Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/01/2017

Cuộc chiến Trung-Việt và những hậu quả của nó

Lê Mạnh Hùng

sino1

Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979

Mờ sáng ngày thứ bảy 17 tháng hai năm 1979 khi các lớp sương mù mờ đặc còn đang bao phủ những đồi núi vùng biên giới Việt Trung, những tiếng nổ bỗng vang ầm lên xé tan bầu không khí trầm lặng của vùng đồi núi này. Hàng trăm khẩu đại bác 122 và 130 mm cùng với những giàn rocket 140 mm từ phía Trung Quốc nã về phía Việt Nam với một tốc độ gần như mỗi giây một viên. Trong suốt hai mươi phút, những tiếng nổ này chìm lẫn vào nhau tạo thành một tiếng ầm ầm liên tục tương tự như tiếng bom B52. Rồi như một luồng nước vỡ bờ, khoảng gần một trăm ngàn bộ binh Trung Quốc được xe tăng và pháo binh yểm trợ bắt đầu tràn qua biên giới dọc theo 26 cửa khẩu. Nhưng như chính những tướng lãnh Trung Quốc sau này phải công nhận, chiến thuật biển người thực hiện thành công trong cuộc chiến tranh Triều Tiên đã vấp phải các công sự phòng thủ kiên cố và phức tạp mà Hà Nội đã có thời giờ chuẩn bị trước. Trong ba ngày đầu, hàng ngàn lính Trung Quốc đã bị chết và bị thương vì hàng rào phòng thủ của Việt Nam.

Trong những ngày sau, Trung Quốc thay đổi chiến thuật, áp dụng chiến tranh cổ điển thay vì dùng biển người, tập trung pháo binh và thiết giáp đánh vào từng cứ điểm nhỏ. Mười ngày sau đó, bộ binh Trung Quốc đã từ từ tiến vào sâu trong nội địa Việt Nam khoảng từ 30 đến 40 cây số và chiếm được 4 tỉnh lỵ miền Bắc : Lai Châu, Lào Cay, Hà Giang và Cao Bằng. Ngày 27 tháng 2 trận đánh Lạng Sơn, tỉnh lỵ biên giới cuối cùng bắt đầu. Và đến 14 giờ 30 ngày 5 tháng 3 năm 1979, khi Trung Quốc nắm được quyền kiểm soát tỉnh lỵ Lạng Sơn thì tỉnh này chỉ là một đống gạch vụn đầy xác chết của các đồng chí cũ nay trở thành kẻ thù. Thế là các cửa để tiến xuống đồng bằng sông Hồng và Hà Nội đã được mở. Tuy nhiên chỉ trong vài tiếng đồng hồ sau đó, Bắc Kinh tuyên bố đã đạt được mục tiêu dạy cho Việt Nam một bài học và cùng ngày họ bắt đầu triệt thoái quân về Trung Quốc.

Cuộc chiến Trung Việt như vậy đã tạm thời kết thúc sau 26 ngày chiến tranh gay gắt để lại một loạt những câu hỏi mà không có câu trả lời chính xác. Dưới đây chúng ta thử lần lượt khảo sát các khía cạnh của cuộc chiến tranh này và tìm hiểu những hệ quả của nó đối với cả hai phía Trung Quốc và Việt Nam.

Nguyên nhân của cuộc chiến

Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh bắt đầu xấu đi từ đầu những năm 1970 đặc biệt là sau chuyến đi thăm Trung Quốc của Richard Nixon năm 1971. Bất mãn với Hà Nội vì đã không nghe lời khuyên của mình tiếp tục mở cuộc chiến thôn tính miền Nam Việt Nam và sau đó khai tử luôn cái gọi là Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam mà Trung Quốc bảo trợ.

Bang giao giữa hai bên suy thoái hẳn đi vào giữa thập niên 1970. Năm 1976, Bắc Kinh chấm dứt viện trợ cho Hà Nội lấy cớ là Việt Nam nay không cần viện trợ trong lúc Trung Quốc cần phải tập trung xây dựng đất nước. Sau khi Hà Nội tham gia vào tổ chức Hợp Tác Hỗ Tương Kinh Tế (Council for Mutual Economic Cooperation - Comecon) do Liên Xô tổ chức và cầm đầu cũng như là ký một thỏa hiệp Hữu Nghị và Hợp Tác với Liên Xô vào năm 1978, sự thù nghịch giữa Bắc Kinh và Hà Nội trở nên công khai. Trung Quốc gọi Việt Nam là "Cuba của phương Đông" và coi thỏa hiệp giữa Liên Xô và Hà Nội là một liên minh quân sự chống Trung Quốc. Các cuộc đụng chạm ở biên giới trở thành thường xuyên và bạo động hơn. Tháng 12, 1978, Việt Nam đưa quân vào Cambodia và mau chóng lật đổ chế độ Pol Pot thân Bắc Kinh.

