Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/12/2018

Tụi nó muốn bóp cổ tao đây mà

Ánh Liên & Nhóm phóng viên

Phẫn nộ : Chính quyền vắt kiệt sức dân bằng thuế phí ! (VNTB, 26/12/2018)

Vừa qua, Bộ Tài chính cho hay việc đề nghị các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải ngày 26/11/2018 của Bộ Tài chính là xuất phát từ kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai và Hà Nội. 

thue1

Chính quyền vắt kiệt sức dân bằng thuế phí ! - Ảnh minh họa

Tuyên bố này gây ra nhiều tranh cãi, ngay sau đó báo điện VNN vào cuộc làm rõ, hóa ra ‘đúng là có việc cử tri Lào Cai kiến nghị về thu phí đối với khí thải. Thế nhưng cử tri Lào Cai chỉ kiến nghị thu phí đối với khí thải công nghiệp’. Thế nhưng, khi Bộ Tài chính tiếp nhận, thì đã loại bỏ chữ công nghiệp, và kiến nghị của cử tri Lào Cai đã trở thành một kiến nghị thuế phí mới, với đối tượng, phạm vi áp dụng rộng rãi hơn.

Chưa bao giờ, người ta nhận thấy Bộ Tài chính lại ‘năng nổ’ trong tiếp nhận và triển khai kiến nghị của cử tri đến thế. Nhưng sự năng nổ này lại áp dụng khi cử tri muốn ‘tăng’ thay vì giảm. Có quá nhiều lý do để giải thích cho sự việc này, và một trong số đó là : ngân khố trong tình trạng suy kiệt. Và thay vì giải quyết triệt để vấn đề thâm thủng ngân sách theo hướng siết chặt chi tiêu cơ bản, minh bạch hóa ngân sách, chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công thì ngược lại, tiến hành đẻ các loại thuế phí (đặc biệt là thuế gián thu) để bổ sung ngân sách.

Đó là lý do vì sao rất nhiều Facebooker bày tỏ sự phẫn nộ, Facebooker Nguyễn Đăng Giang cho biết, việc lắng nghe cử tri là điều cần làm, nhưng lắng nghe phải cho đúng, cho đủ, thay vì cố tình xuyên tạc lời người dân. Còn Facebooker Ngan Cao Trọng phải thừa nhận trong một phản hồi liên quan đến tin tức trên rằng : giữ túi tiền quốc gia nhưng không quản lý được thì chỉ còn biết đè dân đen ra thu chứ biết làm gì nữa. Chỉ một tỉnh miền núi Lào Cai có là đại diện cho 63 tỉnh thành cả nước không ? Và đặc biệt là tỉnh miền núi nên không phải là tỉnh có tỉ lệ xe quá cao so với các tỉnh thành cả nước.

Ngoài ra, liệu có đáng phẫn nộ hay không khi mà đã có thuế bảo vệ môi trường, giờ đây lại có phí môi trường ? Có sự khác nhau gì ngoài cái tên và bản chất bóc lột đồng tiền của người dân ?

Nhưng tại sao một số cơ quan nhà nước lại tìm cách lắp-ghép quan điểm của người dân theo ý mình ? Câu trả lời là vì, bấy lâu nay không có công cụ nào để kiểm tra và giám sát việc làm của họ, và họ dựa vào tính quyền lực (thông qua cưỡng chế) nhà nước và bộ máy truyền thông khổng lồ để ‘nhân danh nhân dân’ và ‘bóc lột nhân dân’.

Điều mà Bộ Tài chính không hề nghĩ tới (dù họ bỏ qua sự liêm sỉ) là, người dân đã khôn ngoan hơn xưa, đã có mạng xã hội để họ nhận diện phát ngôn và hành động thực của từng ‘IQ cao’. Thế nên, họ mới phát hiện ra bà lãnh đạo Bộ Tài chính đánh tráo khái niệm nhằm đạt được mục tiêu. Một trạng thái mà dân gian ví đó là ‘hở ra là đớp’, hay theo ngôn ngữ chính trị của bà Phó Chủ tịch nước thì ‘ăn của dân không từ một cái gì’.

