Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Việt Nam 1977 do người viết khởi thảo theo yêu cầu của Mặt trận Nhân quyền Việt Nam, một tổ chức đấu tranh cho nhân quyền được thành lập và hoạt động rất sớm, sau ngày cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam (1976-1978). Sau khi bị bắt cầm tù, chấp pháp công an của chế độ đã yêu cầu viết lại, cùng với các tài liệu khác do chúng tôi viết (1).
Kỷ niệm 70 năm ngày công bố Bản Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền 10/12/1948 - Ảnh minh họa
Do thực tế lúc bấy giờ, truyền thông chưa có internet, thông tin bị khép kín, nên bản Tuyên ngôn nhân quyền này không được phổ biến rộng rãi ở trong nước cũng như hải ngọai ; mà chỉ bí mật phổ biến truyền tay các bản đánh máy hay quay ronéo rất hạn chế đến những ai cùng chung lý tưởng, nghĩ là sẽ không trình báo công an. Sau khi ra hải ngoại, trong nhiều bài viết trước đây, chúng tôi đã trích đoạn từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền Việt Nam 1977.
Hôm nay, nhân kỷ niệm 70 năm ngày công bố Bản Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền 10/12/1948, chúng tôi viết lại toàn văn bản Tuyên ngôn Nhân quyền Việt Nam 1977 theo trí nhớ. Vì vậy sẽ không đúng như nguyên bản, nhưng chắc chắn thể hiện đầy đủ, trung thực nội dung ý tưởng về các nhân quyền và dân quyền bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thời đó vi phạm nghiêm trọng. Mặc dầu sau 41 năm (1977-2018) Việt Nam vẫn chưa có nhân quyền, tình trạng đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền vẫn còn tiếp diễn. Thế nhưng thực tế cho thấy chính nhờ các cuộc đấu tranh cho nhân quyền của các thế hệ tiếp nối, cùng với áp lực quốc tế, đã buộc được đảng và nhà quyền cộng sản Việt Nam từng bước phải trả lại cho nhân dân các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền cơ bản. Mặc dầu thực tế chế độ đương quyền cộng sản Việt Nam vẫn tiếp diễn những hành vi đàn áp nhân quyền và dân quyền nghiêm trọng, tinh vi và tàn độc hơn. Đúng như sự tố cáo mới đây nhất của các quốc gia khối Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Quốc hội Hoa Kỳ cáo buộc về tình trạng đàn áp nhân quyền vẫn tồi tệ của nhà đương quyền cộng sản Việt Nam.
Sau đây là nội dung toàn văn bản Tuyên ngôn Nhân quyền Việt Nam 1977.
Một cuộc tuần hành vì nhân quyền cho Việt Nam của cộng đồng người Việt tại Canada. (Ảnh chụp từ Youtube Thu Tran)
Tuyên ngôn Nhân quyền Việt Nam 1977
"Khẳng định rằng : Con người sinh ra có quyền sống và phải được sống xứng đáng với nhân phẩm và cương vị con người.
Sống xứng đáng với nhân phẩm và cương vị con người, là mọi người sinh ra không phải chỉ để sống như một sinh vật, mà có yêu cầu khẩn thiết hơn, là phải được sống và sống tự do.
Sống tự do, là mọi người không phân biệt giai tầng xã hội, chủng tộc, phái tính, chính kiến, tôn giáo…phải được tôn trọng, bảo vệ và hành xử những nhân quyền cơ bản đã được ghi trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Hiến chương Liên Hiệp quốc (2) : Các quyền tự do tư tưởng, tự do chính trị, tự do kinh tế…
Vì đó là những quyền tự nhiên, thiêng liêng, bất khả xâm phạm, không thể tiêu diệt !
Vì tự do và con người là một thực thể bất khả phân, có con người là phải có tự do, thiếu nó con người sẽ sống trong lo âu, sầu tủi và nhân phẩm bị hạ thấp ngang tầm loài vật.
Tiếc thay ! Một dân tộc đã và đang phải sống ngang tầm loài vật ! Đó là dân tộc Việt Nam. Vì dân tộc này đã và đang phải sống dưới ách thống trị của một chế độ độc tài đảng trị cộng sản, mọi nhân quyền, dân quyền đều bị tước đoạt và chà đạp.
