Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/12/2018

Tại sao chính phủ Trump nhất định trục xuất những người Việt tị nạn ?

Lê Phan

Đó là câu hỏi đã làm tôi vô cùng thắc mắc. Với một con số nhỏ bé chỉ có hơn 8.000 người, không nằm trong nhóm những người mà Tổng Thống Donald Trump coi như là kẻ thù của nhân dân Hoa Kỳ và do đó phải trục xuất bằng mọi giá như người Hồi Giáo. Dĩ nhiên người Việt cũng là người da màu, và có lẽ chỉ với điều đó là cũng đủ họ bị liệt vào loại những kẻ cần bị đuổi ra khỏi Hoa Kỳ nếu có thể có cớ.

taisao1

Anh Tùng Nguyễn tư vấn cho một trường hợp người vợ mang thai nhưng chồng bị bắt vì nằm trong diện trục xuất. (Hình : Thịnh Nguyễn/Người Việt)

Những tin tức mới nhất cho biết là tuần này chính phủ Trump sẽ gặp đại diện của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam để thúc đẩy việc trục xuất những người gốc Việt vốn đã đến Hoa Kỳ như là những người tị nạn Cộng Sản trước năm 1995. Những luật gia chỉ trích nói là sự thúc đẩy để tăng cường trục xuất đi ngược lại không những là một sự thất hứa quốc tế của Hoa Kỳ, mà còn chứng tỏ là chính phủ không tin vào khả năng và chức năng của hệ thống nhà tù của Hoa Kỳ.

Nhiều những người trong nhóm này đã đến Hoa Kỳ khi còn là trẻ thơ, bị kết án cách đây nhiều thập niên, và chỉ bị tù rất ít hay là không bị tù nhưng vẫn đối diện trục xuất. Luật sư Tania Phạm, một luật sư đại diện cho những người gốc Việt là nạn nhân của cố gắng này, giải thích : "Trong nhiều trường hợp – họ chỉ phạm tội có một lần và đó là cách đây nhiều thập niên. Họ đã hối cải và hoàn lương. Đây là thí dụ là hệ thống nhà tù đã cải tạo được họ. Họ đã chứng minh được là họ có thể sống lương thiện sau khi được trả tự do".

Đó là những người như Tùng Nguyễn. Tùng đến Hoa Kỳ năm 1991 mới 13 tuổi. Bố mẹ Tùng đã nhận một cô bé con lai nên toàn gia đình được nhận di dân theo Đạo Luật Amerasian Homecoming Act. Nhưng với bố mẹ làm việc đầu tắt mặt tối chỉ đủ để kiếm sống, Tùng thường bị bỏ ở nhà một mình và gặp khó khăn hội nhập. Trả lời tờ Washington Post từ Santa Ana, Tùng giải thích : "Tôi còn trẻ. Tôi không nói được tiếng Anh và ở trường tôi bị bắt nạt, thành ra tôi đi chơi với những người giống mình, nó cho tôi một cảm tưởng có chỗ nương tựa". Điều đó có nghĩa là đi chơi với nhưng thiếu niên gốc Việt trong các băng đảng.

Năm 1994, khi mới 16 tuổi, Tùng dính líu đến một vụ đâm chết người, vì một cuộc cãi vã về "tôn trọng". Tùng cầm con dao nhưng không đâm người ; nhưng Tùng bị xử như là một người lớn và kết án 25 năm tù. Sau khi Tùng ở tù được 18 năm, Thống đốc Jerry Brown cứu xét lại nội vụ và trả tự do vì "cải tạo vượt bực".

Từ khi đó, Tùng đã trở thành một trong những thiện nguyện viên giúp đỡ những thanh niên trong cộng đồng. Năm 2014, Tùng lập gia đình. Năm nay, Sáng Hội Open Society đã trao tặng Tùng Soros Justice Fellowship, vinh danh "một nhân vật nổi trội" đã cố gắng cải thiện hệ thống công lý hình sự Hoa Kỳ. Tùng nói : "Tôi không muốn có con vì tôi không thể sống nổi nếu bất cứ một ngày nào đó, họ đến và đem tôi đi. Đây là cuộc đời của tôi ; đây là nhà tôi".

Cựu Đại sứ Ted Osius của Hoa Kỳ ở Hà Nội gọi tân chính sách này là "đáng khinh bỉ" và kỳ thị sắc tộc. Ông nói : "Theo tôi, thật là bi thảm và hoàn toàn không xứng đáng với Hoa Kỳ. Rằng chúng tôi đối xử với người ta như thế này, đây là những người đã vào phe với chúng ta trong cuộc chiến và con cháu của các quân nhân của chúng ta".

Đại sứ Osius muốn nói đến những người như Robert Huỳnh. Huỳnh là con trai của một quân nhân Hoa Kỳ, tuy chưa bao giờ gặp cha. Mẹ Huỳnh người Việt. Năm 1984, chín năm sau khi người lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam, cậu bé Huỳnh mới 14 tuổi đến Louisville với mẹ, anh và chị em cùng mẹ khác cha theo chương trình Amerasian. Ngày nay, 48 tuổi, với một con trai và hai cháu trai, Huỳnh đang có triển vọng bị trục xuất về Việt Nam.

