Ngày 8/11, tại trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã diễn ra buổi thành lập Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam.
Cần thiết ?
Sự kiện này trở thành thời điểm để nhiều người bình luận trên mạng xã hội châm biếm. Tuy nhiên, dưới góc nhìn người viết, thì đây là một điều cần thiết và mang tính nghiêm túc.
Ngày 8/11, tại trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã diễn ra buổi thành lập Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam.
Thực tế, câu chuyện nhà vệ sinh là nhu cầu cơ bản và nó cũng biểu hiện phần nào tính văn minh của xã hội. Sự ra đời của Hiệp hội này có thể bổ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà vệ sinh công cộng kém chất lượng tại nhiều tỉnh thành trên đất nước, đặc biệt là khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như cũng góp phần xóa bỏ tâm lý e ngại nhà vệ sinh ở khu vực bệnh viện, bến xe hay trường học.
Sự ra đời của Hiệp hội này cũng là cơ sở trợ giúp minh bạch hóa các dự án tiền tỷ liên quan đến nhà vệ sinh công cộng ở các tỉnh thành, cũng như kiểm soát chất thải – vốn gây tác động không nhỏ đến đời sống môi sinh người dân.
Người viết từng chứng kiến một cô bé đã kiến quyết không bước vào nhà vệ sinh xí bệt đặt cạnh Hồ Gươm, vì cô bé ấy chưa từng bao giờ chứng kiến và sử dụng cầu xí vốn là sản phẩm của thời bao cấp đó. Nói cách khác, hiệp hội ra đời sẽ là giúp đồng bộ hóa nhà vệ sinh theo hướng thân thiện với con người và môi trường hơn.
Chúng ta cần ủng hộ sự ra đời của tổ chức này, và gạt qua những ‘dị ứng’ liên quan đến câu chuyện nhà vệ sinh, ít nhất, nhu cầu này mang tính tồn tại của một con người. Nếu bản thân điều này là sự giễu cợt hay châm biếm, thì nó chẳng khác gì việc, chúng ta từ chối văn minh của con người, bởi tại Mỹ, Singapore hay Anh Quốc đều có tồn tại hiệp hội này.
Liệu ‘hữu danh vô thực’ ?
Nhưng vấn đề là, mặc dù ông Lê Văn Hiệp kỳ vọng 60% mật độ nhà vệ sinh ở các tỉnh phải được cải thiện chất lượng, miễn phí cho người dùng bằng cách vận động xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước để xây. Tuy nhiên, hiệp hội này lại đặt dưới sự lãnh đạo của khối nhà nước, cụ thể là chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên và môi trường (không giống như Hiệp hội các nước khác là phi chính phủ), do đó, hệ thống nhân sự và cơ sở có thể sẽ nhận được nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo Điều 10, Điều 16 Nghị định 163/2016/NĐ-CP.
Thứ hai, mặc dù mang ý chí và mục đích tốt đẹp, nhưng vì nằm trong sự ‘lãnh đạo của đảng và nhà nước’, nên Hiệp hội này có khả năng sẽ rơi vào tình trạng ‘hữu danh vô thực’, như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Hội bảo vệ quyền trẻ em,… trong khi nguồn kinh phí cấp hằng năm cho các hội kiểu này không phải là ít.
Fanpage Chất lượng sống thâu tóm toàn bộ sự hữu danh vô thực của hội đoàn được bảo trợ bởi nhà nước : Bởi nhìn từ thực tế nước ta, cả nghìn hội đoàn tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng ngân sách nhưng hoạt động không hiệu quả. Thậm chí, một số Hiệp hội còn có nhiều hành động đi ngược lại mục tiêu : Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng thì đi hãm hại người tiêu dùng mà vụ nước mắm bẩn là ví dụ điển hình ; Hiệp hội Chống hàng giả thì tôn vinh doanh nghiệp và thuốc ung thư giả Vinaca ; Hội phụ nữ thì im lặng khi trẻ em xâm hại ; Công đoàn thì lặng thinh trước bữa ăn ngày một đói kém của công nhân...
Ra đời nhằm mục đích ?
Tất nhiên, sự ra đời của Hiệp hội nhà vệ sinh là cải thiện vấn đề nhà vệ sinh trên cả nước, thế nhưng mục đích của sự ra đời này là nhằm tái khẳng định sự tự do lập hội của nhà nước Việt Nam. Thực tế cho thấy, nhà nước Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện cho ra đời rất nhiều hội đoàn (tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo nhiệm vụ Nhà nước giao) để làm phong phú cho cam kết nhân quyền cũng như hiện thực hóa Điều 25, nhưng các hội đoàn này buộc phải nằm dưới một cơ quan nhà nước (ví dụ : Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nằm trong Cục cạnh tranh thuộc Bộ Công thương)... Các hiệp hội này không được chạm đến các vấn đề mà nhà nước Việt Nam đã độc quyền cho 6 tổ chức chính trị - xã hội như Hội sinh viên, Hội nhà báo, Hội phụ nữ…
Sự kiện ra đời Hiệp hội nhà vệ sinh cũng khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng, nhà nước Việt Nam đang cởi mở lại xã hội dân sự. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế rõ ràng rằng, nếu có điều đó xảy ra thì đó chỉ thể hiện tính hình thức của của xã hội dân sự, bởi mặc nhiên, mọi tổ chức được ra đời bởi bảo trợ nhà nước, dùng nguồn kinh phí nhà nước, hoạt động theo định hướng nhà nước sẽ không tạo ra quá nhiều tác động tích cực cho xã hội, mà ngược lại còn tạo thêm gánh nặng của nền tài chính nước nhà. Và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp ấy mặc nhiên là một yếu tố hỗ trợ cho các báo cáo chính trị - dân sự Việt Nam ra thế giới được đẹp đẽ hơn.
Sự ra đời của Hiệp hội nhà vệ sinh cũng cho thấy rằng, nhà nước Việt Nam chưa có một thực tâm hiện thực hóa những điều khoản đã ký kết về dân sự - chính trị, bởi những tổ chức liên quan mật thiết đến đời sống người dân như quyền tự do báo chí, tự do lập hội, tự do xuất bản đến nay vẫn bị nhà nước đặt trong vùng kỳ thị và đấu tố (nếu cần). Hiện tượng một hiệp hội giải quyết vấn đề bài tiết ra đời tại một nước mà nhu cầu nhân quyền chưa được đáp ứng đã trở thành một tấn bi hài kịch trong lịch sử xã hội dân sự Việt Nam ở một khía cạnh nào đó.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 11/11/2018