Vì vậy, chúng tôi, những người Việt Nam yêu chuộng tự do, dân chủ chống độc tài, soạn thảo và công bố bản Tuyên ngôn Nhân quyền này để mời gọi quốc dân Việt Nam tham gia và kêu gọi Liên Hiệp Quốc, chính quyền và nhân dân các quốc gia dân chủ trên thế giới, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, yểm trợ cho các hoạt động đấu tranh ôn hòa, dưới mọi hình thức, bằng nhiều phương cách hữu hiệu, để đòi buộc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam phải tôn trọng, bảo vệ và thực thi các nhân quyền và dân quyền cơ bản về tư tưởng, chính trị, kinh tế sau đây :
1. Quyền tự do ngôn luận :
Là mọi người được tự do suy tư, lưu trữ và truyền bá những tư duy qua các phương tiện truyền thông, như phát hành báo chí, in ấn sách vở,phát thanh, truyền hình, thuyết trình, hội luận… Đồng thời được quyền tự do tìm xem các sách báo, phim ảnh, để tiếp thu những tư duy của người khác ở trong nước cũng như trên thế giới. Vì đó là nhu cầu tinh thần không thể thiếu, thể hiện nhân cách con người khác con vật. Vì tự do ngôn luận góp phần rất quan trọng trong việc bảo vệ các nhân quyền và dân quyền cơ bản, được mệnh danh là "đệ tứ quyền" sau tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp).
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam áp đặt hệ tư tưởng độc tôn Marxist-Leninist để tiêu diệt, ngăn chặn mọi tư duy và hệ tư tưởng tinh hoa khác của nhân loại ; độc quyền các phương tiện truyền thông, bóp chết truyền thông tư nhân, là vi phạm thô bạo quyền tự do ngôn luận của người dân.
2. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo :
Là mọi người được tự do tin, tôn thờ và thực hành theo tín ngưỡng cá nhân, hay đức tin tôn giáo của tập thể(các Giáo hội) một cách độc lập, trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật dân chủ (khác độc tài).
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam can thiệp các hoạt động tín ngưỡng cá nhân hay công việc nội bộ của các tập thể pháp nhân tôn giáo (Giáo hội) ; cũng như tìm cách bách hại, loại trừ ảnh hưởng tôn giáo vì lợi ích chính trị cho chế độ, là vi phạm thô bạo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Vì tín ngưỡng và tôn giáo là một nhu cầu tâm linh không thể thiếu của con người. Vì bản chất tín ngưỡng và tôn giáo không mang tính mê hoặc mà góp phần vào nền đạo đức xã hội. Vì một xã hội có thần linh mà tội ác còn gia tăng, thì một xã hội phi thần linh, tội ác phải gia tăng nhiều hơn nữa.
3. Quyền ứng cử vào các chức vụ dân cử hay công cử :
Là mọi người dân, không phân biệt giai cấp, lý lịch gia đình, chính kiến, giới tính, sắc tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, nếu hội đủ các điều kiện luật định (Luật ứng cử và bầu cử) về năng lực, phẩm cách, đều có quyền ra ứng cử vào các chức vụ dân cử (Quốc hội, Hội đồng dân cử các cấp…) hay phải được tuyển dụng vào các chức vụ công cử các cấp, các ngành trong guồng máy công quyền quốc gia.
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam độc quyền chọn ứng cử viên dân cử hay xét lý lịch để tuyển dụng vào các chức vụ công cử là vi phạm trắng trợn quyền ứng cử và công cử của người dân.
4. Quyền bầu cử :
Là mọi người dân, nếu hội đủ các điều kiện công dân lương hảo, đều có quyền tham gia hay không tham gia các cuộc bầu cử tự do để chọn người đại diện vào các cơ quan dân cử các cấp trong guồng máy công quyền quốc gia.
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam thực hiện chủ trương "Đảng cử, dân bàu" và cưỡng ép người dân phải đi bàu là vi phạm thô bạo quyền tự do ứng cử và bầu cử của người dân.
5. Quyền tự do lập hội và sinh hoạt đoàn thể :
Là mọi người dân đều có quyền thành lập các chính đảng và các hiệp hội xã hội, nghề nghiệp, để sinh hoạt theo tôn chỉ, mục đích riêng. Đặc biệt là các chính đảng, với các sinh hoạt có mục đích giành chính quyền một cách ôn hòa, hợp pháp để thực hiện mục tiêu lý tưởng của đảng. Nghĩa là nắm chính quyền bằng phương thức hòa bình,thông qua các cuộc tranh cử và bầu cử tự do, nếu đảng nào được đa số nhân dân tín nhiệm, là được trao quyền điều hành và quản lý đất nước theo ý nguyện của nhân dân và vì lợi ích của đất nước.
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam cấm các hiệp hội tư nhân cũng như các chính đảng thành lập và hoạt động, ngoài đảng cộng sản và các đoàn thể vốn là tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam (công đoàn, Mặt trận Tổ Quốc, đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh…) ; nhất là tìm cách tiêu diệt các chính đảng khác để đảng cộng sản Việt nam độc chiếm chính quyền trong một chế độ độc tài toàn trị, điều hành quản trị đất nước vì lợi ích của đảng cầm quyền, trái với ý nguyện của nhân dân và lợi ích đất nước, là tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân, vi phạm thô bạo quyền tự do lập hội và sinh hoạt đoàn thể vốn có trong bất cứ xã hội dân sự văn min nào.