May mắn cho Việt Nam là chính trong những năm đó, tình hình Trung Quốc cực kỳ rối loạn với cuộc cách mang văn hóa của Mao tung ra vào năm 1966 làm cho mọi hoạt động đều hầu như bị tê liệt. Với cái chết của Mao vào năm 1966, một cuộc đấu tranh quyền lực gay gắt diễn ra tại Bắc Kinh. Nhưng đến cuối năm 1978, cuộc đấu tranh quyền lực này hầu như đã kết thúc với việc thâu tóm quyền lực vào tay Đặng Tiểu Bình. Sau khi dựa vào nhóm Hoa Quốc Phong cùng quân đội (do Diệp Kiếm Anh cầm đầu) lật đổ nhóm "bè lũ bốn tên" do Giang Thanh, vợ thứ ba của Mao cầm đầu vốn thao túng cuộc Cách mạng văn hóa, Đặng quay ra thanh toán các đồng minh cùng chống Giang Thanh. Trong hội nghị trung ương mở rộng của Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 11 tháng 11 năm 1978, Đặng đã thành công trong tham vọng của mình. Sau bốn ngày họp gay gắt, bốn đồng minh thân tín của Đặng được cử vào Bộ Chính trị và phụ tá thân cận nhất của Đặng, Triệu Tử Dương được bầu làm tổng bí thư. Một số các đối thủ chính của Đặng như Hoa Quốc Phong, chủ tịch đảng, Uông Đông Hưng, trùm mật vụ và bí thư đảng ủy Bắc Kinh bị buộc phải làm kiểm điểm và mất quyền hành.

Con đường tới cuộc chiến

sino2

Nhà xuất bản Lao Động vừa cho phát hành quyển sách "Đặng Tiểu Bình - Một trí tuệ siêu Việt" (Nguồn: Internet). 

Trái với Mao và nhất là Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình không ưa Hà Nội. Trong những năm đầu của thập niên 1960 khi còn làm tham mưu trưởng quân đội, Đặng đã phản đối việc Mao và Chu lấy vũ khí trang bị cho Giải Phóng Quân Trung Quốc mang sang viện trợ cho cộng sản Việt Nam.

Với quyền hành trong tay Đặng bắt đầu tung ra những chính sách đổi mới. Đối nội Đặng đưa ra chính sách Tứ Hiện Đại hóa nhằm phục hưng kinh tế Trung Quốc bị suy sụp sau thời gian dài Cách Mạng Văn Hóa. Đối ngoại, Đặng chủ trương nghiêng về Mỹ để chống lại Liên Xô và liên minh với các nước không Cộng Sản tại Đông Nam Á để ngăn chặn Việt Nam.

Ngày 1 tháng giêng 1979, Đặng Tiểu Bình đi thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Jimmy Carter và tại đây tiết lộ cho Carter biết ý định tấn công Việt Nam. Theo một tài liệu của Trung Quốc, Đặng nói với Cartert rằng "Anh bạn nhỏ này không nghe lời, cần phải đét vào đít vài cái" - Nguyên văn chữ Hán 小朋友不听话,该打打屁股了 (Tiểu bằng hữu bất thính thoại, khắc đả đả thỉ cổ liễu) [i].

Theo những tiết lộ nội bộ, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra bốn lý do chính để mở cuộc chiến biên giới : Thứ nhất, một cuộc tấn công giới hạn vào Việt Nam ít có khả năng tạo ra một phản ứng mạnh từ phía Liên Xô. Thứ hai, một cuộc tấn công giới hạn vào Việt Nam có thể được biện minh như là một hành động phòng vệ và không tạo ra phản ứng xấu với quốc tế. Thứ ba, một hành động quân sự giới hạn như vậy không ảnh hưởng đến chính sách Tứ Hiện Đại Hóa. Và thứ tư, việc Trung Quốc tấn công vào Việt Nam rồi triệt thoái sẽ chứng minh cho Moscow và Hà Nội thấy quyết tâm của Trung Quốc và khả năng phá vỡ thế bao vây của họ với Trung Quốc. Và để bảo đảm cho Liên Xô không thể có phản ứng mạnh ủng hộ cho Việt Nam, Đặng quyết định nhượng bộ Mỹ về vấn đề Đài Loan.

