nước ta, năm 1974 đánh chiếm Hoàng Sa, năm 1979 tấn công vào các tỉnh phía Bắc và năm 1988 đánh chiếm Trường Sa. Cả ba lần xâm chiếm đều có chung một đặc điểm : chúng ta chia rẽ, kiệt quệ và cô lâp. Bài học lịch sử mà chúng ta có thể rút ra là muốn giữ được vẹn toàn bờ cõi trước áp lực của Trung Quốc thì phải tranh thủ được cảm tình của thế giới và phải có đoàn kết dân tộc.

Muốn như thế chỉ có một con đường : dân chủ hóa và thực hiện hòa giải dân tộc.

Và vì đe dọa đang đặt ra một cách cấp bách, hiện tượng xâm thực dưới nhiều hình thức đang tiếp diễn hàng ngày, chúng ta cũng phải khẩn cấp thực hiện dân chủ và hòa giải dân tộc.

baitoan4

Chúng ta chỉ có đoàn kết dân tộc nếu thực hiện được hòa giải dân tộc để xóa bỏ những hận thù do chiến tranh, tham nhũng và các chính sách phân biệt đối xử, độc quyền độc tôn để lại.

Dĩ nhiên câu hỏi đặt ra ngay trong lúc này -khi chế độ độc tài cộng sản vẫn còn đó, dân chủ chưa tới và hòa giải dân tộc chưa được thực hiện- thì chúng ta có thể và phải làm gì ?

Ngay trong lúc này điều phải làm, và cần làm ngay, là tách rời hai vấn đề chống chính sách bành trướng của Trung Quốc và chống chế độ độc tài cộng sản. Phải nói rõ : không phải chúng ta tạm ngưng chống độc tài để tập trung đương đầu với chính sách bành trướng của Bắc Kinh. Chúng ta vẫn đẩy mạnh tối đa cả hai cuộc đấu tranh nhưng không lẫn lộn hai mặt trận. Trên mặt trận giữ nước mọi người Việt Nam phải cùng một phe. Lẫn lộn hai cuộc đấu tranh này không những tai hại cho đất nước mà còn là một sự dại dột đối với chính những người dân chủ.

Các cuộc biểu tình chống việc Trung Quốc sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa đã do Đảng cộng sản, hay ít nhất là một bộ phận của Đảng cộng sản, khởi động, nhưng đã bị cấm ngay sau đó vì, ngoài lý do Hà Nội sợ Bắc Kinh, chúng đã nhanh chóng trở thành cơ hội để tố giác Đảng cộng sản và cũng có khả năng trở thành những cuộc biểu tình chống cộng. Thật là đáng tiếc bởi vì chúng ta đã bỏ lỡ một dịp để đưa vấn đề ra trước dư luận thế gìới.

Tại nước ngoài, trong một cuộc mít tinh vào thời điểm đó, tôi đã chứng kiến một diễn giả tuyên bố một cách hùng hồn rằng mục tiêu duy nhất của cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa là để lật đổ chế độ cộng sản và được một tràng pháo tay hoan hô. Không phải người chống cộng nào cũng là người dân chủ nhưng nếu diễn giả này là một người dân chủ thì ông ta là một người dân chủ vô trách nhiệm và rất khờ khạo. Tội của Đảng Cộng Sản Việt Nam không phải là đã dụng tâm bán đất hay dâng đất cho Trung Quốc mà là đã làm mất đất và đã để xẩy ra nông nỗi này. Trách nhiệm của Đảng cộng sản là rất lớn, rất nghiêm trọng và không thể tha thứ nhưng nói quá đáng chỉ phản tác dụng. Nếu ngăn chặn Trung Quốc xâm lấn trở thành một đồng thuận dân tộc thì số phận của đảng và chế độ cộng sản kể như đả giải quyết xong. Đưa vấn đề biên giới ra trước công pháp quốc tế và dư luận thế giới, thay vì thương thuyết song phương dấm dúi trong thế yếu như hiện nay, là điều cần cho quyền lợi đất nước nhưng cũng là điều rất nhức nhối cho Đảng cộng sản, phải khuyến khích nó trong chiều hương này, ít nhất bằng cách không lợi dụng cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ cho mục đích chính trị quốc nội.

