Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

10/07/2018

Tại sao chủ nghĩa dân túy tái phát và đe dọa thế giới ?

Nguyễn Gia Kiểng

Các chính quyền dân túy chỉ có thể thất bại vì lý do hiển nhiên là không thể có những giải pháp đơn giản cho những vấn đề phức tạp... 

Chủ nghĩa dân túy đang là một vết thương lớn của thế giới. Rất đáng lo ngại, bởi vì đặc tính chung của các lực lượng dân túy là chúng bất chấp các giá trị đạo đức, bất chấp nhân quyền và bất chấp thế giới, những lý do dẫn đến xung đột, bế tắc và chiến tranh.

Đặc tính chung của các lực lượng dân túy là chúng bất chấp các giá trị đạo đức, bất chấp nhân quyền và bất chấp thế giới

Chỉ trong vòng một năm rưỡi Donald Trump đã làm được một thành tích mà phong trào cộng sản không làm nổi trong hơn 70 năm tồn tại của nó: khiến nước Mỹ bị cô lập và thù ghét, thậm chí bị khinh bỉ, như chưa bao giờ thấy.

Tai họa Donald Trump

Sau quyết định nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái, một quyết định chứng tỏ một sự thiếu hiểu biết lớn cả về lịch sử thế giới lẫn bối cảnh chính trị Trung Đông và bị cả thế giới lên án, Trump đã lấy một quyết định khiêu khích khác là chọn ngày 14/05/2018 để chính thức và long trọng dời sứ quán Mỹ về Jerusalem.

Người Mỹ sẽ được nhìn như là một dân tộc đã từng bầu một tổng thống như Donald Trump.

Hôm đó chính là ngày kỷ niệm 70 năm tuyên bố thành lập của nước Do Thái với cuộc thảm sát Nakba diễn ra ngay hôm sau, 15/05/1948, trong đó 15.000 người Palestine bị quân Do Thái tàn sát, 500 làng bị hủy diệt và 780.000 người phải tỵ nạn cho đến nay vẫn chưa về được quê hương. Không thể xấc xược và khiêu khích hơn. Người Palestine dĩ nhiên biểu tình phản đối và chính quyền Do Thái đã thẳng tay đàn áp vì Trump đã bật đèn xanh cho họ. Kết quả : trên 60 người đã bị bắn chết và trên 2.400 người bị thương.

Liên Hiệp Quốc và hầu hết mọi quốc gia đã lên án, kể cả các đồng minh Châu Âu của Mỹ, kể cả hai đồng minh cốt lõi của Mỹ tại Trung Đông là Ả Rập Saudi và Ai Cập. Riêng tại hai nước Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hàng triệu người đã xuống đường gào thét những khẩu hiệu chống Mỹ với sự đồng tình của chính quyền. Thổ (800.000 km2 và 83 triệu dân) là một trong những nước có vị trí chiến lược nhất và từ một thế kỷ nay là đồng minh nhiệt tình nhất của Mỹ, nhiệt tình đến độ cho Mỹ đặt hỏa tiễn nguyên tử ngay trên lãnh thổ của mình dù nằm sát Liên Xô.

Hành động này đã đến một tuần sau khi Trump tuyên bố rút khỏi thỏa ước Iran về nguyên tử, dĩ nhiên một cách hung hăng và thô lỗ như thường lệ. Đây là một thỏa ước mà Châu Âu, Mỹ, Nga và Trung Quốc cùng ký với Iran năm 2015, theo đó Iran ngừng nghiên cứu sản xuất vũ khí nguyên tử đổi lại với việc các cường quốc chấm dứt các biện pháp phong tỏa kinh tế. Thỏa ước này được Liên Hiệp Quốc bảo trợ và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA - International Atomic Energy Agency) được trao trách nhiệm giám sát việc thi hành.

