Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/11/2018

Công đoàn giáo dục có phải là cảnh sát tư tưởng ?

Nguyễn Hồng Phúc

Đây là câu hỏi đặt ra hôm họp mặt Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua ở nhóm thân hữu là giáo viên của người viết. Sở dĩ so sánh như vậy vì gần như nhân danh công đoàn ngành, người ta chăm chăm vào ‘tư tưởng’ các thầy cô giáo hơn là đời sống vẫn còn tiếp tục chật vật của nghề giáo hiện nay.

congdoan1

Các tiết mục chào mừng Đại hội của Công đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh : Lao Động

Những huấn thị răn đe

Nhiều thầy cô giáo kể rằng gần như các bài phát biểu chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, năm nào cũng theo văn mẫu với nội dung na ná nhau thế này : "Công đoàn giáo dục XYZ luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của ngành, trên cơ sở những định hướng chỉ đạo của Công đoàn cấp trên, đã sáng tạo nhiều nội dung và hình thức hoạt động, làm nên tính đa dạng của hoạt động đoàn thể, góp phần tích cực vào phong trào chung của ngành và tỉnh/thành phố.

Đội ngũ cán bộ công đoàn từ nhiều năm nay liên tục được trẻ hoá, được bồi dưỡng năng lực chuyên môn, lý luận và nghiệp vụ công tác công đoàn nên chỉ đạo và triển khai các hoạt động khá bài bản và nề nếp, chất lượng và hiệu quả hoạt động công đoàn ở cơ sở đã được nâng lên rõ rệt.

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo cấp trên nên công đoàn cơ sở đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn trong đơn vị ngày càng chặt chẽ và đạt hiệu quả cao công tác giảng dạy. Cùng với đó là sự hưởng ứng đầy trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, người lao động trong toàn ngành đã làm nên sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học...".

Các chủ tịch công đoàn tại những trường học thì luôn nằm lòng các mẫu câu phải có trong diễn văn chào đón quan khách cấp trên : "Nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, nhà giáo và người lao động ; tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước".

"Tất cả đều được lập trình sẳn. Hè nào các thầy cô giáo cũng phải đi học lớp bồi dưỡng chính trị. Dường như công đoàn ngành sợ chúng tôi truyền bá tư tưởng lệch lạc chi đó cho học trò hay sao ấy ?". Cô giáo Nguyễn Thu Dung, dạy môn địa lý đã 29 năm ở trường cấp 3, thắc mắc.

Thầy giáo Nguyễn Việt Bình, dạy môn ngữ văn đang bước sang niên khóa thứ 30, kể rằng ông rất khó chịu khi nghe bà chủ tịch công đoàn giáo dục nịnh nọt bằng bài diễn văn trong hôm 20/11 có sự tham dự của một phó quận.

Bà nói rằng (đại khái) đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn phải thực sự coi trọng văn hóa ứng xử, năng lực chuyên môn ; cùng phối hợp để thường xuyên nắm bắt "hiện tượng" phát sinh trong ứng xử của nhà giáo, chú ý tiêu chí văn hóa ứng xử trong phân công làm công tác chủ nhiệm, đưa vào nguồn quy hoạch, phân công làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn... Phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong xây dựng môi trường văn hóa của nhà trường… 

Là bạn cùng khóa ở trường sư phạm với thầy Việt Bình, thầy giáo Nguyễn Minh Hùng tiếp lời bằng câu chuyện cũ : "Ứng xử của nhà giáo phải là răm rắp tuân thủ đường lối chính trị, chính sách của đảng và nhà nước. Công đoàn giáo dục thường xuyên nhắc nhở tụi tôi như vậy. Khi tôi hỏi lại nếu đảng luôn đúng, luôn là hằng số thể hiện được sự bất biến không thay đổi như của công thức toán học, vậy thì vì sao hè nào cũng bắt chúng tôi phải học lớp bồi dưỡng chính trị ?

Còn nếu đảng không là hằng số bất biến, thì chuyện công đoàn giáo dục muốn chúng tôi phải nhất nhất theo ý đảng, là vi phạm quyền tự do chính kiến. Thế là chủ tịch công đoàn ngành báo cáo cấp trên, cho tôi là… tư tưởng có vấn đề, yêu cầu không phân công chủ nhiệm (!?)". Thầy giáo Nguyễn Minh Hùng (thâm niên 30 năm dạy môn Anh ngữ) nói sau vụ đó, ông quyết định xin nghỉ và chuyển sang dạy ở trường tư.

Khi chính quyền nhìn đâu cũng sợ… ‘tự diễn biến’

Thế nhưng đâu phải trường tư là thoát được chuyện cảnh sát tư tưởng của công đoàn ngành giáo dục.

