Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/11/2018

Thủ Thiêm và cách mạng : 'bây giờ nghĩ lại đã đời mi chưa ?'

Ánh Liên

Cô Nguyễn Thùy Dương được mời lên công an phường Bình Trưng Đông với nội dung đăng ký tạm trú nhà trọ. Và khi cô tới, thì cô được mời vào phòng làm việc, nơi có sẵn một 'chị và một anh an ninh quận 2', mà theo công an phường là... vô tình, vô tình đến mức đã có sẵn biên bản làm việc.

thuthiem1

Cô Nguyễn Thùy Dương tại hội trường trước khi ném giày và bị đẩy ra ngoài. Hình : Facebook Hữu Khoa

Buổi làm việc theo cô Dương chia sẻ lại là phía cơ quan công an yêu cầu cô Dương phải gỡ bài đăng về một viên an ninh đã 'matxa' cô vào tháng Mười, và bài tường thuật về một viên an ninh quận 2 'đạp bà con dân oan Thủ Thiêm'.

Bà của cô Dương, người từng nuôi giấu cách mạng, dòng họ 20 người chia sẻ với cô Dương : khó gạt tao lắm. Và cô Dương giải thích rằng, cảm nhận của bà ngoại cho thấy, cô Dương bị gài. 

Tình trạng 'gài' như thế trên cũng được áp dụng cho các trường hợp liên quan đến bà con dân oan khi được mời lên công an phường Bình Trưng Đông.

Phía công an cũng đe dọa an ninh cô Dương theo một phong cách rất hài hước, nếu tham gia hội nhóm phản động thì khi xảy ra sự kiện tổn hại gì, nhân dân sẽ không bảo vệ cho cô.

Một gia đình tham gia cách mạng từ thế kỷ 19, nhưng đến giờ, được phía công an đưa vào diện 'tình nghi' (phản động ?), thì theo cô Dương là điều sỉ nhục cho giới công an, và bản thân các anh an ninh phải đặt câu hỏi là : ăn ở làm sao mà cho người ta vào diện tình nghi, trong đó có thể là phía an ninh đánh mất niềm tin của người ta (người nhà cô Dương). 

'Quy chụp 1 người sinh ra trong gia đình hoạt động cách mạng từ cách mạng từ thế kỷ đến giờ, đến mức suýt dòng họ tuyệt tự tuyệt tôn, và giờ lại bị liệt vào diện tình nghi', cô Dương khẳng định trong livestreams của mình, đồng thời cũng nhấn mạnh, đa phần an ninh quận 2 đều tham gia đập nhà của bà con Thủ Thiêm.

Từ 'nghiệp vụ hồng' cho đến 'đánh mất niềm tin nhân dân'

Câu chuyện ứng xử của công an phường Bình Trưng Đông nói chung và cơ quan an ninh quận 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) đối với cô Dương và những bà con Thủ Thiêm trong thời gian qua được thâu tóm bằng 2 chữ : nghiệp vụ.

An ninh, được đào tạo từ học viện an ninh nhân dân, nơi sạch về lý lịch và được đảm bảo mọi lời quyền nếu như một an ninh viên thực hiện đúng nguyên tắc 'tuân lệnh và không thắc mắc'. Cái mà phía mỗi an ninh viên tự hào học được trong ngôi trường đào tạo không gì khác hơn là 'nghiệp vụ', bao gồm : trinh sát, theo dõi điện tử, làm việc với đối tượng và lách luật tố tụng hình sự nếu... có thể. Nếu là một vụ án chính trị, cơ quan an ninh cũng áp dụng đúng như thế, và nếu là xử lý một điểm nóng đất đai theo quan điểm chính quyền, những viên an ninh cũng áp dụng đúng như vậy.

Tất nhiên, trong quá trình làm việc, bao gồm cả mớm cung, bức cung, và nhục hình.

'Nghiệp vụ là tất cả', bởi nếu không khiến đối tượng phải 'cúi đầu nhận tội bằng mọi giá', thì viên an ninh sẽ bị ảnh hưởng thi đua, ảnh hưởng đến một tập thể an ninh đằng sau, cũng như quá trình thăng tiến trong công việc. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh được lên chức tướng và phong làm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hay trở thành một chủ đề được khai thác trong các buổi giảng dạy tại học viện an ninh, cảnh sát,... cũng đến từ 'nghiệp vụ' của ông ta trong quá trình truy bắt tội phạm.

