Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

29/07/2019

Một công tác đã hoàn tất

Nguyễn Gia Kiểng

Lời tòa soạn : Nhân dịp Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang qua đời chúng tôi đăng lại sau đây bài xã luận của số báo Tổ Quốc 242, số báo cuối cùng của bán nguyệt san Tổ Quốc sau mười năm phát hành, để tưởng nhớ Nguyễn Thanh Giang, sáng lập viên và tổng biên tập đầu tiên, đồng thời cũng để ghi nhận đóng góp của nhiều người dân chủ khác đã tiếp tay với ông trong một cố gắng khó khăn nhưng hiệu quả nhằm đem lại tự do và dân chủ cho đất nước. 

ntg1

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang vừa qua đời sáng ngày 28/07/2019, tại Hà Nội, thọ 83 tuổi.

----------------------

Tờ Tổ Quốc số 242 này là số báo cuối cùng đến với quý độc giả.

Đáng lẽ số báo trước, số 241 ra ngày 01/01/2017, đã là số báo cuối cùng. Nhưng vào phút chót anh tổng biên tập Sơn Dương lại lưỡng lự cho rằng không nên chấm dứt một công tác vào giữa ngày bắt đầu một năm mới và quyết định ra thêm một số nữa.

Thực ra quyết định đình bản bán nguyệt san Tổ Quốc đã có từ hơn một năm rồi. Chính Nguyễn Thanh Giang, người đầu tiên đề nghị với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phát hành bán nguyệt san Tổ Quốc, đã đưa ra đề nghị này từ tháng 9 năm ngoái và chúng tôi cũng đồng ý. Lý do hiển nhiên là tờ báo không còn lý do để tiếp tục nữa vì khối độc giả chính mà nó nhắm phục vụ không còn. Chúng tôi đồng ý nhưng cũng quyết định tiếp tục thêm một năm nữa để tờ báo được đủ mười năm và cũng để chiều ý một số độc giả kỳ cựu cuối cùng.

Tổ Quốc ra đời để nhắm động viên một thành phần rất đặc biệt : những cán bộ và đảng viên cộng sản cao cấp đã nghỉ hưu. Nhận định của chúng tôi là các vị này vừa có tiếng nói rất có trọng lượng đối với các đảng viên cộng sản vừa ít có vấn đề an ninh. Họ có công lớn đối với chế độ và khó có thể bị đàn áp mà không gây ra cho chế độ cộng sản những thiệt hại còn lớn hơn là nếu làm ngơ. Các vị này những nhân chứng lịch sử vì thế không thể bị buộc tội bịa đặt, xuyên tạc. Họ cũng có công lớn đối với chế độ và không thể bị coi là thuộc "thế lực thù địch". Mặt khác phương thức gần như duy nhất để động viên họ là báo giấy vì trong đại đa số họ không biết dùng máy vi tính để có thể đọc trên mạng. Chúng tôi đã không lầm. Tổ Quốc đã động viên rất nhiều cán bộ cao cấp hưu trí tham gia cuộc vận động dân chủ và họ đã thuyết phục được rất nhiều đảng viên cộng sản về sự vô lý và tồi dở của chế độ. Nó đã gây nhức nhối lớn cho Đảng cộng sản nhưng vẫn không thể bị đàn áp thô bạo như đối với một tờ báo chui bình thường.

Tờ báo được lên trang tại hải ngoại dù ban biên tập gồm cả anh em trong cũng như ngoài nước. Anh Nguyễn Thanh Giang đã là người tổng biên tập đầu tiên. Sau khi lên trang nó được gửi về trong nước và cũng chính anh Nguyễn Thanh Giang in ra và phân phối. Một số vị lão thành cách mạng đã hăng say tiếp tay phổ biến. Các cụ Trần Lâm, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, và sau này Trần Nhơn, đã là những cộng sự viên tích cực nhất. Họ vừa đóng góp bài viết vừa phân phát.

Ở thời điểm cao độ nhất Nguyễn Thanh Giang đã in ra 300 tờ báo giấy. Tờ báo sau đó được đưa vào câu lạc bộ cán bộ nghỉ hưu Hà Nội và nhiều cụ khác cũng tự ý làm thêm photocopy để phân phối. Trong Nam tờ báo cũng được in và phân phát cho một số vị lão thành trong Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ. Ngoài ra một số thân hữu cũng tiếp tay in thêm và phổ biến tại một số tỉnh.

