Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/12/2018

Việt Nam và Campuchia 1975-1978 : Đánh giá sai về nhau ?

Kosal Path

Sau khi Việt Nam thống nhất dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản năm 1975, Việt Nam đương đầu với hai mặt trận xung đột với láng giềng, Trung Quốc và Campuchia.

kampu1

Tù binh Campuchia, ảnh chụp tháng 8/1978

Hai nước này lập một liên minh chống Việt Nam, nhắc người ta nhớ tới chiến lược của Trung Hoa cổ xưa dùng liên minh với Champa để kiềm chế Việt Nam từ phía bắc và tây nam.

Bên cạnh đe dọa an ninh bên ngoài này, Việt Nam đối mặt khủng hoảng kinh tế xấu đi sau 1975 - do tâm lý phụ thuộc viện trợ trong thời chiến và tính chất kế hoạch hóa tập trung nhà nước của kinh tế Việt Nam, còn bị ảnh hưởng vì mất viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc và Liên Xô.

Nhìn lại, chiến thắng quân sự quyết định của Việt Nam năm 1975 và cái nhìn của Hà Nội về tầm quan trọng địa chính trị hậu chiến của Việt Nam đã nuôi dưỡng sự tự tin quá mức vào tư duy của ban lãnh đạo cộng sản, khiến họ đánh giá thấp thực tế kinh tế khó khăn và phóng đại tầm quan trọng kinh tế của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

Quản lý kinh tế kém cộng với phung phí tài nguyên và thiết bị, trong khi hàng hóa tiêu thụ và cung ứng thực phẩm lại đi xuống trong những năm 1976-78. Ví dụ, Việt Nam nhập gần 150.000 máy kéo, hơn 130.000 xe vận tải hạng nặng, và 2.000 máy xay gạo trong kế hoạch năm năm 1976-1980 nhưng nhiều món đồ không được sử dụng.

Bên cạnh hậu quả tiêu cực của cuộc chiến dai dẳng, gần 3 triệu người thất nghiệp ở miền Nam ; mại dâm, ma túy, tội phạm và các thành phần chống cộng từ thời chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phổ biến ở các đô thị miền Nam. Trong nửa đầu năm 1977, Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu xã hội thực thi chiến dịch kép "đồng thời thi đua xã hội chủ nghĩa, lao động sản xuất và tiết kiệm".

kampu2

Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh ngày 17/4/1975, và còn cầm quyền ở Campuchia đến năm 1979

Cái nhìn của Khmer Đỏ

Mặc dù Liên Xô ủng hộ Việt Nam, ban lãnh đạo nhà nước Campuchia Dân chủ xem Việt Nam là một quốc gia chìm đắm trong các vấn đề kinh tế xã hội, ngại chiến tranh - những suy nghĩ này khuyến khích Campuchia có hành vi gây hấn với Việt Nam sau 1975.

Các sổ tay ghi chép của cán bộ Campuchia Dân chủ cho thấy bộ máy tuyên truyền của Campuchia có hiệu quả. Bất chấp thất bại quân sự, lãnh đạo Campuchia vẫn thuyết phục các cán bộ của họ rằng họ đang chiến thắng trước Việt Nam.

Một cựu viên chức Khmer Đỏ viết trong sổ tay năm 1978 : "Chúng ta sẽ chiến đấu chống Việt Nam cho đến khi chúng từ bỏ tham vọng chiếm nước ta". Trong các cuốn sổ mà chính trị viên Khmer Đỏ dùng để tuyên truyền chính trị cho quân lính, các câu hỏi và trả lời dễ dãi được lặp lại và truyền bá rộng rãi trong đảng và quân đội : Tại sao chúng ta chiến đấu chống bọn Yuon (từ khinh miệt chỉ người Việt) ? Liệu ta có thể thắng trong cuộc chiến ? Mỗi cán bộ Khmer Đỏ được tuyên truyền để có quan điểm đơn nhất rằng "nếu ta không chiến đấu, bọn Việt Nam sẽ nuốt chửng tổ quốc". Một đường hướng thứ hai trong tuyên truyền mạnh mẽ với quần chúng và quân đội, được đẩy mạnh vào năm 1978, là "Việt Nam đang tiến hành diệt chủng" chống người Khmer Krom (ở miền Nam Việt Nam).

