Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/11/2018

Học ngã để ăn vạ dân

Nguyễn Tường Thụy

Một đoạn video đang lan truyền trên mạng xã hội mà tâm điểm của nó là chi tiết một cảnh sát giao thông bất ngờ bị té ngửa khi đang xử lý một vụ va chạm giao thông. Sau cú ngã, lập tức người thanh niên mặc áo ca rô đứng gần đấy đang cãi cọ với cảnh sát bị bẻ tay đưa đi.

Chính vì chi tiết kỳ lạ và khôi hài này nên đoạn video đã nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi với rất nhiều bình luận phân tích và giễu cợt.

Những thông tin xung quanh cú ngã này cho thấy thời gian xảy ra vụ việc vào buổi tối 7/11/2018, địa điểm trước số nhà 324 đường Diên Hồng phường Ngô Mây, Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, còn xử lý vụ việc là nhóm cảnh sát giao thông của Công an Thành phố Quy Nhơn. Người ngã là Thiếu úy Đinh Công Hoàng Linh, người bị khống chế sau cú ngã là anh Phạm Thanh Qua.

Về chuyện ngã thật hay ngã giả, Phạm Thanh Qua có phải là thủ phạm đẩy Linh ngã không thì phía công an nói cũng bất nhất.

hoc1

Thượng tá Huỳnh Dư Phi Long - trưởng Công an Thành phố Quy Nhơn cho biết thiếu úy Linh do lùi lại rồi trượt chân ngã chứ Qua không đánh Linh.

Thế nhưng thông báo của công an Thành phố Quy Nhơn lại nêu Linh đã bị (Qua) húc cùi chỏ rồi ngã ngửa ra phía sau.

Thiếu úy Linh thì khẳng định, mình bị húc cùi chỏ cộng thêm đường trơn nên ngã.

Còn Phạm Thanh Qua thông qua facebook, livestream bác bỏ tất cả những gì công an đổ lỗi cho anh.

Câu hỏi đặt ra, tại sao, phía công an Qui Nhơn, lúc thì bảo Qua không đánh, lúc thì bảo anh húc cùi chỏ vào Linh ? Tại sao thông báo của công an Thành phố Qui Nhơn lại khác với trưởng công an thành phố ? Lẽ ra cần thống nhất trước để tránh mâu thuẫn thì mỗi người nói lại một phách, lộ ra sự lúng túng trước một sự việc cố ý che đậy.

Mạng xã hội thì đơn giản hơn, chỉ cần xem video là hiểu, khỏi giải thích dài dòng. Các ý kiến đều khẳng định thiếu úy Linh tự ngã để ăn vạ, tạo cớ ghép Qua vào tội chống người thi hành công vụ.

Tôi đã xem lại đoạn video nhiều lần và thấy, khi thiếu úy Linh ngã lăn ra đường thì tay trái anh Qua đang để sâu và đặt lên đầu xe máy, không hề có chi tiết hình ảnh nào chứng tỏ tay anh ở tư thế húc cùi chỏ vào Linh.

Vụ này với công an Qui Nhơn là khá ê chề. Cùng lúc, cư dân mạng đưa lên một số video mà nội dung có những cú ngã khó hiểu khác của công an, tạo nên một không khí vui đáo để.

Nhưng sự việc chưa dừng ở đấy. Lẽ ra chờ dư luận nói mãi rồi cũng chìm xuống thì công an Qui Nhơn lại đòi tìm người phát tán clip lên mạng để xử lý. Có lẽ họ cay về vụ này quá nên nghĩ đến chuyện trả thù.

hoc2

Thiếu tá công an nằm sõng xoài dưới đường trong khi hai cảnh sát khác khống chế chủ phương tiện. (Ảnh cắt từ clip. Dân Trí)

Thượng tá Huỳnh Dư Phi Long khẳng định cơ quan chức năng đang tìm người đầu tiên đưa video lên mạng xã hội để xử lý và cho rằng việc tung video lên mạng có chủ ý không tốt, gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công an. Nhưng cơ sở nào để công an Qui Nhơn có quyền tìm và xử lý người đưa video lên mạng ? Đưa một video phản ảnh một sự việc, không lắp ghép dàn dựng thì phạm tội gì ? Phải chăng, hình ảnh cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ là bí mật quốc gia ? Nói là đưa lên để bôi nhọ công an cũng không có căn cứ. Hình ảnh công an xấu hay đẹp, tự đoạn video nó nói lên, còn người đưa clip muốn hình ảnh công an xấu hay đẹp cũng chẳng được. Thiết nghĩ công an Qui Nhơn đừng để cái sai này đẻ ra cái sai khác.

Đây không phải là lần đầu, công an ngã gây bàn tán mà trước đó, báo chí đã từng thông tin về những vụ tương tự. Chẳng hạn cú ngã của thiếu tá Đặng Quốc Phong, Trưởng Công an phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội. Trong một lần đang xử lý vi phạm giao thông bất ngờ Thiếu tá công an ngã ngửa xuống đường kêu "ối ! ối !". Lập tức tiếng hô "bắt, bắt" vang lên và chủ phương tiện bị hai cảnh sát lao đến khống chế.

*

Tôi cũng từng nhiều lần có va chạm với công an trong những lúc họ cản trở và bắt tôi khi đi biểu tình hoặc cản trở không cho tôi đi công việc nào đó. Trong những lần như vậy, tôi thường thấy công an có những việc làm chuẩn bị ăn vạ như : ông đẩy tôi à ? Ông đánh tôi đấy nhé ! Tuy nhiên chúng không dám đẩy sự việc thêm lên do phản ứng của tôi và phía chúng cũng thấy khó ăn vạ trong tình huống ấy. Vì vậy, chuyện cậu cảnh sát giao thông Qui Nhơn tự nhiên lăn đùng ra một cách vô lý cũng không có gì lạ.

Sự việc bắt đầu từ vụ va chạm giao thông bình thường như nhiều vu va chạm khác. Nhưng với vụ này, nó ầm ỹ lên theo hướng rất bất lợi cho công an Qui Nhơn vì cú ngã gây tai tiếng của thiếu úy Linh mà không có giải thích nào làm yên được dư luận.

Phải nói cú ngã rất "đẹp", rất thuần thục, bài bản. Hẳn là khi được đào tạo, các chiến sĩ công an cũng được dạy về cách ngã và tập luyện nhiều lần lắm.

Thời kỳ chiến tranh, khi huấn luyện bộ đội, chúng tôi cũng được học những cách ngã khi tập võ. Tôi cũng từng huấn luyện cho tân binh về các tư thế ngã. Ngã nghiêng, ngã sấp hay ngã ngửa là do tình huống tấn công cụ thể của đối phương nhưng ngã như thế nào cho đỡ đau. Tuy nhiên, bộ đội chúng tôi học ngã để hạn chế thiệt hại khi bị đối phương tấn công chứ không học ngã để ăn vạ dân.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : 10/11/2018 (nguyentuongthuy's blog)

Quay lại trang chủ
Read 643 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)