6. Quyền tự do biểu tình :
Là mọi người dân, cá nhân hay tập thể công dân có quyền bầy tỏ thái độ bất bình, hành động đấu tranh đòi hỏi các quyền lợi chính đáng và hợp pháp về mọi vấn đề chính trị,kinh tế, xã hội, nghề nghiệp tín ngưỡng, tôn giáo…đối với bất cứ đối tượng là cá nhân hay pháp nhân thuộc guồng máy công quyền quốc gia hay lãnh vực tư nhân.
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam ngăn cấm, trấn áp các cuộc biểu tình của người dân, ngoài các cuộc biểu tình do nhà nước tổ chức và sẵn sàng đàn áp bất cứ cuộc biểu tình dân sự hay tôn giáo, tín ngưỡng…Là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do biểu tình của người dân.
7. Quyền tự do cư trú và vãng lai :
Là mọi người dân được quyền tự do chọn nơi cư trú thuận lợi cho cuộc sống và quyền đi lại đến bất cứ đâu trên đất nước của mình mà không cần xin phép và phải được phép của nhà cầm quyền.
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam dùng chế độ quản lý hộ khẩu và thủ tục xin phép tạm trú, tạm vắng đã vi phạm trắng trợn quyền tự do cư trú và vãng lai của người dân.
8. Quyền tự do hoạt động kinh tế :
Là mọi người dân có quyền chọn lựa các hoạt động kinh tế phù hợp để thu lợi nhuận hầu có phương tiện tài hóa đáp ứng các nhu cầu vật chất cũng như tinh thần trong cuộc sống, để mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân và gia đình.
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam ép buộc toàn dân từ bỏ các hoạt động kinh tế cá thể tư nhân, đi vào con đường làm ăn tập thể quốc doanh (tập thể hóa nông nghiệp, công, thương nghiệp quốc doanh…), dưới sự lãnh đạo và quản lý duy nhất của nhà nước. Đồng thời, cưỡng bách nhân dân thành thị rời bỏ cửa nhà, đi lập nghiệp vùng kinh tế mới nơi hoang vu,rừng thiêng nước độc… là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do hoạt động kinh tế để sinh sống của người dân, làm khổ nhân dân, làm nghèo đất nước ; vì đã triệt tiêu mọi sáng kiến và các động lực của mọi hoạt động kinh tế trên mọi lãnh vực.
9. Quyền tư hữu và sở hữu tài sản :
Là mọi người dân có quyền có tài sản riêng, tích lũy, bảo quản, sử dụng và định đoạt (cho, bán…) các tài sản do công khó mình làm ra hay do thừa kế, tặng dữ vô điều kiện hay có điều kiện. Tài sản bao gồm các bất động sản (như nhà cửa, đất đai…) và các động sản (như quần áo, tiền bạc, quý kim…).
Việc nhà đương quyền cộng sản Việt Nam quốc hữu hóa đất đai (sở hữu của nhà nước...) và tịch thu nhà cửa đất đai, vàng bạc, quý kim của người dân qua các cuộc "đổi tiền bình quân", "cải tạo công,nông, thương nghiệp", "đánh tư sản"…là vi phạm thô bạo quyền tư hữu và sở hữu tài sản của người dân, làm nghèo đất nước, làm giầu cho giai cấp thống trị mới (giai cấp cán bộ đảng viên cộng sản có chức có quyền chiếm dụng nhà cửa, của cải trong các đợt cải tạo, đánh tư sản …).
Vì vậy, quốc dân Việt Nam, là những công dân của Tổ quốc Việt Nam, là chủ đất nước, kiên quyết và mạnh mẽ đấu tranh đòi buộc nhà đương quyền Cộng sản Việt Nam phải trả lại các nhân quyền và dân quyền cơ bản trên đây.
Quốc dân Việt Nam tin tưởng mãnh liệt rằng :
1. Với ý chí, nghị lực và sự kiên trì đấu tranh của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, cùng với sự yểm trợ tích cực của Liên Hiệp Quốc, chính phủ và nhân dân các nước dân chủ, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, cuộc đấu tranh ôn hòa, trường kỳ cho nhân quyền và dân quyền của quốc dân Việt Nam sẽ tất thắng.
