Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/11/2018

CPTPP và những khó khăn xây dựng Công đoàn độc lập ở Việt Nam

VNTB

CPTPP quy định người lao động được thành lập công đoàn độc lập như thế nào ?

Thường Sơn, VNTB, 15/11/2018

CTTPP sẽ cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng và có thể có đình công "phản đối chính sách kinh tế - xã hội".

congdoan1

Vào năm 2015, gần 100.000 công nhân Pouyuen đã biểu tình phản đối điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 không cho người lao đông được nhận trợ cấp một lần. Đây chính là dạng 'đình công phản đối chính sách kinh tế - xã hội' mà CPTPP đã chính thức quy định được phép diễn ra ở các nước tham gia hiệp định này, trong đó có Việt Nam.

Vào cuối năm 2018, để được tham gia vào CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng và chế độ độc trị của ông ta đã phải nhượng bộ chấp nhận điều kiện về cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…

Dưới đây là những nội dung cơ bản liên quan đến công đoàn trong Hiệp định CTTPP :

- Cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức của Người lao động/Công đoàn ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Để hoạt động, tổ chức này hoặc gia nhập vào Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký hoạt động độc lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (do Chính phủ quy định) tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.

- Các tổ chức công đoàn - Người lao động này được quyền không kém hơn so với Công đoàn cơ sở ; thuộc hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Tổ chức này có thể yêu cầu và nhận sự trợ giúp kỹ thuật và đào tạo từ các tổ chức hoạt động về lao động đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

- Lộ trình : Chậm nhất từ 5 đến 7 năm ; kể từ khi CTTPP có hiệu lực ; các tổ chức Người lao động - Công đoàn có thể gia nhập/ hoặc thành lập tổ chức của Người lao động ở cấp cao hơn như : cấp ngành, cấp vùng lãnh thổ theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định.

Ngoài ra còn có những nội dung mới liên quan đến vấn đề lao động ở Việt Nam :

a. Đình công : Hiện tại Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép đình công trong các doanh nghiệp ; đình công chỉ được thực hiện với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích ;

- Trong khi đó CTTPP sẽ cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng và có thể có đình công "phản đối chính sách kinh tế - xã hội".

b. Lao động cưỡng bức : Pháp luật Lao động Việt Nam : Khoản 10, Điều 3 Bộ Luật lao động ; định nghĩa Lao động cưỡng bức phù hợp C.29 ; Cưỡng bức lao động đã bị cấm hoàn toàn (Khoản 3 Điều 8- Bộ Luật Lao động 2012).

- Trong khi đó CTTPP : Bổ sung "lao động gán nợ" là 1 hình thức của Lao động cưỡng bức : "việc Người lao động vay hoặc ứng trước tiền lương từ người sử dụng lao động, bù lại Người lao động cam kết trả bằng sức lao động của mình. Đồng thời CTTPP cũng khép tội hình sự đối với hành vi khai thác trái phép Lao động cưỡng bức.

c. Công việc không sử dụng lao động nữ (Điều 160 - Bộ Luật Lao động 2012) ; Pháp luật lao động Việt Nam : Tiếp nối thực tiễn bộ Luật lao động cũ, Bộ luật lao động mới (2012) sửa đổi cũng cấm sử dụng lao động nữ trong một số công việc.

- Trong khi đó CTTPP : xóa bỏ quy định cấm sử dụng lao động nữ trong hầm mỏ và dưới nước theo đề xuất của Ủy ban chuyên gia của ILO (theo CƯ số 45).

***

Trong rất nhiều năm trời, chính quyền Việt Nam đã chỉ trích Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ trước, gán ghép Công đoàn độc lập ở Việt Nam với Công đoàn Đoàn kết và coi đó là "một thủ đoạn nguy hiểm của Diễn biến hòa bình", đồng thời cấm tiệt tất cả các cuộc đình công chính đáng và phù hợp hiến pháp của công nhân Việt Nam.

Trong khi đó, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam - tổ chức được xem là ‘cánh tay nối dài của đảng’ - đã chỉ hiện hình như một cơ chế trung gian ‘ăn’ 3% (gồm 2% thu nhập của doanh nghiệp và 1% thu nhập của người lao động) và quá vô tích sự, nếu không nói là đã ‘phản động’ đến mức đi ngược lại quyền lợi của hàng chục triệu công nhân.

