Vì sao vụ ‘thanh trừng lãnh đạo không đảng’ vào tháng Mười Một năm 2018 lại xảy ra ở Thanh Niên - một trong những tờ báo có lượng độc giả lớn nhất Việt Nam và thậm chí còn được một luồng dư luận đánh giá là có hơi hướng phản biện, dù chỉ là ‘phản biện trung thành’ với chế độ cầm quyền, chứ không xảy ra ở tờ báo nào khác ?
Tiếp theo vụ ‘đảng hóa’ này sẽ là gì ?
Hai đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xem điện thoại trong lúc đang chịu trách nhiệm phát phiếu bầu cử cho cử tri vào ngày 22/05/2016 tại Hà Nội. AFP
Tân binh của đảng và bản chỉ thị ‘sàng lọc’
Ngày 23/11/2018, Thanh Niên đã chính thức trở thành ‘báo đảng’ sau một vụ việc chưa từng có tiền lệ của tờ báo này lẫn làng ‘báo chí cách mạng Việt Nam’ : cho thôi chức, mà thực chất là cách chức, đối với 13 nhân sự làm việc cho Thanh Niên vì những người này không phải là đảng viên của Đảng cộng sản vẫn còn đang cầm quyền ở Việt Nam.
Không chỉ thanh trừng nhân sự những bộ phận có liên quan trực trực tiếp chính trị, chiến dịch tảo thanh tư tưởng này còn nhắm tới cả nhân sự phụ trách những bộ phận không liên quan trực tiếp chính trị như văn nghệ, thể thao, quảng cáo…
Động thái thanh trừng rất đột ngột trên lại xảy ra trong bối cảnh ‘mác đảng viên’ không còn là tiêu chuẩn đầu tiên để được đề bạt giữ cương vị phụ trách phòng ban tại khá nhiều tờ báo, và trong thực tế một số tờ báo đã bố trí người không đảng vào vị trí cán bộ lãnh đạo của báo.
Chỉ ít ngày sau vụ thanh trừng lạ lùng và có vẻ giống như một thứ ‘điềm báo’ chính trị trên, lời giải đáp có vẻ đã hiện hình : ngày 4/12/2018, Ban Tổ chức trung ương tổ chức hội nghị góp ý dự thảo quy định "Về Đảng lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị" và dự thảo chỉ thị "Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi đảng".
Tuy từ ngữ của đảng là ‘rà soát, sàng lọc’, nhưng nội hàm lẫn âm hưởng của những từ này là khá giống với từ điển từ ngữ đấu tố thời Nhân Văn Giai Phẩm những năm 60 của thế kỷ XX cùng cuộc ‘chỉnh đảng’ của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc cũng vào thời gian đó. Lịch sử tiếp theo của những từ ngữ như thế rất thường là sự biến mất của nhiều gương mặt và cả sinh mạng - theo nghĩa đen - trong đảng.
Vụ Thanh Niên thanh trừng 13 người không đảng đã trở nên một biểu hiện thuộc loại rõ nhất về ‘tính đảng’ của tờ báo này được tăng cường không ngừng và đang trong giai đoạn đạt tới đỉnh cao của cái mà trước đây chưa từng là thuộc tính của báo Thanh Niên.
Vào năm 2016, Thanh Niên đã bị phát hiện nằm trong số vài chục tờ báo lớn nhỏ tiến hành một chiến dịch truyền thông bẩn thỉu : những tờ báo này bị nghi ngờ sâu sắc về việc đã nhận tiền của một hãng nước mắm lớn để tung ra loạt bài tấn công, hạ bệ uy tín nước mắm truyền thống khiến người dân sản xuất nước mắn truyền thống rơi vào cảnh lao đao. Tuy nhiên, mức xử phạt của Bộ Thông tin và truyền thông dành cho báo Thanh Niên là khá nhẹ nhàng, còn tổng biên tập tờ báo này - Nguyễn Quang Thông - không hề bị mất chức. Khi đó, đã có tin ngoài lề về việc giữa các cơ quan đảng và những nhân sự chủ chốt trong báo Thanh Niên có một ‘thỏa thuận bí mật’ về việc Thanh Niên sẽ phải tuân thủ chặt chẽ hơn nhiều đường lối của đảng so với trước đó.
Cũng kể từ lúc đó, đã có những dấu hiệu Thanh Niên được từng bước biến thành báo đảng.
Nỗi lo sợ mất ngủ của đảng
Vụ Thanh Niên thanh trừng 13 người không đảng xảy ra chỉ khoảng 3 tuần sau khi hai trí thức gạo cội là Nguyên Ngọc và Chu Hảo tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản cùng lời lẽ đanh thép tố cáo ‘chế độ phản dân hại nước’.
Vụ việc trên cũng xảy ra ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố ‘khai trừ đảng đối với đồng chí Chu Hảo’ - một cú đánh vớt vát cho uy tín rất không đáng được cứu vớt của đảng.