Donald Trump đã sử dụng lập luận của thủ tướng Do Thái Netanyahu theo đó Iran gian trá, vẫn tiếp tục nghiên cứu làm bom nguyên tử. Nhưng Netanyahu đã chỉ đưa ra những tài liệu cũ, trước năm 2013. Đúng là trước đây Iran có cố gắng làm bom nguyên tử nhưng từ 2015, sau khi đã ký thỏa ước, thì không có gì chứng tỏ là họ đã gian trá. Cơ quan IAEA, trong đó Mỹ là một nước thành viên, đã theo dõi rất sát Iran và luôn luôn xác nhận là Iran không còn tiếp tục chương trình chế tạo bom nguyên tử nữa. Hiện nay, vẫn theo IAEA, mức độ tinh luyện Uranium của Iran chưa tới 3,67% trong khi phải hơn 90% mới có thể làm bom.

Iran còn ở rất xa mức độ đáng lo ngại, Trump đã chỉ làm điều mà các phần tử cực đoan Do Thái muốn, bất chấp sự thực và bất chấp cả thế giới, trong mục tiêu làm suy yếu Iran mà họ coi là đối thủ đáng ngại nhất trong vùng. Đây là một quyết định thiển cận, nguy hiểm cho hòa bình và cho chính Do Thái. Trump đã bật đèn xanh cho Do Thái mặc sức khiêu khích và tấn công các nước Hồi giáo. Nhưng Do Thái, với 8 triệu dân, có thể mãi mãi thách thức khối 400 triệu người Hồi giáo Trung Đông không ?

Như cảm thấy vẫn chưa đủ, Donald Trump rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sau khi hội đồng này lên án hành động tàn sát người biểu tình Palestine của Do Thái. Quyết định gần đây nhất của Trump là tuyên chiến thương mại không chỉ với Trung Quốc mà cả với các đồng minh Nhật và Châu Âu. Các cuộc chiến tranh thương mại không bao giờ có kẻ thắng, tất cả đều thua. Vấn đề chỉ là ai thua nhiều hơn thôi và đối với Châu Âu kẻ thiệt hại nhiều hơn có thể là Mỹ, ngay cả nếu không kể sự mất mát lớn về tình cảm. Sự vô học đã khiến Donald Trump không hiểu rằng nước Mỹ đã giầu mạnh như ngày nay là vì đã nhận và còn tiếp tục nhận rất nhiều của Châu Âu, đặc biệt là về nhân tài, văn hóa, tư tưởng và khoa học, kỹ thuật.

Trước đó Donald Trump đã rút khỏi thỏa ước COP21 về khí hậu mà cả thế giới đã đồng thuận, đã đòi cấm dân của năm nước Hồi giáo đặt chân lên nước Mỹ, đòi bắt Mexico trả tiền để xây tường ngăn chặn người Mexico vào nước Mỹ. Tất cả những quyết định này được công bố với thái độ xấc xược và lời lẽ thô lỗ. Có triển vọng là Trump sẽ chỉ là một ngoặc đơn bốn năm trong lịch sử nước Mỹ nhưng những đổ vỡ mà ông gây ra sẽ không bao giờ lành hẳn. Những cam kết của Hoa Kỳ sẽ không còn đáng tin. Hình ảnh của Hoa Kỳ cũng không còn như trước, người Mỹ sẽ được nhìn như là một dân tộc đã từng bầu một tổng thống như Donald Trump.

Chủ nghĩa dân túy đang hồi sinh và đe dọa thế giới

Tuy vậy Donald Trump không phải một hiện tượng của riêng nước Mỹ. Ông ta chỉ là một trường hợp đặc biệt, dù là trường hợp quan trọng và nghiêm trọng vượt trội, của một nguy cơ toàn cầu đang tái xuất hiện: chủ nghĩa dân túy (populism). Nó cũng thể hiện qua Duterte tại Philippines, Putin tại Nga, Stracher và đảng FPO tại Áo, Le Pen tại Pháp, Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ, Maduro tại Venezuela, phong trào Brexit tại Anh, các mollah tại Iran v.v. Chủ nghĩa dân túy đang hồi sinh.