Chúng tôi đặc biệt ghi nhận sự đóng góp của Trần Anh Kim, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Phương Anh. Trần Anh Kim cũng đồng thời là một người viết tích cực, cùng với Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Vũ Bình, Vi Đức Hồi. Sau này còn có thêm Nguyễn Thượng Long và Phạm Đình Trọng và cựu thứ trưởng Trần Nhơn. Ba người sau này vẫn còn tích cực đến nay. Phải thành thực nể sức viết của Phạm Đình Trọng và nguồn thơ bất tận của Trần Nhơn. Trong số những người được gọi là "lão thành cách mạng" Trần Nhơn và Phạm Đình Trọng là hai người đáng phục vì lập trường minh bạch, không hề mảy may mang hương vị "phản biện trung thành".

Như dự đoán báo Tổ Quốc đã không bị đàn áp thô bạo. Một số anh em đã bị bắt và kết án tù, nhưng không phải vì Tổ Quốc mà vì những hoạt động đấu tranh khác. Không đàn áp thô bạo nhưng sách nhiễu thì nhiều và rất nhiều. Những buổi làm việc cả ngày, những thăm viếng đầy giọng hăm dọa, công an gác nhà ngăn chặn và hạch hỏi khách viếng thăm v.v. Và những áp lực cho gia đình. Nguyễn Thanh Giang nhường vai trò tổng biên tập cho Phạm Quế Dương chỉ để thêm Phạm Quế Dương bị quấy nhiễu thêm chứ áp lực cho riêng mình không hề giảm. Phó tổng biên tập Nguyễn Thượng Long cũng gian lao. Cuối cùng chúng tôi chọn giải pháp chỉ định một tổng biên tập tại nước ngoài. Trương Nhân Tuấn đảm nhiệm trong hơn hai năm, rồi đến Sơn Dương cho tới nay. Thực ra chỉ thay đổi hình thức, công việc và vai trò của mỗi người vẫn thế.

Tuy nhiên thời gian đã làm công việc tàn phá của nó. Khối cán bộ lão thành thưa thớt đi với tốc độ ngày càng nhanh. Đa số đã ra đi vĩnh viễn, các vị còn lại thì phần đông đã quá già yếu không còn đọc được nữa. Số lượng báo in từ hai năm nay không còn bao nhiêu. Bán nguyệt san Tổ Quốc đã hoàn thành sứ mạng của nó và đã đến lúc Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phải dành ưu tiên cho những công tác khác.

Tổ Quốc đã đóng góp quan trọng cho tiến trình dân chủ hóa. Nó đã góp phần quyết định làm thay đổi quan điểm của những người có công nhất đối với chế độ, biến họ từ những người hãnh diện vì chế độ và quyết tâm bảo vệ chế độ thành những người lên án chủ nghĩa Mác Lenin và cổ võ cho tiến trình dân chủ hóa. Đến lượt họ đã góp phần thức tỉnh và động viên các cán bộ, đảng viên đang hoạt động. Có thể nói Tổ Quốc đã tịch thu trí nhớ của Đảng cộng sản và thay vào đó bằng mệnh lệnh dân chủ hóa.

Xin cảm ơn tất cả các vị đàn anh và các bạn đã đóng góp cho bán nguyệt san Tổ Quốc. Chúng ta đã cùng nhau hoàn tất tốt đẹp một công tác quan trọng và đáng tự hào.

Nguyễn Gia Kiểng

******************

Đọc thêm

Mừng 6 năm công tích của Tập San Tổ Quốc (15/09/2006 - 15/09/2012)

Phạm Tuấn Xa, Danlambao, 02/09/2012

Bán Nguyệt San Tổ Quốc - Truyền bá tư tưởng tự do dân chủ và nhân quyền

Nhớ lại năm 2007, tôi phải lén lút đạp xe cách nhà 3 km để đọc nhờ Bán nguyệt san Tổ Quốc. Nay ở Thành phố Hải Dương tôi cũng có thể tìm đọc tờ báo rất nhiều người ngưỡng mộ và háo hức đón đọc từng số, từng số này. Tập san Tổ Quốc đã ra được hơn 140 số và đến 15 tháng 9 năm 2012 này đã tròn 6 năm tồn tại trong sứ mệnh thiêng liêng truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền cho nhân dân Việt Nam.

ntg6

Báo chí "lề phải" với số lượng 700 tờ nhưng chỉ để tô hồng chủ trương đường lối và thành tích của Đảng cộng sản Việt Nam mà rất ít sự thật và thiếu vắng tư duy nhân loại chính thống. Tập san Tổ Quốc giúp chúng tôi bổ sung phần khiếm khuyết đó .