Khó mà hoài nghi về việc vụ Nguyên Ngọc, Chu Hảo mà một số trí thức đồng loạt tuyên bố từ bỏ đảng vào đầu tháng Mười Một năm 2018 đã khiến đảng lo sợ và hoảng hốt đến mức phải lập tức tống ra một hành động chỉnh đảng, trong đó đặc biệt ‘làm trong sạch đội ngũ đảng viên’ trong khối báo chí mà Thanh Niên được chọn, và cũng rất có thể tổng biên tập tờ báo này đã tình nguyện đề nghị để Thanh Niên được đảng chọn như một hình mẫu về thanh trừng cán bộ lãnh đạo không đảng và qua đó răn đe những kẻ không chịu nghe lời đảng.
Nỗi lo sợ trên là có cơ sở, bởi hơn ai hết, ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng và những người theo luận thuyết tháp ngà cách ly dân của ông ta cảm thấy lâu đài cát của họ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Vụ việc tờ Thanh Niên được chọn làm ‘thí điểm’ cho chiến dịch thanh trừng 13 nhân sự ngoài đảng đã phát đi một tín hiệu : trong những ngày tới, nhiều tờ báo nhà nước có thể sẽ phải nối gót theo ‘tấm gương’ Thanh Niên để thanh lọc nhân sự ngoài đảng và không chịu vào đảng. Thậm chí chiến dịch này còn có thể trở thành một phong trào mang tính mao-ít đến mức đảng có thể áp đặt một chủ trương mới đối với báo chí nhà nước là sẽ cho nghỉ việc tất cả những ai không chỉ không muốn trở thành đảng viên cộng sản mà còn mang khuynh hướng không ủng hộ Đảng cộng sản.
Dự thảo chỉ thị "Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng" mà Ban Tổ chức trung ương sắp trình ra Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương tại Hội nghị trung ương 9 vào tháng Mười Hai năm 2018 có thể chính là một hiện tượng mao ít như thế - hiện tượng mà thường xảy ra trong bối cảnh tâm thế hoảng sợ của đảng đã lên cao đến mức lú lẫn để đảng liên tiếp phạm sai lầm khi áp dụng hàng loạt biện pháp cực đoan.
Cùng lúc, một cuộc vận động rộng lớn được đảng tổ chức ở nhiều địa phương : hô hào các tổ trưởng dân phố và trưởng thôn phải tham gia vào ‘đội ngũ vinh quang của đảng’ (nếu muốn giữ được chức). Nếu tất cả đều được vận động thành công, đảng sẽ thêm nhân số hàng chục ngàn đảng viên mới để nhanh chóng đạt chỉ tiêu 5 triệu đảng viên.
Số phận của báo chí nhà nước cũng không thoát. Không chỉ báo loại 1, loại 2, mà cả nhiều tờ báo loại dưới cũng sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ chính trị ‘có vào đảng hay không thì bảo !’. Để cũng như lý do muôn thuở là cơm áo gạo tiền, nhiều tổng biên tập sẽ phải cắm mặt làm theo đảng cho dù trong bụng sôi sục căm tức.
Những biện pháp cực đoan giai đoạn cuối
Chiến dịch ‘thanh trừng người ngoài đảng’ trong làng báo nhà nước có thể sẽ diễn ra trong thời gian tới sẽ khiến người ta phải nhớ lại chiến dịch "trảm báo chí" gần nhất là vào tháng Mười năm 2016. Khi đó, nhiều cái tên đã bị "trảm" như Nguyễn Như Phong của tờ báo chuyên chính Petrotimes, Lê Bình của VTV24, Võ Khối của báo Thanh Niên, Nguyễn Thanh Phong của báo Lao Động và Xã Hội. Cũng trong tháng Mười, đã có hai tờ báo điện tử là Petrotimes và Tầm Nhìn bị đình bản – quá nhiều so với mật độ xử lý báo chí thưa thớt trước đây.
Cũng khi đó, báo giới nhà nước rúng động ghê gớm. Chỉ dám thầm thì hoặc tảng lờ trong các cuộc họp nội bộ, nhưng bùng phát trong các quán cà phê, nhiều nhà báo cho rằng đây thực sự là một chiến dịch "đánh" báo chí mà ông Trương Minh Tuấn là "sát thủ" và có đủ đức tính lạnh lùng, tàn nhẫn trên nền tảng đạo đức giả.
Nhưng ngay cả sau vụ Trương Minh Tuấn buộc phải rời ghế bộ trưởng thông tin và truyền thông để về ‘nằm’ tại Ban Tuyên giáo trung ương vì bị dính đậm và sâu vụ ‘MobiFone mua AVG’, báo giới nhà nước vẫn nằm nguyên trong tâm thế ‘tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa’.
Vào lần này, họ phải đối mặt với không phải chỉ là cấp bộ trưởng báo chí mà với cả Bộ Chính trị của ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng.
Có chịu vào đảng hay không thì bảo !
Nhưng bài học của quá khứ không bao giờ là muộn. Trước khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990, Đảng cộng sản Liên Xô còn đến 20 triệu đảng viên và cả 5 triệu quân nhân lẫn 3 triệu công an, nhưng tất cả đều bất động trước một biến đổi mang tính quy luật của lịch sử : đào thải chính trị.