Trong một tương lai xa hơn tình hình có thể rất thuận lợi nếu chúng ta có được những người cầm quyền biết nhìn xa và biết thích nghi với tình thế. Thế giới đang trải qua một cuộc chuyển hóa lớn và vùng Đông Á còn chuyển hóa một cách trọng đại hơn bởi vì tại đây còn có nhiều điều chưa hợp lý và không thể tiếp tục tồn tại lâu dài. Nhiều biên giới quốc gia có thể sẽ mờ nhạt đi. Nhiều khối hợp tác sẽ hình thành giữa các quốc gia hoặc giữa một số vùng của các quốc gia trên cơ sở gần gũi nhau về địa lý, ngôn ngữ, văn hóa và bổ túc cho nhau về kinh tế. Với thời gian các khối hợp tác này sẽ trở thành những liên bang trên thực tế. Cũng có những quốc gia không thuộc hẳn vào một khối nào trong một thời gian dài và sẽ là gạch nối giữa các khối. Và cũng có những nước và vùng mà chúng ta chưa thể dự đoán tương lai vào lúc này. Điều chắc chắn là Trung Quốc không thể tồn tại dưới hình thức hiện nay. Nó vốn đã có quá nhiều xung đột lịch sử và mâu thuẫn văn hóa. Cho tới nay ly khai là khuynh hướng thường trực, sự thống nhất đã chỉ được duy trì bằng một vũ khí duy nhất mà ngày nay chính quyền Bắc Kinh không còn sử dụng được nữa : tàn sát.

Trong hơn ba thập niên qua Trung Quốc lại đã lao vào một mô thức kinh tế nguy hiểm, có hiệu quả cao nhất thời nhưng rất tệ hại cho tương lai, đó là mô thức tăng trưởng bất chấp con người, môi trường và liên đới xã hội. Mối liên hệ vốn đã không mạnh giữa một số tỉnh thực ra không còn gì trên thực tế. Trong một thời gian có thể dài, Trung Quốc có thể vẫn tồn tại trong biên giới chính trị hiện nay nhưng biên giới chính trị này sẽ mất dần ý nghĩa và tầm quan trọng. Ngược lại, những quan hệ kinh tế và văn hóa sẽ dần dần tạo ra những liên minh mới. Ngay trong lúc này tỉnh Quảng Đông đã có nhiều quan hệ với Đài Loan hơn là với Bắc Kinh, quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc trên thực tế chỉ là những quan hệ với các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Hồng Kông.

Trong cái nhìn này một số khối hợp tác sẽ hình thành trong và chung quanh Trung Quốc :

Khối 1 gồm hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong một tương lai xa hơn khối này có thể gồm cả tỉnh Quý Châu.

Khối 2 gồm Đài Loan, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Hồng Kông, Hải Nam.

Khối 3 gồm một số lớn các tỉnh phía Bắc Trung Quốc chung quanh Bắc Kinh.

Trong khối 1 Việt Nam có vai trò trung tâm gần như tự nhiên với vị trí thuận lợi và dân số đông đảo nhất, gần một nửa dân số toàn khối. Việt Nam cũng có những ưu thế khác : bờ biển dài và tốt, kinh nghiêm tiếp xúc với các nước phương Tây, thông thạo ngoai ngữ. Tiếng Việt, dù còn cần được cải thiện, cũng là một lợi khí lớn vì dễ học. Chúng ta cũng là một nước ít ảnh hưởng tôn giáo, đó cũng là một điểm mạnh. Một khi khối này đã thành hình, đã có sự lưu thông tự do của người và hàng hóa trong nội bộ khối, thì vấn đề biên giới phía Bắc không còn đặt ra nữa.

