Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

19/05/2018

Khi nào chúng ta hết cuồng bạo lực ?

Việt Nghĩa

Trong những ngày vừa qua, máu bạo lực của người Việt lại có dịp sôi lên. Đó là khi hai kẻ ‘cuồng sĩ’ bị hạ gục. Không thể dùng từ ‘hiệp sĩ’ để mô tả về hai nhân vật này, vì hiệp sĩ không thể bỏ mạng vì một chiếc xe máy, và lại càng không thể bỏ mạng vì một kẻ khốn cùng liều thân. Những kẻ cuồng sĩ cũng từng biết mặt mũi tên cướp liều lĩnh này và đã từng phải bỏ chạy khi tên cướp thách đấu tay đôi ở nơi vắng vẻ.

baoluc1

Máu bạo lực của người Việt lại có dịp sôi lên khi hai kẻ ‘cuồng sĩ’ bị hạ gục

Một trí thức lớn tuổi luôn nhắc nhở chúng tôi : một là sợ kẻ anh hùng, hai là sợ kẻ khốn cùng liều thân. Nếu là hiệp sĩ thì phải sáng suốt điều này, phải biết thế nào là dũng cảm, thế nào là liều lĩnh. Và đặc biệt phải dám một chọi một, chứ không phải thấy quân mình đông hơn, lao vào xáp la cà như vậy. Chưa kể khi biết trước kẻ cướp mà không báo công an thì càng khó hiểu và ngộ nhận.

Những dấu hiệu trên cho thấy máu cuồng bạo lực đã ăn sâu vào đám cuồng sĩ này, và khi xem lại clip của người được mệnh danh là đội trưởng (Nguyễn Việt Sin), thì người viết càng chắc chắn hơn về nhận định này. Ngoài việc ăn nói bạo lực, thì tay đội trưởng còn ra đòn bạo lực không kém, chủ yếu là lựa lúc đối thủ thất thế, thậm chí đã té ngã mà vẫn đấm đá vào mặt. Ấy thế mà hắn còn được cơ quan công an của một chính quyền tự nhận là ‘pháp quyền’ tuyên dương, khuyến khích.

.

Đội trường Nguyễn Việt Sin còn ra đòn bạo lực không kém, chủ yếu là lựa lúc đối thủ thất thế, thậm chí đã té ngã mà vẫn đấm đá vào mặt

Trên thế giới có lẽ không có chính quyền nào làm cái chuyện ngược đời như vậy. Nếu như chính quyền cấm các hành vi tổ chức săn bắt cướp trái phép, thì đã không phải trả một cái giá khủng khiếp như vậy. Và càng không hiểu nổi một kẻ có bằng tiến sĩ ở Đức như Nguyễn Thiện Nhân, lại có một phát biểu vừa ấu trĩ, vừa khuyến khích bạo lực "phải trang bị áo giáp cho hiệp sĩ".

Điều đó khiến các nhà làm luật ở Việt Nam đau đầu nghĩ ra qui chế cho các đối tượng gọi là hiệp sĩ. Ông bí thư Nhân cũng nên đăng ký ‘bản quyền’ phát minh chưa từng có trên hành tinh này. Kết quả của phát minh này là tạo ra một đạo quân ‘mình đồng da sắt’ (vì được trang bị áo giáp), có thể xáp la cà và chiến đấu với bất kỳ kẻ khốn cùng nào.

Bằng sáng kiến của mình, bí thư Nhân đã chứng minh cho cả nhân loại thấy khả năng biến nghịch lý thành chân lý "lấy bạo lực trị bạo lực". Không để thua kém, người đứng đầu thành phố (chủ tịch Phong) tiếp tục đưa ra phương pháp kỳ quái : bảo vệ lực lượng bạo lực để dùng nó trấn áp bạo lực (công an bảo vệ cuồng sĩ).

Phát biểu của hai ông đứng đầu thành phố càng cho thấy họ là những cái đầu đầy ắp bạo lực, đến mức che mờ lý trí, che mờ tất cả những sáng kiến về đối phó với bạo lực tại các nước văn minh. Họ cũng cho cả thế giới thấy ‘bạo lực cách mạng’ có thể sử dụng được trong cả thời bình.

Nhưng nguy hiểm thay, máu cuồng bạo lực không chỉ đầy ắp trong đầu quan chức, cuồng sĩ, mà nó còn nhan nhản khắp nơi. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trong những bình luận trên facebook, cộng đồng mạng như điên cuồng, muốn ăn tươi nuốt sống kẻ trộm, các hình phạt mà họ đưa ra chắc IS cũng phải phát hoảng. Sự giận dữ sôi sục này có lẽ không khác cảm giác của người bộ đội cộng sản khi bị nhồi sọ cách đây hơn 40 năm khi tiến vào miền Nam. Nhưng nó đáng nói hơn rất nhiều, vì chúng ta đang ở thời kỳ công nghệ 4.0, không có lý lẽ nào có thể biện hộ cho cái thói bạo lực như thời Trung cổ của người Việt.

Rõ ràng cuộc cách mạng công nghệ thông tin chưa thể thay máu cuồng bạo lực của người Việt Nam, nó chỉ làm máu cuồng bạo lực thay đổi hình thái thể hiện : từ hành động sang lời nói. Một người mẹ người Ai Cập có con trai bị IS giết chết, khi được hỏi nếu gặp lại kẻ sát nhân thì bà sẽ làm gì, bà trả lời rằng sẽ mở mắt cho chúng thấy được chân lý và sự thật (thấy Chúa). Mang những cái đầu bạo lực và thù hận, chúng ta quên đi một điều rằng có những giá trị cao qúy hơn mạng sống : đó là tinh thần bất bạo động. Chỉ khi nào có được tinh thần này, chúng ta mới có thể làm được cuộc cách mạng vô hiệu hóa bạo lực.

Xét cho cùng thì mọi điều tồi tệ đang diễn ra ở đất nước này đều do bạo lực mà ra. Người Việt đã phải trả giá hàng triệu sinh mạng cho cuộc nội chiến "tôn vinh" bạo lực cách đây hơn 40 năm. Đáng lẽ chúng ta phải thấy đó như một bài học đắt giá, một sai lầm khủng khiếp, một hành vi đáng ghê sợ, thì ngược lại chúng ta vẫn xem thường thân thể, sinh mạng của người khác.

Chúng ta có quyền gì và nhân danh cái gì để tấn công thân thể, danh dự của người khác ? Nếu bất cứ ai trong chúng ta cũng được phép làm cuồng sĩ đường phố hay cuồng sĩ mạng xã hội, thì luật pháp để làm gì ? Tương lai của chúng ta sẽ đi về đâu ? Chúng ta cần bình tĩnh, cần suy nghĩ thấu đáo để thay đổi tư duy vì chúng ta đang sống trong nghịch cảnh. Chúng ta muốn từ bỏ bạo lực nhưng lại đang sống trong một chế độ vốn là con đẻ của bạo lực.

Việt Nghĩa

(19/5/2018)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Nghĩa
Read 1694 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)