Tổng thống Duterte của Philippines : một gương mặt của chủ nghĩa dân túy Châu Á

Trước hết cần nhận diện chủ nghĩa dân túy : nó lợi dụng một tình trạng phẫn nộ -có thể chính đáng- và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng để đưa ra những giải pháp mỵ dân có vẻ rất giản dị và thực tiễn nhưng trong trung hạn vừa sai vừa nguy hiểm.

Một thí dụ là phong trào cộng sản, lực lượng dân túy lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nó đã lợi dụng sự phẫn nộ của tầng lớp công nhân sau cuộc cách mạng kỹ nghệ để đưa ra "giải pháp" đấu tranh giai cấp, xóa bỏ quyền tư hữu và tiêu diệt giai cấp tư sản. 

Một thí dụ khác là Quốc xã Đức. Hitler đã lợi dụng sự phẫn nộ chính đáng của người Đức sau Thế Chiến I : nước Đức tan nát vì thua trận, bị mất đất và phải bồi thường chiến tranh trong khi một số tài phiệt Do Thái hành xử một cách vô trách nhiệm để đưa ra "giải pháp" tiêu diệt người Do Thái và tuyên chiến với các nước Châu Âu.

Chúng ta cũng có thể kể Moussolini tại Ý, Peron tại Argentina và Chavez tại Venezuela như là những thí dụ trong lịch sử. Hiện nay ngoài Donald Trump và những trường hợp đã kể còn một lực lượng dân túy đặc biệt nguy hiểm : các tổ chức khủng bố Hồi giáo.

Trong trường hợp cụ thể của nước Mỹ, sự cáo chung đột ngột của phong trào cộng sản thế giới cùng một lúc với sự phát triển của công nghệ tin học và tự động và thương mại quốc tế đã mở ra cả một kỷ nguyên mới, làm thay đổi hẳn sinh hoạt xã hội nhưng tư tưởng chính trị đã thiếu hụt và không đề nghị được một hướng đi. Trong tình huống đó Bill Clinton xuất hiện và đề nghị giải pháp "Chỉ làm kinh tế" (Economy, stupid !) và thắng cử, nhưng Clinton chỉ đưa nước Mỹ tới gần khủng hoảng hơn vì chênh lệch giầu nghèo gia tăng nhanh chóng, ngày càng có đông người cảm thấy uất ức vì bị bỏ rơi và mất chỗ đứng ngay trên đất nước mình. Tình trạng này tiếp tục dưới George W. Bush và Obama. Rồi Donald Trump xuất hiện cáo buộc giai cấp chính trị cũ và hứa hẹn phục hồi sự vĩ đại của nước Mỹ với "giải pháp" America first, chỉ biết có nước Mỹ, phục hồi kỹ nghệ than và kim loại, không cần đồng minh cũng không cần cảm tình của thế giới, từ bỏ những cam kết v.v.

Các lực lượng khủng bố Hồi giáo -Daesh, Al Qaeda, Al Nostra, Boko Haram, v.v.- khai thác một sự phẫn nộ khác, sự phẫn nộ tuyệt vọng của một thành phần trong khối hơn một tỷ người Hồi giáo trước sự suy thoái nhanh chóng của nhân sinh quan Hồi giáo mà họ mô tả như là hậu quả của cuộc xâm lược của phương Tây để kích thích sự cuồng tín và kêu gọi thánh chiến.

Tổng thống Tayip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ : một khuôn mặt dân túy Trung Cận Đông

Các lực lượng dân túy có thể theo một chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, như trường hợp Quốc xã Đức, Phát xít Ý và phần lớn các đảng dân túy hiện nay, hay một ý thức hệ xuyên quốc gia như trường hợp phong trào cộng sản và các lực lượng khủng bố Hồi giáo nhưng kịch bản của chúng bao giờ cũng giống nhau : Do thiếu hụt về tư tưởng chính trị một số vấn đề xã hội không được nhận diện và giải quyết kịp thời để thích nghi với tình huống mới và tạo ra bất mãn và phẫn nộ trong xã hội. Một lực lượng chính trị xuất hiện lên án dữ dội chính quyền đương thời, rồi đề nghị một giải pháp mỵ dân và độc hại nhưng đáp ứng được sự phẫn nộ của quần chúng.