Huỳnh có tiền án. Thời đôi mươi, Huỳnh bị gần ba năm tù vì buôn lậu ectasy. Mới đây Huỳnh bị một năm treo bằng vì say rượu lái xe và bị một án treo nữa vì tổ chức một phòng chơi slot machine lậu với cô bạn ở Texas. Huỳnh công nhận đã có lỗi lầm nhưng đã chịu án và đang tìm cách xây dựng lại cuộc đời. Nay anh có triển vọng mất hết. Trả lời tờ Post từ Houston, Huỳnh nói : "Mẹ tôi năm nay đã 83 tuổi, và tôi muốn gần bà khi bà qua đời. Tôi không có ai thân thích ở Việt Nam. Đời tôi là ở Hoa Kỳ".

Như chúng ta biết, tất cả những thuyền nhân, di dân Việt Nam khi đến Hoa Kỳ được phát thẻ xanh, nhưng một số khá nhiều – như Huỳnh – thiếu giáo dục, thiếu khả năng ngôn ngữ, hay trợ giúp pháp lý để xin nhập tich. Nay họ phải trả cái giá rất đắt.

Chính phủ Trump, trong một chính sách của Cố vấn Stephen Miller đã tìm cách diễn dịch lại thỏa thuận năm 2008 giữa chính phủ của Tổng thống George W. Bush và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam – theo đó những người Việt đến Hoa Kỳ trước khi hai quốc gia thiết lập bang giao năm 1995 sẽ "không bị phải trả về". Nay Tòa Bạch Ốc bảo là không miễn trục xuất cho những người không phải là công dân đã can án.

Những người chỉ trích cáo buộc chính phủ Trump là đã bội ước thỏa thuận năm 2008. Bộ Ngoại giao bác bỏ, dẫn một lời trong thỏa thuận chỉ ra là hai bên tôn trọng lập trường pháp lý của nhau đối với những người đến trước năm 1995. Bộ Ngoại giao nói : "Lập trường của Hoa Kỳ là mỗi quốc gia có một trách nhiệm pháp lý quốc tế nhận những công dân mà một quốc gia khác muốn đưa đi, đuổi đi hay trục xuất". Bộ cũng từ chối nói đến trường hợp đặc thù của Việt Nam. Ông Brendan Raedy của cơ quan ICE thì nói là việc trục xuất tập trung vào "những cá nhân có hại cho an ninh quốc gia, an toàn công cộng và an toàn biên giới".

Nhưng những người gốc Việt này nào có phải là "những cá nhân có hại cho an ninh quốc gia, an toàn công cộng và an ninh biên giới". Hơn thế, Hà Nội không muốn nhận những người này vì họ không coi những người này là công dân của họ. Đây là những công dân của Việt Nam Cộng Hòa, công dân của một quốc gia không còn nữa.

Vả lại như cựu Đại sứ Ted Osius giải thích : "Đa số những người đang bị nhắm vào để trục xuất – một số vì những tội vặt – là những người tị nạn chiến tranh đã về phe với Hoa Kỳ. Và họ nay bị phải ‘trở về’ nhiều thập niên sau cho một quốc gia cai trị bởi một chế độ cộng sản mà họ chưa bao giờ chịu hòa giải".

Đã có 11 người trong số này bị trục xuất về Việt Nam, nơi họ bị công an theo dõi và nghi ngờ vì họ là con dân "ngụy". Họ không làm sao có được hộ khẩu để có thể có giấy "chứng minh nhân dân" cho một cuộc sống bình thường.

Huỳnh sau cùng đã đoàn tụ được với gia đình Mỹ của mình năm 2016 sau khi thử DNA đã khiến anh tìm thấy người cha James A. Falls. Tin nửa vui nửa buồn. Huỳnh khám phá ra là người cha mà anh suốt đời mơ ước đã chết trong một tai nạn xe hơi năm anh mới 4 tuổi. Nhưng đã gặp một người anh và một người em gái cùng cha khác mẹ và hai bà em của bố hiện nay sống gần anh ở Houston. Anh nói hai bà cô rất thương anh và không thể tưởng tượng là phải rời bỏ toàn gia đình mình vào lúc này.

Ông Tom Malinowsky, thứ trưởng ngoại giao phụ trách dân chủ, nhân quyền và lao động dưới thời chính phủ Obama, có lẽ đã nói lên sự phi lý của hành động của chính phủ, ông nói : "Trong nhiều năm, Hoa Kỳ là quốc gia đã giúp những người này bỏ trốn sự đàn áp của cộng sản ở Việt Nam. Nay, chúng ta đang buộc những họ phải trở lại với cuộc sống đó và yêu cầu chính quyền ở Việt Nam đồng lõa với việc đó".

Và tôi vẫn không hiểu nổi tại sao chính phủ Hoa Kỳ, mà còn biết bao ưu tiên trong vấn đề di dân, kể cả nhiều triệu người di dân bất hợp pháp, lại phải tốn công tìm đủ mọi cách để trục xuất chỉ vỏn vẹn có hơn 8.000 người vốn thực sự không bao giờ có ý định làm hại nước Mỹ. 

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 15/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 638 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)