Khối 2 trong suốt thế kỷ 21 chắc chắn sẽ là khối mạnh nhất cả về kinh tế lẫn văn hóa, khoa học kỹ thuật, nhưng sẽ không là một đe dọa cho ai bởi vì sẽ là một khối văn minh, không còn văn hóa giành dân lấn đất. Những căng thẳng trên biển Đông sẽ tan biến dần và cũng có thể đạt tới một thỏa hiệp hợp tình hợp lý cho Hoàng Sa và Trường Sa.

Điều ngược đời là nếu chỉ muốn lấy lại Hoàng Sa và Trường Sa thôi thì chúng ta hoàn toàn tuyệt vọng nhưng nếu chúng ta dám nhìn xa hơn thì vấn đề lại dễ hơn nhiều. Sự hình thành của khối 1 gần như là một diễn biến tự nhiên. Hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây có nhiều quan hệ văn hóa và lịch sử với Việt Nam và chưa hẳn hội nhập vào Trung Quốc, mới cách đây hơn một thế kỷ họ đã chiến đấu rất dữ dội để giành độc lập và đã chỉ bị khuất phục bằng bạo lực sau khi không còn chiến binh và quá phân nửa dân chúng bị tàn sát ; (theo một số tài liệu 90% dân số tỉnh Quý Châu đã bị tàn sát trong cuộc chiến này). Khát vọng độc lập, hay ít ra được thực sự tự trị còn rất lớn. Cũng phải nhấn mạnh rằng sự hình thành khối này, cũng như các khối khác, không phải là một sự xâm lược đối với Trung Quốc mà chỉ là một tiến trình tự nhiên do hợp tác văn hóa và kinh tế. Vả lại hiện nay Vân Nam đã có nhiều khu tự trị, Quảng Tây đã là một tỉnh tự trị trên nguyên tắc.

Cũng không nên quá lo sợ Trung Quốc mà đi đến thái độ thù địch. Người Trung Quốc, và người Hán nói riêng, về bản chất là một dân tộc hiền hòa dễ mến. Dưới những thái độ và ngôn ngữ có thể gây hiểu lầm họ thực ra không kỳ thị chủng tộc, không có tinh thần quốc gia mạnh và cũng không nhiều tự hào dân tộc. Các dân tộc nhỏ như Mông Cổ và Mãn Thanh đã có thể cai trị Trung Quốc mà hầu như không bị chống đối. Các triều đại Nguyên và Thanh đã sụp đổ vì thối nát và bất lực chứ không phải vì là kẻ thống trị nước ngoài. Trong văn hóa và tâm lý của chính nó, Trung Quốc không được nhìn như một nước mà như thiên hạ, nghĩa là thế giới, hay không là gì cả.

Tóm lại, dù là nhu cầu trước mắt –ngăn chặn sự xâm thực- hay là đòi hỏi trong tương lai dài hạn –vượt qua những mất mát và vươn tới một không gian thăng tiến lớn rộng- thì lời giải của bài toán Trung Quốc vẫn là phải hòa giải dân tộc, phải dân chủ hóa, phải là một chế độ dân chủ đúng nghĩa và phải có những người cầm quyền lương thiện và sáng suốt.

Không thể khác vì phong trào toàn cầu hóa đang đặt ra cho mọi quốc gia và cho chính khái niêm quốc gia những thử thách rất lớn. Sẽ chỉ còn lại sau cuộc chuyển hóa vĩ đại này những quốc gia được quan niệm như là một không gian liên đới và như sự chấp nhận xây dựng và chia sẻ một tương lai chung. Nói cách khác những quốc gia thực sự dân chủ và đa nguyên, được cai trị một cách lương thiện, khiêm tốn và thông minh.

Nguyễn Gia Kiểng

(08/2008)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 2525 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)