Đặt vấn đề, giả như ngay cả khi người dân muốn có thuế phí đối với khí thải, thì người dân cũng mong muốn nó được áp dụng đúng, đủ và đầy. Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong các loại thuế phí, thì thuế phí môi trường được coi là loại vô dụng nhất, bởi nó không trợ giúp kiểm soát môi trường cho cộng đồng dân sinh, mà là nguồn để bổ túc cho các nguồn chi khác, nói chính xác là thu chi sai mục đích. Trong khi đó, tình hình ô nhiễm môi trường Việt Nam bởi các hoạt động công nghiệp, đô thị hóa đang 'tăng trưởng' nhanh chóng. Nói cách khác, môi trường Việt Nam đang bị bán rẻ đến mức rẻ mạt, những nhà máy nhiệt điện vẫn cứ xả thải vô tội vạ ; những khu công nghiệp vẫn phun khói độc và dòng thải chưa qua xử lý vào lòng đất, song và biển,… Tuyệt nhiên, không bao giờ thấy tác dụng của nguồn thuế bảo vệ môi trường nào xuất hiện. Trong khi bản thân người dân bị bóc lột đến mức ‘phí chồng phí, thuế chồng thuế’. 

Trong một báo cáo vào đầu năm 2018, tổ chức phi chính phủ - Green ID, cho biết 91% số ngày trong 3 tháng đầu năm 2018, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ánh Liên

*******************

‘Tụi nó đ. thèm bóp vú tao đâu, tụi nó muốn bóp cổ tao đây mà’ (VNTB, 26/12/2018)

Trong thời gian thực hiện loạt bài ghi nhận ý kiến người buôn gánh bán bưng, xe ôm trước việc họ phải đối mặt thêm sắc thuế khoán trong năm 2019, Nhóm phóng viên VNTB còn nhận ra chuyện người nghèo buôn bán không chỉ phải đóng các khoản hụi chết cho lực lượng quản lý đô thị nhằm mua lấy sự yên ổn buôn bán, mà người nghèo còn vướng vào bẫy nợ của tín dụng đen. Đây sẽ là khoản hao hụt sở hụi trong doanh thu mà ngành thuế khó thể tính khi muốn khoán thuế.

bopco1

Cán bộ thuế thử nghèo đi thì mới hiểu…

Với cái mẹt bày hành, tỏi, ớt bán trước khoảng sân rộng của chợ Hanh Thông Tây, quận Gò Vấp, bà Tám Bảnh đã bất ngờ nổi nóng chửi đổng khi Nhóm phóng viên VNTB đi ghi nhận ý kiến của người buôn gánh bán bưng về việc nhà nước tính thu thuế khoán với họ trong năm 2019.

"Đ. con m. bà nó. Tao bán hành tỏi ế thấy mụ nội, đã vậy còn bị mấy thằng trật tự phường đuổi chạy muốn rả cặp giò, giờ lại đè tao ra mà oánh thuế nữa hả ? Thằng con tao nói mấy trạm bốt gì đó (ý bà muốn nói đến trạm thu phí giao thông đường bộ BOT) ỷ có mấy thằng chống lưng, rồi tác oai tác quái. Cái gì, bộ tài chánh thu thuế hả ? Tao già rồi, tụi nó đ. thèm bóp vú tao đâu, tụi nó muốn bóp cổ tao đây mà… Đồ ch. chết !". Bà Tám chửi khá thô tục.

Ông Nguyễn Đức, bán quần áo sida trước cổng chợ Hanh Thông Tây, kể gia đình bà Tám Bảnh vốn đâu phải nghèo hèn gì. Hồi xưa, má của bà từng nuôi giấu cán bộ. Sau này khi đất đai quy hoạch, cả nhà bà Tám Bảnh bị đền bù giá rẻ mạt rồi tống ra đường. Con cái của bà tứ tán. Bà Tám bắt đầu chửi chế độ từ đó.