Cầm Bán nguyệt san Tổ Quốc trên tay, chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng hình hài tổ quốc Việt Nam qua tấm bản đồ hình cong chữ S trải từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau ngay trên trang bìa mà còn đọc được những ước vọng sáng ngời cùng bao suy tư trăn trở da diết đang cồn cào trong lòng nó.

Nay Mục Nam Quan đã nằm sâu hàng trăm mét về nước Trung Quốc. Thác Bản Giốc, Cao Bằng bị cắt làm hai để nhường lại cho người bạn láng giềng xấu bụng một nửa. Nhiều cột mốc dọc theo biên giới Việt-Trung từ thời nhà Thanh nay đã bị nhổ lên nắn lại đất cho Trung Quốc lấn chiếm. Ngoài Biển Đông, Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa và một số đảo Trường Sa để thành lập thành phố Tam Sa…

Tổ quốc Việt Nam thân yêu đã bị Trung Quốc xâm lược ngấm ngầm và trắng trợn….

Với truyền thống yêu nước nồng nàn, nhiều người dân Việt Nam đã đứng lên biểu tình hô vang khẩu hiệu : "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", vậy mà nhà cầm quyền Hà Nội nỡ cho công an cùng với bọn xã hội đen đàn áp, đánh đập bắt giam những người biểu tình. Đây là hành động bán nước của bọn "Cõng rắn cắn gà nhả", "Hèn với giặc, ác với dân". Hành động này trái với lời Phật dạy : "Phàm việc gì cũng phải xét đến hậu quả của nó".

Tập san Tổ Quốc đã bênh vực và biểu dương những người biểu tình yêu nước đó.

ntg4

Đọc tập san Tổ Quốc người ta mới thấm hiểu sâu sắc về những quyền tự do cơ bản mà chế độ độc tài đảng trị đã tước đoạt : quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do bầu cử. Bầu cử do Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức chỉ là trò chơi dân chủ giả hiệu, giả dối để đánh lừa dư luận tiến bộ. Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ rất tốn kém để thông qua nhiều đạo luật kém chất lượng... Luật đất đai là luật lớn nhất nhưng lại sai sót nhiều nhất. Chỉ cần nêu một câu của luật đất đai đã thấy kỳ quặc rồi : "Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân và quyền quản lý của Nhà nước". Để bảo vệ quyền lợi cho Đảng cộng sản Việt Nam, người làm luật giả vờ ngu dốt, cố tình không hiểu thành ngữ của Việt Nam : "Cha chung không ai khóc", "Lắm sãi không ai đóng cửa chùa".

Đọc bài : "Đất đai nguồn sống và hiểm họa" của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang tôi càng nhận thấy luật đất đai của Việt Nam là vô luật. Vì vậy đã xảy ra nhiều hệ lụy đau lòng như ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng – Hải Phòng, Văn Giang – Hưng Yên, Vụ Bản – Nam Định và hẩu hết 64 tỉnh thành trong cả nước. Hệ lụy này còn kéo dài cho đến khi chế độ độc tài đảng trị không còn. Đảng thu hồi đất đai của dân bán cho Tư bản đỏ và bọn Tư bản nước ngoài để có hàng tỉ đô la gửi vào các ngân hàng thế giới. Đây là tiền mồ hôi xương máu và nước mắt của nhân dân Việt Nam, phải trả lại cho nhân dân Việt Nam. Dân mất đất đai đi khiếu kiện đòi lại quyền lợi chính đáng và hợp pháp thì bị đàn áp, đánh đập và bỏ tù. Công an được dân nuôi nhưng lại quay ra đàn áp dân. Một vị Ủy viên Bộ Chính trị đã nói toạc ra rằng : "Cứ để cho dân đi khiếu kiện, dưới chuyển đơn lên, trên hất xuống xem lên trời mà kiện à".

Thật là vô cảm, tàn nhẫn !

Đọc Bán Nguyệt san Tổ quốc tôi mới được biết để thấy kính nể các nhà bất đồng chính kiến như : Nguyễn Hộ, Trần Độ, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, Lữ Phương, Hoàng Minh Chính, Trần Huỳnh Duy Thức...