Ngay giờ đây, ở Việt Nam đã có mặt hai tổ chức về Công đoàn độc lập : Phong trào Lao động Việt và Liên đoàn Lao động Việt tự do. Theo quy định của CPTPP, Việt Nam sẽ phải chấp nhận cho phép tổ chức cộng đoàn độc lập của người lao động liên kết với nhau theo ngành hoặc theo vùng, trong một khu vực hay cả nước để thành lập tổ chức của ngành hoặc vùng.

Vai trò và số phận phải tiêu vong của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam cũng bởi thế hầu như là một tương lai không còn hoài nghi, cho dù trong thời gian tới tổ chức này có tính kế ‘ve sầu thoát xác’ nhằm vớt vát một chút niềm tin của công nhân để kéo dài chút này hay chút ấy tuổi thọ tàn tạ của nó.

Khác hẳn với dĩ vãng, giờ đây trình độ và nhận thực của giai tầng công nhân Việt Nam đã vượt cao hẳn so với nhiều năm trước, công nhân không còn dễ bị Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và giới tuyên giáo đảng mị dân phỉnh dụ. Đó chính là những cơ sở then chốt để có thể đặt niềm tin vào giai cấp công nhân Việt Nam - những con người đã được nâng cao hơn hẳn mặt bằng dân trí và nhận thức chính trị lẫn nhân quyền, những người sẽ biết cách tự tạo ra cho mình mô hình nghiệp đoàn độc lập để đấu tranh với giới chủ và với cả những chính sách bất công của chính quyền.

Vào năm 2015, gần 100.000 công nhân Pouyuen đã biểu tình phản đối điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 không cho người lao đông được nhận trợ cấp một lần. Đây chính là dạng 'đình công phản đối chính sách kinh tế - xã hội' mà CPTPP đã chính thức quy định được phép diễn ra ở các nước tham gia hiệp định này, trong đó có Việt Nam.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 15/11/2018

**********************

Chính quyền Việt Nam bắt đầu hé lộ về ‘tổ chức khác’ của người lao động

Minh Quân, 15/11/2018

Sau khi Quốc hội ‘100% gật’ để Việt Nam chính thức tham gia vào CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), giới tuyên giáo và báo đảng đã lần đầu tiên kể từ năm 2010 - thời điểm bắt đầu đàm phán về Hiệp định TPP tức tiền thân của Hiệp định CPTPP - hé lộ về sự xuống thang của chính thể độc đảng ở Việt Nam trước quy định bắt buộc của CPTPP về tổ chức công đoàn độc lập phải được tự do hình thành ở đất nước này.

congdoan2

Tọa đàm trao đổi về các cam kết lao động trong Hiệp định CPTPP ngày 13/11/2018

Tại Tọa đàm báo chí về cam kết lao động trong CPTPP do Bộ Lao động, thương binh và xã hội tổ chức ngày 13/11/2018, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Mạnh Cường cho biếtcam kết lao động của Việt Nam trong CPTPP nằm ở Chương Lao động và Thư trao đổi. Trong đó, cam kết chung về lao động của CPTPP được giữ nguyên trong Chương Lao động của TPP ; cam kết riêng về lao động của Việt Nam trong CPTPP là thư trao đổi giữa Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng 10 nước CPTPP.

Các cam kết chung được quy định tại Chương Lao động trong CPTPP bao gồm : các bên sẽ thông qua và duy trì trong các đạo luật và quy định cũng như trong thực tiễn những quyền lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO : tự do liên kết và thương lượng tập thể ; xóa bỏ lao động cưỡng bức ; xóa bỏ lao động trẻ em ; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động (mức thông qua và duy trì là mức độ cam kết cao nhất trong các FTA trên thế giới) ; quy định trong luật pháp và thực hiện trong thực tiễn những điều kiện làm việc ở mức chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, theo cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam có thời gian 3-5 năm để đáp ứng các điều kiện về lao động theo cam kết. Chương về lao động trong CPTPP là cam kết cao nhất trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có trên thế giới. Theo đó, nếu Việt Nam có vi phạm các cam kết chung liên quan tới lao động, các nước không áp dụng các biện pháp cắt giảm ưu đãi thương mại trong thời hạn 3 năm từ ngày hiệp định có hiệu lực. Nếu Việt Nam có vi phạm với quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể, các nước không áp dụng biện pháp đình chỉ ưu đãi thương mại trong thời gian 5 năm đầu. Trong thời gian năm thứ 5 đến năm thứ 7 CPTPP có hiệu lực, các bên sẽ rà soát về các vi phạm của Việt Nam (nếu có) về quyền tự do hiệp hội.