'Nghiệp vụ' ngành công an hay an ninh nói riêng, trở thành một bậc thang để lên chức tước. Nhưng nó cũng chứa đựng sự phi nhân tính và có lúc tính hình thức của luật lệ được bỏ qua để nhằm đạt được nội dung làm việc. Đội ngũ an ninh viên dần trở thành công cụ theo đúng nghĩa : làm theo cái được học và không suy nghĩ quá nhiều nhân tâm.

Nhưng 'nghiệp vụ' có thể trở nên hiệu quả trong thời kỳ bưng bít thông tin, khi mạng xã hội hiện diện rộng rãi trong xã hội Việt Nam, những 'biện pháp nghiệp vụ' mà công an tự hào học trong nhà trường lại trở thành một trong những yếu tố làm thoái hóa đạo đức con người và dốc sức làm suy giảm làm tin nhân dân. Một trong những sai lầm cơ bản nhất là sử dụng lực lượng này một cách đại trà, kể cả xử lý vấn đề đất đai, kể cả xử lý các vấn đề liên quan đến nhân quyền, và gốc rễ là vì tính chất mơ hồ 'an ninh quốc gia' bị áp đặt và quy chụp một cách tùy tiện.

'Nghi kỵ' cả gia đình cách mạng

Sự suy giảm niềm tin trong nhân dân, chính là đến từ việc áp dụng 'nghiệp vụ' vô tội vạ và dẫn giải 'an ninh quốc gia đầy mơ hồ và dễ dãi. Nhưng trên hết, bản thân ngành công an vô tình trở thành một công cụ trấn áp của các lợi ích nhóm trong chính quyền, nếu người đứng đầu là Bí thư đảng ủy.

Chính vì vậy, gia đình cô Dương, gia đình nuôi giấu và tham gia cách mạng ; hay hàng vạn số phận của người dân Thủ Thiêm - những gia đình mà đã từng 'cưu mang, nuôi giấu nhiều cán bộ lãnh đạo của Thành phố hiện nay', nói cách khác, địa vị của những cán bộ thành phố hiện nay đến từ chính công lao của những người dân Thủ Thiêm. Có lẽ chính vì lý do như vậy, nên mới có câu chuyện, xây dựng Thủ Thiêm như một điểm nhấn của truyền thống lịch sử- Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng cái đạo lý 'trả ân' đã bị xé toạt bởi 'nghiệp vụ công an', và 'cách mạng' cũng bị cướp, mà 'có công với cách mạng' cũng bị cướp. Những viên an ninh, hay công an nói chung là lực lượng vũ trang nòng cốt trong tham gia cưỡng chế đất đai tại Việt Nam, kể cả cưỡng chế đó là sai pháp luật như tại Thủ Thiêm.

Và gia đình cô Dương không phải là gia đình đầu tiên, cuối cùng dính vào hoàn cảnh trớ trêu này. 

Một bài hát mang tên 'Khóc Mẹ dân oan' của tác giả Mặc Thiên dường như đã lột trần được cái trớ trêu của tính 'dân chủ, nhân văn xã hội chủ nghĩa này chỉ với câu :

Ngại gì sương gió nuôi con qua khổ nạn

Nay con sang giàu mẹ sống cảnh lầm than

Vườn ruộng đất nhà tranh con hoán đổi

Mẹ sống sao đây khi đổi mười lấy một.

Còn Facebooker Huong Duong Thu, một độc giả của Việt Nam Thời Báo trong phản hồi báo viết Thủ Thiêm đã diễn đạt bằng bài thơ, trong đó câu chốt là 'Dân không ngu mãi để ông lừa hoài !'.

Dân không ngu để giờ tin những gì mà 'người cộng sản hiện đại' nói, bởi họ đã bị trả giá quá nhiều vì 'bánh vẽ' lẫn những lời 'hứa hẹn thiên đường'. Và càng ngày, họ càng ngộ ra rằng, họ đã đánh, cướp chính quyền để tạo lập nên một chính quyền càng trời ơi hơn nữa. 

Và liệu trong một lúc nào đó, bà con dân oan có vô tình cảm thấu được nỗi đau một thời của cố nhà thơ Trần Vàng Sao :

'Mi theo cách mạng quá trời

Bây giờ nghĩ lại đã đời mi chưa ?'

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 20/11/2018

Quay lại trang chủ
Read 654 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)