Đặc điểm chung của các lực lượng dân túy là chúng luôn luôn tạo ảo tưởng là có một giải pháp giản đơn cho những vấn đề phức tạp. Nếu thành công và cướp được chính quyền chúng có thể tạo ra những thảm kịch rất lớn, như trường hợp phong trào cộng sản quốc tế và Đảng Quốc xã Đức. Phong trào cộng sản đã làm trên 100 triệu người chết và giam hãm nhiều dân tộc trong đói khổ và kìm kẹp trong hơn một nửa thế kỷ, Hitler và Moussolini đã gây ra Thế Chiến II và khiến chính đất nước họ tan tành. Putin đang làm nước Nga bại liệt với một tương lai rất đen tối. Trump không giải quyết được vấn đề nào mà chỉ sẽ khiến nước Mỹ chia rẽ hơn, cô lập hơn và suy giảm hơn bởi vì tuy thế giới tuy cần nước Mỹ nhưng -với một GDP bằng 22% GDP thế giới- Mỹ còn cần thế giới hơn. Các kỹ nghệ than, thép, may mặc v.v. đàng nào cũng không thể phục hồi vì đã quá lỗi thời so với tình trạng phát triển của Hoa Kỳ.

Các chính quyền dân túy chỉ có thể thất bại vì lý do hiển nhiên là không thể có những giải pháp đơn giản cho những vấn đề phức tạp. Tư tưởng chính trị là điều không thể tiết kiệm, nhất là vào những lúc lịch sử sang trang và một kỷ nguyên mới bắt đầu.

Vì đâu nên nỗi ?

Tư tưởng chính trị đó đã thiếu hụt trong cuộc cách mạng kỹ nghệ và cho phép phong trào cộng sản xuất hiện và bành trướng vì một giai cấp công nhân ngày càng đông đảo cảm thấy mình bị khai thác như những dụng cụ trong khi họ không nhìn thấy một hy vọng nào. Lý luận của Marx sai cả về nền tảng lẫn phương pháp nhưng nó hứa hẹn một tương lai mà nhiều người mơ ước. Tình hình sẽ rất khác nếu vào giai đoạn đó có những nhà tư tưởng thuyết phục được dư luận rằng dân chủ có khả năng sửa sai và cải tiến.

Để nhìn rõ hơn nguyên nhân tái phát của chủ nghĩa dân túy, có lẽ cần nhìn lại trường hợp vừa thời sự nhất vừa lớn nhất của nước Mỹ. Năm 1992 một biến cố khó tưởng tượng xẩy ra, đáng ngạc nhiên nhất là ít người ngạc nhiên. George H. W. Bush, anh hùng quân lực Mỹ trong Thế Chiến II, đương kim tổng thống Mỹ với thành tích đánh sụp khối cộng sản, bị đánh bại bởi Bill Clinton, một thanh niên không có thành tích nào ngoài việc đã trốn lính.

Bill Clinton chủ yếu được bầu vì hai lý do : một là hứa sẽ nhìn nhận Jerusalem là "thủ đô không thể phân chia" của Do Thái, hai là hứa sẽ theo đuổi chủ trương "chỉ làm kinh tế" (economy, stupid !). Lời hứa đầu đã đem lại cho Clinton một số phiếu khá lớn của khối Tin Lành cực đoan nhưng Clinton đã còn chút tinh thần trách nhiệm để không thực hiện, như George W. Bush và Barack Obama sau đó, vì thừa biết nó quá sai và nguy hiểm. Nhưng lời hứa chỉ làm kinh tế -nghĩa là không quan tâm tới chính trị, dân chủ, nhân quyền- đã có tác dụng quyết định lên cuộc tranh cử tổng thống và Clinton đã thực hiện tận tình sau khi được bầu. Ông sử dụng một nhóm cố vấn xuất thân từ các ngân hàng và theo lời khuyên của họ bãi bỏ hết những qui định có mục đích kiểm soát các hoạt động tín dụng và chứng khoán, đồng thời tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc mà gần như không đặt vấn đề nhân quyền. Clinton đã thắng cử nhờ khoảng trống tư tưởng lớn.