Diển biến cuộc chiến

Các lực lượng tham chiến

Theo sự dựng lại của các chuyên viên tình báo Mỹ các lực lượng mà Trung Quốc động viên cho cuộc chiến này được phân phối như sau [ii] :

Phía Trung Quốc :

Các lực lượng Trung Quốc tham dự vào cuộc chiến chống Việt Nam bao gồm các đơn vị lấy từ các quân khu Côn Minh, Vũ Hán và Quảng Châu, thế nhưng được điều khiển bởi các quân khu Côn Minh cho mặt trận phía tây và Quảng Châu cho mặt trận phía đống,

Một số các đơn vị tham chiến đặc biệt là các đơn vị công binh, thiết lộ, hậu cần và phòng không trước đó đã phục vụ tại Việt Nam giúp Hà Nội trong cuộc chiến chống lại Việt Nam Cộng Hòa trong những năm trước đây. Tuy rằng Trung Quốc động viên tổng cộng 600.000 quân cho cuộc chiến, nhưng chỉ có 200.000 quân trực tiếp tham dự. Số 400.000 quân còn lại được triển khai tại biên giới phía bắc nhằm phòng ngự chống Liên Xô.

Các đơn vị Trung Quốc tham chiến được liệt kê như sau [iii] :

Mặt trận Quảng Tây do Quân Khu Quảng Châu điều khiển đặt trụ sở tại Nam Ninh, với tư lệnh Hứa Thế Hữu, chính ủy Hướng Trung Hoa bao gồm ba quân đoàn Bắc, Nam và Đông với một quân đoàn trừ bị cộng với các lực lương yểm trợ hải và không quân. Quân đoàn Bắc gồm 3 sư đoàn 121, 122 và 123 thuộc lộ quân số 41 do Trương Húc Đông chỉ huy. Quân đoàn Nam dưới sự chỉ huy của Ngô Trung (tư lệnh phó quân khu Quảng Đông) gồm ba sư đoàn 124, 125, 126 thuộc lộ quân số 42. Quân đoàn Đông dưới sự chỉ huy của Tưởng Hiệp Viễn bao gồm ba sư đoàn bộ binh 163, 164, 165 thuộc lộ quân số 55 và sư đoàn pháo binh số 1. Quân đoàn trừ bị gồm binh sĩ thuộc quân khu Vũ Hán cùng với một quân đoàn thuộc quân khu Thành Đô dưới sự chỉ huy của Hàn Huệ Chi bao gồm các lộ quân số 43 (3 sư đoàn) số 54 (3 sư đoàn) số 20 (1 sư đoàn) cộng với địa phương quân Quảng Tây. Không quân tham chiến -- chỉ phòng thủ không phận Trung Quốc không tham chiến--bao gồm sư đoàn không quân thuộc quân khu Quảng Châu cùng với sư đoàn không quân số 13 và sư đoàn phòng không số 70. Hải quân tham chiến bao gồm tiểu hạm đội số 217 thuộc hạm đội Nam Hải và sư đoàn không hải quân số 8.

Mặt trận Vân Nam do bộ tư lệnh quân khu Côn Minh chỉ huy, tư lệnh Dương Đắc Chí, chính ủy Lưu Chí Kiên, bao gồm các lộ quân số 11 (2 sư đoàn), 13 (3 sư đoàn thuộc quân khu Thành Đô), 14 (ba sư đoàn), sư đoàn bộ binh độc lập số 149, sư đoàn pháo binh số 4, cùng với địa phương quân Vân Nam. Không quân tham chiến bao gồm sư đoàn không quân số 44, một số đơn vị thuộc sư đoàn không quân số 27, các sư đoàn phòng không số 65 và 45. Hải quân tham chiến bao gồm trung đoàn tiểu đĩnh số 86.

Về phía Việt Nam :

Chính phủ Hà Nội nói rằng họ chỉ có khoảng 70,000 quân chính quy tại biên giới phía bắc cùng với các địa phương quân và du kích địa phương tuy rằng phía Trung Quốc ước tính rằng quân số Việt Nam gấp đôi con số này. Một số đơn vị Hà Nội cũng được trang bi vũ khí Mỹ để lại tại miền nam. Theo các tài liệu Việt Nam đưa ra thì khi xảy ra cuộc chiến quân số Việt Nam tại miền biên giới bao gồm[iv]

Quân Khu 1 (Quân Khu Tả Ngạn chịu trách nhiệm phòng thủ miền đông bắc) tư lệnh Đàm Quang Thanh bao gồm các lực lương :

