Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

23/06/2019

Cần những đức tính nào để tham gia Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên ?

Việt Hoàng

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước một khúc quanh, một ngã rẽ quan trọng. Chúng ta có thể thấy mấy điểm nổi bật như sau.

Sự từ nhiệm vai trò lãnh đạo độc tôn của Mỹ. Sau năm 1945 thì Mỹ trở thành quốc gia lãnh đạo của phe dân chủ và sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 thì Mỹ gần như là lãnh đạo số 1 của thế giới. Tiếng nói của Mỹ là tiếng nói quyết định và các nước dân chủ luôn ủng hộ Mỹ. Việc đồng đô-la Mỹ được thừa nhận như là đồng tiền chung của thế giới đã giúp chia sẻ gánh nặng về quân sự với Mỹ và giúp nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh mẽ. Vai trò lãnh đạo độc tôn của Mỹ đã kết thúc với việc Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ với chính sách "nước Mỹ trên hết".

taphop0

Không nên coi thường sức mạnh của tư tưởng và việc đồng thuận với nhau trên những lập trường và giá trị nền tảng.

Phong trào dân túy nổi lên khắp thế giới do tư tưởng chính trị không theo kịp đà phát triển của khoa học kỹ thuật (chúng ta quen gọi là cách mạng 4.0). Sự thiếu hụt tư tưởng lần này cũng như sự thiếu vắng tư tưởng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (cuối thế kỷ 18) khiến chủ nghĩa cộng sản và phát-xít ra đời. Các chính trị gia dân túy đã khai thác chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi thay vì thảo luận một cách nghiêm túc và minh bạch trên các vấn đề nền tảng do cuộc cách mạng 4.0 mang lại. May mắn là làn sóng dân túy đã bị "chặn đứng" tại Châu Âu qua cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu hôm 26/6/2019 vừa qua (1).

Cuộc thư hùng giữa Mỹ-Trung đang đến hồi gay cấn. Việc Mỹ và Châu Âu chạy theo chủ nghĩa thực tiễn khi chấp nhận làm ăn với Trung Quốc và bỏ qua nhân quyền đã khiến Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ. Sự trỗi dậy đó không hề "hòa bình" và không hề cải thiện tình hình dân chủ tại Trung Quốc. Càng lớn mạnh Trung Quốc càng trở thành mối đe dọa cho hòa bình thế giới và trực tiếp đe dọa ngôi vị số 1 của Mỹ. Sự bất đồng giữa Mỹ-Trung là không thể thỏa hiệp và chỉ leo thang ngày càng khốc liệt. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ là khúc dạo đầu cho cuộc thư hùng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.

Nước Nga của Putin vẫn bị Châu Âu và Mỹ cấm vận kinh tế sau khi sát nhập bằng vũ lực bán đảo Crimea của Ukraine vào Nga. Kinh tế nước Nga phụ thuộc vào việc bán tài nguyên thô như dầu khí và khí đốt nhưng thời đại của dầu khí sắp đi qua khi năng lượng sạch từ gió và mặt trời đang dần thay thế.

Cuộc biểu tình khổng lồ của hơn 2 triệu người dân Hồng Kông chống lại luật dẫn độ về Trung Quốc trong hai ngày giữa tháng 6/2019 vừa qua gây chấn động thế giới. Các cuộc biểu tình đã thành công vì được tổ chức rất chặt chẽ, nhịp nhàng, ăn ý với một văn hóa rất cao. Tuyệt vời hơn cả là sự chuẩn bị và tổ chức của họ đã đạt đến mức mà những người lãnh đạo không cần ra mặt (để tránh bị mắt bớ như hồi 2014).

Các chế độ độc tài đang bị công phá khắp mọi nơi và đang sống những ngày cuối khó khăn. Chế độ cộng sản Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Họ đã thất bại hoàn toàn trên mọi lãnh vực. Chế độ này sắp phải kết thúc nên đất nước cần có một giải pháp khác để thay thế. Phong trào dân chủ Việt Nam cần tập hợp lực lượng để nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc. Muốn thế thì người dân Việt Nam nói chung và trí thức nói riêng cần tham gia hoặc ủng hộ cho một tổ chức chính trị nào đó hoặc tự mình thành lập đảng mới vì đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức và giữa các tổ chức chính trị với nhau.