Thế giới vừa vui mừng vừa hoang mang không biết nghĩ gì khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và phong trào toàn cầu hóa bùng lên cùng lúc với các tiến bộ về kỹ thuật truyền thông và tự động. Bối cảnh thế giới thay đổi hẳn, nhất là các hoạt động kinh tế. Nhiều nhà máy với các kỹ thuật truyền thống được di chuyển từ các nước giầu sang các nước nghèo tạo ra tại các nước dân chủ phát triển một khối người ngày càng đông đảo bỗng nhiên mất việc làm và hơn thế nữa trở thành vô dụng, những người mà trước đó không lâu đã là những công dân gương mẫu. Họ cảm thấy rằng đất nước mà họ đã đóng góp xây dựng nên không còn là của họ nữa. Phong trào toàn cầu hóa cũng chất vấn và công phá ngay chính khái niệm quốc gia.

Tất cả những biến động này đòi hỏi một cố gắng tư tưởng lớn nhưng các trí thức cánh tả cũng như cánh hữu hầu như đều bặt tiếng. Cánh tả vì sau hơn nửa thế kỷ biện hộ cho chủ nghĩa cộng sản đã bị lố bịch hóa và không còn gì để nói. Cánh hữu vì đã toàn thắng và cũng không còn gì để nói thêm ngoại trừ nhắc lại một cách nhàm chán các lập luận cũ. Các thảo luận về triết lý chính trị hầu như đã dừng lại cùng với chiến tranh lạnh. Người ta cố tình làm như tin tưởng rằng bàn tay vô hình của kinh tế thị trường cuối cùng sẽ giải quyết tất cả.

Và kịch bản quen thuộc đã tái diễn. Mỹ là nước dân chủ tư bản dẫn đầu thế giới nên cũng là nước bị dao động nhất trong bối cảnh hoàn toàn mới này. Trong khoảng trống tư tưởng này khẩu hiệu chỉ làm kinh tế, chỉ biết có kinh tế của Bill Clinton đã có sức lôi cuốn đặc biệt đối với những người đang phẫn nộ vì cảm thấy bị bỏ rơi. Giai đoạn dân túy bắt đầu. Nhưng làm sao chính trị có thể chỉ thu gọn vào kinh tế ?

Clinton đã thất bại như mọi lực lượng dân túy một khi đã nắm được chính quyền bởi vì, cần nhắc lại một lần nữa, không thể có giải pháp giản dị cho những vấn đề phức tạp. Clinton đã giúp các chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam trụ được thay vì chuyển hóa về dân chủ, và cho phép Trung Quốc dần dần trở thành một đe dọa cho hòa bình. Trong chủ trương chỉ quan tâm tới kinh tế, ông cũng đã để mặc cho các lực lượng khủng bố Hồi giáo như Al Qaeda và Taliban mặc sức phát triển và trở thành một tai họa cho cả nước Mỹ lẫn thế giới.

