Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

11/06/2018

Đấu tranh chính trị phải là đấu tranh có tổ chức

Trần Hùng

Không phải chống Formosa, cũng không phải chỉ chống Trung Quốc mà là chống chính quyền ! Lần đầu tiên trong lịch sử hàng chục ngàn người khắp cả nước bước xuống đường hô vang những khẩu hiệu chưa từng xuất hiện trong những cuộc biểu tình trước đây như "đả đảo bọn bán nước", "đả đảo cộng sản" (đánh đổ cộng sản)... Từ Sài Gòn tới Hà Nội, từ Đà Nẵng tới Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Dương, Nghệ An, Tiền Giang… Và không chỉ tại Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu hay Bắc Mỹ… cũng có hàng ngàn kiều bào xuống đường.

cachmang1

Riêng tại Sài Gòn cuộc biểu tình này đã bắt đầu từ sáng sớm kéo dài cho tới đêm muộn, diễn ra tại hàng loạt các địa điểm như trước đại sứ quán Mỹ, công viên 30-4, nhà thờ Đức Bà, phố Tây Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ… Đây là một trong những cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Một chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng trong cuộc biểu tình này là đã gần như không có sự xuất hiện của cờ đỏ hay cờ búa liềm. Chi tiết này cho phép chúng ta tiên liệu được nhiều điều sẽ xảy đến trong tương lai.

Khi sự chịu đựng đã vượt mọi giới hạn ?

Không chỉ xuất phát từ dự luật đặc khu hay dự luật an ninh mạng, sự bất mãn của người dân đã âm ỉ suốt nhiều năm qua, được hâm nóng bởi những thông tin tham nhũng của bộ máy công quyền, từ vụ cướp đất của hàng chục ngàn đồng bào tại Thủ Thiêm. Dự luật đặc khu - dự luật bán nước, dự luật an ninh mạng - dự luật bịt miệng người dân, chỉ là những giọt nước tràn ly cho những phẫn uất của người dân đã bị cai trị quá lâu dưới chế độ cộng sản.

Người ta phẫn nộ không chỉ vì nội dung của những dự luật này mà là vì cách hành xử của các quan chức cộng sản. Từ các nghị sỹ cho tới các bộ trưởng, từ các lãnh đạo quốc hội cho tới các lãnh đạo đảng cộng sản, họ gian trá ngay giữa nghị trường quốc hội, họ hành động những kẻ cai trị, họ gạt người dân ra ngoài lề mọi sinh hoạt của đất nước, họ muốn thông qua dự luật bán nước ngay trước mặt gần 100 triệu người Việt Nam, họ đối xử với người dân như đối xử với những kẻ nô lệ. Họ thách thức sự tự trọng và lòng yêu nước của mọi người Việt Nam, thách thức danh dự của cả dân tộc.

Không một người Việt Nam nào có thể chịu đựng điều đó thêm nữa. Phải chống lại nó. Phải xuống đường, phải nói với đảng cộng sản rằng ai mới là chủ nhân của đất nước này. Và hôm nay đảng cộng sản đã biết ai mới thực sự là chủ nhân của đất nước .

Một biến cố lịch sử !

Chi tiết không có sự xuất hiện của cờ đỏ hay cờ búa liềm đưa chúng ta tới một kết luận "người dân không còn tin tưởng hay hi vọng gì ở chế độ này nữa". Với những gì đã xảy ra trong thời gian qua thì họ đã đi tới kết luận chế độ này là thủ phạm cho mọi vấn đề trầm trọng của đất nước chứ không phải là giải pháp. Chính chế độ là nguyên nhân đưa tới thảm hoạ Formosa - khi họ cấp quy chế nhượng địa cho Formosa, và giờ chế độ lại muốn tiếp tục cấp quy chế nhượng địa cho hàng loạt các công ty khác trong cả 3 đặc khu. Chính chế độ là nguyên nhân đưa tới sự lệ thuộc trầm trọng như hiện nay của đất nước với Trung Quốc, và họ đang muốn tiếp tục lệ thuộc hơn nữa khi tạo ra hàng loạt lỗ hổng trong dự luật đặc khu để nhà đầu tư Trung Quốc có thể khai thác, khi họ sao chép lại y nguyên bộ luật an ninh mạng để bịt miệng người dân của Trung Quốc.