"Cán bộ thuế có ai nghèo đâu mà biết bà Tám hay tụi tui cực khổ buôn bán thế nào. Mà cũng đúng, nghèo thì làm sao có tiền để lo chạy một suất vào làm cán bộ thuế. Xóm tui có cậu kia kể để được nhận vào làm quản lý đô thị quận, cậu phải lo lót mấy chục triệu bạc mua cái bằng cấp về ngành xây dựng, sau đó là chung chi để vào làm nhân viên quản lý đô thị, chuyên đi rảo xóm để kiếm chuyện phạt…

Bán quần áo dạo như tui cũng bị mấy cậu đó bắt phạt. Muốn yên thì phải trà nước. Giờ nếu tụi tui đóng cho mấy ổng thêm thuế khoán gì đó như nhà báo hỏi, chắc đành bóp bụng chi thêm chút đỉnh nữa để khỏi đóng thuế…". Ông Nguyễn Đức tâm sự.

Một cậu sinh viên bày hàng loa vi tính, quạt máy xài USB, con chuột, đèn, tai nghe, bàn phím…, góp chuyện rằng chính sách thuế hiện nay đang đánh đồng giữa "doanh thu" và "thu nhập" đối với người kinh doanh.

"Hầu hết các hộ kinh doanh đang sử dụng mặt bằng thuê lại, cơn sốt nhà đất đã đẩy giá thuê măt bằng tại thành phố lên cao. Một quán cóc bình thường thì giá thuê mặt bằng đã trên 10 triệu đồng/ tháng, giả sử doanh thu của họ ở mức 10 triệu đồng/ tháng, tức 120 triệu đồng/ năm, có nghĩa là đang chịu lỗ vì mới đủ tiền thuê, song theo quy định hiện nay vẫn phải đóng thuế như thường. Thế nên đa số các hộ kinh doanh cá thể phải lách thuế bằng nhiều cách, tiêu cực cũng phát sinh từ đó". Cậu sinh viên tự giới thiệu tên Nguyễn Tùng, khoa công nghệ thông tin một trường đại học, nhận xét với Nhóm phóng viên VNTB.

Tín dụng đen : 10 triệu bạc doanh thu chỉ đủ đóng tiền lãi vay !

Ông N.H.Đ, một cựu sĩ quan, hiện làm bảo vệ một ngôi chợ gần doanh trại quân đội ở quận 12, Sài Gòn cho biết đừng nghĩ doanh thu một gánh bún riêu 10 triệu đồng/tháng là cao.

"Một tô bún riêu bình dân bán buổi chiều ở chợ dành cho người lao động nghèo chỉ có 15 ngàn đồng. Lời chừng 1.000 đồng/ tô. Để có doanh số 10 triệu bạc/ tháng, có nghĩa mỗi ngày phải bán đến hơn 300 tô. Không hề dễ. Số vốn ban đầu để sắm sửa ra nghề, nhiều khi là đi vay. Lãi vay này đâu có nhẹ…". Ông N.H.Đ dè dặt kể.

"Tôi chính là một nạn nhân khi đứng ra vay dùm cho một gia đình nghèo khó muốn có gánh bún riêu mưu sinh. Lần đó, vay 10 triệu để sắm sửa nồi niêu, bàn ghế và những khoản tiền ban đầu trà nước cho địa phương. Lệ thường ở chợ, lãi suất chỗ nào quen thì khoảng 5.000 đồng/triệu/ngày, chỗ không quen khoảng 7.000 đồng/triệu/ngày. Mới đầu buôn bán thì làm sao lời được. Lãi mẹ đẻ lãi con. Đứt vốn. Rốt cuộc số tiền đó lên gần 40 triệu…". Ông N.H.Đ nói rằng bận ấy để mua lấy sự yên ổn, ông đành chạy vạy người thân để gom đủ số bạc 40 triệu trả dứt nợ một lần.