Chính quy : Sư đoàn 3 (Sao Vàng) gồm ba trung đoàn bộ binh số 2, 12 và 141 với một trung đoàn pháo binh số 68 đóng tại Đồng Đăng, Cao Lộc và thị xã Lạng Sơn. Sư đoàn 338 gồm ba trung đoàn bộ binh số 460, 461 và 462 và trung đoàn phào binh số 208 đóng tại Lộc Bình và Đình Lập thuộc tỉnh Lạng Sơn. Sư đoàn 346 (Lam Sơn) gồm ba trung đoàn bộ binh 246, 677, 851 và trung đoàn pháo binh 188 đóng tại Trà Lĩnh, Hà Quang và Hòa An thuộc tỉnh Cao Bằng. Sư đoàn 325B bao gồm ba trung đoàn bộ binh 8,41 và 288 với trung đoàn pháo binh 189 đóng tại Tiên Yên và Bình Liễu thuộc tỉnh Quảng Ninh. Lữ đoàn bộ binh độc lập 242 đóng tại bờ biển và các hải đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Địa phương : bao gồm các lực lượng địa phương thuộc tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh cùng với công an biên phòng bao gồm 5 trung đoàn bộ binh, 19 tiểu đoàn bộ binh độc lập, 2 tiểu đoàn pháo binh, 5 tiểu đoàn pháo phòng không. Lực lương công an biên phòng bao gồm trung đoàn cơ động số 12 đóng tại Lạng Sơn, 4 tiểu đoàn tại Quảng Ninh và Cao Bằng cùng với 24 đại đội tại 24 đồn biên giới.

Quân Khu 2 (Quân Khu Hữu Ngạn phụ trách việc bảo vệ vùng hữu ngạn sông Hồng) tư lệnh Vũ Lập bao gồm các lực lượng như sau :

- Chính quy : Sư đoàn 316 (Bông Lau) bao gồm ba trung đoàn bộ binh 98, 148, 147 và trung đoàn pháo binh 187 đóng tại Bình Lũ và Phong Thổ thuộc tỉnh Lai Châu. Sư đoàn 345 bao gồm ba trung đoàn bộ binh 118.121 và 124 và trung đoàn pháo binh 190 đóng tại Bảo Thắng thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn. Sư đoàn 326 gồm ba trung đoàn bộ binh 19, 46 và 541 cùng với trung đoàn pháo binh 200 đóng tại Tuần Giao và Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Lai Châu.

Địa phương : bao gồm các lực lượng địa phương thuộc các tỉnh Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu bao gồm 6 trung đoàn bộ binh, 23 tiểu đoàn bộ binh độc lập và ba tiểu đoàn pháo binh. Công an biên phòng bao gồm trung đoàn 16 cơ động tại Hoàng Liên Sơn và 39 đồn biên giới.

Ngoài các lực lương chinh quy này còn có khoảng 50.000 dân quân du kích tại các quân khu này.

Không quân Việt Nam tham dự bao gồm các máy bay F-5, A-37, C 130 cùng với các trực thăng UH-1 và UH-7 lấy đuợc của miền Nam sau 1975 cũng như là các máy bay Mig-17 và Mig-21 có sẵn. Tuy nhiên không quân cả hai bên đều không tham chiến trực tiếp vào các trận đánh và chỉ dùng để chuyên chở và trinh sát.

Sau khi Trung Quốc tấn công, Việt Nam đã mau chóng chuyển quân từ Cambodia và Miền nam Việt Nam về bắc. Từ ngày 18 tháng 2 đến 25 tháng 2 các sư đoàn 327 (Quân khu 7) và 227 (Quân khu 4) được chuyển về tăng cường cho Quân khu 1. Từ 6 tháng 3 đến 11 tháng 3, Quân đoàn Hương Giang đóng tại Cambodia cũng được điều về. Tuy nhiên những đơn vị này được giữ làm lực lượng trừ bị để bảo vệ cho Hà Nội chứ không trực tiếp tham chiến [v].