Mọi người đều thấy rõ đất nước sẽ đi vào ngõ cụt nếu chế độ này tiếp tục tồn tại. Hi vọng chỉ có thể xuất hiện ở một chế độ mới - một chế độ dân chủ và muốn thế thì phải "đánh đổ cộng sản"(đả đảo cộng sản). Quần chúng Việt Nam đã chín muồi cho một cuộc cách mạng dân chủ.

Mở đầu cho sự sụp đổ của chế độ ?

Chế độ đã thất bại hoàn toàn trong cuộc "đụng độ" lần này. Tuyên truyền - một trong những vũ khí quan trọng nhất của chế độ đã bị đánh gục. Báo chí của chế độ hoặc là im lặng hoặc là đăng lên những bài như "người dân tụ tập đông người", "người dân bị kẻ xấu lợi dụng"... - nó chỉ phơi bày sự hèn nhát cũng như sự dối trá của báo chí nhà nước. Không ai còn tin những thông tin từ chế độ và chế độ không còn gì để nói với người dân cả. Họ chỉ còn bạo lực, nhưng càng sử dụng bạo lực thì chế độ lại càng bị quốc tế cô lập, với một nền kinh tế phụ thuộc ngoại thương như hiện nay, chế độ sẽ bị bóp đến nghẹt thở vì sử dụng bạo lực. Kết quả là chế độ ngày một yếu đi trong khi tinh thần dân tộc và phong trào dân chủ ngày một mạnh thêm, tới một thời điểm nào đó nó sẽ đủ khả năng để đánh bại chế độ cộng sản.

Và chế độ cộng sản cũng đã thấy trước được tương lai của mình, họ đã từ bỏ mọi cố gắng để tìm kiếm sự hậu thuẫn từ người dân. Trong thời đại truyền thông như hiện nay, sự thật về chế độ đã đều quá rõ ràng. Từ những người là tay sai của chế độ cho tới các đảng viên chẳng còn ai có thể tự hào vì đã xây dựng và cũng cố chế độ thối nát này. Họ cũng đang chờ đợi một cuộc cách mạng dân chủ để có thể phục hồi lại danh dự và nhân phẩm cho bản thân mình. Như thế từ quần chúng cho tới những người trong chính quyền đều đang chờ đón một sự thay đổi lớn. Vậy đâu là cầu nối để biến tương lai đang mơ ước này trở thành thực tại ?

Từ biểu tình tới cách mạng !

Khi đi cùng đoàn người biểu tình tại Sài Gòn, tôi có hỏi người dẫn đầu đoàn biểu tình rằng "chị đang đi đâu ?". Và chị ấy đã trả lời rất đơn giản "chị chỉ đi loanh quanh khu vực trung tâm thôi".

Đó có lẽ cũng là câu trả lời của phần lớn những người đi biểu tình, họ không có tổ chức và cũng không có kế hoạch, cho dù trong trường hợp số lượng đông đảo, áp đảo phía an ninh và phong toả được cả trung tâm thành phố thì những người biểu tình cũng không biết phải làm gì tiếp theo, không biết và cũng không thể làm gì để biến nó thành một cuộc cách mạng.

Muốn huy động được người biểu tình đông đảo, rồi lãnh đạo được cuộc biểu tình đó, và dùng số đông đó để gây áp lực lên chế độ cộng sản và tạo ra những thay đổi không thể đảo ngược trước khi cuộc biểu tình giải tán thì cần có một lực lượng gắn kết, một kế hoạch hoàn chỉnh nghĩa là cần một tổ chức chính trị có tầm vóc.

Đó cũng là tất cả những việc cần làm để đi từ một cuộc biểu tình tới một cuộc cách mạng. Tổ chức, tổ chức và tổ chức. Khi đã có một tổ chức chính trị hùng mạnh thì việc huy động người biểu tình, lãnh đạo cuộc biểu tình và đàm phán với chế độ cộng sản đều sẽ diễn ra dễ dàng.

Một tổ chức mạnh lãnh đạo cuộc biểu tình cũng giúp chúng ta tránh được việc cuộc biểu tình biến thành bạo động cũng như những hỗn loạn không cần thiết sau khi chế độ cộng sản kết thúc. Và để có được một tổ chức như thế thì ngay từ bây giờ những người mơ ước về một tương lai xúng đáng cho đất nước phải ý thức được rằng : đấu tranh chính trị phải là đấu tranh có tổ chức, đóng góp quan trọng nhất cho phong trào dân chủ là đóng góp để xây dựng tổ chức.

Trần Hùng

(11/06/2018)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Hùng
Read 2545 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)