Mảng thứ ba trong tuyên truyền chống Việt Nam là người Việt mưu mô không thể tin được và mọi thương lượng với người Việt đều chỉ là trò lừa để Việt Nam kéo dài thời gian nhằm xâm chiếm Campuchia. Hành vi tham chiến và từ chối thương lượng tìm giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ của Khmer Đỏ khiến lãnh đạo Việt Nam tức giận.

Tâm thế bị bao vây khiến Khmer Đỏ sử dụng chiến lược "công là thủ", là đặc trưng của các vụ tấn công của Khmer Đỏ vào Việt Nam từ giữa 1977 đến 1978.

Do chiến tranh phòng thủ là lựa chọn duy nhất để đối phó "vấn đề Việt Nam", lãnh đạo Khmer Đỏ tự thuyết phục mình rằng họ sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến kéo dằng dai với Việt Nam.

Theo họ, Việt Nam mới thống nhất dưới Đảng Cộng sản Việt Nam sau 1975 gặp nhiều thách thức trong nước, "khó khăn hơn Campuchia Dân chủ gấp 10".

- 1975 : Khmer Đỏ của Pol Pot đánh bại Lon Nol, chiếm Phnom Penh

- 1976 : Khieu Samphan làm chủ tịch nước, Pol Pot thủ tướng

- 977 : Thanh trừng ở Campuchia. Khmer Đỏ tấn công vùng biên giới Việt Nam

- 1978 : Campuchia từ chối thương lượng với Việt Nam

- 1979 : Quân Việt Nam tiến vào Campuchia, chiếm Phnom Penh ngày 7/1

- 1989 : Quân Việt Nam rút khỏi Campuchia

Có thể kể khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, thiếu thực phẩm, vũ khí, chia rẽ Bắc - Nam, sự kháng cự mạnh mẽ của người Khmer Krom và Fulro. Theo một sĩ quan tình báo quân đội Khmer Đỏ hoạt động với Fulro, Khmer Đỏ dự định đào tạo và viện trợ một trung đoàn khoảng 4.000 đến 5.000 lính Fulro chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam ở miền Nam Việt Nam, được tổ chức thành năm cấp độ từ S-1 (Trung đội, 30 lính) đến S-5 (cỡ Quân khu). Lính cách mạng Khmer được tin tưởng là hơn hẳn lính Việt Nam về sự dũng cảm, tinh thần cách mạng và không thể mua chuộc.

Một viên chức Khmer Đỏ nói một lính Khmer Đỏ có thể giết từ 30 đến 50 lính Việt Nam, và rằng lính Việt Nam "sợ hãi" lính Khmer Đỏ. Từ tháng 4/1977 đến tháng 4/1978, Khmer Đỏ tự nhận đã giết và làm bị thương 29.000 lính Việt Nam.

Lãnh đạo Khmer Đỏ thuyết phục cán bộ tin rằng chiến tranh với Việt Nam đã giúp họ tìm ra "những người Khmer có đầu óc Việt Nam", tức kẻ thù bên trong đảng và quân đội. Chính thể đã thanh lọc hàng chục ngàn người phản bội - thật hay giả - bên trong đảng và quân đội vào thời điểm họ gặp thất bại trên chiến trường năm 1978.