"Các nước đồng ý cho Việt Nam có 3 - 5 năm để thực hiện cam kết liên quan tới lao động vì đây là điều khoản khó và mới với Việt Nam. Đặc biệt liên quan tới tổ chức đại diện người lao động, nên cần thời gian nghiên cứu và xây dựng pháp luật, tổ chức bộ máy, tuyên truyền nâng cao nhận thức để thực thi", ông Nguyễn Mạnh Cường tiết lộ…

Trên thực tế, lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng và chế độ độc trị của ông ta đã phải nhượng bộ chấp nhận điều kiện về cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…

Tuy nhiên cho đến nay, chính quyền Việt Nam mới chỉ hé lộ về ‘tổ chức khác’ của người lao động mà chưa hề gọi thẳng tên của nó là Công đoàn độc lập.

Tình hình hiện thời - năm 2018 - đã khác khá nhiều với năm 2015 và những năm trước đó. Về minh bạch hóa thông tin - một quy định của CPTPP chứ không còn tùy thuộc vào ‘thành ý’ có muốn công bố hay không của Việt Nam.

Vào năm 2015, cho đến sáu tháng sau khi đoàn đàm phán Việt Nam "hoàn tất đàm phán song phương và đa phương về TPP với các nước" vào tháng Chín năm đó, chính quyền Việt Nam vẫn hầu như ém nhẹm trên mặt truyền thông về định chế công đoàn độc lập - một trong những điều kiện tiên quyết để được gia nhập TPP mà Bộ Chính Trị đảng đã phải chấp nhận vô điều kiện.

Hé lộ hầu như duy nhất chỉ đến từ ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc hội Việt Nam. Sau Tết Nguyên Đán 2016, ông Kiên cho biết "người lao động được quyền lập hội và họ được tự do tham gia một tổ chức hội nào đó mà họ muốn và chính quyền phải chấp nhận" trên báo chí nhà nước.

Cũng phải mất đến sáu tháng sau khi kết thúc đàm phán TPP, phía Việt Nam mới chịu công bố bản văn tiếng Việt, trong đó có nội dung công đoàn độc lập.

Vào năm 2015, việc cố tình không công bố thông tin về công đoàn độc lập không chỉ là một thủ thuật xấu chơi của giới lãnh đạo Việt Nam, mà hành vi này còn vi phạm chính cam kết về việc phải công khai toàn bộ thông tin mà đoàn đàm phán TPP của Việt Nam đã hứa hẹn và ký.

Minh Quân

Nguồn : RFA, 15/11/2018

*****************

Nghiệp đoàn xích lô Sài Gòn : những người bên lề cuộc sống

Trúc Giang, VNTB, 14/11/2018

Góc đường Võ Văn Kiệt và Yersin có trụ sở của nghiệp đoàn xích lô quận 1. Nghiệp đoàn thành lập vào năm 1990, có chủ quản là Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên điều đó chỉ có ý nghĩa về mặt thủ tục hành chánh.

congdoan3

Câu lạc bộ Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ tổ chức đã đưa các thành viên của Câu lạc bộ tìm về Sài Gòn - Gia Định bằng phương tiện xe xích lô, tháng 4/2018. Ảnh : Trúc Giang

Nội quy trong nghiệp đoàn rất chặt chẽ, gần như chỉ di chuyển khi có hợp đồng, tuân thủ theo cung tuyến đường đã được cấp phép… Một giờ lăn bánh, tiền công là 50 ngàn đồng, nộp 10 ngàn đồng vào quỹ để trang trải chi phí đồng phục, giặt giũ, hiếu hỉ… Vào mùa đắt khách, một ngày mỗi người kiếm được 300 – 400 ngàn đồng, mùa ế khách cũng được 150 ngàn. Nếu không bị ám ảnh chuyện phạt - thu, cuộc sống của đoàn viên nghiệp đoàn cũng đắp đổi qua ngày.

