Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

17/06/2018

Đi xa hơn một làn sóng biểu tình ?

Nguyễn Việt Anh

Vừa qua, chúng ta đã chứng kiến một đợt sóng biểu tình có tiếng vang nhất mà phong trào dân chủ Việt Nam có được từ trước đến giờ. Dù phải thừa nhận rằng, nó vẫn mang tự phát và nếu có tính tổ chức, chúng ta còn có thể đi xa hơn thế. Tuy nhiên, với tôi đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt. Có thể sự kiện này không đem lại một cuộc cách mạng dân chủ ngay trong tức khắc, nhưng nó giúp chúng ta một lần nữa xem xét lại một cách nghiêm túc về phong trào dân chủ.

VIETNAM-CHINA-MARITIME

Thanh niên, sinh viên mạnh mẽ xuống đường phản đối Trung Quốc lấn chiếm lãnh hải Việt Nam - Ảnh RFA

Nhìn lại những điều kiện cần và đủ của phong trào dân chủ ?

Hôm vừa qua, bà chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân có kêu gọi "nhân dân bình tĩnh, tin tưởng vào quyết định của đảng". Bà gợi ra một thời kì xưa cũ mà người dân từng răm rắp tin tưởng vào đường lối và nghị quyết "sáng suốt" của đảng. Một thời mà mọi trích dẫn hoặc thậm chí câu nói thường ngày đều bắt đầu bằng "đảng đã nói...", "đảng cho rằng…", "đảng ta đã khẳng định rằng...". Nhưng lần này, đại đa số người dân đã không còn tin tưởng vào đảng, hơn thế nữa họ nhìn nhận dự thảo luật đặc khu kinh tế không khác gì một ý đồ bán nước và đảng cộng sản như là một tập đoàn bán nước.

Việc thông qua dự thảo luật an ninh mạng, dù đảng cộng sản có cố viện dẫn lý do an ninh quốc gia, ngay lập được bị người dân nhận diện là một hành động nhằm bóp nghẹt quyền tự do thông tin. "Ý đảng-lòng dân" đã khác nhau một trời một vực, người dân đã đồng ý rằng chế độ này cần phải thay đổi.

Trong những bất ổn diễn ra tại Bình Thuận vừa qua, đa phần những người tham gia biểu tình đều là tầng lớp nhân dân lao động nghèo khổ. Họ đã đứng lên chống trả sau một thời gian dài bị bần cùng hóa. Điều này càng chứng tỏ chủ nghĩa cộng sản không còn có sức hấp dn với giai cấp lao động và với bất cứ tầng lớp nhân dân nào của Việt Nam. Dù các đảng cộng sản luôn cho rằng họ là chính đảng đứng về phía người lao động, nhưng đảng cộng sản lần này không những không có nhu cầu xoa dịu và khôi phục lòng tin của nhân dân mà còn đổ thêm dầu vào lửa, đem lực lượng đến đàn áp người dân Bình Thuận. Đảng cộng sản Việt Nam đã trở nên mục ruỗng về mặt ý thức hệ, nội bộ đang phân rã và họ không còn lấy một lý tưởng chính trị để tồn tại.

Trở lại với đợt sóng biểu tình vừa qua, tại sao chúng ta nhìn nhận rằng nó có là một bước ngoặt trong phong trào dân chủ ? Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã thảo luận và đưa ra bốn điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng dân chủ trong đó Hai điều kiện đầu là :

1. Chế độ cầm quyền đã chứng tỏ sự vô lý của nó và mọi người đồng ý rằng nó phải thay đổi.

2. Đảng cầm quyền bị phân hóa tới mức nó không còn sự đoàn kết, nó không còn lý tưởng, nghĩa là nó mất yếu tố cốt lõi của một tập thể chính trị để có thể tồn tại được.

Chúng ta có thể làm gì hơn... ?

Và như chúng ta thấy, hai điều kiện đầu của một cuộc cách mạng dân chủ đã biểu lộ rõ nhất trong các sự kiện gần đây. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập ở trên, đợt biểu tình này có thể đi xa hơn thế. Giả dụ, phong trào dân chủ hoàn toàn có thể chuyển hóa cuộc biểu tình chống lại chính sách của chính phủ trở thành một cuộc biểu tình bất tín nhiệm Chính phủ và Quốc hội. Cuộc cách mạng Romania bắt đầu từ sự kiện một mục sư bị đánh đập dã man. Tại Việt Nam, hàng ngày, chúng ta chứng kiến những người biểu tình bị đánh đập một cách tàn nhẫn. Sự kiện tại Bình Thuận vừa qua cũng gây xúc động mạnh mẽ trong dư luận, nhưng tại sao phong trào dân chủ Việt Nam vẫn không thể chuyển hóa được sự phẫn nộ của quần thành sức mạnh ?