Clinton cũng đã nhanh chóng trở thành đồng lõa của các thế lực tài phiệt, đã để cho khuynh hướng "tài chính hóa kinh tế" lộng hành và dẫn tới cuộc khủng hoảng 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử thế giới. Một giai cấp quý tộc hãnh tiến mới cũng đã xuất hiện : những người thành công và trở thành giầu có, dù chỉ là nhờ may mắn trong các hoạt động đầu cơ chứng khoán và địa ốc. Những người hãnh tiến này tự coi là xứng đáng nhất. Những người không giầu, có thể chỉ vì không làm trong những ngành đang gặp thời, bị nhìn như là thiếu tài năng và nghị lực. Nghèo đồng nghĩa với nhục. Tiền trờ thành tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá con người. Xã hội bị phân hóa, những người giầu và những người nghèo sống trong những khu riêng biệt, gửi con cái tới những trường học khác nhau, dùng những thực phẩm khác nhau, du lịch và giải trí khác nhau và có những ưu tư khác nhau. Tinh thần quốc gia mất dần ý nghĩa và nội dung.

Kể từ Clinton, nghĩa là từ hơn một phần tư thế kỷ qua, nước Mỹ đã chỉ có những tổng thống tài tử không có kinh nghiệm và kiến thức chính trị đáng kể nào. George W. Bush đã chỉ lên được nhờ uy tín của cha và sự xuống cấp của môi trường chính trị Mỹ. Barack Obama thì rõ ràng là một tay mơ lên được nhờ khuynh hướng dân túy. Ông xuất hiện đột ngột và đắc cử nhờ chống đối giai cấp chính trị truyền thống, establishment, và khẩu hiệu "Yes, we can" nghĩa là : "Đúng, chúng ta có thể", có thể có ngay một nước Mỹ hùng mạnh và công bình. Ngoài ra Obama cũng chủ trương một chính sách triệt thoái và co cụm rất phù hợp với chủ nghĩa dân túy. Quyết định triệt thoái hấp tấp khỏi Iraq đã giúp lực lượng Nhà nước Hồi giáo Daesh phát triển mạnh, dìm vùng Trung Đông vào khói lửa, làm hàng trăm nghìn người thiệt mạng và khiến Châu Âu khốn khổ vì làn sóng người tỵ nạn. Trong nhiệm kỳ thứ hai Obama bắt đầu nhận ra là Mỹ cũng cần thế giới như thế giới cần Mỹ và vì thế phải đóng góp cho một trật tự dân chủ. Việc thành lập Khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) để ngăn chặn Trung Quốc phản ánh nhận thức này, nhưng nó đến quá trễ, Obama không còn thời gian để hoàn tất. Donald Trump chỉ là cao điểm của trào lưu dân túy đã bắt đầu từ 1992 với Bill Clinton.

Nhiều người tin rằng Donald Trump sẽ chỉ là một ngoặc đơn bốn năm và sẽ bị đào thải trong cuộc bầu cử sắp tới. Có thể nhưng chưa chắc. Việc Trump gây thiệt hại cho chính nước Mỹ sẽ không làm đa số những người đã bầu cho ông thay đổi lập trường, vì một lý do giản dị là họ thấy nước Mỹ không còn là của họ nữa, như vậy đối vối họ sự chao đảo của nước Mỹ này có khi còn là hy vọng để chuyển sang một nước Mỹ khác mà họ mong muốn. Nếu Donald Trump thất cử thì lý do chính là vì cuộc chiến tranh thương mại mà ông gây ra sẽ khiến cuộc sống của chính họ khó khăn hơn.

Ở một mức độ nào đó, bên cạnh những tác hại to lớn, Trump đã báo động tai họa của chủ nghĩa dân túy và báo động về nhu cầu nghĩ lại và làm lại nước Mỹ. Đó cũng là nhu cầu của thế giới vì dù muốn hay không Mỹ vẫn là nước có vai trò lãnh đạo thế giới và những gì diễn ra ở Mỹ cũng sẽ có ảnh hưởng lôi kéo với các nước khác. Tại Châu Âu các lực lượng dân túy đã phát trỉển mạnh sau Bill Clinton. Tại Pháp đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia của Le Pen hai lần vào được vòng chung kết bầu cử tổng thống ; tại Áo Đảng FPO đã thắng lớn và được tham chính với một phó thủ tướng và ba bộ trưởng quan trọng ; lực lượng dân túy chiếm được 13% trong cuộc bầu cử quốc hội gần đây nhất, tháng 9/2017 và khiến việc thành lập chính phủ bị bế tắc trong gần sáu tháng. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có những chính quyền dân túy, như tại Philippines và Venezuela.

