Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/12/2018

Nhà cầm quyền cướp tài sản Tòa Tổng Giám mục Hà Nội

JB Nguyễn Hữu Vinh

Vì sao nhà cầm quyền cướp tài sản Tòa Tổng Giám mục Hà Nội vào thời điểm này ?

Chính sách chiếm cướp theo định hướng : Ném đá giấu tay

Chuyện nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cướp chiếm đất đai, tài sản của giáo hội Công giáo là chuyện xưa nay vẫn cứ xảy ra theo một định hướng không thay đổi : Hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng, tầm hoạt động trong xã hội, sự phát triển và lòng tin của mọi người dân vào những giá trị và việc làm đạo đức, vì con người của Giáo hội Công giáo.

cuop1

Hình chụp hôm 7/5/2010 : người Công giáo mang biểu ngữ ủng hộ Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt ở Hà Nội AFP

Bởi một điều đơn giản nhất, là trong các tôn giáo hiện có ở Việt Nam, thì Công giáo là tổ chức tôn giáo mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam khó khăn nhất trong việc khuynh loát, lũng đoạn và lèo lái theo ý họ.

Những tôn giáo khác "ngoan ngoãn" chịu sự lãnh đạo của đảng vô thần, mọi việc được đảng "lãnh đạo tuyệt đối" như ở cái tổ chức Giáo hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay, thì luôn được ưu tiên đủ mọi cách, đủ mọi mặt từ đất đai, tài sản và nhiều thứ khác. Kể cả việc các tăng sĩ ngày càng đổ đốn theo định hướng của đảng trước con mắt người dân với muôn vàn tệ nạn trong các chùa chiền như ma túy, rượu chè, cờ bạc, gái trai… thậm chí buôn bán trẻ em, đủ cả. Nhưng tất cả được bao che, bao biện.

Việc chiếm cướp tài sản của Giáo hội Công giáo xảy ra từ lâu, đồng thời từ thời điểm Đảng cộng sản Việt Nam cướp được chinh quyền về tay mình tại Việt Nam. Thế nhưng, việc chiếm cướp đó diễn ra khốc liệt, tàn bạo hoặc tinh vi thì tùy theo từng thời điểm, hoàn cảnh từng lúc.

cuop2

Người Công giáo hát Thánh ca và mang biểu ngữ đòi công lý gần một tòa án ở Hà Nội hôm 27/3/2009. AFP

Nếu như năm 1961, Linh mục quản lý Tòa Tổng Giám mục Hà Nội Nguyễn Tùng Cương "được" nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gọi lên kê khai tài sản của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đang quản lý, để rồi sau đó, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trơ tráo trở mặt coi văn bản đó là "giao quyền vào tay nhà nước thống nhất quản lý", lấy cớ đó cho việc cướp chiếm sau này, thì những cơ sở tôn giáo như cơ sở Trường Tràng An, Tu viện Dòng Chúa Cứu thế tại Thái Hà đến tận những năm 1970 vẫn do Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và Dòng Chúa Cứu thế sử dụng bình thường lại bị "mượn" cho đến nay rồi giở trò cướp trắng.

Xưa nay, việc vay mượn rồi chiếm cướp, chỉ thường xảy ra với bọn cướp có đủ vũ lực. Còn với một cái gọi là "nhà nước" thì ít khi có thể hành động theo luật rừng của đám lục lâm thảo khấu như vậy.

Thế nhưng, ngay cả khi có vũ lực trong tay, đẩy nạn nhân đến chỗ cùng cực, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn không dám đưa ra một văn bản, luật lệ có tính chất đàng hoàng để cướp mà chỉ "mượn sử dụng", thì càng chứng tỏ rằng việc chiếm cướp là điếu quá bất chính, bất minh và không thể chấp nhận với đạo đức, lương tâm bất cứ ai.

Chúng ta nhớ đến câu nói của Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt ngay tại UBND Thành phố Hà Nội, trước mặt đầy đủ các văn võ bá quan của Hà Nội rằng : "Chúng tôi yêu cầu có giấy tờ về sự thay đổi. Nếu như có một toán cướp vào nhà chúng tôi, ngang nhiên ở đó không có giấy tờ gì hết, mà họ mạnh chúng tôi không đuổi ra được thì đương nhiên họ chiếm hay sao ?". Câu nói này đã tổng kết được sự bất nhân và bất chính ở những vụ việc chiếm cướp đất của Giáo hội Công giáo Việt Nam xưa nay của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Bởi vì để giữ cho bộ mặt "sạch sẽ", những hành động bất chấp luật lệ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn chỉ thường được tiến hành lén lút và trong sự bưng bít chứ không hề có bất cứ văn bản, chính sách nào được ghi bằng giấy trắng mực đen. Chính vì thế họ luôn to mồm rêu rao rằng : "Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng".

Phản ứng và trò lừa bịp tinh vi

Nếu như ở thế kỷ trước, thì việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đặt người Công giáo thành "Công dân hạng hai" là điều gần như hiển nhiên, và với một hệ thống bạo lực, tuyên truyền một chiều, cả xã hội nhìn người Công giáo Việt Nam với sự kỳ thị ghẻ lạnh đến mức cao nhất, thì khi xã hội buộc mở cửa, xa lộ thông tin hiện đại phổ cập, người Công giáo Việt Nam cũng đã bắt đầu nhận thức được quyền và vị thế của mình. Đặc biệt, bộ mặt hại dân, bán nước của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngày càng lộ rõ và không thể che giấu, biện minh.

Cả xã hội phản ứng, người Công giáo Việt Nam không còn đơn lẻ trong việc phản kháng những sự trấn áp, kỳ thị hết sức vô luân, vô lý của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Cả thế giới chú ý và ngày càng rõ nét hơn bộ mặt thật của một chế độ độc tài, vô thần, vô luân và vô pháp đang ngự trị ở Việt Nam ra sao.