Diễn biến chiến sự

Đầu tháng giêng 1979, Đặng Tiểu Bình sang thăm Mỹ. Sau khi xác định rằng Mỹ sẽ không làm gì nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam, Đặng đã có quyết định cuối cùng cho cuộc tấn công. Các sự kiện xảy ra tại Cambodia đã quyết định thời điểm bắt đầu cuộc chiến. Quân Việt Nam đánh chiếm Phnom Penh vào ngày 7 tháng Giêng và đến ngày 14 tháng Giêng thì đã tiến tới biên giới Cambodia với Thái Lan. Ngày 15 tháng 2, Trung Quốc tuyên bố hủy bỏ thỏa hiệp đồng minh 30 năm với Việt Nam và chính thức tuyên bố sẽ dạy cho Việt Nam một bài học. Hai ngày sau, Giải Phóng Quân Trung Quốc bắt đầu vượt qua biên giới miền bắc Việt Nam.

Thời điểm lựa chọn có lợi cho Trung Quốc. Nó xảy ra đúng vào cuối mùa khô miền bắc Việt Nam trước khi các trận mưa mùa biến vùng biên giới thành một vũng bùn lầy lội, nhưng nó cũng lại hầu như trùng với mùa tuyết tan tại Hoa Bắc mà một khi xảy ra sẽ làm các đạo quân cơ giới của Liên Xô nếu muốn tấn công vào Trung Quốc để cứu cho Việt Nam không thể hoạt động được. Nó cũng vào lúc mà hầu hết quân chính quy của Hà Nội với các sư đoàn thiện chiến nhất còn đang mắc kẹt tại Cambodia.

Cụộc tấn công bắt đầu vào lúc tờ mờ sang ngày 17 tháng 2, 1979. Trước hết 80.000 quân tiền phương của Trung Quốc với sự yểm trợ của 400 xe tăng và 1.500 cỗ đại pháo chia làm 26 mũi dùi, mở cuộc tấn công trên toàn bộ tuyến biên giới Việt Trung. Mục tiêu của họ là 5 thị xã tỉnh lỵ của năm tỉnh biên giới. Có lẽ vì khó khăn trong việc điều phối, không có một sự yểm trợ nào của không quân cả.

Chiến thuật hai bên sử dụng hầu như hoàn toàn có tính cách quy ước giống như trong Thế Chiến Thứ Nhất. Cả hai bên đều không sử dụng không quân. Quân Trung Quốc tiến theo các tuyến đường chính nhằm đánh chiếm các khu trung tâm dân cư và những cao điểm chung quanh trong lúc quân Việt Nam đánh theo kiểu du kích cơ động xâm nhập phía sau phòng tuyến địch và đột kích những toán quân ở sau.

Trong ngày đầu quân Trung Quốc tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam được 8 km dọc theo một chiến tuyến rộng lớn. Nhưng sau đó khựng lại, một phần vì sự kháng cự mạnh mẽ của quân đội Việt Nam và một phần vì chính những khó khăn về phía Trung Quốc.

Ngay từ lúc đầu, việc tấn công quá nhiều nơi một lúc đã vượt quá khả năng chỉ huy và điều phối giới hạn của Giải Phóng Quân Trung Quốc (C3 : Command, Control, Communications) [vi]. Các đơn vị tiền phương bị thiệt hại nặng vì dùng chiến thuật biển người lỗi thời cũng như vũ khí hư hỏng. Thêm vào đó, cách mạng văn hóa đã làm xáo trộn kỷ luật quân đội với nhiều cấp chỉ huy thiếu kinh nghiệm hoặc hèn nhát. Binh lính sử dụng quá nhiều quân nhu quân dụng khiến cho việc tiếp tế và bổ sung quân số phải thực hiện sớm hơn là dự định nhiều. Dụng cụ cũ và lỗi thời cũng làm trở ngại nhiều cho cuộc tiến quân. Thiếu bản đồ chính xác và cả la bàn đã dẫn đến nhiều dơn vị đi lạc đường. Thiếu radio hoặc radio quá yếu không truyền qua được những vùng đồi núi làm trở ngại liên lạc. Tình trạng tiếp liệu tệ đến nỗi nhiều đơn vị không được tiếp tế nước uống trong suốt từ 24 đến 48 tiếng đồng hồ sau khi đụng độ. Pháo binh Trung Quồc có tầm ngắn và bắn chậm hơn là pháo binh Việt Nam vốn được Liên Xô cung cấp thiết bị hiện đại hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn. Ít nhất là một phần tư số xe tăng tham chiến đầu tiên (100 xe tăng) bị hỏa tiễn Sagger điều khiển bằng dây của Liên Xô bắn hạ[vii].

Tất cả những điều này buộc phía Trung Quốc phải điều chỉnh lại kế hoạch hành quân và thay đổi chiến thuật. Hai mưới sáu mũi tiến quân được gom lại còn chín mũi hướng về Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu và Quảng Ninh.