"Coi như mình làm phước cho bà bún riêu. Nhưng chắc cán bộ thuế thì không biết điều đó. Họ cứ xé biên lai hoa chi đều đặn. Giờ mà họ tính thu thuế khoán bà bán bún riêu, chắc tui đành treo nợ cho bả, chứ sao đành…". Ông N.H.Đ thở dài cam chịu.

Ông Đ. tâm sự vợ của ông từng có một xe đẩy bề thế bán cơm cho công nhân. Để có vốn sắm sửa bàn ghế, chén dĩa và mướn mặt bằng rộng rãi hơn, ông đã chọn vay qua mối quan hệ quen biết hồi còn là sĩ quan quân đội.

"Ngặt còn ở chỗ lúc vay tiền mở mang chỗ bán, mấy ông thuế địa phương tưởng vợ tôi làm ăn khấm khá hơn nên đòi tăng tiền tháng…

Giờ nghe nhà báo hỏi vụ thuế khoán, nhớ hồi vay nợ đó, tôi thấy dường như mấy ông quan chức trên bộ tài chính không giống sĩ quan tụi tôi là phải đi dần từ thằng lính leo lên. Khoán thuế với người buôn gánh bán bưng, với xe ôm nơi đầu hẻm… cần nhớ rằng tiền vốn lận lưng ban đầu của họ cơ cực lắm. Nhiều khi đánh đổi bằng máu theo đúng nghĩa đen.

Nói nhà báo thương, tôi là đảng viên. Tôi thấy nhục khi đảng của mình giờ đây cứ chăm chăm tìm cách hút máu dân. Chuyện hăm he thuế khoán với dân nghèo khó mưu sinh, tôi nghĩ nếu thực sự vì lý tưởng cao đẹp của người cộng sản chân chính, thì không chỉ miễn thuế cho họ, mà cần giúp đỡ họ đồng vốn cũng như các chính sách an sinh xã hội khác.

Cũng thú thiệt với nhà báo, lần nào họp chi bộ, tôi cũng muốn nói thẳng rằng khi người yếu kém và thiếu trách nhiệm ngồi nhầm chỗ, cả một guồng máy sẽ đình trệ và người tài cũng rồi cũng hỏng hóc…". Ông N.H.Đ chia sẻ đầy uất ức.

Tạm kết

Trong nỗi niềm dồn nén của người đã cùng Nhóm phóng viên VNTB thực hiện loạt bài ghi nhận chủ đề thuế khoán sẽ đánh vào người nghèo buôn gánh, bán bưng, nhà báo P.V.P đã đầy phẫn nộ chấp bút cho phần kết của bài viết này : Không ngày nào trong cả năm qua mà không đọc thấy một hay vài ba mẩu tin nào đó cho thấy họ len lỏi vào tâm trí chúng ta, đòi kiểm soát tư tưởng và phát biểu ; họ nhòm ngó túi tiền của chúng ta, tính chuyện bóp nặn bòn rút ; họ ngắm nghía đo lường tài nguyên để tính chuyện bán sỉ, bán lẻ chia nhau ; họ bán sạch mọi tài sản mà họ nắm trong tay ; khi hết cái để bán, họ bán nốt quyền xả thải gây ô nhiễm và bảo đảm cho doanh nghiệp ô nhiễm ấy không bị dân chúng phản đối.

"Họ là ai" ?

Nhóm phóng viên

*****************

Nhăm nhe đánh thuế xe ôm, quán cóc (VNTB, 25/12/2018)

"Buôn bán có đồng ra, đồng vô, tôi hiểu cần phải đóng thuế. Nhưng chuyện khoán số tiền thuế phải đóng là điều bất hợp lý. Ngoài ra người dân đã nộp đủ thứ thuế thì họ phải được hưởng lợi ích an sinh tương ứng từ đồng thuế đó ! Ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa không thể là cứ đè dân ra mà vắt cổ chày ra nước (1)".

bopco2

Ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa không thể là cứ đè dân ra mà vắt cổ chày ra nước

Thầy giáo Trần Tiến Sĩ đã bày tỏ như vậy khi quán cà phê cóc mà gia đình thầy mở cạnh bên trường tiểu học ở quận 5 đang được chi cục thuế nơi đây nhăm nhe đánh thuế.