Một cô bạn xuất thân là dân khoa tiếng Pháp trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, niên khóa 1985, sau này từng đầu tư mở trường tư thục gần khu cư xá Đô Thành, Sài Gòn kể rằng một chủ tịch công đoàn ngành giáo dục vốn là học trò cũ, có nói riêng với cô là em được cấp trên Liên đoàn yêu cầu phải giám sát về mọi mặt đối với các thầy cô giáo và cả hiệu trưởng trường ngoài công lập.

"Họ sợ trường tư vừa trả lương cao, vừa khuyến khích giảng dạy mở rộng ngoài sách giáo khoa dễ khiến học sinh tiêm nhiễm những tư tưởng xã hội dân sự, gây bất lợi cho nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Đã vậy, hiệu trưởng trường tư và thầy cô giáo cũng ít mặn mà chuyện gia nhập công đoàn ngành… Em học trò cũ giờ làm quản lý chi đó trên phòng, tâm sự với tôi như vậy". Cô nói.

Trong nhóm bạn cùng nghề giáo nói trên, có cô giáo Nguyễn Thị Hiếu (đã nghỉ hưu) nguyên là hiệu phó một trường cấp 3 ở một huyện ngoại thành Sài Gòn, người từng trải qua vị trí chủ tịch công đoàn giáo dục.

Cô Hiếu kể vừa đứng lớp, vừa làm cán bộ công đoàn sẽ cực trần ai luôn. Riêng chuyện sổ sách đã có tới 9 loại sổ mà cán bộ công đoàn phải chịu trách nhiệm. Do đó đừng quá trách cứ vì sao cán bộ công đoàn giáo dục cứ chăm chăm vào ‘tư tưởng’ (để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cấp trên giao !) của thầy cô giáo hơn mọi chuyện khác.

Chín loại sổ sách đó, theo cô Hiếu, gồm có :

1. Sổ nghị quyết, dùng để ghi biên bản đại hội công đoàn, họp ban chấp hành, họp ban thường vụ, họp công đoàn cơ sở, họp liên tịch giữa ban chấp hành công đoàn với lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể khác như Hội Phụ huynh học sinh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh…

2. Sổ theo dõi công văn đi - đến.

3. Hồ sơ tổ chức, gồm có sổ theo dõi tình hình tổ chức và phát triển đoàn viên, và danh sách trích ngang ban chấp hành, các ban quần chúng, cán bộ công đoàn từ tổ phó tổ công đoàn (nếu có) trở lên...

4. Hồ sơ đời sống. Sổ theo dõi tình hình đời sống cán bộ - giáo viên - công nhân viên, tình hình vay vốn, góp vốn giúp nhau làm kinh tế phụ gia đình, hiệu quả sử dụng vốn vay...

5. Hồ sơ thi đua. Kết quả bình xét thi đua năm học trước (các danh hiệu chính quyền, đoàn thể, các phong trào và cuộc vận động) ; Tiêu chuẩn thi đua ; Đăng ký thi đua năm học mới ; Bảng chấm công…

6. Hồ sơ Ủy ban kiểm tra công đoàn- ban thanh tra nhân dân, gồm có Quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm tra công đoàn, ban thanh tra nhân dân ; Phương hướng, kế hoạch, chương trình công tác và báo cáo sơ, tổng kết…

7. Hồ sơ Nữ công. Gồm có phương hướng, kế hoạch, chương trình công tác nữ công ; Sổ theo dõi công tác nữ ; Theo dõi các phong trào thi đua "Giỏi việc Trường- Đảm việc Nhà" ; Công tác "Dân số- Kế hoạch hóa gia đình"...

8. Hồ sơ tài chánh, gồm có sổ theo dõi thu - chi đoàn phí và các loại quỹ do công đoàn quản lý ; Sổ theo dõi tình hình thu chi tài chánh công đoàn - bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động ; Sổ theo dõi tình hình đăng nộp các loại quỹ hoạt động xã hội - từ thiện...

9. Các loại văn bản khác, như báo cáo tháng, quý, học kỳ, năm học (đối với công đoàn cơ sở trực thuộc thực hiện tháng, học kỳ, năm học) ; Phương hướng, kế hoạch, chương trình công tác tháng, quý, học kỳ, năm học ; Bản ký kết hợp đồng trách nhiệm tập thể ; Nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức.

Ý kiến chung của nhóm thân hữu là để hình thành những tổ chức công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập trong ngành giáo dục thời gian tới xem ra không mấy đơn giản, nếu như vẫn phải chịu sự quản lý trực tiếp của công đoàn cấp sở giáo dục tỉnh, thành phố như một thủ tục hành chánh về chủ quản.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 21/11/2018

Quay lại trang chủ
Read 605 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)