Lạng Sơn là nơi Trung Quốc chọn làm mũi dùi chủ lực, tập trung 70.000 quân đánh vào nơi được coi như là địa điểm chiến lược mở đường xuống Hà Nội và đồng bằng sông Hồng và cũng là con dường truyền thống mà Trung Quốc dùng để xâm luợc Việt Nam. Sư đoàn "Sao Vàng" bảo vệ Lạng Sơn của Việt Nam bị đẩy dần về phía thị xã vốn đã được củng cố để đề phòng chính một chuyện như vậy. Ngày 27, quân Trung Quốc đánh chiếm được những ngọn đồi ở phía bắc nhìn xuống Lạng Sơn sau một cuộc tấn công ồ ạt bằng bộ binh có xe tăng ủng hộ và trước đó được yểm trợ bằng một đợt pháo kích khổng lồ. Vài ngày sau đó Lạng Sơn bị bao vây. Ngày 2 tháng 3 quân Trung Quốc bắt đầu tấn công vào Lạng Sơn. Sau ba ngày kịch chiến, tranh dành từng căn nhà, sư đoàn Sao Vàng hầu như bị tiêu diệt và Lạng Sơn biến thành đống gạch vụn, Trung Quốc chiếm được Lạng Sơn và tuyên bố cửa vào đồng bằng sông Hồng nay đã rộng mở. Nhưng ngay sau đó, Bắc Kinh tuyên bố Việt Nam đã bị trừng phạt đủ rồi và ra lệnh triệt thoái quân ra khỏi Việt Nam. Việc triệt thoái này kéo dài 10 ngày và kết thúc vào ngày 16 tháng 3. Trước khi triệt thoái, quân đội Trung Quốc áp dụng chính sách "thanh dã", phá hủy mọi cơ sở xây dựng, mùa màng ngay cả thực phầm dân chúng cất giữ trong nhà không để lại một thứ gì.

Chiến tranh Trung Việt tuy rằng đến đó chính thức kết thúc nhưng những cuộc đung độ ở mức thấp vẫn tiếp tục kéo dài trong suốt thập niên 1980 với hai bên pháo kích lẫn nhau và tìm cách đánh chiếm các điểm cao dọc theo biên giới. Trong giai đoạn này, Trung Quốc thực hiện một chiến dịch mà phía Việt Nam gọi là "một cuộc chiến phá hoại đa dạng" bao gồm về quân sự pháo kích vào lãnh thổ Việt Nam, cho quân đi tuần xâm lấn, đặt mìn trên biển và trong các con sông. Chiến tranh tâm lý và chiến tranh kinh tế cũng được áp dụng với những biện pháp để phá hoại sản xuất nông nghiệp.

Lượng định về cuộc chiến

Cả hai bên đều không công bố con số thương vong một cách chính thức. Phía Trung Quốc công nhận rằng có 7.000 binh sĩ tử trận và 15.000 bị thương nhưng các quan sát viên phương Tây ước tính con số tử thương cao hơn nhiều có thể đến 28.000 chết và 43.000 bị thương [viii]. Phía Việt Nam không cho biết con số binh sĩ chết và bị thương là bao nhiêu chỉ nói rằng có đến 100.000 thường dân Việt Nam bị chết [ix]. Hai bên đều không bắt giữ bao nhiêu tù binh. Phía Trung Quốc giữ 1.656 tù binh Việt Nam trong khi Việt Nam giữ 238 tù binh Trung Quốc. Các tù binh này được trao đổi vào tháng 5, 1979 [x].

Hầu hết các quan sát viên nước ngoài đều cho rằng Trung Quốc đã thất bại trong việc dạy cho Việt Nam một bài học. Họ cũng không tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ lại muốn có một cuộc chiến nữa trên bộ với Việt Nam. Gerald Segal trong "Defending China" viết :

"Cuộc chiến chống Việt Nam của Trung Quốc năm 1979 là một thất bại hoàn toàn. Trung Quốc đã không buộc được Việt Nam phải rút quân ra khỏi Cambodia ; không chấm dứt được những cuộc đụng độ tại biên giới, không làm cho người ta hoài nghi được về sức mạnh của Liên Xô, không hủy bỏ được hình ảnh của Trung Quốc như là một con cọp giấy và không kéo được Mỹ vào một liên minh chống Liên Xô" [xi].