2. Vì một chế độ độc tài toàn trị cộng sản đã áp đặt bằng bạo lực, duy trì bằng bạo lực, trái với ý nguyện của toàn dân, thì sớm muộn cũng sẽ bị sụp đổ do tự bản chất và do sức mạnh vùng lên của những con người bị áp bức, bóc lột và bị tước đoạt các nhân quyền và dân quyền cơ bản.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền này được một tập thể quốc dân Việt Nam qui tụ trong "Mặt trận Nhân quyền Việt Nam", một tổ chức quần chúng đấu tranh cho nhân quyền, soạn thảo và công bố tại Sài Gòn, Việt Nam ngày 10/12/1977, nhân kỷ niệm ngày công bố Bản Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền 10/12/1948".
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 10/12/2018
Ghi chú :
1. Mặt trận Nhân quyền Việt Nam được thành lập vào đầu năm 1977 tại tư gia ông Nguyễn Đình Phượng (Giáo Phượng, gốc đảng Đại Việt, sau được anh em bầu là Chủ tịch Mặt Trận, sau 10 năm tù ở khám Chí Hòa đã chết sau khi hết hạn tù) nhà ở khu Bình An, Quận 8 Saigon. Đây là một quần thể những người Bắc Kỳ di cư sau 1954 lánh nạn cộng sản, bao gồm nhiều xứ đạo, trong đó có xứ đạo của Linh mục Hoàng Quỳnh, từng là Tổng chỉ huy lực lượng tự trị Bùi Chu - Phát Diệm (nên thường gọi tắt Cha Tổng) dưới sự lãnh đạo tinh thần của Giám mục Lê Hữu Từ, là lực lượng bán quân sự chủ trương chống cả thực dân Pháp lẫn Việt Minh cộng sản. Sau 30/04/1975, Linh mục Hoàng Quỳnh đã bị Việt cộng bắt cầm tù và đã chết trong tù. Khoảng cuối năm 1978, người viết được đưa từ nhà tù Số 4 Phan Đang Lưu qua Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh, khi đó nghe nói Linh mục Hoàng Quỳnh cũng đang giam trong cùng khu bị biệt giam với người viết ở đây.
Trong cả tháng trời chấp pháp đã yêu cầu tôi viết lại bản Tuyên ngôn Nhân quyền 1977 và những tài liệu khác như Chính cương và sách lược đấu tranh của Mặt trận Nhân quyền Việt Nam, Việt Nam trong chiến lược toàn cầu mới của các cường quốc cực (Sau triển khai viết thành sách "Việt Nam trong thế chiến lược quốc tế mới" ấn hành ba năm sau khi đến định cư ở Hoa Kỳ (1992-1995) và tái bản 2015…).
Tôi đã viết lại một cách say sưa đến độ cán bộ chấp pháp tên Quyết đôi lần nhắc "Tôi thấy anh làm việc "căng quá", thôi tạm nghỉ để nói chuyến với nhau cho vui".
Mục đích muốn tôi viết lại các tài liệu này, là chấp pháp muốn xem có đúng như lời khai là do một mình tôi viết, nếu có ai khác hợp soạn sẽ bắt thêm để cầm tù. Chính những tài liều này, theo nhận xét của chúng tôi, qua các biểu hiện, dường như đã có tác động đến suy tư trái chiều với chế độ của một số công an chấp pháp vụ án Mặt trận Nhân quyền Việt Nam, là gián tiếp ngầm đồng ý với những quan điểm hữu lý của tôi, để tôi suy đoán có lẽ là trong thâm tâm nhiều đảng viên cộng sản đã "phản tỉnh từ lâu" nhưng phải câm lặng để bảo vệ sự sống bàn thân và gia đình. Những biểu hiện đó như thế nào, chúng tôi sẽ trình bày chi tiết chứng minh trong một bài viết khác.
(2) Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại Palais de Chaillot ởParis, Pháp. Bản Tuyên ngôn đã được dịch ra ít nhất 375 ngôn ngữ. Tuyên bố phát sinh trực tiếp từ những kinh nghiệm của Chiến tranh thế giới thứ hai và là tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên trên thế giới, trong đó liệt kê các quyền cơ bản mà mọi cá nhân, được hưởng, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác (điều 2). Nó bao gồm 30 điều đã được xây dựng trong các Thỏa ước quốc tế, thỏa ước nhân quyền khu vực, hiến pháp và luật pháp quốc gia. Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế bao gồm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cùng hai Nghị định thư không bắt buộc I và II. Năm 1966, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua hai Công ước trên, qua đó hoàn thành cơ bản Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế.
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi quốc gia và mọi dân tộc. Tinh thần của bản Tuyên ngôn là dùng truyền đạt và giáo dục để nỗ lực thúc đẩy các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tôn trọng các quyền con người cơ bản được đưa ra trong Tuyên ngôn.
Điều khoản cuối cùng thuộc về bản Tuyên ngôn có viết "Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này" (theo Wikipedia Tiếng Việt).