Chủ nghĩa dân túy đang là một vết thương lớn của thế giới. Rất đáng lo ngại, bởi vì đặc tính của các lực lượng dân túy là chúng bất chấp các giá trị đạo đức, bất chấp nhân quyền và bất chấp thế giới, những lý do dẫn đến xung đột, bế tắc và chiến tranh.

Lối thoát nào ?

Tháng 9/2017 đã có một cuộc thảo luận hào hứng trên một đài truyền hình Canada về nguy cơ dân túy giữa hai nhà tư tưởng hàng đầu của Châu Mỹ Steve Paikin và Michael Sandel. Cuộc thảo luận này đã được một trí thức trẻ dịch và phụ đề tiếng Việt và đưa lên Youtube. Clip này rất nên xem (1).

Michael Sandel là giáo sư triết và chính trị tại Đại học Havard và từ hơn hai thập niên qua được nhiều người đánh giá là nhà tư tưởng chính trị lớn nhất của nước Mỹ. Giải pháp mà ông nhìn thấy là phải khởi động mạnh mẽ một cuộc thảo luận thẳng thắn về các giá trị nền tảng của chính trị và của hoạt động chính trị. Người ta chỉ có thể đồng ý với ông. Nhưng vấn đề là làm thế nào để có các cuộc thảo luận này. Điều đáng ngạc nhiên là Michael Sandel hình như không nhìn thấy cốt lõi của vấn đề.

Theo ông không thể trông đợi ở các chính đảng và các chính trị gia bởi vì họ đã trở thành thực tiễn ; họ tránh né tranh luận và chỉ còn một ngôn ngữ quản trị và kỹ trị. Chỉ còn cách phát động những cuộc thảo luận này trong các trường đại học, các nhóm xã hội dân sự và các kênh truyền thông. Nhưng chính Sandel cũng đã phải nhìn thấy sự vô vọng của giải pháp mà ông đề nghị. Bằng cớ là các bài giảng rất hay của ông tại Havard được đưa lên Youtube từ gần mười năm qua với sự yểm trợ tài chính của nhiều nhà hảo tâm sau gần mười năm đã chỉ được trên dưới một triệu lượt người xem, phần lớn là các sinh viên. Các bài diễn thuyết của ông ngoài Havard thì chỉ được vài chục ngàn lượt xem mỗi năm. Ngay chính clip thảo luận này giữa ông và Steve Paikin cũng chỉ được 23.000 lượt xem sau 10 tháng. Trong khi đó thì các clip của các danh ca thường được vài chục triệu, có khi vài trăm triệu, lượt xem sau khoảng mười năm. Giải pháp của Sandel như vậy rõ ràng không phải là giải pháp.

Vậy còn phải làm gì khác ? Một sắc thuế trên các chương trình truyền hình thể thao và giải trí để tài trợ cho các chương trình thảo luận về chính trị, xã hội ? Một viện hàn lâm khoa học chính trị được có tiếng nói có thẩm quyền trên sự chọn lựa các cấp lãnh đạo chính trị ? Một thủ tục để tôn vinh các nhà tư tưởng và đưa các tài tử, ca sĩ, cầu thủ, doanh nhân trở lại vị trí đúng của họ ?

Chúng ta có thể thảo luận rất nhiều, nhưng có một điều chắc chắn phải làm là nâng cao vai trò và chỗ đứng của các chính đảng. Các chính đảng chính là môi trường thảo luận chính trị, sản xuất, sàng lọc và truyền bá tư tưởng chính trị. Đó là khối hàng trăm ngàn, hàng triệu người quan tâm tới việc nước và chuyển tải tư tưởng chính trị từ các nhóm thảo luận tới quần chúng qua gia đình, bè bạn, đồng nghiệp. Không có các chính đảng mạnh thì không thể hy vọng có những cuộc thảo luận rộng khắp và trong chiều sâu.