Trong dịp gặp gỡ mừng lễ Giáng sinh ở quán nhậu lề đường, nhóm bạn là giáo viên đã nhận được câu hỏi từ các phóng viên Việt Nam Thời Báo, về ý kiến ra sao trước thời sự ngành thuế sẽ khoán thuế đối với những người buôn gánh, bán bưng trên hè phố, trong ngóc ngách xóm hẻm, những bác tài xe ôm ‘truyền thống’ ở đầu đường, xó chợ ?

Thầy giáo Trần Tiến Sĩ kể rằng học trò nơi ông dạy, hầu hết là từ xóm nghèo Mã Lạng nổi tiếng du dãng, xì ke ma túy của quận 1. Ngoài giờ đến lớp, học trò của thầy Sĩ phải dành thời gian phụ cha mẹ làm đủ thứ nghề mưu sinh. Đồng tiền cho cơm gạo, cho áo quần, tập vở với các em này là chưa bao giờ dễ dàng… "Tôi đã bật cười khi đọc báo thấy đăng có mấy quan chức, cán bộ khoe ngoài giờ làm đã chạy xe ôm, bán chổi đót hoặc nuôi heo dành dụm tiền xây biệt phủ. Chắc mấy bác ngành thuế thấy vậy tin thiệt nên tính chuyện thu thuế xe ôm, bán vỉa hè để tránh bỏ sót ?". Thầy Sĩ mỉa mai nói.

Là giáo viên dạy văn vừa nghỉ hưu, cô giáo Nguyễn Thị Tiến kể ở khu chung cư quận 10 nơi cô ở, học trò khi đi học về là phụ gia đình ra vỉa hè xung quanh đó để bán hàng rong, như bán bánh tráng trộn, chè bịch, hột vịt lộn… "Gia đình các em cả chục miệng ăn, nhiều khi chỉ sống vào những gánh hàng chạy chợ đó. Mua món hàng về bán là đã một lần đóng thuế giá trị gia tăng. Để có chỗ bán bên lề vỉa hè không bị quản lý đô thị đuổi lên đuổi xuống, là phải biết điều nộp tiền ít hay nhiều tùy vào… lương tâm của các viên chức ấy. Tôi không biết cán bộ thuế khi áp mức thuế khoán, có gia trừ tình cảnh đó hay không ?". Cô Tiến thắc mắc.

Giáo viên dạy môn địa cấp 2, cô Nguyễn Thu Dung lập luận : "Bài học ở lớp từng giảng cho học trò về thời thực dân Pháp bóc lột người lao động nghèo xứ An Nam bằng loại thuế khoán, còn gọi là thuế trọn gói, thuế theo đầu người, một loại thuế có giá trị cố định đánh vào tất cả các cá nhân. Loại thuế này buộc mỗi cá nhân phải nộp cho chính phủ một khoản tiền như nhau, không phân biệt khả năng thu nhập, tích lũy, tiêu dùng... của họ. Thuế thân hay còn gọi là thuế đinh ở Việt Nam đánh trên mỗi nam giới trưởng thành trước đây chính là một sắc thuế khoán.

Dĩ nhiên tôi cũng giảng cho học trò rằng thuế khoán không gây ra sự thay đổi về giá cả tương đối giữa các sản phẩm, nên nó có hiệu quả kinh tế hơn so với các loại thuế khác, vì để chính phủ thu được một số tiền thuế bằng nhau, thì thuế khoán sẽ làm độ thỏa dụng của tất cả các cá nhân giảm đi ít hơn so với các loại thuế khác.