Nếu một người nào đó muốn tham gia vào Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên thì cần những đức tính gì ? Có hai tiêu chí căn bản.

1. Đạo đức và lương thiện

Đạo đức là gì ? Đó là những giá trị được đúc kết trong hàng ngàn năm và được sự xác quyết của trí tuệ nhân loại là đúng đắn, cao quí và cần thiết. Những giá trị đó quyết định và chi phối cho cách suy nghĩ và hành động của đa số mọi người trên trái đất. Những giá trị của đạo đức đó là tôn trọng sự thật và lẽ phải, lễ độ, tự trọng, trung thực, dũng cảm, bao dung, giữ chữ tín, có lương tâm và danh dự… (2).

Chính trị là đạo đức ứng dụng vào trong xã hội và cuộc sống. Không có đạo đức thì không thể làm và không nên làm chính trị. Một người dù có giỏi đến đâu mà không có đạo đức thì cũng vứt. Tiêu chí này là quan trọng nhất.

Lương thiện để không làm những việc thiếu đạo đức như phá hoại và phản bội tổ chức. Khi phải gò bó trong khuôn khổ một tổ chức một thời gian dài thì không phải ai cũng đủ kiên nhẫn đi đến cùng. Nên chia tay văn minh và lịch sự thay vì phá hoại tổ chức lúc ra đi. Lương thiện là "chỉ nói những điều mình thực sự nghĩ sau khi đã cố gắng học hỏi và tìm hiểu, trong thiện chí sẵn sàng thay đổi ý kiến, chứ không phải nói theo cảm tính, nói theo phe phái, hay nói hồ đồ. Thái độ thiếu lương thiện thường gặp là bóp méo các sự kiện để biện hộ cho một lập trường mà mình đã sẵn có từ trước".

Làm chính trị không phải tìm kiếm thành công cá nhân mà để cống hiến cho một lý tưởng quảng đại vì dân tộc và đất nước cho nên không thể gian trá và thủ đoạn. Chính trị phải là nơi sạch sẽ nhất chứ không phải chốn nhơ bẩn như nhiều người nghĩ.

Người Việt Nam, do bị ảnh hưởng bởi văn hóa Khổng giáo nên vẫn cho rằng chính trị là xấu xa, nhơ bẩn vì thế cần phải tránh xa. Đây cũng là luận điệu bịp bợm của chế độ cộng sản hiện nay và giai cấp thống trị ngày xưa. Khi người dân nghĩ và xem chính trị là xấu và tránh xa thì chúng lại làm ngược lại là xông vào, lăn xả vào chính trị bằng mọi cách, mọi giá và tha hồ "múa gậy vườn hoang" để trục lợi cho bản thân và phe nhóm.

2. Có quyết tâm và niềm tin

Làm gì cũng phải có quyết tâm và quyết tâm đó phải đủ lớn thì mới có thể dấn thân tranh đấu nhằm thay đổi tương lai đất nước. Chỉ có những người quyết tâm cao độ mới có thể tham gia và đóng góp vào việc thay đổi tương lai bằng cách thông qua một tổ chức chính trị. Sự quyết tâm liên quan mật thiết với niềm tin. Không thể có quyết tâm nếu không có niềm tin vào việc mình làm. Niềm tin chỉ có được nếu có kiến thức. Trước khi lấy quyết định tham gia vào một tổ chức chính trị thì mỗi người phải hiểu mục đích và lý do dấn thân của mình bằng cách trả lời hai câu hỏi :

1. Cứu cánh và bản chất của cuộc đấu tranh dân chủ là gì ?

2. Trong cuộc đấu tranh này những khả năng và đức tính nào là cần thiết, cần được nhận diện, tìm kiếm và trân trọng ? (3)