Nhưng Bruce Ellerman thì biện luận rằng "một trong những mục tiêu ngoại giao chính đằng sau cuộc tấn công của Trung Quốc là làm cho người ta thấy rõ hứa hẹn bảo vệ quân sự cho Việt Nam của Liên Xô là lừa bịp. Nhìn dưới khía cạnh này, cuộc tấn công của Bắc Kinh là một thành công về ngoại giao vì Moscow không tích cực can thiệp, cho thấy giới hạn thực tế của liên minh quân sự Việt-Sô. Trung Quốc đã đạt được một chiến thắng chiến lược khi giảm thiểu khả năng tương lai của một cuộc chiến trên hai mặt trận chống lại Liên Xô và Việt Nam" [xii].

Ít nhất trên một khía cạnh, cuộc chiến chống Việt Nam đã giúp cho tiến trình cải cách kinh tế tại Trung Quốc. Cuộc chiến, chứng minh tình trạng suy thoái sâu đậm của quân đội Trung Quốc, đã cho phép ông Đặng Tiểu Bình loan báo nhu cầu cần phải cải tổ toàn diện Giải Phóng Quân Nhân Dân. Ông đã cho giải ngũ một loạt các tướng lãnh và cắt giảm số quân khu xuống chỉ còn 7 đại quân khu, cắt giảm quân số và giảm chi tiêu quân sự để chuyển một phần ngân sách quân sự sang cho tiến trình cải cách kinh tế. Phải mãi sau này khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng mạnh, hiện đại hóa quân đội mới được dành những ưu tiên cần thiết.

Về lâu về dài Việt Nam bị thiệt hai nhiều hơn là Trung Quốc vì cuộc chiến. Băng giá trong quan hệ Việt Nam Trung Quốc kéo dài trong suốt thập niên 1980 với các trận đụng độ nhỏ dọc theo biên giới Hoa Việt. Trong thời gian này Trung Quốc bắt đầu tổ chức những người chống đối các chế độ cộng sản thân Việt Nam tại Đông Dương, thành lập những mặt trận chống lại Hà Nội. Tại Lào, Trung Quốc bắt đầu giúp đỡ những nhóm Hmong thuộc tổ chức của Vàng Pao. Tại Cambodia, Trung Quốc liên kết được với ASEAN và nhất là với Thái Lan. Đường mòn "Đặng Tiểu Bình" trở thành mấu then chốt cho việc tiếp tế của Trung Quốc cho các nhóm Khmer Đỏ và quốc gia chống lại Việt Nam. Nhờ vào những viện trợ này, lực lượng của Pol Pot từ một đám tàn quân ô hợp dần dà trở thành một lực lượng đáng kể cầm chân nhiều sư đoàn của Hà Nội tại Cambodia.

Trong giai đoạn này, đồng minh độc nhất của Hà Nội là Liên Xô. Trong sáu năm từ 1979 đến 1985, Liên Xô viện trợ cho Hà Nội trung bình lên đến 750 triệu đô la Mỹ. Riêng trong hai năm 1979-1980 số lượng vũ khí Hà Nội nhận được từ phía Liên Xô lên đến 2 tỷ đô la. Để trả giá cho những viện trợ này, Hà Nội phải mở cửa cho Liên Xô sử dụng các căn cứ Cam Ranh và Đà Nẵng cùng phải chấp nhận một số cố vấn Liên Xô gia tăng trên toàn quốc.

Tuy nhiên khi Mikhail Gorbachev lên làm tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô, tình hình bắt đầu thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho Hà Nội. Thái độ thù nghịch của Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan với cả Liên Xô và Trung Quốc thúc đẩy hai nước này sáp lại gần nhau. Tháng 7 năm 1985. Liên Xô và Trung Quốc ký một thỏa hiệp thương mại, dự trù tăng gấp bảy lần số lượng hàng hóa trao đổi mỗi năm. Liên Xô cũng hứa hẹn sẽ giúp Trung Quốc canh tân 17 ngành công nghiệp và xây dựng 7 trung tâm công nghệ mới.