Tôi hiểu là nhà nước sẽ xét doanh thu tính thuế khoán đối với cá nhân nộp thuế, trong đó khoán là doanh thu được ổn định trong một năm. Tuy nhiên như ý kiến của thầy Sĩ, của cô Tiến, chúng ta làm sao xác định đúng mức doanh thu bình quân có chiết trừ gia cảnh của người nghèo buôn gánh bán bưng, của đồng tiền chạy xe ôm thất thường còn đến từ sức khỏe của bác tài ?".

Luật gia Nguyễn Cao, người từng có thời gian là thầy giáo môn toán của trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, tiếp lời bằng một dẫn chứng : "Vấn đề của cô Tiến, cô Dung đặt ra sẽ được cán bộ thuế trả lời rằng trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu khoán, không nộp hồ sơ khai thuế hoặc doanh thu tính thuế khoán xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh, thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế… Thông tư 92 của Bộ Tài chính đã quy định như vậy.

Nghĩa là nếu mấy quan trên của Bộ Tài chính đã quyết vắt cổ chày ra nước, thì họ vẫn có cơ sở pháp lý để thực hiện. Chuyện công bằng an sinh như thầy Sĩ nêu, thực ra đó là một chính sách xa xỉ đối với chúng ta hôm nay. Cứ nhấp chuột vào trang đồng hồ nợ công của Việt Nam (2), sẽ nhận ra ngay mỗi người dân xứ mình đang phải è cổ gánh nợ hơn 56 triệu đồng/người ! Sống trong thấp thỏm nợ mà đòi hỏi an sinh là phù phiếm…".

Bà chủ quán nhậu mà nhóm những thầy cô giáo cùng với các phóng viên Việt Nam Thời Báo đang rôm rã luận bàn, bất ngờ xin góp chuyện. Bà nói mấy thầy cô toàn nói chuyện cao xa quá.

"Phải biết phận mình thôi, tụi em là dân vùng khác đến, người ta nói thế nào mình cũng phải chịu. Em chỉ mong sao các cấp trên quan tâm đến chị em bọn em. Bởi vì cùng là con người, vì điều kiện sống mà người ta mới phải ra đây. Tụi em đâu phải công dân hạng hai. Tụi em chỉ muốn làm ăn yên ổn, kiếm được đồng ra đồng vào cho con cái ăn học tử tế, không phải gánh đồng hồ nợ công gì đó.

Đừng phân biệt đối xử như vậy với tụi em. Tận thu, không để sót, quá sòng phẳng. Đồng ý, nhưng cần sòng phẳng luôn với dân trong việc công khai, minh bạch sử dụng tiền thuế... Chứ nghe nói mấy đại gia nhà mình ở thiên đường thuế gì ấy, sao mà bất công quá mấy thầy, cô ơi !".

Nhóm phóng viên

Chú thích :

(1) Cái chày ngày xưa thường dùng để giã gạo, bột, thuốc, tiêu, ớt... Người ta đẽo chày dài ngắn tùy theo cái cối lớn nhỏ và để đứng hay ngồi mà giã. Phần giữa thân chày được làm nhỏ cho vừa tay nắm. Việc giã thường khiến người giã tiết ra nhiều mồ hôi (do làm việt cật lực) toàn thân, và mồ hôi tuôn ra từ tay ngấm vào cổ chày.

Thân chày bằng gỗ đương nhiên không có nước, vậy thành ngữ "vắt cổ chày ra nước" là chỉ việc tận dụng triệt để đến cùng tận từ một việc, một vật, một vấn đề nào đó được phóng đại ám chỉ ai đó keo kiệt bủn xỉn không bao giờ phí bỏ một thứ gì... đến cái chày mà hắn còn vắt ra nước... Thành ngữ này ám chỉ kẻ bóc lột sức lao động của người khác, đến những giọt mồ hôi của người làm công giã gạo thấm vào thân chày mà giới cai trị còn cố vắt lấy không bỏ sót thì đủ thấy 5 chữ này đã lột tả hết sự nghiệt ngã, thân phận của người làm thuê như thế nào. 

(2) https://countrymeters.info/en/Vietnam/economy

Quay lại trang chủ
Read 941 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)