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đưa ra tiếp hai điều kiện sau cùng như một giải pháp cứu nguy cho phong trào dân chủ :

3. Phải có đồng thuận dân tộc về một thể chế mới, chế độ tương lai chúng ta muốn nó phải như thế nào và nó phải làm những việc gì.

4. Phải có một lực lượng chính trị ra đời làm tụ điểm cho những nguyện vọng đổi đời.

Những yếu tố CẦN cho một cuộc cách mạng dân chủ đã hiện ra rõ rệt. Đây là thời điểm để chúng ta đề cao những yếu tố ĐỦ để tiến tới cách mạng. Trên hết, phong trào dân chủ cần một bộ não để khởi động cuộc cách mạng này. Theo kinh nghiệm thực tiễn của hầu hết các cuộc cách mạng trên thế giới, người dân chủ xuống đường khi họ nhìn thấy một tổ chức chính trị có đủ tầm vóc và thắng lợi dân chủ đã hiện ngay trước mắt. Quần chúng không kiên nhẫn, trong khi đó quá trình xây dựng tổ chức chiếm phần lớn thời gian và công sức của cuộc vận động dân chủ.

Một kinh nghiệm thực tiễn khác cho thấy những cuộc cách mạng dân chủ chỉ thành công trọn vẹn nếu có tổ chức. Chúng ta có thể kể đến mùa xuân Ả rập, sự nở rộ về công nghệ thông tin và mạng Internet đã khiến các chế độ độc tài lung lay và đi đến sụp đổ. Nhưng cách mạng tại thế giới Ả rập nổ ra khi không có sự chuẩn bị về tổ chức và tư tưởng chính trị nên nó đã lần lượt dẫn đến sự thiết lập của các chế độ độc tài mới. Tại Iran nhóm thần quyền Hồi giáo thắng thế còn tại Syria, nó dẫn đến một nhà nước khủng bố với các tội ác ghê rợn về nhân quyền.

Trong những năm 1990, cuộc cách mạng tại Đông Âu cũng đem lại những kết quả khác nhau. Các nước nghiêng về phương Tây như Tiệp Khắc, Romania, Hungary,... có sự hiện diện rõ ràng về tổ chức chính trị đã hội nhập nhanh chóng vào thế giới dân chủ. Ngược lại, các nước miền đông Đông Âu hầu như Belarus, Ukraine, Bulgaria... do không có chuẩn bị kĩ càng đều bị động trước làn sóng dân chủ. Riêng Nga thì quay trở về chế độ độc tài.

Nếu trí thức và những người yêu nước chúng ta không muốn phó mặc vận mệnh của dân tộc mình cho thời cuộc, chúng ta cần phải đặt lại phương thức đấu tranh. Lối đấu tranh cá nhân sẽ không đem đến kết quả cụ thể nào. Để phong trào dân chủ thắng lợi chúng ta nhất định phải đấu tranh có tổ chức. Trí thức và người yêu nước cần tìm đến nhau để tạo thành một lực lượng, một tổ chức chính trị có tầm vóc đủ để trước tiên trở thành một đối trọng dân chủ của đảng cộng sản. Một tổ chức sẽ là nơi để sản sinh ra các ý kiến đóng góp cho phong trào dân chủ và dành thắng lợi quyết định trên mặt tư tưởng. Thắng lợi về mặt tư tưởng chính trị và về mặt truyền thông sẽ dẫn đến thắng lợi tất yếu về mặt chính trị.

Các điều kiện cần để khởi động một cuộc cách mạng dân chủ đã chín muồi. Chúng ta đang đứng trước một thời khắc quan trọng của lịch sử. Những gì vừa qua là hy vọng hay một niềm thất vọng hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của những người đấu tranh dân chủ, những trí thức, những người yêu nước vào thời điểm này.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được khai sinh dựa trên khát vọng mang về dân chủ cho đất nước. Tập Hợp luôn kiên định với Dự án chính trị của mình, kiên định với lập trường dân chủ đa nguyên, bất bạo động và hòa giải hòa hợp dân tộc. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẵn sàng chào đón mọi người cùng chia sẻ, đồng thuận với dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 và các lập trường căn bản của Tập Hợp.

Nguyễn Việt Anh

(17/06/2018)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Việt Anh
Read 1432 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)