Để tạo chia rẽ giữa Hà Nội và Moscow, Đặng Tiểu Bình tuyên bố trong một cuộc họp báo với các phóng viên Tây phương rằng Trung Quốc không phản đối gì việc Liên Xô đặt căn cứ tại Cam Ranh nếu Việt Nam rút quân ra khỏi Cambodia. Về phần Liên Xô, tuy chính thức Gorbachev tuyên bố tiếp tục viện trợ kinh tế và quân sự cho Việt Nam, cũng như ủng hộ lập trường của Việt Nam về vấn đề Cambodia, nhưng những bài báo bắt đầu xuất hiện trên các tạp chí Sô Viết về những sự phung phí viện trợ của Liên Xô tại Việt Nam và đòi hỏi Hà Nội phải sử dụng hữu hiệu hơn các viện trợ này. Các viên chức Sô Viết cũng bắt đầu tỏ ra e ngại rằng cuộc chiến tại Cambodia đã giúp cho Mỹ có cơ hội trở lại Đông Nam Á và làm phức tạp hơn quan hệ của Liên Xô với vùng này. Tháng 12 năm 1985, một viên chức cao cấp tại Á châu vụ Bộ ngoại giao Liên Xô nói thẳng với Nayan Chanda, chủ bút tuần báo Far Eastern Economic Review rằng : "Việt Nam cần phải tìm cách hòa giải với Trung Quốc. Việt Nam không thể nào chịu nổi mãi mãi một nước Trung Quốc thù địch".

Năm 1989 Việt Nam phải rút quân ra khỏi Cambodia và đến năm 1991, với sự sụp đổ của Liên Xô, hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký một loạt các thỏa hiệp trong cái gọi là Hội Nghị Thành Đô mà hầu hết Việt Nam phải chịu các điều khỏan do Trung Quốc áp đặt.

Lê Mạnh Hùng



[i] 中共對侵越戰爭八股自辯 February 23, 2009.

[ii] Danh sách này do tình báo Mỹ thu lượm và tiết lộ cho các ký giả Mỹ. Khi Đặng Tiểu Bình sang thăm Hoa Kỳ thì đựoc các ký giả Mỹ hỏi về việc này và Đặng đã xác nhận là đúng. Sau đó các báo chí Trung Quốc cũng công khai hóa số các đơn vị tham chiến.

[iii]对越自卫反击作战工作总结 (Đối Việt Tự Vệ Phản Kích Tác Chiến Tổng Kết) Quân Khu Côn Minh 1987.

[v] "Chiến tranh Biên giới 1979 : Cuộc chuyển quân thần tốc", Soha.vn, Retrieved July 31, 2016.

[vi] Một hồi ký của một cựu chiến binh Trung Quốc “Những bong hoa gạo" kể lại khi đơn vị anh ta được lệnh tấn công vào một ngọn đồi do quân Việt Nam cố thủ thì pháo binh yêm trợ thay vì bắn vào vị trí của quân Việt Nam đã bắn ngay vào quân mình.

[vii] Russell D. Howard, The Chinese People’s Liberation Army : "Short Arms and Slow Legs", INSS Occasional Paper 28 : Regional Security Series, USAF Institute for National Security Studies, USAF Academy, September 1999.

[viii] Zhang Xiaoming, "China's 1979 War with Vietnam : A Reassessment", China Quarterly, Issue no. 184 (December 2005).

[ix] "35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc"vnexpress.net. Retrieved July 31, 2016.

[x] Chan, Gerald, China and international organizations : participation in non-governmental organizations since 1971 (illustrated ed.)Oxford University Press. Oxford, UK (1989).

[xi] Segal, G Defending China Oxford University Press, Oxford, UK (1985).

[xii] Ellerman, B. Modern Chinese Warfare (179501989) Routledge, London UK, (2001).

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

"Biên giới phía Bắc 1979 : 30 ngày không thể nào quên"Soha.vn, Retrieved July 31, 2016.

"Chiến tranh Biên giới 1979 : Cuộc chuyển quân thần tốc", Soha.vn, Retrieved July 31, 2016.

"Lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại biên giới phía Bắc", VnExpress, February 2, 2014.

Hán tự

许世友的最后一战 (Hứa thế Hữu đích tối hậu nhất chiến) - Chu Đức Lệ. Giang Tô Nhân Dân Phát Hành Xã 1990.

对越自卫反击作战工作总结 (Đối Việt Tự Vệ Tác Chiến Công Tác Tổng kết) Quân Khu Côn Minh - Cục Hậu Cần 1987.

中共對侵越戰爭八股自辯 (Trung Cộng đối xâm Việt Chiến Tranh bát cổ tự biện), Retrieved February 23, 2009.

Tiếng Anh

Chan, Gerald, China and international organizations : participation in non-governmental organizations since 1971 (illustrated ed.)Oxford University Press. Oxford, UK (1989).

Ellerman, B., Modern Chinese Warfare (179501989) Routledge, London UK, (2001).

Nguyen, Can Van"Sino-Vietnamese Border Issues", NGO Realm. Retrieved 6 October 2014.

<span lang="EN-US" style="font-size: 16.0pt; font-family: 'Verdana','sans-ser

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Mạnh Hùng
Read 991 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)