Việt Nam phản ứng

Các cuôc tấn công của Khmer Đỏ vào Việt Nam, giết chóc dân thường Việt Nam dọc biên giới khiến Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đảo ngược xu hướng dần dịch chuyển quân đội sang các khu vực kinh tế. Năm 1977, quân đội dự tính chuyển 20.000 lính, nhưng chỉ có 4.300 người quay về công việc dân sự vào giữa năm 1977. Trong nửa cuối năm 1977, Quân khu 7, Quân khu 9, Quân đoàn 3 và 4 được điều động phản công chống Khmer Đỏ.

kampu3

Xe tăng Việt Nam, ảnh chụp 1979

Nhưng trước đó, khi Khmer Đỏ ban đầu tấn công từ 1975 đến giữa 1977, quân đội Việt Nam kém chủ động, và thậm chí đánh giá thấp ý chí của Khmer Đỏ định mở cuộc chiến xâm lược chống Việt Nam. Vì vậy, các lực lượng địa phương quân Việt Nam kém cảnh giác và chuẩn bị ; việc điều động quân bị chậm. Đây là nội dung của một đánh giá gửi Trung ương Đảng tháng 8/1977 của tướng Chu Huy Mân, Phó Bí thư, Thường vụ Quân ủy Trung ương. Nó dẫn tới đợt đầu điều động binh lính và chuẩn bị chiến tranh, đặc biệt dọc đường biên giới trên bộ và các đảo tây nam.

Ngày 23/12/1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt vấn đề chiến tranh chống Khmer Đỏ tại kỳ họp thứ tư, khóa VI của Quốc hội.

Bài phát biểu về Phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 1976-1980 của ông Đồng nhằm thuyết phục các đồng chí rằng sự ủng hộ tuyệt đối của Liên Xô, qua văn bản ký tháng 11/1978, sẽ bảo đảm cho Việt Nam lật đổ chính quyền Pol Pot ở Campuchia và ngăn không để Trung Quốc xâm lược Việt Nam.

Ông Đồng bảo đảm rằng Hiệp định Việt - Xô 1978 khác với hiệp định Xô - Trung 1950 hay hiệp định Mỹ - Nhật 1951. Rằng hiệp định này không chỉ là cùng hỗ trợ quốc phòng mà đầy đủ hơn, nó sẽ giúp Việt Nam phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chống bành trướng Bắc Kinh.

Trước khi quân đội Việt Nam tấn công vào Campuchia, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc nhở các đồng chí rằng vấn đề Campuchia là "quan trọng nhất" cho Việt Nam, rằng nó gồm hai vấn đề. Thứ nhất, đây là vấn đề chiến tranh gây ra bởi chính thể Pol Pot - Ieng Sary có Trung Quốc đứng sau lưng, và những tội ác chúng gây ra với nhân dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Thứ hai, đây còn là vấn đề chính trị vì nó liên quan "độc lập quốc gia và cách mạng Campuchia" ; đây là vấn đề nội bộ mà Campuchia phải giải quyết.

Liên quan vai trò Việt Nam trong cách mạng Campuchia, ông Đồng nhấn mạnh "sự ủng hộ quyết định của Việt Nam cho mặt trận cách mạng Campuchia và chính phủ độc lập" sau khi Việt Nam giúp lật đổ chính thể Pol Pot-Ieng Sary.

kampu4

Bộ đội Việt Nam ở tỉnh An Giang, ngày 1/1/1979

Cuộc chơi đại quyền lực

Khmer Đỏ đánh giá sai lầm về quyết tâm quân sự của Việt Nam do đã suy diễn quá mức về những khó khăn nội bộ của Việt Nam. Còn lãnh đạo Việt Nam cũng diễn giải sai ý định của Trung Quốc, đánh giá thấp quyết tâm quân sự của Bắc Kinh khi nhìn vào khó khăn kinh tế và đấu tranh quyền lực ở Trung Quốc sau Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông.

Rốt cuộc cả Trung Quốc và Liên Xô đều không gửi bộ binh để bảo vệ các đồng minh trong cuộc chiến này. Có thể xem cả Campuchia và Việt Nam là những con tốt trong cuộc chơi đại quyền lực.

Kosal Path

Nguồn : BBC, 15/12/2018

Kosal Path, tiến sĩ người Campuchia, hiện là nhà nghiên cứu tại Brooklyn College, Hoa Kỳ, đang viết cuốn sách về quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Quay lại trang chủ
Read 755 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)