Và khi đó, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng có phần dè dặt hơn, tinh vi hơn trong những chính sách và bước đi của mình đối với Giáo hội Công giáo.

cuop3

Một nhóm người Công giáo cầu nguyện bên ngoài một khu công viên bị hàng rào quây để xây dựng trên đất tranh chấp với nhà thờ hôm 23/9/2008 ở Hà Nội AFP

Những cuộc phản ứng không chỉ của Tổng Giáo phận Hà Nội mà là giáo dân cả trong và ngoài nước đã kéo sự chú ý của dư luận quốc tế đã làm cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lúng túng trong vụ cướp Tòa Khâm sứ, để phải muối mặt nhả ra làm vườn hoa công cộng như những chứng tích của sự ô nhục thời kỳ Cộng sản.

Một trong những mánh lới mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bằng mọi cách khai thác, sử dụng, đó là miếng mồi "Thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican".

Đây là một chiêu trò rất hữu hiệu đối với Tòa Thánh Vatican, vốn xưa nay vẫn chủ trương ôn hòa, hòa bình trong mọi nơi, mọi lúc. Nhất là đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, một giáo hội nhỏ nhoi mà cho đến nay vẫn là một miền đất truyền giáo với cách nghĩ đàn chiên cần được bảo vệ theo cách của mình.

Chính chiêu bài này mà gần ba chục năm nay, Tòa Thánh vẫn vướng mắc vào cái lưỡi câu khi đã trao ngọn roi quyền lực vào tay của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam khi đồng ý để nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có ý kiến trong việc bổ nhiệm, thuyên chuyển các Giám mục Việt Nam.

Vì thế, bằng nhiều trò bẩn thỉu, bất lương và sự trơ tráo, không ngại trở mặt, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã phần nào đạt được một số ý đồ không mấy lương thiện của mình đối với Giáo hội Công giáo.

Sau những cuộc phản ứng dữ dội của Giáo dân Hà Nội về vụ Tòa Khâm sứ, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã ép Vatican buộc Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt về hưu và thay vào đó là một vị Giám mục cao tuổi hơn nhiều, từ miền Đà Lạt ra quản lý Tổng Giáo phận Hà Nội. Điều này đã mở đầu "một thời kỳ mới trong Giáo hội Công giáo" như lời Đức Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã nói trong buổi đón Tổng Giáo phận phó Hà Nội Phero Nguyễn Văn Nhơn.

Kể từ khi Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn về quản trị Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, với cách hành xử và thái độ mới với nhà cầm quyền, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cho rằng "mọi sự đã hoàn thành" và vấn đề Công giáo tại Miền Bắc Việt Nam đã được giải quyết.

cuop4

Những người Công giáo đứng bên ngoài tòa nhà từng là nhà của phái đoàn Tòa thánh Vatican ở Hà Nội đã bị chính quyền lấy từ những năm 1950. Hình chụp hôm 1/2/2008 AFP

Quả vậy, người giáo dân thấy nhiều cuộc thăm viếng thân mật bất ngờ của Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã làm giáo dân ngạc nhiên như những cuộc chúc tụng không chỉ chính quyền Hà Nội là UBND như một phép ngoại giao cần có, mà còn cả Công an, thậm chí cả Ban Dân vận Trung ương… Sự ngạc nhiên đó kèm theo một ý nghĩ rằng : Có thể với tinh thần cầu thân của Tổng Giám mục mới, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ để yên ổn cho Tổng Giáo phận Hà Nội trong thời kỳ này.

Thế nhưng, vẫn là ngón đòn bẩn thỉu không thể từ bỏ, các cơ sở tôn giáo bị chiếm cướp của Tổng Giáo phận Hà Nội đến con số 150 cơ sở vẫn cứ bị chiếm cướp kinh doanh, buôn bán như thường. Thậm chí những cơ sở đó vẫn bị xóa bỏ, xây dựng và làm biến dạng để xóa dấu tích là tài sản của Giáo hội Công giáo như Bệnh viện Saint Paull, Nhà Tu kín Camelo và đặc biệt là Dòng Thánh Phaolo của các nữ tu tại 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Và những lời phản ứng yếu ớt của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội hoặc không phản ứng đã không hề có tác dụng đối với nhà cầm quyền Hà Nội. Tất cả những lời đó như bị bỏ ngoài tai và nhà cầm quyền Hà Nội vẫn tiến hành công việc phá phách, xóa bỏ dấu tích trong sự phẫn uất và chán nản của giáo dân Hà Nội, các nữ tu Dòng Phaolo vẫn bị đày đọa đủ trò man rợ và bẩn thỉu nhằm cướp tài sản đất đai của họ.

Thế rồi, khi Tòa Thánh chấp nhận đơn từ chức của Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, nhà cầm quyền Hà Nội lại ra một đòn mới là cướp và xóa bỏ dấu tích tại Trường Tràng An thuộc Tòa Tổng Giám mục Hà Nội.

Ai cũng biết rằng, việc xây dựng lại trường sở, thường chỉ được tiến hành trong mùa hè, là mùa nghỉ ngơi của học sinh. Thế nhưng, vơi cơ sở này, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tiến hành khẩn cấp đúng vào lúc giao thời nghỉ hưu của Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và bàn giao sang một Tổng Giám mục mới.

Và đây là thử thách mới đối với không chỉ Tổng Giám mục mới về quản trị Tổng Giáo phận Hà Nội, mà là với cả hàng linh mục, toàn thể giáo dân Hà Nội cũng như mọi người yêu chuộng hòa bình, công lý và sự thật ở Việt Nam.

JB Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 23/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 690 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)