Hàng vạn người đổ ra đường, với nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội, những tiếng gõ, nẹt-pô xe ầm ĩ, tiếng la hét, ới gọi nhau trở thành những âm thanh lộn xộn đầy sống động ở các thành phố lớn.
Mùa xuân Praha ? Mùa xuân Budapest ? Cách mạng Nhung ? Cách mạng Cam hay Mùa xuân Ả Rập ? Quên đi !
Facebooker Lâm Bình Duy Nhiên bình luận : Mùa xuân Praha ? Mùa xuân Budapest ? Cách mạng Nhung ? Cách mạng Cam hay Mùa xuân Ả Rập ? Quên đi ! Chỉ là trận thắng bán kết bóng đá lượt đi Philippines - Việt Nam mà thôi !
Môn thể thao vua khiến người dân tự động đứng sát, kề vai và lắng nghe tiếng nói của nhau, môn thể thao này cũng khiến họ quên đi phí thuế đang tăng, đốt lò, và cả những rục rịch khởi động BOT ở một vài nơi. Nói cách khác, bóng đá trở thành một chất kích thích (doping) mà người Việt Nam dường như qua đó biểu lộ được sự đoàn kết tuyệt đối.
Người hâm mộ đổ ra đường chào đón đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam trở về nước sau giải Châu Á 2018 tại Trung Quốc (tháng 1/2018)
Bóng đá là bóng đá, một trận cầu thua hay thắng của đội tuyển quốc gia có thể làm vỡ òa những cảm xúc hàm chứa bên trong. Nhưng bóng đá không thể thay thế tương lai của họ và con em họ. Bóng đá không thể giúp xây dựng một nền giáo dục đủ chính chắn và trưởng thành, một nền bầu cử đủ tự do và dân chủ, một chính thể đủ kỹ trị và minh bạch. Bóng đá chỉ đơn thuần là đá trái bóng.
Nhưng bóng đá đã làm được điều mà hàng thế hệ người đấu tranh dân chủ - nhân quyền chưa làm được : sát cánh lại.
Có người tiến hành các hành vi, lời nói xỉ nhục những người hâm mộ bóng đá, nhưng người hâm mộ chỉ đơn thuần là biểu hiện của một nền dân chủ chưa thực sự làm chủ.
Hãy nhìn xem, một cuộc tụ họp để phản đối chặt hạ cây xanh hay bụi xỉ than từ nhà máy nhiệt điện có thể nhận được sự chào mừng từ hệ thống công an vụ. Hệ thống này bằng cách theo dõi, đe nẹt, đánh đập và thậm chí kết hợp với hệ thống tư pháp để bỏ tù những ai mà họ cho là ‘kích động’ đã khiến đám đông dè chừng. Và vì thế, dù có sự gia tăng về những người ủng hộ sự dân chủ hóa, nhân quyền hóa thì con số này vẫn khá khiêm tốn.
Facebooker Lương Huy đã đúng phần nào khi ông sử dụng cụm từ ‘ersatz’, một cụm từ miêu tả một sự tiêu cực và giả tạo. Và nếu áp chế vào bóng đá thì tinh thần cuồng nhiệt, sự tụ họp đông người, là một biểu hiện trực tiếp nhất cho sự giả tạo của tinh thần yêu nước. Nhưng có lẽ, phải có một sự thông cảm cực kỳ lớn với người hâm mộ bóng đá, bởi họ được gieo rắc một nỗi sợ hãi, trước dùi cui và nhà tù, và họ chọn 1 giải pháp an toàn hơn : an thân.
Những người Cộng sản trước đây từng trích dẫn câu nói rất nổi tiếng của K. Marx : Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Và nay, tôn giáo được người cộng sản Việt Nam chuyển hóa thành một chủ đề dân dã hơn - bóng đá.
Cứ ra đường gây tắc nghẽn giao thông, nẹt bô xe, đi bão,… nhưng mức độ xử lý chỉ dừng ở bỏ qua, nhắc nhở, cao lắm là phạt hành chính. Chính quyền cho phép người dân tự lựa chọn giới hạn cho chính họ, hoặc tự do bóng đá với sự thoải mái tụ họp đông người ; hoặc tụ họp đông người để đòi nhân quyền với nhà tù đang mở rộng cửa. Và bằng cách này, bóng đá đã chính thức là thuốc phiện của người dân Việt Nam.
Những người Việt Nam tụ tập đông người ủng hộ bóng đá trong bối cảnh một Paris đang có phong trào ‘áo vét vàng’ để phản đối tăng thuế xăng dầu, phản đối chi phí sinh hoạt gia tăng. Và trong ngày 4.12, hàng tá sinh viên của các trường đại học đã biểu tình để phản đối các cải cách về mặt giáo dục của nhà nước Pháp.
Việt Nam, vẫn chìm vào trong cơn mê bóng đá, trong sự hỗn độn của giáo dục, kinh tế và môi trường (kể cả chính trị). Sự luẩn quẩn này có phải vì kiếp nạn mà người dân ưa bạo lực phải chịu hay là vì những người Cộng sản đã quá tài để dẫn dắt một dân tộc u mê ? Với doping bóng đá…
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 05/12/2018