Cứu cánh (mục đích sau cùng) của Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên là ‘chiến thắng độc tài và xây dựng dân chủ cho Việt Nam’. ‘Như thế đức tính đầu tiên và bắt buộc của một người đấu tranh cho dân chủ là phải có văn hóa tổ chức, nghĩa là phải biết xây dựng tổ chức và đấu tranh trong khuôn khổ của tổ chức, biết chấp nhận hy sinh tham vọng cá nhân, tư kiến và lòng tự ái để đóng góp cho sức mạnh của tổ chức. Tiếp theo là những khả năng và đức tính mà mọi người đấu tranh chính trị phải có : lương thiện, quyết tâm, kiên trì và bản lãnh chính trị -nghĩa là hiểu biết những vấn đề đặt ra cho đất nước và những giải pháp’.

Khi những người dân chủ Việt Nam đồng ý với nhau trên hai câu hỏi và hai câu trả lời nền tảng nêu trên thì khi đó chúng ta mới có thể tham gia vào một tổ chức và cũng chỉ khi đó chúng ta mới có thể đồng ý với nhau trên những vấn đề cụ thể như việc phân công trách nhiệm một cách đúng đắn cho từng người cũng như vai trò của mỗi người trong tổ chức. Việc đồng thuận trên những lập trường căn bản của tổ chức cũng giúp các thành viên không bị chệnh hướng và phân tâm bởi các biến cố nhỏ xảy ra trên hành trình tranh đấu của mình. Những sự kiện và những ‘vấn đề cụ thể’ xảy ra thường xuyên tại Việt Nam, nếu không có tư tưởng chính trị để làm la bàn và giúp giữ vững lộ trình tranh đấu thì nhiều người sẽ sa đà vào các ‘sự cố’ khiến họ phân tâm và chạy theo các biến cố đó và đánh mất mục tiêu chính. Ví dụ sự kiện giáo dân Hà Tĩnh biểu tình phản đối công ty Formosa gây ô nhiễm hồi tháng 10/2016 hay cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu cách đây một năm (10/6/2018)... đã làm mê hoặc không ít người tranh đấu và khiến họ tưởng rằng thời cơ đã chín muồi.

Mọi người trước khi gia nhập Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên đều được khuyến cáo đọc kỹ và hiểu rõ hai tài liệu là Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai và ‘Qui ước sinh hoạt’ của tổ chức. Không nên coi thường sức mạnh của tư tưởng và việc đồng thuận với nhau trên những lập trường và giá trị nền tảng. Chính vì xem nhẹ tư tưởng chính trị nên một số thành viên Tập Hợp trong quá khứ đã hành động sai trái và thiếu đạo đức khi tham gia làm ‘đảo chính’, chống lại tổ chức thay vì chia tay một cách văn minh. Họ không hiểu rằng đấu tranh chính trị chủ yếu là truyền thông, bằng lời nói, diễn đạt, viết báo…

Lời nói là hành động và là hành động quan trọng nhất ngay cả trong đấu tranh cách mạng bạo động. Ngày nay, khi vấn đề đấu tranh bằng bạo lực không còn đặt ra nữa, lời nói gần như là vũ khí duy nhất’ (4).

"Chúng ta đang ở trong giai đoạn xây dựng lực lượng dân chủ trong đó hành động chủ yếu là thuyết phục và kết hợp’’. ‘Thuyết phục’ người dân là công việc lâu dài và bền bỉ nhưng không thể không làm, không thể đốt cháy giai đoạn. Một cuộc vận động tư tưởng phải đi trước mở đường cho một cuộc cách mạng. Sau khi đã ‘thuyết phục’ được đa số dân chúng và nhất là thuyết phục được một số trí thức tinh hoa thì việc tiếp theo sẽ là cùng ‘kết hợp’ với nhau trong một tổ chức. Khi có tổ chức hùng mạnh rồi thì mới tính đến chuyện ‘hành động’.

Trí thức Việt Nam có ba điểm yếu khiến họ không thể tham gia hay ủng hộ cho các tổ chức chính trị. Thứ nhất là họ không có khả năng làm việc chung trong một tổ chức. Thứ hai, họ không có kiến thức thực sự về chính trị nên không có niềm tin và quyết tâm để dấn thân. Thứ ba, họ thiếu đạo đức chính trị để có thể làm một thành viên bình thường trong một tổ chức. Các tổ chức tranh đấu tại Việt Nam ngày càng rã rượi vì mất sức thu hút hơn là vì bị đàn áp.