Tôi cũng rất tôn trong và khâm phục các tác giả thường xuyên góp bài đăng trên Tổ Quốc như : Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Trần Lâm, Phạm Quế Dương, Vi Đức Hồi, Nguyễn Gia Kiểng, Bùi Tín, Phạm Hồng Sơn, Phạm Đình Trọng, Việt Hoàng, Mai Thái Lĩnh... Họ là những người có nhiều trí tuệ và nhân cách hơn hẳn những trí thức cơ hội đang "vào luồn, ra cúi", vâng dạ bọn độc tài, mù quáng vô đạo. Họ vừa có tâm, vừa có tầm. Tên tuổi họ xứng đáng được ghi trong lịch sử đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

Đọc Bán Nguyệt san Tổ Quốc ta thấy Đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra bao thảm họa cho nhân dân Việt Nam từ sau năm 1954 đến nay như : Cải cách ruộng đât, vụ Nhân văn Giai phẩm, chia tách và sáp nhập các đơn vị hành chính… Hiện tại Đảng cộng sản Việt Nam dang đang thực hiện "đường lối phát triển kinh tế" để đưa dân tới đói khổ, tụt hậu. Một chế độ vừa định hướng xã hội chủ nghĩa vừa cơ chế thị trường thì làm sao có thể đưa đất nước thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Kinh tế quốc doanh vẫn nắm vai trò chủ đạo để ngân sách Nhà nước rót vào doanh nghiệp nhà nước để cán bộ của đảng chia nhau quyền lợi. Những vụ án động trời như Tăng Minh Phụng, Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, Vinashin, Vinalines và bọn lâm tặc, bọn địa tặc ở đâu chui ra nếu không phải từ chính trong chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam ?

Hệ quả của đường lối phát triển kinh tế là cả nước có nhiều bãi thải công nghiệp và nhập khẩu phế thải bẩn thỉu ở nước ngoài, ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt là "bờ xôi ruộng mật" bị san lấp để bỏ hoang.

Tục ngữ Việt Nam có câu : "có nằm trong chăn mới biết chăn có rận". Hai anh em ông Huỳnh Nhật Hải (nguyên phó Chủ tịch Thành phố Đà Lạt) và ông Huỳnh Nhật Tấn (nguyên Phó giám đốc Trường đảng tỉnh Lâm Đồng) đã quyết định "treo ấn từ quan" xin ra đảng, bỏ về. 

Ông Huỳnh Nhật Hải nói : "Tôi không tin Đảng cộng sản Việt Nam nữa". 

Ông Huỳnh Nhật Tấn : "Còn nhớ trong lá đơn xin ra khỏi đảng...", ông viết : "Tôi đã có lỗi với dân tộc, chính cái hăng hái nhiệt huyết của tôi đã góp phần dựng lên chế độ độc tài hiện nay". Hai ông đã nhận ra sự thật về Đảng cộng sản Việt Nam.

Mong sao có nhiều cán bộ của đảng biết sám hối như hai anh em ông Huỳnh Nhật Hải và Huỳnh Nhật Tấn để Đảng cộng sản Việt Nam sớm chấm dứt vai trò lãnh đạo độc tài đảng trị để cho nhân dân Việt Nam được tự do lựa chọn một chế độ dân chủ như nhân dân Miến Điện hiện nay.

Sáu năm, một khoảng thời gian còn rất ngắn, Bán Nguyệt san Tổ quốc còn rất trẻ nhưng đã phải vượt qua một chặng đường đầy gian khó, nguy nan, với tràn đầy tâm huyết và trí tuệ đã góp phần xứng đáng truyền bá những tư tưởng tiến bộ, cổ vũ cho tiến trình dân chủ ở Việt Nam.

Xin cảm ơn Bán Nguyệt san Tổ Quốc. Chúc tờ báo của nhân dân chúng tôi ngày càng phát triển vững mạnh và sự thực trở thành lực lượng vật chất cho công cuộc cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ngày 02 tháng 9 năm 2012

Phạm Tuấn Xa, Nhà giáo

Số nhà 31 – ngõ 207 Trương Mỹ

Thành phố Hải Dương

Tel : 01644 996 929

Nguồn : danlambaovn.blogspot.com, 15/09/2012

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 1661 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)