Nhưng làm thế nào để nâng cao chức năng và trọng lượng của các chính đảng, để có những chính đảng mạnh ? Một điều kiện tiên quyết là phải bãi bỏ chế độ tổng thống. Chế độ tổng thống tập trung quyền lực vào một người và vô hiệu hóa các chính đảng. Các cuộc thảo luận chính trị trong các chính đảng xuống cấp vì mất tác dụng. Các kết luận của các cuộc thảo luận còn có tầm quan trọng nào khi quyền quyết định đàng nào cũng chỉ thuộc về một người không do đảng bầu ra? Chế độ tổng thống cũng khiến các tranh chấp nội bộ trở nên khốc liệt và làm tan vỡ các chính đảng bởi vì khó có thể thỏa hiệp khi thắng là được tất cả, thua là mất hết. Quan tâm của một ứng cử viên tổng thống là được lòng và được phiếu của thật nhiều người chứ không phải là để nêu ra những vấn đề gây tranh cãi.

Chế độ đại nghị là chọn lựa bắt buộc nếu muốn nâng cao vai trò của các chính đảng và đồng thời nâng cao dân trí. Chúng ta có thể nhận xét là các khuynh hướng dân túy đã chỉ thành công tại các nước theo chế độ tổng thống. Ở các nước theo chế độ đại nghị phong trào dân túy cùng lắm chỉ có ảnh hưởng giới hạn. Vấn đề chính đối với chế độ đại nghị là qui định một tỷ lệ vừa phải tùy theo hiện tình mỗi nước giữa số dân biểu được bầu theo thể thức đơn danh một vòng và số dân biểu bầu theo tỷ lệ để bảo đảm sự ổn vững của chính phủ mà vẫn cho phép mọi khuynh hướng chính trị đều có tiếng nói trong quốc hội để không rơi vào sự cứng chắc nghèo nàn của tình trạng lưỡng đảng (thí dụ ta có thể hình dung một quốc hội gồm 500 dân biểu trong đó 450 người được bầu theo thể thức đơn danh một vòng, 50 người được bầu theo thể thức tỷ lệ). Sau đó người ta có thể nghĩ tới các biện pháp khác.

Một lời sau cùng. Nhiều bạn có thể chất vấn : tại sao thảo luận những vấn đế lý thuyết như chủ nghĩa dân túy, chế độ tổng thống, chế độ đại nghị v.v. trong khi vấn đề trước mắt là phải tranh đấu để chấm dứt một chế độ độc tài hung bạo hành xử không khác gì một lực lượng chiếm đóng ? Có viển vông và lạc điệu không ? Xin trả lời là không. Chúng ta đã là chúng ta ngày nay bởi vì chúng ta luôn luôn hụt hẫng về mặt tư tưởng và chúng ta đang có nguy cơ hụt hẫng một lần nữa. Chúng ta đang tranh đấu cho dân chủ hiểu một cách giản dị là tam quyền phân lập và bầu cử tự do trong khi khái niệm dân chủ đang đòi hỏi những xét lại rất quan trọng và triệt để. Chúng ta có thể lại chỉ ra khỏi ngõ cụt cộng sản để đi vào một ngõ cụt khác.

Vả lại ngay trong lúc này phong trào dân chủ chỉ có thể mạnh nếu những người dân chủ hiểu rõ dân chủ là gì và những vấn đề nào đang đặt ra cho nó.

Nguyễn Gia Kiểng

(10/07/2018)

(1) Bản dịch :Sự thất bại của nền chính trị "Tự do phóng khoáng"

Youtube : Sự thất bại của nền chính trị "Tự do phóng khoáng"

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 3402 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)