Trong suốt dòng lịch sử Việt Nam chưa từng có tổ chức chính trị nào... có tổ chức trước khi dành được chính quyền (đảng cộng sản Việt Nam là một ngoại lệ vì nó là một phân bộ của quốc tế cộng sản. Mọi đường lối và phương tiện đều được khối cộng sản huấn luyện và cung cấp), chính vì thế mà các tổ chức chính trị của người Việt Nam trong quá khứ lẫn hiện tại đã thất bại vì không có thực chất. Các tổ chức chính trị chỉ có thể hình thành và có ý nghĩa khi chưa dành được chính quyền vì chỉ khi đó những người đến với tổ chức mới là những người có ý chí và quyết tâm thực sự. Khi một tổ chức đã dành được chính quyền thì những người đến với tổ chức rất nhiều nhưng rất khó để biết được ai là thật lòng, ai là cơ hội.

Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên đang cố gắng để xây dựng một tổ chức chính trị thật sự và đúng nghĩa nhưng vì người Việt Nam chưa hề có kinh nghiệm về tổ chức nên họ không hiểu, không hình dung ra được hình thù và những đặc tính cần có của một tổ chức như vậy nên chưa dành cho Tập Hợp những quan tâm và ủng hộ cần thiết. Nếu một người có các đức tính trên (đạo đức, lương thiện, quyết tâm và niềm tin) thì có thể hoàn toàn yên tâm tham gia vào Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên, những chuyện còn lại như kiến thức chính trị và phương pháp hành động sẽ được tổ chức cung cấp và hướng dẫn.

Một lý do nữa khiến người Việt dành sự ủng hộ cho các cá nhân thay vì tổ chức là vì họ cho rằng trong quá khứ đã bị lừa dối nhiều lần và vì thế nên mất lòng tin. Điều này không sai nhưng cũng có một phần tại sự nông nổi và thiếu hiểu biết của chính họ. Trước khi ủng hộ cho tổ chức nào đó thì cần tìm hiểu kỹ về tổ chức đó. Để có niềm tin và không bị lừa dối thì người dân Việt Nam nên chú ý vào tư tưởng, đường lối, lộ trình và đội ngũ cán bộ của tổ chức đó. Phải đặt những giá trị như đạo đức, sự lương thiện, quyết tâm, sự hiểu biết, bao dung và cách làm việc có nghiên cứu và có phương pháp lên hàng đầu.

Lịch sử sắp sang trang, nếu không có niềm tin và không ủng hộ cho các tổ chức chính trị đứng đắn thì chắc chắn Việt Nam sẽ bị các nhóm tư bản đỏ và tài phiệt cướp lấy chính quyền và chúng ta lại tiếp tục sống trong chế độ độc tài dù tên gọi có thể khác và rất hoành tráng.

Việt Hoàng

(23/6/2019)

(1) Nguyễn Gia Kiểng, "Tương lai nào cho Liên Hiệp Châu Âu và thế giới ?

(2) Có một thiểu số định nghĩa khác về đạo đức ví dụ "đạo đức cộng sản", họ định nghĩa đạo đức là những gì có lợi cho cách mạng dù phải nói dối hay giết người. Dù đạo đức là đúng đắn và được lý trí xác quyết nhưng lại không thể thuyết phục người khác bằng lý luận nếu người cần thuyết phục không có những kiến thức nền tảng cần thiết. Có những giá trị đạo đức thay đổi theo thời gian ví dụ quan niệm về hôn nhân. Đây là một chủ đề lớn và còn tranh cãi lâu dài.

(3) https://www.thongluan.blog/2018/02/cuu-nguy-phong-trao-dan-chu-nguyen-gia.html

(4) https://www.thongluan.blog/2018/08/chung-ta-ang-can-gi-nhat-nguyen-gia.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1642 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)