Vào nghiệp đoàn, mọi người buộc phải chấp hành tốt mọi quy định vì quyền lợi cũng đi liền với nghĩa vụ, không còn tình trạng chặt chém du khách. Anh em cũng góp tiền lại làm đồng phục, sơn màu xe riêng tạo tính đồng bộ và dễ quản lý trong tổ. Có lần sau khi chở khách xong, một người phát hiện khách để quên một chiếc điện thoại iPhone trị giá đến cả chục triệu đồng, thế nhưng họ vẫn liên hệ công ty du lịch, tìm tới tận khách sạn và giao trả cho người mất.

Một câu chuyện cười ra nước mắt mà những người đạp xích lô tour thường xuyên gặp phải, đó là có khách nhưng lại… không dám chạy. "Có hôm, nghiệp đoàn chúng tôi đưa 10 chiếc xe láng coóng chở đoàn khách nước ngoài tới sát Dinh Độc Lập thì đội trật tự ập tới. Chúng tôi cuống cuồng chở luôn khách chạy thoát thân. 5 chiếc bị bắt, xe bị tịch thu. Khách nước ngoài họ cũng bị mời xuống đường, đi đâu mặc kệ" – người đàn ông già đạp xe xích lô cười buồn. "Trước đây chúng tôi đi xe không khách mới bị bắt, giờ đang chở khách cũng bị bắt luôn, chẳng thấy có ông công đoàn nào can thiệp giúp đỡ".

Ông kể rằng mình nào dám oán trách chi ai vì đó là luật hè phố từ 8 năm trước, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành lệnh cấm xích lô trong nội thành rồi, cứ lăn bánh xuống đường là coi như đã vi phạm, không xin xỏ gì được. Do đó tiếng là nghiệp đoàn trực thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng những chức sắc của Liên đoàn này chưa bao giờ lên tiếng bênh vực anh em trong nghiệp đoàn xích lô. Đây cũng chính là điểm yếu kém mà một số bác tài xích lô tin rằng nếu họ thật sự có một nghiệp đoàn của chính họ, được góp tiếng nói vào những lần họp Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thì rất có thể chính quyền sẽ chịu khó lắng nghe mà xem xét lại. 

"Nghe đâu ở Thái Lan, Singapore, Mã Lai vẫn cho phép xích lô đạp phục vụ khách du lịch. Bên công đoàn nhà mình có công ty du lịch lữ hành quốc tế, sao mấy ổng không góp ý với chính quyền vụ này ?". Ông già đạp xích lô thắc mắc.

Nhiều công ty du lịch lữ hành nói rằng nếu mai này cho phép thành lập những công đoàn độc lập, trước tiên họ sẽ cùng ngồi lại với nhau cho ra đời nghiệp đoàn xích lô du lịch. Họ sẽ chính thức góp tiếng nói với công quyền cho đòi hỏi quyền lợi của những đoàn viên xích lô, vì đây là một loại hình dịch vụ vận tải phục vụ khách du lịch thưởng ngoạn Sài Gòn.

Xích lô có thể nâng hạ, người ta dễ dàng bước lên xe. Xích lô đạp không gây ô nhiễm, không tạo tiếng ồn, không mùi xăng dầu. Mùa mưa, mùa nắng đi xích lô đều rất tiện. "Tất cả các công ty đại gia về du lịch đều là khách hàng của chúng tôi. Họ đặt chúng tôi chở khách hàng ngày, nhưng chúng tôi không dám chạy. Chỉ những hợp đồng nhỏ, vài ba chiếc, đi vào buổi tối, chúng tôi mới dám nhận. Ai đời, cuộc sống khó khăn, có khách mà không dám chạy !". Đại diện nghiệp đoàn xích lô quận 1, chua chát nói.

Du khách cần, giới lữ hành cần, người nước ngoài coi nó như đặc sản Sài Gòn. Chỉ nhiêu đó thôi là đủ để những nghiệp đoàn xích lô sống được. Vấn đề là nỗi lòng của họ sẽ cất lên ở đâu, ở nơi nào khi mà Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tiếng là đơn vị chủ quản, song lại chưa bao giờ đứng ra bảo vệ chén cơm manh áo cho những người nghèo cần lao bên chiếc xích lô.

Công đoàn độc lập không phải là chuyện của từ ngữ đao to, búa lớn, mà nhiều khi đó chỉ là lo lắng một cách tử tế cho nồi cơm, manh áo của người lao động nghèo khó sống bằng nghề đạp xích lô.

Trúc Giang

Nguồn : RFA, 14/11/2018

Quay lại trang chủ
Read 645 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)